Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Khoa học và ngụy khoa học

Khoa học và ngụy khoa học:
Một vài đặc điểm và khác biệt cần biết
Nguyễn Văn Tuấn
Việc ứng dụng các nguyên lí khoa học vào mục tiêu cải thiện cuộc sống của con người có một lịch sử lâu dài. Dấu vết của ứng dụng khoa học trong đời sống con người có thể tìm thấy trong nền văn minh Lưỡng hà, tức khoảng 4500 năm trước đây, khi mà người Sumerian sáng tạo ra chữ viết, toán học, lịch, và thiên văn học để cải tiến nông nghiệp, chính trị, và tôn giáo.
Tuy nhiên việc ứng dụng phương pháp khoa học vào đời sống con người chỉ thực sự phát triển mạnh kể từ thế kỷ 14 trở đi. Có thể gọi đó là một thời kỳ cách mạng khoa học. Nói "cách mạng" cũng không ngoa, bởi vì các tư tưởng khoa học đã giải phóng con người khỏi những tăm tối (Dark Age), ở thời kỳ mà các ý thức hệ tôn giáo mộng mị thống trị niềm tin của con người qua hàng ngàn năm. Cho đến nay, ai cũng phải công nhận rằng chính khoa học xây dựng nên thế giới hiện đại. Khoa học cho chúng ta xe ô-tô, xe tăng, máy bay, điện lực, điện thoại, máy điện toán (computers), liên mạng (internet), v.v.. Khoa học giúp cho con người du hành vào mặt trăng. Khoa học góp phần làm tăng tuổi thọ của con người và con người sống lâu gấp hai lần so với 150 năm trước đây. Danh sách này có thể còn dài, nhưng thiết tưởng những lợi ích của khoa học như thế cũng đủ để thấy sự đóng góp của khoa học vào xã hội cực kỳ to lớn, và nó là một bộ phận không thiếu được trong xã hội hiện đại.

Trong những năm gần đây người ta thấy những thông tin liên quan đến khoa học (hay với danh nghĩa khoa học) và y khoa nói riêng xuất hiện trên báo chí và hệ thống truyền thông đại chúng với một tần số cao chưa bao giờ thấy trước đó. Hầu như hàng ngày, công chúng được cung cấp hàng chục bản tin về một khám phá mới nhất, hay một phát hiện có tầm cỡ, hay một thuật chữa trị tân tiến, hay một con số làm sửng sốt đến cả những người thờ ơ với khoa học. Nhiều khi, các bản tin được truyền đi với vài thay đổi về những chi tiết nhỏ, hay thậm chí những chi tiết mang tính đối nghịch nhau. Những mâu thuẫn như thế tăng theo cấp số nhân và cường độ xuất hiện của những bản tin như thế cao đến nổi người ta khó mà phân biệt được đâu là thật và đâu là giả. Nhiều khi người ta chỉ xuôi tay theo một võ đoán. Vì thế sự dồi dào của thông tin trên hình thức thực ra có thể lại là một sự nghèo nàn thông tin về bản chất.

Những loại thông tin sai lạc, huyễn hoặc đã và đang xâm chiếm vào xã hội, và có cơ may biến thành một loại "tôn giáo" mới, và chúng có thể làm cho người ta lẫn lộn giữa sự thật và hoang đường, giữa thực tế và mộng mị, giữa cái khả dĩ và cái không tưởng. Thực vậy, từ tôn giáo, thần thoại, dị đoan, chủ nghĩa thần bí, những niềm tin về Thời đại Mới (New Age), đến những tin tưởng vô lí đã và đang có mặt trong mọi thành phần xã hội. Có người sẽ nghĩ là những chuyện như thế là thuộc về thời Trung cổ, nhưng những con số thống kê gần đây cho thấy, những niềm tin phi khoa học như thế đang phát triển mạnh trong thế kỷ 20 và có thể cả thế kỷ 21. Một cuộc thăm dò ý kiến trong 1236 người Mỹ do hãng Gallup tổ chức năm 1990 cho thấy: 52% người tin vào thuật chiêm tinh, 46% tin vào tri giác ngoại cảm (ESP), 22% tin rằng có người từ một hành tinh khác ghé thăm trái đất, 42% tin rằng con người có thể liên lạc với người chết, 35% người tin rằng có quỉ, và 67% có kinh nghiệm siêu linh.

Một mẫu số chung của những thông tin loại này là những người sản sinh ra chúng thường hay dựa, hay nhân danh, vào hai chữ "khoa học". Hai chữ "khoa học" thường nhận được nhiều sự kính mến trong công chúng. Ngay cả những người dù không am hiểu nhiều về khoa học cũng thấy có một cái gì đó đặc biệt trong khoa học và phương pháp khoa học. Chỉ cần đặt hai chữ "khoa học" vào trước một lời phát biểu hay một lí lẽ là người ta cảm nhận ngay rằng đây là những phát biểu hay lí lẽ có thể tin cậy được. Một quảng cáo về một sản phẩm nào đó cho rằng đã được kiểm chứng bằng khoa học và cho thấy sản phẩm này tốt hơn các sản phẩm đang bày bán. Điều này ám chỉ rằng quảng cáo này đáng tin cậy, không còn bàn cãi gì thêm cả. Gần đây, một quảng cáo khác cho rằng các nhà khoa học tin tưởng rằng những gì viết trong Kinh Thánh là sự thật! Điều này hàm ý cho rằng nhà khoa học có uy tín và thẩm quyền trong việc thẩm định giá trị của Kinh Thánh.

Vấn đề được đặt ra là những câu hỏi tại sao: tại sao lại có những mâu thuẫn trong các thông tin liên quan đến khoa học; tại sao người ta lại tin vào những điều càn rỡ, quái đảng, phi lí; tại sao người ta lại tin vào những lí lẽ mà tên gọi của chúng thường được nhét vào hai chữ khoa học đằng trước? Trả lời những câu hỏi này không phải là một việc dễ dàng, vì có nhiều nguyên nhân cho hiện tượng trên. Nhưng một trong những nguyên nhân đó là sự lạm dụng khoa học, và nhất là tình trạng lẫn lộn giữa khoa học (science) và ngụy khoa học (pseudoscience). Đến đây thì câu hỏi được đặt ra: thế nào là khoa học và thế nào là ngụy khoa học?

Nói một cách ngắn gọn, khoa học là tập hợp những phương pháp trí tuệ và phương pháp thực tiễn dùng để diễn tả và giải thích những hiện tượng quan sát được hay suy đoán được, trong quá khứ hay hiện tại, nhằm xây dựng một hệ thống tri thức mà chúng ta có thể bác bỏ hay xác nhận được. Khoa học là một phương pháp suy nghĩ và hành động nhằm vào mục đích hiểu và cảm nhận được thế giới chung quanh một cách trực tiếp hay gián tiếp, quá khứ hay hiện tại. Những phương pháp trí tuệ bao gồm linh cảm, ước đoán, tư tưởng, giả thuyết, lí thuyết, và mô hình. Những phương pháp thực tiễn bao gồm bối cảnh của nghiên cứu, thu thập dữ kiện, hệ thống hóa dữ kiện, cộng tác cùng đồng nghiệp, thí nghiệm, tìm tòi và khám phá, phân tích thống kê, viết báo cáo khoa học, trình bày trong các hội nghị khoa học, và công bố kết quả nghiên cứu.

Khoa học dựa vào sự thật (facts). Những sự thật phải được quan sát hay thu thập bằng những phương pháp khách quan. Khoa học dựa vào những sự thật có thể thấy, có thể nghe, có thể sờ được, chứ không dựa vào kinh nghiệm cá nhân hay suy luận theo cảm tính. Điều quan trọng và cần thiết trong khoa học là không chỉ sự thật, mà là sự thật có liên quan đến vấn đề đang được điều tra. Những sự thật này phải được thu thập (i) có tổ chức, trực tiếp, và khách quan; (ii) độc lập với lí thuyết; và (iii) một cách tin cậy để làm nền tảng cho suy luận.

Tuy nhiên, cũng như mọi hiện tượng khác, phát triển của khoa học thường phải đi đôi với một phong trào khoa học giả tạo, hay ngụy khoa học. Ngụy khoa học cũng giống như ngụy biện, tức là những phát biểu của ngụy khoa học thường là những lí lẽ mà bề ngoài xem ra có vẻ đúng, hợp lí, nhưng sự thật là sai, để rút ra những kết luận xuyên tạc sự thật.

Thực ra, đối với giới chuyên môn và khoa bảng, họ không quan tâm đến ngụy khoa học vì họ cho đó là những trò chơi giải trí, và họ xem những người làm việc theo ngụy khoa học là những diễn viên múa rối lố bịch có chức năng chính là đóng hài kịch cho xã hội mua vui. Nhưng thiết tưởng đó là một thái độ thụ động, và hậu quả có thể rất xấu, vì ngụy khoa học có thể trở nên cực kỳ nguy hiểm. Trong quá khứ, ngụy khoa học đã từng xâm nhập vào chính trị và gây ra nhiều cuộc tàn sát đẩm máu (như trong thời Hitler và thuyết siêu chủng tộc). Ngụy khoa học còn có thể xâm nhập vào học đường và có thể làm băng hoại con em chúng ta. Ngụy khoa học, vì tính đơn giản của nó, còn làm cho chúng ta trở nên nô lệ với những cái tầm thường.

Vì thế một trong những kỹ năng của một công dân trong xã hội dân chủ hiện đại là cần phải phân biệt đâu là những giá trị thuộc về khoa học và đâu là những giá trị thuộc phạm trù ngụy khoa học. Vả lại, một công chúng hiểu biết khoa học và công nghệ, cùng với những hạn chế và ý nghĩa của khoa học, sẽ là một lực lượng hùng hậu để bẻ gẫy những ngụy biện của giới ngụy khoa học. Nhưng làm thế nào để phân biệt được khoa học với ngụy khoa học? Việc trước tiên là chúng ta phải định nghĩa thế nào là khoa học chân chính (mà trong bài viết này sẽ đề cập là "khoa học"). Trong quá khứ đã có quá nhiều học giả viết và tranh luận về một truyền thống văn hóa mà người ta gọi là khoa học. Những tác giả lừng danh như Eddington, Popper, Kuhn, Cohen, Losee, Woolgar ... đã từng viết nhiều về lịch sử và đặc tính của khoa học. Ở đây, người viết bài này không muốn lập lại những điều đã có trong sách giáo khoa, mà chỉ muốn đưa ra một vài đặc tính mà ai cũng có thể nhận thấy được thế nào là khoa học và thế nào là ngụy khoa học.

Nhận dạng là phương cách xác thực nhất để phân biệt khoa học với nguỵ khoa học, nhận dạng càng nhiều càng tốt, những gì thực và đối chiếu với những gì giả tạo. Khi người phát biểu nói "biết khoa học", điều này không có nghĩa là người đó chỉ biết những dữ kiện khoa học (ví dụ như khoảng cách giữa trái đất và mặt trời, tuổi của trái đất, phân biệt giữa loài động vật có vú và loài bò sát, v.v.), mà phải biết về bản chất của khoa học, tức là những tiêu chuẩn về bằng chứng, kế hoạch tiến hành một thí nghiệm có ý nghĩa, xem xét và cân nhắc những tình huống khác nhau, việc thử nghiệm giả thuyết, củng cố hay đề ra một lí thuyết, v.v. Nói tóm lại là biết những khía cạnh về phương pháp khoa học mà các nhà khoa học dùng chúng để rút ra những kết luận chính xác, đáng tin cậy, và có ý nghĩa về những hiện tượng chung quanh chúng ta.

Do đó, cần phải xem xét những dấu ấn của ngụy khoa học. Sự vá lấp những sự thật bằng những điều huyễn hoặc và vô duyên là những điều rất dễ dàng nhận dạng. Trong quá khứ, đã có nhiều người viết về những đặc tính của ngụy khoa học để cảnh báo học sinh và sinh viên, nhưng thiết tưởng trong các tác giả đó, Tiến sĩ Rory Coker, giáo sư Vật lí thuộc Trường Đại học Texas (Austin), là một trong những người đã làm một cách đầy đủ nhất. Trong một bài viết ngắn, "Distinguishing science and pseudoscience", Giáo sư Coker đã thống kê những đặc điểm của ngụy khoa học một cách xúc tích nhưng dễ hiểu. Bài viết này, một phần lớn, dựa vào những ý của Giáo sư Coker, nhưng thêm vào đó là những nhận thức riêng của người viết qua kinh nghiệm cá nhân.

Cần nói thêm là những đặc tính của ngụy khoa học được trình bày dưới đây không phải là một danh sách đầy đủ, nhưng ít ra chúng ta cũng có một ý niệm khá rõ ràng về giới làm công tác khoa học. Nếu một hay một số đặc tính này hiện diện trong bất cứ một tài liệu nào thì đó là triệu chứng của ngụy khoa học. Mặt khác, nếu một tài liệu không có những đặc tính đó vẫn có thể là một ngụy khoa học, bởi vì nhà ngụy khoa học có thể đã sáng chế ra một cách thức mới để lường gạt chính họ. Những đặc tính dưới đây là một số điều kiện đủ, hơn là những điều kiện cần, để nhận diện ngụy khoa học.
  • Thứ nhất, giới ngụy khoa học thường có khuynh hướng lãnh đạm, thờ ơ trước sự thật và cơ sở lập luận. Chúng ta biết rằng những nhà viết tiểu thuyết hay sáng chế ra những "sự thật ma" – những "sự thật" mà Norman Mailer gọi một cách dí dỏm và văn chương là "factoid" (tức giống-sự-thật), mà không cần phải đi đâu xa để tìm hiểu thực tế ra làm sao. Ấy thế mà cái cách làm việc của những nhà viết tiểu thuyết đó lại được giới làm ngụy khoa học trân trọng. Nhà ngụy khoa học chẳng cần tốn công đi vào thực tế để thu thập dữ kiện (data) thật mà chỉ đưa ra những dữ kiện ma, và từ đó đúc kết thành kết luận. Một khi đã có kết luận, họ cũng chẳng cần phải duyệt lại kết luận đó đúng hay sai. Các sách về khoa học luôn luôn được cập nhật hóa đều đặn, chiếu theo những dữ kiện mới; ngược lại sách của giới ngụy khoa học thì chẳng bao giờ thay đổi, cứ hết tháng này sang năm nọ, vẫn những dữ kiện ma, vẫn những kết luận cứng như đá.
  • Thứ hai, những "nghiên cứu" ngụy khoa học hầu như lúc nào cũng mang tính rời rạc, chấp nối. Tức là, nhà ngụy khoa học chỉ cắt xén một mớ bản tin trong các tờ báo dành cho công chúng, thu thập những tin đồn, đọc những tài liệu ngụy khoa học khác, hay trích dẫn từ kinh thánh hay những chuyện thần thoại. Họ cũng chẳng thèm tốn công kiểm tra nguồn gốc và tính chính xác của tài liệu mà họ dùng. Nhà ngụy khoa học hầu như không bao giờ làm những cuộc điều tra khoa học cho có hệ thống và độc lập trước khi kết luận, mà thường hay kết luận trước khi thu thập dữ kiện.
  • Thứ ba, giới làm ngụy khoa học thường bắt đầu bằng một giả thuyết cảm tính, hay một giả thuyết có thể làm hấp dẫn và kích động công chúng. Rồi từ đó, họ tìm những tin tức, dữ kiện – bất cứ dữ kiện nào – để làm nền tảng cho niềm tin của họ. Họ sẵn sàng bỏ qua những bằng chứng nào mâu thuẫn với niềm tin của họ. Nói rõ hơn, giới làm ngụy khoa học cố gắng hợp lí hóa những niềm tin của họ, chứ không màng đến những điều tra và tìm hiểu sự kiện một cách nghiêm túc, và cũng chẳng cần phải cân nhắc những tình huống khả dĩ khác nhau. Giới làm ngụy khoa học rất thiếu kiên nhẫn, lúc nào họ cũng nhấp nhỏm nhảy đến kết luận mà họ đã có sẵn từ trước, và sẵn sàng nghiền nát những trục ý thức hệ khác mình.
  • Thứ tư, ngụy khoa học hoàn toàn không quan tâm đến những tiêu chuẩn về bằng chứng. Đối với giới làm ngụy khoa học, họ không cần biết và chẳng cần làm những thử nghiệm có ý thức và có phương pháp để thu thập dữ kiện; thay vào đó, họ dựa vào những nguồn tin không ai kiểm chứng được, những đồn đại, những câu chuyện không có nguồn gốc rõ ràng, và giai thoại mơ hồ. Họ không muốn và ít khi nào đề cập đến những tài liệu khoa học xác thực trong các tập san khoa học chuyên môn. Nói chung, giới làm ngụy khoa học không bao giờ trưng bày những bằng chứng khoa học với những tiêu chuẩn khắc khe để làm nền tảng cho những phát biểu của họ.
  • Thứ năm, ngụy khoa học dựa vào những giá trị chủ quan. Trong mỗi giai đoạn phát triển thế giới, con người có khuynh hướng thích một phương pháp thu thập kiến thức để tìm hiểu thế giới chung quanh mình. Có một thời (trước khi khoa học ra đời) người ta thường hay dựa vào ý kiến của những người có thẩm quyền, như Jesus chẳng hạn, để giải thích sự kiện. Ngày nay, phương pháp thông dụng nhất, ít ra là trong thế giới văn minh, là phương pháp khoa học, và theo phương pháp này, người ta chỉ có thể phán xét dựa vào dữ kiện được thu thập một cách khách quan. Ông Nguyễn xức dầu lên đầu và hết nhức đầu. Đối với ngụy khoa học, dầu đó có công hiệu chữa chứng nhức đầu. Đối với khoa học, sự kiện trên không có ý nghĩa gì cả, bởi vì đó không phải là một thử nghiệm. Có nhiều sự kiện xảy ra khi ông Nguyễn hết nhức đầu: trăng tròn, một con chim bay ngang đầu, cửa sổ mở, ông Nguyễn mặc áo màu đỏ, v.v. – và chứng nhức đầu của ông Nguyễn chắc sẽ tự nhiên hết mà không có một sự kiện gì ảnh hưởng cả. Một cuộc thử nghiệm lâm sàng có thể sẽ phân chia những bệnh nhân bị chứng nhức đầu thành hai nhóm (một được điều trị bằng thuốc A và một nhóm không được điều trị) nhưng trong cùng hoàn cảnh, và thu thập dữ kiện để so sánh.
  • Thứ sáu, ngụy khoa học đơn giản hóa vấn đề đến một độ ngớ ngẩn. Đối với họ, những lí thuyết không có giá trị vì lí thuyết thường phức tạp và trừu tượng mà họ có khi không cách gì hiểu được. Thành ra, họ tìm mọi cách đơn giản hóa vấn đề thành những trắng/đen, có/không, đúng/sai, bạn/thù, và từ đó khái quát hóa cho xã hội. Bởi vì họ chủ trương đơn giản hóa vấn đề, nên giới ngụy khoa học thường dựa vào những thông tin không đầy đủ về thiên nhiên, hơn là dựa vào những gì mà người ta biết được hiện tại. Một con số ở một vùng cao nguyên Việt Nam có thể khái quát hóa cho cả nước Việt Nam, và họ hài lòng với một nhận định như thế. Họ sẵn sàng tuyên bố những điều giật gân, đề ra những lí thuyết quái dị trái ngược lại với những gì mà chúng ta biết về thiên nhiên. Nếu ông Nguyễn nhìn thấy một vật lạ bay trên bầu trời mà ông không biết nó là gì thì cách tốt nhất là ông chỉ phát biểu y như thế. Nhưng đối với ngụy khoa học, họ sẽ dùng quan sát này của ông Nguyễn để làm bằng chứng cho rằng có những chiếc máy bay từ hành tinh khác!
  • Thứ bảy, ngụy khoa học không bao giờ dám đưa những phát biểu của họ vào môi trường thử nghiệm. John Stuart Mill từng nói "Nếu có một khoa học mà tôi có thể đề xướng, tôi nghĩ đó là khoa học của khoa học, tức là khoa học nghiên cứu, hay phương pháp." Phương pháp khoa học ở đây là phương pháp nghiên cứu, thử nghiệm, và suy luận. Trong khoa học chân chính, mọi lí thuyết, giả thiết, ý kiến đều phải được thử nghiệm trước khi đưa ra kết luận. Nhưng đối với giới làm ngụy khoa học, thử nghiệm là một điều xa lạ, họ ít hay không khi nào làm những thí nghiệm, điều tra cẩn thận, có phương pháp để tự thuyết phục họ. Thay vào đó, họ thích phớt lờ đi những kết quả nghiên cứu do các nhà khoa học thật khác tiến hành. Nếu một nhà ngụy khoa học nhận là đã tiến hành một thử nghiệm, các nhà ngụy khoa học khác không khi nào lặp lại nghiên cứu đó, nhất là khi kết quả của nghiên cứu nguyên thủy bị "mất" hay "trong tình trạng chất vấn". Ngay cả chính họ, giới ngụy khoa học, cũng không màng lặp lại thử nghiệm của chính mình.
  • Thứ tám, ngụy khoa học không cần biết đến phân tích thống kê. Những sự kiện xảy ra hàng ngày, dù là bệnh tật, mức độ ô nhiễm môi trường, hay mức độ trồi sụt của thị trường kinh tế, không bao giờ bất biến, mà luôn thay đổi theo thời gian, theo môi trường, và các yếu tố ngẫu nhiên. Do đó khi thu thập dữ kiện, người làm khoa học chân chính phải cân nhắc kỹ càng những khía cạnh như số lượng dữ kiện, thời gian theo dõi, và những yếu tố liên quan. Một khi đã có những dữ kiện này, nhà nghiên cứu phải dùng các phương pháp thống kê để phân tích xác định xem bao nhiêu mức độ biến chuyển của những dữ kiện đó là do các yếu tố ngẫu nhiên gây nên, và bao nhiêu là do các yếu tố không ngẫu nhiên tạo thành; từ đó, nhà nghiên cứu mới dám đưa ra một nhận xét hay một kết luận mà các yếu tố ngẫu nhiên đã được loại bỏ. Nhưng đối với những người hành nghề ngụy khoa học, chỉ một bằng chứng là đủ, không cần phải thu thập thêm bằng chứng; hay có thu thập thêm, nhưng họ không màng đến phân tích dữ kiện bằng các phương pháp toán học và thống kê học, vì họ cho rằng những phương pháp này quá … phức tạp. Thực ra, họ cũng chẳng biết đến những nguyên tắc để thẩm định dữ kiện, nên nếu vớ được một mẫu tin nào là dùng ngay mà không cần xem xét nó đúng hay sai.
  • Thứ chín, ngụy khoa học thường thích dựa vào ý kiến của những người mà họ cho là có thẩm quyền (trong tiếng Anh cái này gọi là "appeal to authority"). Trong khoa học chân chính, trích dẫn ý kiến người khác hay tham khảo tài liệu nghiên cứu của những người đi trước là nhằm tạo thêm nền tảng cho lập luận, để so sánh và cân nhắc, và ghi nhận đóng góp của họ. Nhưng trong giới ngụy khoa học, việc trích dẫn thường được lạm dụng như là một sự đe dọa, một loại lạm dụng quyền lực. Một người học về kỹ thuật cũng có thể chấp nhận là một chuyên gia trong y học, nghiên cứu khoa học. Nếu bí quá không có bằng chứng gì rõ ràng, giới ngụy khoa học bèn giải thích bằng những âm mưu huyền bí nào đó. Tại sao Giáo sư A không bàn về đề tài X nhỉ? À, theo giới ngụy khoa học, vì ông ta đồng loã với chính quyền để dấu nhẹm vấn đề! Nhưng họ không cần biết Giáo sư A không phải là chuyên viên về đề tài X. Một cách suy bụng ta ra bụng người!
  • Thứ mười, ngụy khoa học có xu hướng giải thích theo kiểu "tùy cơ ứng biến." Bởi vì giới làm ngụy khoa học không bao giờ phát triển được một lí thuyết có nền tảng dựa vào sự thật, tiêu chuẩn, nên họ luôn diễn dịch sự kiện tùy theo từng hoàn cảnh và thậm chí theo từng nền văn hóa. Một câu nói trong Kinh Thánh có thể được diễn dịch tùy theo người muốn hiểu nó, và áp dụng tùy theo trường hợp. Một con số 9/11 ở Mỹ có thể diễn dịch thành 11/9 ở Âu châu hay Úc châu để cho ra những suy luận càn rỡ, huyền bí về khủng bố. Ngoài ra, giới ngụy khoa học chỉ cho chúng ta một câu chuyện, và chỉ là một câu chuyện; họ không mô tả những tiến trình khả dĩ cho câu chuyện. Ví dụ như nhà ngụy khoa học Velikovski tuyên bố rằng một hành tinh khác đang tiến gần đến trái đất và sẽ làm cho trái đất đảo ngược, nhưng ông ta không giải thích tại sao.
Từ những đặc điểm trên, người ta có thể rút ra một số khác biệt giữa khoa học và ngụy khoa học như sau:
Khoa học
Ngụy khoa học
Tất cả những phát hiện, khám phá của khoa học được lưu truyền chủ yếu trong các tập san chuyên khoa, những tập san này được giới chuyên môn quản lí và điều hành. Các báo cáo được chấp nhận công bố trong các tập san này đều được qua ít nhất là ba đồng nghiệp kiểm tra về sự chính xác và phương pháp, bằng những tiêu chuẩn khoa học, do đó phẩm chất của chúng khá cao và đáng tin cậy.
Tài liệu của ngụy khoa học chủ yếu nhắm vào công chúng. Vì nhắm vào công chúng nên giới ngụy khoa học thường đăng bài ở những tạp chí dành cho người không chuyên môn, và do đó, bài báo không có kiểm tra về phương pháp hay tính chính xác.
Mọi kết quả nghiên cứu đều phải có khả năng tái xác nhận. Nói một cách khác, giả sử có một nghiên cứu đã được công bố bởi một nhà khoa học nào đó; nếu một nhà nghiên cứu khác lặp lại nghiên cứu đó bằng những phương pháp và với điều kiện đã được mô tả, phải đạt được những kết quả tương tự.
Kết quả không có khả năng lặp lại hay kiểm tra. Mọi "nghiên cứu," nếu có, thường được mô tả một cách mù mờ, ỡm ờ, để cố tình không cho người khác biết rõ là họ đã làm gì và làm bằng cách nào.
Đối với các nhà khoa học, tất cả những thất bại đều được khai thác, xem xét kỹ lưỡng để học hỏi từ đó. Những lí thuyết sai lầm có thể cho ra những kết quả đúng nhưng ngẫu nhiên; tuy nhiên, không một lí thuyết đúng nào có thể cho ra những kết quả sai lầm.
Đối với giới làm ngụy khoa học, những thất bại thường được bỏ qua, dấu đi, hay chối bỏ.
Thuyết phục bằng bằng chứng, bằng lí luận dựa vào logic hay lập luận của toán học, bằng cách dựa vào dữ kiện, không đi ra ngoài dữ kiện.
Thuyết phục bằng niềm tin và sự trung thành. Ngụy khoa học có một yếu tố tôn giáo; nó cố gắng cải đạo, chứ không thuyết phục. Nó đòi hỏi người ta phải tin, mặc kệ cho sự thật có đi ngược lại niềm tin.
Theo thời gian, các nhà khoa học tìm tòi và học hỏi thêm và duyệt lại những kết luận hay lí thuyết cũ. Một khi bằng chứng mới mâu thuẫn với bằng chứng cũ, bằng chứng cũ sẽ bị thay thế.
Không tiến bộ, lí thuyết và kết luận không bao giờ được thay đổi. Ý tưởng cũ không bao giờ được bỏ bất kể bằng chứng mới ra sao.
Không nhắm vào danh vọng và thị trường kinh tế hay chính trị.
Giới ngụy khoa học sống nhờ vào việc buôn bán những sản phẩm đáng ngờ (sách, báo, dầu ăn, v.v.) hay xuất hiện trên đài phát thanh, đài phát hình để tìm đến danh vọng và ủng hộ chính trị.
Danh sách so sánh này có thể còn kéo dài vô tận, bởi vì giữa khoa học và ngụy khoa học không có một điểm nào tương đồng với nhau, nó giống như hai con đường song song không bao giờ gặp nhau. Trong việc tìm hiểu và học hỏi về thiên nhiên, khoa học và ngụy biện khoa học là hai phương pháp đối nghịch nhau. Khoa học đòi hỏi những phương pháp tìm hiểu nghiêm túc, có trình tự, khó khăn, tự chất vấn, và suy luận theo logic, theo lí trí, và đạo đức khoa học làm cho nhà khoa học rất khó bị nhầm lẫn trước sự thật. Ngụy khoa học thì ngược lại, luôn luôn gìn giữ những giá trị lỗi thời, phi lí, chủ quan, và phi đạo đức khoa học hàng ngàn năm trước khi khoa học ra đời. Ngụy khoa học khuyến khích người ta tin vào bất cứ cái gì mà người ta cảm thấy cần phải tin. Ngụy khoa học sẵn sàng cung cấp những "bằng chứng" cho những tín đồ như thế để họ lầm tưởng rằng niềm tin của họ là khoa học, là chân lí. Khoa học bắt đầu bằng một phát biểu đơn giản là "Hãy bỏ qua và quên hết những gì chúng ta tin tưởng vào, và cố gắng điều tra, tìm hiểu xem sự thật là gì."
Một số nhầm lẫn giữa khoa học và ngụy khoa học còn do sự nhập nhằng về danh xưng của người làm khoa học. Một khi một nhà khoa học thật sự không còn làm nghiên cứu khoa học nữa, ông/bà ta sẽ không còn là "nhà khoa học". Tình trạng khốn nạn hiện nay là lưu lượng những cuốn sách, những bài báo, những tuyên bố dựa vào khoa học giả tạo tràn ngập thị trường chữ nghĩa. Một số tác giả của những "tác phẩm" này lại là những nhà khoa học thật. Tuy nhiên họ lại "nhảy rào" sang một lĩnh vực nghiên cứu khác mà họ chưa từng được huấn luyện hay không có kiến thức sâu. Chẳng hạn như nếu một kỹ sư điện tuyên bố rằng ông đã tìm ra mối quan hệ giữa dioxin và sức khỏe thì người kỹ sư đó đã làm ngụy khoa học. Tương tự, những người sáng chế dữ kiện giả, những người dấu số liệu không phù hợp với quan điểm của họ, những người từ chối không cho người khác xem xét số liệu của mình, v.v. cũng là những nhà ngụy khoa học.
Trong cộng đồng chúng ta, ngụy khoa học cực kỳ phổ biến. Chỉ cần nhìn qua những mẫu quảng cáo trên báo chí và đài truyền thanh hay truyền hình tiếng Việt về các sản phẩm được viết bằng những mỹ từ hứa hẹn trị đủ thứ bệnh tật từ ung thư, tiểu đường, bệnh tim mạch, đến nâng cao khả năng tình dục thì ai cũng biết vấn đề này lớn biết là dường nào. Ngoài những quảng cáo ngớ ngẩn như thế, còn có một ngụy khoa học khác, tinh vi hơn, được xuất hiện qua những lời tuyên bố, phát biểu mà tác giả của chúng thường được trịnh trọng giới thiệu là những "nhà khoa học". Những "nhà khoa học" này có khi rất nổi tiếng trong cộng đồng, không hẳn vì họ có thực tài, mà vì họ biết lợi dụng hệ thống truyền thanh để đánh động vào công chúng những điều đơn giản, dễ nghe, và dễ xúc động. Công chúng sẽ rất thờ ơ trước một phát hiện mới về DNA hay di truyền học, nhưng họ sẽ đặc biệt chú tâm đến những lời phát biểu về ô nhiễm thực phẩm, hay những tuyên bố giật gân kiểu như chúng ta đang bị đầu độc. Những con số thống kê được trích dẫn càng làm tăng vẻ đạo mạo của khoa học trước một khán thính giả mà khả năng cảm nhận của họ về những con số này chưa chắc hơn khả năng của chính người trích dẫn.
Trong những ngày gần đây, dự luận trong cộng đồng người Việt hải ngoại rất quan tâm đến những phát biểu của hai ông Mai Thanh Truyết và Nguyễn Minh Quang chung quanh vấn đề thực phẩm Việt Nam và dioxin. Trong báo Orange County Register, hai ông tuyên bố rằng thực phẩm nhập cảng từ Việt Nam bị nhiễm độc chất, nhưng trong báo chí Việt ngữ hai ông từ chối rằng đó không phải là lời phát biểu của hai ông mà chỉ là một hiểu lầm của ký giả. Tuy nhiên báo Orange County Register vẫn chưa có lời đính chính. Trong một bài viết trên nhật báo Người Việt và cũng là một trả lời cho những chất vấn của tôi liên quan đến vấn đề này, hai ông đã trích dẫn một số số liệu thiếu trung thực, và hiểu lầm các dữ kiện khoa học. Tuy nhiên, điểm qua một số bài "nghiên cứu" mà hai ông đề nghị người đọc nên tham khảo trên trang nhà (webpage) của Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (www.vastvn.org), và những trao đổi với người viết bài này trước công chúng, tôi thấy có một vài đặc điểm đáng chú ý:
  • Thứ nhất, hai ông chưa bao giờ tiến hành những cuộc nghiên cứu nghiêm túc ở Việt Nam để thu thập đầy đủ bằng chứng, nhưng lại hăng hái phát biểu về môi trường Việt Nam. Đọc qua những bài viết của hai tác giả này, chúng ta thấy họ dựa vào, một phần rất lớn, các bản tin rời rạc từ báo Lao Động, hayNhân Dân, xuất bản ở Việt Nam và có trên internet (www.laodong.com.vnhay www.nhandan.org.vn) để làm dữ kiện. Họ hầu như không tham khảo những nghiên cứu về dioxin ở Việt Nam trong các tạp chí y học hiện đang được lưu hành trong mọi thư viện đại học, hay có tham khảo nhưng hiểu sai ý chính của bài viết. Tất nhiên, những tin tức trên những tờ báo như thế không thể là bằng chứng khoa học, vì chưa ai xác định được sự chính xác của những tin tức đó như thế nào. Các ký giả không phải là nhà khoa học chuyên nghiệp, nên họ không đủ khả năng để kiểm chứng số liệu khoa học.
Ngay cả khi đưa ra những con số để biện minh cho niềm tin của mình, hai ông hầu như chỉ dựa vào những nghiên cứu sơ bộ. Thật vậy, những con số thống kê của công ty Hatfield (Canada), của Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang (Hà Nội) không phải là những nghiên cứu chính thức có qui mô để dùng được cho việc nhận định hay hình thành một quan điểm. Những nghiên cứu như thế có mục tiêu chính là làm cơ sở để thiết kế một nghiên cứu qui mô hơn, hay để thẩm định xem một nghiên cứu lớn hơn có thể tiến hành được hay không. Chẳng hạn như một nghiên cứu sơ bộ mà một nhà khoa học Việt Nam và một nhà khoa học Thụy Điển mới vừa công bố (Impact of chemical warfare with agent orange on women's reproductive lives in Vietnam: a pilot study, đăng trong Tập san Reprod Health Matters năm 2001; số 9(18), trang 156-64), họ cho thấy trong 30 gia đình mà họ nghiên cứu, tỉ lệ trẻ em bị dị tật, tỉ lệ sẩy thai, sinh sớm (premature births) trong những người cha hay mẹ bị ảnh hưởng Agent Orange cao (nguyên văn: "The women had had a high number of miscarriages and premature births. About two-thirds of their children had congenital malformations or developed disabilities within the first years of life.") Có thể lấy nghiên cứu này để cho rằng Agent Orange có liên quan đến những bệnh tật hay triệu chứng trên đây hay không? Đối với khoa học: không. Lí do đơn giản là đây chỉ là một nghiên cứu sơ bộ, kết quả của nó không cho phép nhà khoa học khái quát hóa cho một cộng đồng hay phát triển một thuyết nào cả. Bất cứ ai làm trong nghiên cứu khoa học đều có cái kiến thức sơ đẳng này.
  • Thứ hai, những bài viết của hai ông Mai Thanh Truyết và Nguyễn Minh Quang được quảng cáo như là những "nghiên cứu khoa học" nhưng trong thực tế thì không phải như thế. Đọc qua những bài viết này của hai ông, người đọc sẽ nhận ra ngay một đặc điểm chính là chúng không tuân thủ theo một cấu trúc thông thường của một bài báo nghiên cứu khoa học. Có thể nói những bài viết "nghiên cứu khoa học" của hai ông chỉ là những tạp ghi. Những tạp ghi không có đầu, mà có khi cũng chẳng có đuôi, làm cho người đọc không hiểu họ viết về vấn đề gì và tại sao họ viết. Tôi sẽ phân tích vấn đề này trong một bài viết khác.
  • Thứ ba, trích dẫn tùy tiện, và sẵn sàng bỏ qua những bằng chứng nào mâu thuẫn với niềm tin của họ. Trong một bài viết trước, tôi đã chỉ ra cách trích dẫn một cách chọn lựa những con số trong bài báo của Giáo sư Morcacelli để biện minh cho ý kiến rằng dioxin không có ảnh hưởng đến tỉ lệ sinh trai:gái (1). Ngay cả những con số và biểu đồ mà hai ông trích lại đăng trên các bài viết của mình, hai ông cũng không màng cung cấp xuất xứ. Một đơn cử nữa về sự tuỳ tiện là trong một bài "nghiên cứu" khác của ông Mai Thanh Truyết (3) cụm từ "AML- acute myelogenous leukemia" (nguyên trích) được dịch là "Bệnh bạch cầu cột sống cấp tính" mà lẽ ra phải là Bệnh bạch cầu cấp thể tuỷ (4). Đây không những là một cách làm việc hết sức ngụy khoa học mà còn thiếu thành thật tri thức.
  • Thứ tư, hai tác giả này tỏ vẻ rất dễ dãi với những bằng chứng của họ, và từ đó có nhận xét sai với thực tế. Chẳng hạn như trong bài "Dioxin: việc tái thẩm định mức độc hại", (2) ông Mai Thanh Truyết viết: "Cho đến nay, các khoa học gia vẫn chưa đồng ý rằng TCDD (hay dioxin) là nguyên nhân gây ra nguy cơ ung thư; và đây là điểm bất đồng mấu chốt trong vấn nạn dioxins." Đọc câu này, người ta phải hỏi nếu quả thật chưa đồng ý về tác hại thì sao lại là "vấn nạn" nhỉ? Nó còn biểu hiện một cách phát biểu đơn giản: có nhiều dạng ung thư, vậy thì câu phát biểu trên đề cập đến loại ung thư nào? Sự thật là các nhà nghiên cứu (5) đã có đầy đủ bằng chứng khoa học để kết luận rằng dioxin trực tiếp gây ra các bệnh sau đây: Soft-tissue sarcoma, Non-Hodgkin's lymphoma, bệnh Hodgkin, và bệnh ban clor (chloracne). Nhưng họ chưa có đầy đủ bằng chứng để kết luận về mối quan hệ giữa dioxin và một số bệnh ung thư khác, trong đó có ung thư hệ thống hô hấp (phổi, thanh quản, khí quản), ung thư tuyến tiền liệt (prostate cancer), myeloma, một số bệnh thần kinh cấp tính, và bệnh nứt đốt sống (spina bifida).
  • Thứ năm, vì thiếu dữ kiện và dễ dãi với dữ kiện nên những nhận xét của họ thường rất chủ quan, thậm chí phi logic. Tiêu biểu cho cách làm việc này là bài viết "Kết quả phân tích nước ở Việt Nam," (2) mà trong đó tác giả viết về kết quả phân tích nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, như sau "Tuy chưa hoàn tất cuộc khảo sát, nhưng các kết quả phân tích ban đầu cho thấy vùng ĐBSCL đã bắt đầu bị nhiễm arsenic. Tuy mức độ nhiễm vẫn còn nằm trong tiêu chuẩn chấp nhận, nhưng dù sao sự hiện diện của nguyên tố này là một chỉ dấu báo hiệu cho một thảm nạn (calamity) sắp xảy ra cho ĐBSCL (nồng độ trung bình của arsenic trong các vùng nầy tương đương với nhau là 10ug/L)." Có lẽ những ai có chút ý thức sẽ ngạc nhiên về cách nhận xét cực kỳ cảm tính và thiếu bằng chứng này. Những mệnh đề bắt đầu bằng "Tuy" và "nhưng" nó còn cho thấy tác giả cực kỳ chủ quan. Kết quả phân tích chưa xong, mức độ còn nằm trong "tiêu chuẩn chấp nhận" (là bao nhiêu?) và chưa biết chính xác cỡ nào mà đã hô hoán là "thảm nạn"! Thật là không còn gì phi lí hơn.
  • Thứ sáu, ông Mai Thanh Truyết có khuynh hướng và thích đơn giản hóa vấn đề. Chỉ thử nghiệm một vài mẫu nước tuy chưa có kết quả gì đáng báo động, nhưng ông đã vội vàng tiên đoán cho tương lai. Đây là một lạm dụng sơ đẳng trong khoa học, bởi vì theo một nguyên tắc căn bản, nhà khoa học chỉ có quyền phát biểu những gì nằm trong giới hạn của số liệu, và nhất là cân chắc với những giả định đằng sau cách tính. Nếu một nghiên cứu chỉ thu thập số liệu trong những người thuộc độ tuổi 50 đến 60 thì nhà nghiên cứu chỉ có quyền phát biểu trong độ tuổi đó, và không thể tiên đoán cho những người ở độ tuổi 70 hay 40.
  • Thứ bảy, hai tác giả chưa bao giờ công bố những "nghiên cứu" của họ trong các diễn đàn khoa học chuyên môn để đồng nghiệp có thể kiểm tra phương pháp và dữ kiện của họ. Truy nhập trong hệ thống Medline, người ta sẽ chẳng tìm được tên tuổi hai tác giả này hay những công trình nghiên cứu của họ. Ngay cả những bài viết gọi là "khoa học" cho các báo dành cho công chúng, hai ông chưa bao giờ mô tả cách nghiên cứu một cách rõ ràng, mà rất mù mờ đến độ không ai hiểu được hai ông đã thực sự làm gì. (Nếu có dịp, tôi sẽ phân tích những bài viết này trong một bài sau để phân biệt thế nào là một báo cáo khoa học và thế nào là một báo cáo phi khoa học.)
  • Thứ tám, những phát biểu của hai ông chưa bao giờ được kiểm chứng bằng thống kê học. Chỉ tuyên bố một con số nào đó, và thôi. Tức là, người ta không biết mức độ biến thiên của con số đó như thế nào, nó được tính toán ra sao, từ bao nhiêu mẫu. Hai ông tuyên bố "Chúng tôi làm một việc mà từ trước đến nay chưa có ai làm, đó là so sánh mức độ ô nhiễm Dioxin ở Việt Nam với các nơi bị ô nhiễm khác trên thế giới." Nhưng trong tất cả các so sánh của hai ông không có ý nghĩa khoa học gì cả, vì các số liệu không được phân tích hay so sánh bằng các phương pháp thống kê học hiện hành. Không thể so sánh hai con số trung bình, hay một con số trung bình với một con số ngẫu nhiên, để đi đến một kết luận được. Ngay cả cách trình bày các dữ kiện bằng biểu đồ cũng mù mờ, khó hiểu. Chẳng hạn như trong bài "Dioxin và chất độc màu da cam" (2), tác giả trình bày một biểu đồ có tựa đề là "Tình trạng sức khỏe cựu chiến binh US" nhưng người đọc chẳng biết nó có nghĩa gì, vì tác giả chẳng màng giải thích ý nghĩa của trục "y", và quan trọng hơn nữa, tác giả cũng chẳng cho biết nguồn gốc của biểu đồ này là từ đâu và ai là tác giả gốc của nó.
  • Thứ chín, hai ông có khuynh hướng trích dẫn những phát biểu của ... chính hai ông! Cách làm việc này cũng tương tự như những người hành nghề vừa là quan tòa, vừa là người lập pháp, và kiêm nhiệm luôn chức năng thi hành bản án. Đây cũng là một đặc thù của giới ngụy khoa học, vì mục đích của những người làm trong ngụy khoa học là càng dàn trải thông tin giả nhiều chừng nào tốt chừng đó. Nó còn thể hiện một một đặc tính khác của ngụy khoa học, đó là không bao giờ thay đổi ý kiến, mặc cho những bằng chứng mới.
  • Thứ mười, hai ông có khuynh hướng vá lấp dữ kiện và nhận xét kiểu "lấy râu ông này cấm cầm bà kia". Điển hình nhất cho cách làm việc này là trong bài viết "Kết quả phân tích nước ở Việt Nam" (2), sau khi trình bày một cách cực kỳ sơ sài các phân tích nước trong vài khu vực ở Việt Nam, trong phần kết luận, thay vì tác giả diễn giải những kết quả này, ông lại dùng số liệu [không rõ nguồn gốc] ở ... Bangladesh để suy luận cho tình hình ở Việt Nam! Phải nói đây là một cách viết kỳ quặc mà tôi chưa từng thấy ngay cả trong các sinh viên đại học.
Khoa học, nhà khoa học, nghiên cứu, trí thức, v.v. không phải là những phù hiệu mà ai muốn mang vào ngực thì mang, mà là những việc làm thực tiễn, những ý nghĩ hay sáng kiến mới. Muốn có những sáng kiến mới và làm nghiên cứu thực tế, nhà khoa học phải làm việc một cách gian khổ, bất vụ lợi, có khi rất lâu dài, chứ không phải những loại lao động trên máy computer và internet. Có thể ví khoa học như một cái đỉnh chót vót của sự chính trực, công bằng, và hợp lí. Nhưng cái đỉnh này nó trơn và dễ bị trượt. Người ta cần phải có một sự cố gắng tột bực mới đến gần hay đứng trên nó được, và càng phải cố gắng hơn để ở được cái vị trí đó. Một khi nhà khoa học trở nên buông lỏng hay uể oải thì việc họ trượt xuống hàng ngụy khoa học là chuyện bình thường và có thể hiểu được.
Đến đây thì quí độc giả có thể có một vài ý niệm rõ ràng về sự khác biệt giữa khoa học và ngụy khoa học, và qua đó có thể xếp những phát biểu và bài viết của hai tác giả Mai Thanh Truyết và Nguyễn Minh Quang vào loại khoa học nào. Những phát biểu của hai tác giả này, tuy không có giá trị khoa học gì cả và cũng chẳng được bất cứ ai làm khoa học nghiêm túc để tâm, nhưng chúng có thể làm cho công chúng hoang mang, và tạo một ấn tượng không tốt trong công chúng về những giá trị khoa học đích thực. Cái nguy hiểm là ở chỗ này, bởi vì, như tục ngữ ta có câu, "Con sâu làm rầu nồi canh," những việc làm của hai tác giả này – nếu không được góp ý – sẽ là một khuyến khích gián tiếp và mầm mống của một sự phát triển ngụy khoa học trong cộng đồng người Việt.
Chú thích:
  1. Xem bài "Phản trí thức và lạm dụng khoa học trong so sánh", của người viết bài này để biết thêm chi tiết, Người Việt, Tháng 1, 2002.
  2. Xin xem các bài viết "Dioxin và chất độc màu da cam," tác giả "Mai Thanh Truyết, Ph.D."; "Kết quả phân tích nước ở Việt Nam," tác giả "Mai Thanh Truyết, Ph.D."; "Dioxins: việc tái thẩm định mức độ độc hại," tác giả "Mai Thanh Truyết." Điạ chỉ www.vastvn.org/vastnc.htm, ngày truy nhập: 7 Tháng Hai, 2002.
  3. Xin xem bài "Dioxin: Từ trận giặc báo chí Sài gòn- đến báo cáo Hatfield", Mai Thanh Truyết. Điạ chỉ www.vastvn.org/vastnc.htm, ngày truy nhập: 7 Tháng Hai, 2002.
  4. Thực ra, thuật ngữ AML là viết tắt của cụm từ Acute Myeloid Leukemia (Bạch cầu cấp thể tủy) để chỉ chung cho chứng ung thư tế bào bạch cầu, do sự quá sản của tế bào dòng tuỷ trong cũng như ngoài tuỷ xương, làm cho xuất hiện một số lượng lớn bất thường tế bào dạng hạt (granulocytic forms) trong các mô khác nhau của cơ thể. Người ta cũng gọi là Granulocytic Leukemia. Nhóm này có nhiều thể gọi khác nhau: myelocytic, myeloid, myelogenic, hay myelogenous đều cùng một đặc tính chung nêu trên.
  5. "Veterans and Agent Orange : Update 2000" do Committee to Review the Health Effects in Vietnam Veterans of Exposure to Herbicides (Third Biennial Update) soạn thảo, và Institute of Medicine xuất bản năm 2001.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét