Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

"Hay, dở đều do Ngân hàng Nhà nước"

Tôi rất tán thành ý kiến của TS Ngọc trong bài viết dưới đây. TS Ngọc nói rằng nếu để tăng tổng vốn đầu tư xã hội thì chính sách tiền tệ buộc phải chạy theo bằng cách cung cấp thanh khoản, vốn cho hệ thống ngân hàng để họ có tiền mua trái phiếu Chính phủ. Tôi muốn bổ sung thêm rằng chưa cần tính số tiền NHNN cung cấp thêm, chỉ tính đến một bộ phận người dân không có tiền chi tiêu và một bộ phận khác có tiền để dành nhưng cũng không dám hay không muốn chi tiêu, mà lạm phát đã 7-8% rồi, thì khi phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động số tiền nhàn rỗi này vào chi tiêu, thì chắc chắn sẽ tăng thêm áp lực lạm phát.
"Hay, dở đều do Ngân hàng Nhà nước"
Lạm phát năm nay giữ được ở mức thấp là NHNN có sự may mắn, chứ không hẳn cho thấy tính hiệu quả của chính sách tiền tệ như tự nhận.
Ts Phan Minh Ngọc, hiện đang làm việc tại Ngân hàng Sumitomo Mitsui, chi nhánh Singapore, hy vọng triệu chứng lạm phát sẽ đến sớm trong năm 2014 và Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ sẽ phải chùn tay, siết lại chính sách tiền tệ, tài khóa.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần quan trọng giữ cho lạm phát năm nay ở mức thấp. Nhưng lại cũng có phản bác, rằng, Ngân hàng Nhà nước "ăn may" vì giá cả thế giới không tăng. Ông nghĩ sao?

TS Phan Minh Ngọc: Cái đó đúng một phần. Thêm yếu tố nữa là tổng cầu đã tăng trưởng chậm lại nên bất chấp cung tiền vẫn tăng khá mạnh trong 10 tháng qua nhưng lạm phát mới dừng lại như hiện nay, nên quả thật là Ngân hàng Nhà nước có sự may mắn ở đây, chứ không hẳn cho thấy tính hiệu quả của chính sách tiền tệ như tự nhận.

Áp lực lớn nhất của điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2014 theo ông là gì?
Đó là áp lực phải chạy theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng, phát hành trái phiếu Chính phủ, mặt khác phải kiên định với ổn định tỷ giá.
Có người nói phát hành trái phiếu Chính phủ không làm tăng áp lực lạm phát nhưng thật ra không hẳn thế. Nếu để tăng tổng vốn đầu tư xã hội thì chính sách tiền tệ buộc phải chạy theo bằng cách cung cấp thanh khoản, vốn cho hệ thống ngân hàng để họ có tiền mua trái phiếu Chính phủ.
Rồi nữa, nhiều người sốt ruột với tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp trong năm nay nên gây áp lực tăng nó lên trong thời gian còn lại của năm và năm sau. Điều này sẽ làm tăng áp lực lạm phát ngay từ đầu năm sau.
Cuối cùng, áp lực gia tăng lạm phát (làm tiền đồng lên giá thực) một bên và áp lực phá giá để hỗ trợ xuất khẩu như Thủ tướng chỉ đạo bên khác sẽ làm cho kỳ vọng phá giá càng tăng mạnh, càng gây thêm áp lực lạm phát.
Nói gọn lại, chính sách tiền tệ năm sau sẽ phải đánh vật giữa nhiều mục tiêu trái chiều nhau, vừa ổn định kinh tế vĩ mô vừa phải cấp vốn cho Chính phủ, cho nền kinh tế để chạy theo mục tiêu tăng trưởng không kém tham vọng.
Như vậy, căn bệnh kinh niên “chính sách tài khóa lấn lướt chính sách tiền tệ” có vẻ sẽ tái phát trong năm tới?
Không phải là lấn lướt, mà chính xác hơn là ép chính sách tiền tệ phải chạy theo một cách vô tình hay hữu ý. Cũng có thể do quan niệm chưa đúng và đầy đủ của những người có trách nhiệm, rằng phát hành trái phiếu Chính phủ không làm tăng áp lực lạm phát, vì thế, cho tiện lợi, người ta cứ đề xuất và rồi được phê chuẩn.
Ngân hàng Nhà nước có thể xoay sở như thế nào trong năm tới nếu chính sách tài khóa không thắt chặt?
- Tài khóa không thắt chặt có nghĩa là Chính phủ tiếp tục tăng chi tiêu và đầu tư. Sẽ không thành vấn đề nếu chỉ có duy nhất mục tiêu tăng trưởng. Nhưng sẽ thành vấn đề nếu có thêm đồng thời mục tiêu kiềm chế lạm phát. Trong trường hợp này, chính sách tiền tệ sẽ phải ngược hướng với chính sách tài khóa.
Hình dung cụ thể của ông về lạm phát năm tới là như thế nào trong bối cảnh này?
Phần lớn sẽ phụ thuộc vào hành động nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Càng nới lỏng, càng chạy theo mục tiêu tăng trưởng, theo yêu cầu cấp vốn của Chính phủ thì áp lực lạm phát càng gia tăng.
Hy vọng, triệu chứng lạm phát sẽ đến sớm trong năm và Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ sẽ phải chùn tay, siết lại chính sách tiền tệ và tài khóa của mình.
Theo ông, lãi suất năm 2014 sẽ diễn biến như thế nào?
Ngân hàng Nhà nước đã biết và xác định được cơ sở thiết lập lãi suất, đó là dựa trên lạm phát và kỳ vọng lạm phát. Bởi vậy, lạm phát năm sau sẽ phụ thuộc vào lạm phát và lạm phát kỳ vọng, đến lượt nó, lạm phát và lạm phát kỳ vọng lại phụ thuộc vào chính sách tiền tệ nới lỏng đến mức độ nào.
Các quân cờ đều nằm trong tay Ngân hàng Nhà nước, hay dở thế nào đều do Ngân hàng Nhà nước thực hiện. Và sâu xa hơn là quan điểm của những lãnh đạo cấp cao hơn. Nếu họ vẫn mang tâm lý thích tăng trưởng bằng mọi giá thì Ngân hàng Nhà nước còn phải vật lộn một cách khá vô vọng với những mục tiêu mâu thuẫn, loại trừ lẫn nhau.
Nhưng sự độc lập của Ngân hàng Nhà nước, như ông biết, chỉ là tương đối?
Vì Ngân hàng Nhà nước chỉ là một cơ quan cấp bộ, không có sự độc lập về chính sách, mục tiêu hoạt động. Kết quả là nền kinh tế sẽ còn tiếp tục bị trồi sụt trong bãi lầy chính sách.
Theo ông, có cách nào để thoát khỏi bãi lầy đó?
Không thể cầu toàn và tham lam mọi chuyện được. Phải biết điểm dừng và giới hạn, tuyệt đối cần bỏ thái độ chủ quan duy ý chí. Như vậy cần theo đuổi và chấp nhận một sự tăng trưởng vừa phải, trong những phạm vi an toàn cho phép để có được sự ổn định vĩ mô tương đối nhằm tạo điều kiện cho những cải cách và tái cơ cấu nền kinh tế hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Cái nhìn dài hạn thay cho tâm lý ứng phó, xoay sở trong ngắn hạn là cái cần thiết, cần có ở đây hiện nay.
 Xin cảm ơn ông!
Tường Vi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét