Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

NGOẠI CẢM LÀ NGỤY KHOA HỌC

NGOẠI CẢM LÀ NGỤY KHOA HỌC
Phỏng vấn Đỗ Kiên Cường
Mặc dù các trung tâm tìm mộ bằng cách áp vong gây nhiều hệ lụy trong việc quản lý, nhưng chính quyền một số địa phương cho rằng đó là các hoạt động tâm linh nên không thể cấm. Theo TS Đỗ Kiên Cường, đó là một nhầm lẫn rất đáng tiếc về nội hàm của thuật ngữ tâm linh. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà khoa học kiên quyết bác bỏ cái gọi là “ngoại cảm tìm mộ”này, mời bạn đọc theo dõi.

Ông là người nổi tiếng với quan điểm xem tất cả “ngoại cảm tìm mộ” đều là lừa đảo và cần cấm giới ngoại cảm hành nghề. Ông có thể nói rõ hơn về hai quan điểm đó không? 
Tôi xin khẳng định lại, “ngoại cảm tìm mộ” là cách nói sai, do không hiểu đúng về ngoại cảm. Ngoại cảm là giác quan thứ sáu, còn khi đi tìm mộ, người ta dùng cả năm giác quan, sao lại gọi là “nhà ngoại cảm”? Đề nghị cấm hành nghề ngoại cảm thì xuất phát từ thực tế, ngoại cảm là hiện tượng gây tranh cãi, chứ không phải là một nghề như các nghề nghiệp khác trong xã hội.  

Nguyên nhân nào dẫn ông tới các quan điểm gây nhiều tranh cãi đó? 
Năm 1998, do quá ấn tượng trước thông tin trên các phương tiện truyền thông về khả năng của “nhà ngoại cảm” Nguyễn Văn Liên, tôi từng viết một bài dài đăng trên An ninh thế giới để giải thích khả năng “siêu phàm” đó bằng khoa học hiện đại. Tuy nhiên khi đọc nội dung cụ thể của bản tổng kết, tôi hoàn toàn thất vọng. Từ đó tôi trở thành kẻ thù của giới ngoại cảm Việt Nam. 

Tại sao ông thất vọng? 
Các nhà nghiên cứu nước ta hoàn toàn không hiểu ngoại cảm là gì, nên dùng phương pháp thử nghiệm tại hiện trường (field test) để đánh giá. Trong các thử nghiệm “thấy sao ghi vậy” kiểu này, tỷ lệ thành công của giới “ngoại cảm” khá cao. Tuy nhiên khi loại bỏ các ám hiệu thị giác (do ngoại cảm là giác quan thứ sáu, nên để đánh giá nó, cần loại bỏ vai trò của năm giác quan quen thuộc), tỷ lệ của ngoại cảm chỉ ngang với đoán mò. Đó là kết luận của Ủy ban điều tra khoa học các tuyên bố về hiện tượng dị thường, viết tắt theo tiếng Anh là CSICOP, được thành lập tại Mỹ năm 1976 để ngăn chặn cơn triều dâng của các hiện tượng mê tín mới (như ngoại cảm và các hiện tượng tương tự). Sáng lập CSICOP là những nhà khoa học và tư tưởng lừng danh thế giới, như Crick (giải Nobel vì cấu trúc ADN) hoặc Capitxa (nhà vật lý Nga đoạt giải Nobel). 

Cho dù nổi tiếng, nhưng họ cũng có thể mắc sai lầm, thưa ông?
Đúng vậy, khoa học không căn cứ vào mức độ nổi tiếng của các tổ chức khoa học hoặc các nhà khoa học, mà chỉ quan tâm tới bằng chứng khách quan mà thôi. CSICOP là một trong nhiều tổ chức cố gắng đi tìm bằng chứng của ngoại cảm nhưng tất cả đều thất bại. Do đó Bách khoa thư Wikipedia trên mạng viết: “Cộng đồng khoa học bác bỏ ngoại cảm do thiếu bằng chứng, thiếu lý thuyết giải thích, thiếu kỹ thuật thử nghiệm có thể cung cấp bằng chứng xác đáng và xem ngoại cảm là ngụy khoa học”.

Như vậy theo ông các tổ chức ủng hộ và lăng xê ngoại cảm nước ta cũng là ngụy khoa học?
Theo quan điểm của các tổ chức uy tín như Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (96% thành viên nghi ngờ, chỉ 4% tin ngoại cảm) hoặc Hội đồng khoa học quốc gia Mỹ thì đúng như vậy. Ông Nguyễn Phúc Giác Hải, Viện phó Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, người mở miệng là nói về linh hồn và nhập vong, hoặc ông Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng, người không biết ngoại cảm là gì nhưng rất hăng hái nghiên cứu và lăng xê giới ngoại cảm; mới đây lại nói lập mộ giả không phải là lừa đảo vì “liệt sỹ bảo thế”(!), chính là những điển hình cho sự ngụy khoa học trong nghiên cứu ngoại cảm tại nước ta.

Ngày 06/11/2013, tại một hội thảo về ngoại cảm, khi Viện trưởng Viện pháp y quân đội chứng minh hài cốt tướng Kiên do “nhà ngoại cảm” P.T.B.H. chỉ dẫn tìm kiếm chỉ là răng lợn, ông bị mời xuống. Sau đó một cựu tù Phú Quốc chỉ thẳng vào mặt ông và “hằm hằm nói những lời chỉ trích”. Ông nhận xét gì về sự kiện đó?
Theo tôi đó là sự vụ nghiêm trọng, khi niềm tin của một cá nhân thiếu hiểu biết lại ngang nhiên sỉ nhục các bằng chứng khoa học. Tuy nhiên tôi không hề ngạc nhiên khi sự phản khoa học đó xảy ra ở Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người.

Trên một trang báo mạng, vị Giáo sư Viện sĩ, Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người cho rằng “ai nói Viện chúng tôi phản khoa học thì đến hỏi người ký quyết định thành lập”. Ông có nhận định gì về ý kiến đó?
Thời gian qua, có hai nhận định đáng chú ý về viện nghiên cứu này. Một của nhà toán học nổi tiếng thế giới, Giáo sư Ngô Bảo Châu, khi ông viết trên trang facebook cá nhân ngày 28/10/2013 rằng, đó là cơ sở đi ngược với “ý chí phủ nhận mê tín” của khoa học. Một của cá nhân tôi, khi tôi khẳng định đó là một cơ sở phản khoa học hơn là khoa học.
Mê tín và phản khoa học là những lời kết án không thể nặng nề hơn đối với một tổ chức khoa học. Vậy mà ông viện trưởng không hề đưa ra một phản bác cụ thể nào mà chỉ đề nghị những ai kết án nên đi gặp người ký quyết định thành lập viện. Điều đó cho thấy có lẽ viện không đủ năng lực nội tại để tự bảo vệ mình.
Riêng tôi, tôi đang cân nhắc việc gửi bản chất vấn tới Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam về việc thành lập một viện nghiên cứu mang đầy hơi hướm mê tín như vậy.

Xin quay trở lại với thuật ngữ tâm linh. Ông cho rằng thuật ngữ này đang được dùng không chính xác?
Đúng vậy, chúng ta đang lạm dụng thuật ngữ khá nhạy cảm này. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nói với tôi rằng, bây giờ người ta mở miệng là nói đến tâm linh; và tôi tiếp lời, nhưng nếu hỏi tâm linh là gì thì có lẽ người nói không trả lời được!

Vậy tâm linh là gì, thưa ông?
Theo Từ điển tiếng Việt, do Hoàng Phê chủ biên, tâm linh có hai nghĩa: tiên tri và tinh thần (ít dùng). Còn theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, tâm linh là trí tuệ tự có bên trong lòng người. Có thể do nghĩa đầu tiên trong từ điển tiếng Việt (tiên tri) mà tâm linh được dùng theo nghĩa các hiện tượng dị thường.
Tâm linh cũng được dùng theo nghĩa tín ngưỡng, có thể do các thuật ngữ tiếng Anh spiritism (thông linh luận) hoặc spiritualism (duy linh luận), một quan niệm xem hồn người chết có thể liên lạc với người sống qua giới đồng cốt. Về mặt khoa học, đó là giả thuyết cần bác bỏ.

Phải chăng do vậy mà nhiều bạn đọc phản đối quan điểm ngoại cảm và tâm linh không có thật của ông?
Đúng vậy, khi tôi viết ngoại cảm và tâm linh không được xem là có thật, nhiều bạn đọc phản đối, vì cho rằng tôi bác bỏ tín ngưỡng. Đó là sự hiểu lầm. Khoa học chỉ bác bỏ ngoại cảm hoặc áp vong, chứ không bác bỏ tín ngưỡng.
Do đó, để thuận tiện cho việc quản lý xã hội, theo tôi nên dùng các thuật ngữ “các hoạt động tín ngưỡng” hoặc “đời sống tín ngưỡng” thay cho “các hoạt động tâm linh” hoặc “đời sống tâm linh”. Khi đó chính quyền các cấp có thể dẹp các trung tâm tìm mộ bằng áp vong mà không sợ ảnh hưởng tới đời sống tín ngưỡng của nhân dân.

Thời gian qua, tuy giới ngoại cảm bị công kích khá mạnh mẽ, những vẫn có không ít sự ủng hộ dành cho “huyền thoại ngoại cảm” Phan Thị Bích Hằng. Ông đánh giá như thế nào về việc này?
Trên tờ Hôn nhân và Pháp luật, tôi đã từng viết loạt bài vạch mặt “nhà ngoại cảm” này. Bà ta chỉ trở thành huyền thoại do những nghiên cứu phi chuẩn của mấy cơ sở ngụy khoa học mà thôi. Với tôi, đó là một kẻ lừa đảo hoặc bị tâm thần (khi tuyên bố mỗi tối nói chuyện với 4-5 vong hồn). Ngoài ra bà ta còn là kẻ báng bổ giáo lý Phật giáo, khi nhập hồn Quang Trung tại chính đại lễ cầu siêu do nhà Phật tổ chức (xin lưu ý Phật giáo không công nhận đấng sáng tạo tối cao và linh hồn bất tử).

Vậy để tăng cường sự quản lý nhà nước, theo ông chúng ta nên làm gì?
Xin nhắc lại nguyên văn đề nghị của tôi đã được đăng trên tờ Thể thao & Văn hóa ngày 02/11/2007: “Theo tôi, về mặt tư tưởng, nên đề cao chủ nghĩa duy vật và phương pháp biện chứng. Về mặt khoa học, nên đẩy mạnh tư duy phê phán và nghi ngờ. Về mặt xã hội, nên tuyên truyền sâu rộng về tác hại của “ngoại cảm tìm mộ” để người dân có thể tự bảo vệ mình. Các hoạt động đó cần được thực hiện một cách đồng bộ, cương quyết, khôn khéo và lâu dài. Sự mê tín mới không dễ đầu hàng đâu!”. Nếu thực hiện đúng những khuyến cáo đó từ sáu năm trước, làm gì có những chuyện bi hài như VTV và báo chí đã phản ảnh trong thời gian qua.
Xin cảm ơn ông.
http://viet-studies.info/kinhte/DoKienCuong_NgoaiCamNguyKhoaHoc.htm

4 nhận xét:

  1. Theo Từ điển tiếng Việt, do Hoàng Phê chủ biên, tâm linh có hai nghĩa: tiên tri và tinh thần (ít dùng). Còn theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, tâm linh là trí tuệ tự có bên trong lòng người. Có thể do nghĩa đầu tiên trong từ điển tiếng Việt (tiên tri) mà tâm linh được dùng theo nghĩa các hiện tượng dị thường.

    ---------------
    Một ông xưng là Tiến sỹ mà dùng Từ điển để định nghĩa khái niệm Tâm linh, một khái niệm đang còn gây tranh cãi, và hết sức phức tạp,thì đủ thấy trình độ nghiên cứu khoa học của ông này không hơn cậu học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông. cái mác TS chỉ lòe những kẻ ít chịu động não mà thôi! Hoặc dùng để"cả vú lấp mieejngem" thì hợp.

    Ôi các Tiến sỹ Vịt ngan!

    Trả lờiXóa
  2. "Phật giáo không công nhận đấng sáng tạo tối cao và linh hồn bất tử " - thằng cha này càng nói càng hở ra cái Ngu , nó không biết xương sống của đạo Phật là thuyết luân hồi hay sao ? Nếu linh hồn cũng "tử" cùng thể xác thì liệu còn luân hồi chuyển kiếp được chăng hả ông Cường - tiến sĩ giấy ?

    Trả lờiXóa
  3. My 96% nghi ngo, 4% tin, 0% bac bo. Vay ma ong TS nay than nhien bac bo

    Trả lờiXóa
  4. Đúng là Phật giáo không công nhận đấg ság tạo tối cao. còn về từ LINH HỒN không thấy trong một bộ kinh điển căn bản nào của Phật giáo cả.Phật giáo chỉ nói về NGHIỆP là kết quả của một đời người:hành động là nghiệp của THÂN,lời nói là nghiệp của KHẨU, ý ngĩ là nghiệp của Ý, ba nghiệp THÂN KHẨU Ý này không mất đi sau khi người đó chết, mà nó là NHÂN tạo tác nên cái QUẢ trong tương lai,phải hiểu thuyết LUÂN HỒI nhà Phật tồn tại như thế mới đúng tinh than Phật giáo.

    Trả lờiXóa