Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Bước ngoặt của Trung Quốc ?

Bước ngoặt của Trung Quốc ?
Hai ông Tập và Lý đang có tham vọng cải cách sâu rộng kinh tế xã hội Trung Quốc
Liệu năm 2013 sẽ là một cốc nữa cho Trung Quốc như năm 1978 hay ít nhất cũng là năm 1993? Trong hai lần Hội nghị Trung ương 3 vào các năm 1978 và 1993, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua những chính sách cải cách kinh tế quan trọng.
Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 18 lần này được tung hô là có tầm quan trọng như hồi tháng 12 năm 1978 khi mà Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu cải cách kinh tế theo hướng thị trường dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình.

Điều này khó có khả năng nhưng vẫn có rất nhiều trông đợi rằng thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ phát động các cuộc cải cách cũng đạt tầm vóc như hồi năm 1993.

Khi đó, phần lớn khu vực kinh tế nhà nước đã bị giải thể với số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm từ trên 10 triệu xuống dưới 300.000 vào giữa những năm 1990.
Kế hoạch 383

Hội nghị Trung ương 3 thường là lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo những cải cách quan trọng. Đây là thời điểm ban lãnh đạo mới đã lên nắm quyền được một năm – tức là họ đã củng cố quyền lực đủ mạnh để công bố các kế hoạch lãnh đạo cho nhiệm kỳ 10 năm.

Hội nghị lần này, diễn ra từ ngày 9 đến 12/11, có thể sẽ đúc kết từ ‘kế hoạch 383’ vốn được những nhà chiến lược của chính quyền Trung Quốc đưa ra với mục đích chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc cho đến năm 2020.

Trung Quốc muốn thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước để giúp tăng trưởng kinh tế

Trước hết, bản kế hoạch này đề ra ba cải cách: mở cửa thị trường, chuyển đổi chính phủ và cải cách doanh nghiệp.
Sau đó là tám lĩnh vực cần được xử lý, bao gồm: cắt giảm thủ tục hành chính, thúc đẩy cạnh tranh, cải cách chính sách đất đai, mở cửa khu vực ngân hàng trong đó tự do hóa lãi suất và tỷ giá hối đoái, cải cách hệ thống tài chính gồm cả thiết lập an sinh xã hội cơ bản, cải cách doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy sáng tạo trong các lĩnh vực như công nghệ xanh và mở cửa khu vực dịch vụ.

Trong số này, kế hoạch 383 xác định cần phải đạt được ba đột phá quan trọng: hạ thấp các rào cản thị trường để thu hút các nhà đầu tư và thúc đẩy cạnh tranh, thành lập một gói chương trình an sinh xã hội cơ bảncho phép mua bán đất đai, vốn là sở hữu công.

Ba mục tiêu này có vị trí quan trọng trong số các cải cách mà Trung Quốc cần phải thực hiện để phát triển một cách ổn định và bền vững hơn.

Trước hết, tăng cạnh tranh sẽ giúp tăng sản lượng, nhưng muốn làm được điều này thì phải cải cách số doanh nghiệp nhà nước còn lại vốn đã bám rễ chặt trong các khu vực quan trọng của nền kinh tế như ngân hàng và viễn thông.

Thứ hai, an sinh xã hội cho người dân sẽ giúp tái cân bằng nền kinh tế Trung Quốc bằng cách giúp đỡ người nghèo và cả tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh. Điều này sẽ rất cần thiết khi Trung Quốc tìm cách chuyển đổi tăng trưởng kinh tế theo hướng dựa vào tiêu dùng nội địa.

Lợi nhuận từ đất đai

Đất đai là một trong những nguyên nhân 
gây ra nhiều bất ổn ở nông thôn Trung Quốc

Cải cách chính sách về đất đai cũng là một nội dung then chốt của kế hoạch này. Kế hoạch 383 đề xuất quyền bình đẳng giữa dân thành thị và nông thôn trong việc mua bán đất đai công hữu.

Điều này có nghĩa là đất đai vẫn thuộc sở hữu Nhà nước hay chính quyền địa phương, nhưng những ai đã thuê đất dài hạn có thể bán nó và thu lợi mà đa phần lợi nhuận về đất đai hiện nay thuộc về chính quyền.

Thu hồi đất là một nguyên nhân chính gây khiếu kiện ở các vùng nông thôn Trung Quốc, và dường như vấn đề cho các cá nhân được sở hữu đất không được đề cập đến mặc dù nó đã được tranh luận rất nhiều.

Tương tự, mặc dù một trong các nội dung cải cách là tự do hóa lãi suất và tỷ giá hối đoái nhưng việc cho phép thêm nhiều dòng vốn ngắn hạn ra khỏi biên giới không được xem là một ưu tiên.

Đây cũng là một điểm gây tranh luận nhiều. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa thị trường tài chính của mình nhưng mở cửa đến mức độ nào thì chưa rõ.

Cũng có nhiều quan ngại về quy mô nợ của nền kinh tế Trung Quốc, tham nhũng và cải cách nền pháp trị – tất cả những vấn đề này đều cần được giải quyết. Cho nên có một danh sách dài các cuộc cải cách cần được thực hiện.

Đôi khi nhiều cải cách có thể có tác động lớn hơn và lâu dài hơn một hay hai cải cách đột phá.

Con đường mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này chọn lựa sẽ được thế giới theo dõi sát sao vì nó sẽ có tác động đến phần còn lại của thế giới vốn đang tìm kiếm sự ổn định và tăng trưởng ở những nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Linda Yueh
Phóng viên Kinh doanh của BBC (BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét