Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Bắc Kinh phản ứng quá chậm trước B-52 của Mỹ

Dư luận Việt Nam quan tâm đến sự kiện pháo đài bay B-52 không chỉ vì chuyện ăn miếng trả miếng giữa hai cường quốc Mỹ - Trung, mà hướng về phi vụ B52 này trong tâm thế chờ đợi sự tỉnh táo của Trung Quốc; bởi vì ai cũng biết là họ đã đe dọa áp đặt tiếp vùng ADIZ trên Biển Đông.
Bắc Kinh phản ứng quá chậm trước B-52 của Mỹ

US Air Force
Thụy My (RFI)Báo chí chính thức Trung Quốc hôm nay 28/11/2013 nói rằng Bắc Kinh đã mất quá nhiều thời gian để có phản ứng trước « hành động thách thức » của Washington – cho hai pháo đài bay B-52 bay ngang qua vùng nhận dạng phòng không mới được chế độ cộng sản Bắc Kinh tuyên bố.


Khi loan báo đã cho hai chiếc B-52 bay qua « vùng nhận dạng phòng không » mà không hề thông báo cho chính quyền Trung Quốc, Hoa Kỳ đã có « thái độ sai trái » trong một « cuộc chiến dư luận nhằm chống lại Bắc Kinh » - theo như khẳng định của tờ Global Times.

Tờ báo thuộc Đảng Cộng sản cho rằng Trung Quốc « không đạt được việc đáp trả thích đáng trong một thời gian thích hợp, và chúng tôi bị tràn ngập theo cấp số nhân một số lượng lời bình tiêu cực về vùng nhận dạng phòng không mới ». 

Global Times kết luận : « Trung Quốc phải cải cách cơ chế quan hệ công chúng nhằm giành được phần thắng trong cuộc chiến tranh tâm lý do Washington và Tokyo tung ra ». 

Hôm thứ Bảy tuần trước, Bắc Kinh đã đơn phương tuyên bố « vùng nhận dạng phòng không » bao trùm một phần lớn biển Hoa Đông, kể cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.

Theo các quy định mới do Bắc Kinh đưa ra, thì các phi cơ bay ngang qua vùng này phải trình kế hoạch bay, cho biết quốc tịch và giữ liên lạc vô tuyến với chính quyền Trung Quốc.

Nhưng hai pháo đài bay B-52 của Mỹ đã cất cánh từ đảo Guam ở Thái Bình Dương hôm thứ Hai 25/11 đã bay ngang qua « vùng nhận dạng phòng không » này mà không hề báo cho Trung Quốc. Tờ China Daily hôm nay cho rằng vụ hai chiếc B-52 này đã đi ngược lại những khẳng định của Washington là Hoa Kỳ đứng ngoài cuộc tranh chấp lãnh thổ Trung-Nhật.

Để gỡ lại chút thể diện, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định đã « liên tục giám sát » chuyến bay của hai pháo đài bay Mỹ.

Nhìn chung, báo chí chính thức Trung Quốc hôm nay nhận định vùng nhận dạng phòng không mới được áp đặt đã « thành công », cho dù đã gây ra những căng thẳng ngoại giao trong khu vực.

China Daily cam đoan : « Tình hình lộn xộn là do chính sách không khoan nhượng của Nhật, và thông điệp của Washington chỉ củng cố thêm tính hiếu chiến nguy hiểm của Tokyo, làm mất đi khả năng có thể có những dàn xếp ngoại giao ».

*********

Bắc Kinh sẵn sàng chịu giông bão ngoại giao nhưng không dám khiêu chiến


Một ảnh trên mạng minh họa cờ Trung Quốc cắm trên 
đảo Điếu Ngư (Senkaku trong tiếng Nhật) REUTERS /Stringer/Files

RFI

Khi áp đặt các quy định về « vùng nhận dạng phòng không », Trung Quốc muốn nới rộng ảnh hưởng trong khu vực mà Bắc Kinh tự cho là đã bị gặm nhấm một cách bất hợp lý. Theo nhận xét của các chuyên gia, Bắc Kinh sẵn sàng chịu đựng giông bão ngoại giao, nhưng chắc chắn là không dám đương đầu với một cuộc xung đột vũ trang.

Các nhà quan sát ghi nhận thái độ chừng mực của Bắc Kinh sau vụ hai pháo đài bay B-52 của Mỹ bay ngang qua vùng nhận dạng phòng không (ZAI) trên biển Hoa Đông ngay sau khi chế độ cộng sản mới công bố.

Tại vùng biển này có một quần đảo nhỏ mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật Bản gọi là Senkaku, hiện do Tokyo quản lý nhưng Bắc Kinh liên tục tìm cách khẳng định chủ quyền. Vùng biển xung quanh quần đảo không có người ở này phong phú hải sản và có tiềm năng dầu khí.

Viên Kính Đông (Jingdong Yuan), một chuyên gia về chính sách đối ngoại của trường đại học Sydney khẳng định với AFP là cả Bắc Kinh lẫn Tokyo đều « luôn tâm niệm là không để bị cuốn vào tình hình dẫn đến một sự xung đột trực tiếp ».

Tranh chấp lãnh thổ bắt đầu nóng lên từ tháng 9/2012 sau khi Nhật Bản mua lại ba trong số năm hòn đảo của Senkaku/Điếu Ngư từ một chủ tư nhân người Nhật. Quan hệ Nhật-Trung đặc biệt xấu đi từ đó.

Tuy Nhật Bản đang kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư nhưng không muốn có thêm rủi ro nên hiện vẫn không đưa người ra đây sinh sống. Đối với Tokyo, không có chuyện chấp nhận việc đưa ra tranh cãi về chủ quyền của quần đảo nhỏ bé này.

Nhưng với Bắc Kinh, mọi phương tiện đều tốt nhằm thuyết phục thế giới là yêu sách đối với Senkaku/Điếu Ngư có cơ sở, và hiện đang có tranh chấp lãnh thổ tại đây.

Đó là nguyên nhân vì sao Trung Quốc thường xuyên gởi tàu và máy bay đến quấy rối khu vực Senkaku/Điếu Ngư, dù tuần duyên Nhật Bản thường xuyên tuần tiễu. Việc thành lập vùng nhận dạng phòng không nằm trong chiến dịch của kiểu chiến tranh hao mòn này.

Ông Viên Kính Đông nhấn mạnh, Bắc Kinh muốn thuyết phục là chỉ « thực hiện quyền khẳng định chủ quyền một cách thường xuyên. Sau khi Nhật quốc hữu hóa Senkaku/Điếu Ngư, tôi tin rằng Trung Quốc thực sự muốn tạo ra sự kiện là có tranh chấp lãnh thổ tại đây ».

Theo Taylor Fravel của Massachusetts Institute of Technology (MIT), thì Trung Quốc bực tức trước vùng nhận dạng phòng không do Nhật Bản quy định. Bắc Kinh coi đây là ý định « bành trướng » của Nhật, « bao trùm các mỏ khí đốt Trung Quốc và những địa điểm nằm gần Trung Quốc ».

Những hành động của Trung Quốc hôm nay được nung nấu từ mối oán thù xưa nay đối với Nhật Bản, từ những hành vi của quân phiệt Nhật cho đến cuối Đệ nhị Thế chiến, một quá khứ đế quốc cần phải thanh toán.

Rana Mittter, một chuyên gia về quan hệ Trung-Nhật của trường đại học Oxford khẳng định rằng Bắc Kinh « vốn đinh ninh là các yêu sách lãnh thổ của mình đã không được quan tâm và đánh giá đúng đắn trong những thập kỷ gần đây, nên nay tìm cách đảo ngược tình hình. Có lẽ trước hết là vấn đề danh dự ».

Các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc không chỉ liên quan đến Nhật Bản, mà còn cả các nước khác như Việt Nam và Philippines. Mùa hè năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi huy động tổng lực để Trung Quốc trở thành một đại cường trên biển. Tham vọng này ngày càng khiến người ta lo ngại.

Thực tế, tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhiều quốc gia gần đây đã kêu ca về áp lực đang tăng cao của Trung Quốc để thỏa mãn tham vọng bá quyền đại dương của mình. Các nhà quan sát ghi nhận, trong những cuộc xung đột chủ quyền với các láng giềng, Bắc Kinh không ngần ngại đặt lại vấn đề nguyên trạng, nhất là tại Biển Đông.

Theo ông Cổ Khánh Quốc (Jia Qingguo) của trường đại học Bắc Kinh, mỗi lần có cơ hội gặm nhấm được một ít đất đai là Trung Quốc liền « năng nhặt chặt bị ». Và những bước đi dè dặt dần dần sẽ trở thành những gót giày đinh nện xuống, một khi đã đạt được vị thế siêu cường.

*******

B-52 của Mỹ sẽ trở lại Biển Đông?


Pháo đài bay B-52 của Mỹ tiếp dầu trên không

Những ngày gần đây, báo chí và nhiều trang mạng xã hội ở Việt Nam đều đồng loạt đưa ảnh, viết bài về máy bay B-52 của Mỹ bay vào vùng nhận dạng phòng không( ADIZ) của Trung Quốc áp đặt trên biển Hoa Đông.

Kể từ sau chiến tranh Việt Nam, lần đầu tiên những pháo đài bay nổi tiếng này quay lại với đời sống thông tin Việt Nam.

Trong quá khứ, không quốc gia nào trên thế giới rành cái bụng bom của loại oanh tạc cơ khổng lồ này bằng Việt Nam.

Lần này, B-52 không bay trên bầu trời Bấm Việt Nam, không có tiếng bom nổ bảo vệ Nam Việt Nam, không rụng cánh để tạo nên hùng ca cho những người cộng sản; nhưng pháo đài bay của không quân Hoa Kỳ vẫn cứ là tâm điểm được dư luận đặc biệt chú ý.

Từ góc sân tập thể dục sáng ở Sài Gòn, một nhóm đàn ông trung niên không ngớt lời táng tụng sự kiện B-52 bay thẳng vào vùng ADIZ của Trung quốc.

Một ông mặt áo thể thao hiệu Nike nói,
"B-52 Mỹ mà xin phép Trung quốc bay ở không phận quốc tế là kể như trở thành thứ tàu bay giấy."

Một ông khác to tiếng hơn:


Bây giờ mình chỉ chờ coi Trung Quốc chữa thẹn bằng vũ khí gì?"
"Ông giỡn chơi hoài, hồi nào tới giờ B52 là biểu tượng của sức mạnh quân đội Mỹ; nó bay vô vùng nhận diện phòng không của Trung Quốc bỏ xong "trái bom" sĩ diện cho nổ rền trời rồi bay ra. Bây giờ mình chỉ chờ coi Trung Quốc chữa thẹn bằng vũ khí gì."

Giữ nguyên trạng

Qua hành động ở biển Hoa Đông, Trung Quốc vừa thách thức vừa thăm dò để tiến nới mở rộng quyền kiểm soát bầu trời và mặt biển.

Mục tiêu là đẩy Mỹ ra khỏi không phận và lãnh hải có các hải đảo mà Trung Quốc đang tranh chấp với Nhật Bản, Đài Loan... và cả những không - hải phận quốc tế mà Hoa Kỳ thường xuyên hiện diện từ sau Thế Chiến thứ 2.

Không có gì là khiên cưỡng khi dư luận nhìn nhận pháo đài bay B-52 đã bảo chứng tuyên bố mạnh mẽ lời của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ:

"Chúng tôi xem động thái mới này như một nỗ lực phá vỡ cân bằng nhằm thay đổi nguyên trạng khu vực. Hành động đơn phương này làm tăng nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai lầm."

Dư luận Việt Nam quan tâm đến sự kiện pháo đài bay B-52 không chỉ vì chuyện ăn miếng trả miếng giữa hai cường quốc Mỹ - Trung, mà hướng về phi vụ B52 này trong tâm thế chờ đợi sự tỉnh táo của Trung Quốc; bởi vì ai cũng biết là họ đã đe dọa áp đặt tiếp vùng ADIZ trên Biển Đông.
Những lời lẽ hiếu chiến của một bộ phận trong giới quân sự Trung Quốc về việc đòi kiểm soát tàu bè, máy bay và đòi bắt giữ, bắn hạ ngay trên không - hải phận quốc tế họ áp đặt hoặc trong vùng tranh chấp đã khiến dư luận Việt Nam và các quốc gia có liên quan càng thêm kỳ vọng ở pháo đài bay B-52.

Nếu trung Quốc tìm cách chữa thẹn bằng cách tức thì áp đặt vùng ADIZ ở biển Đông. Dư luận Việt Nam cùng các nước có tranh chấp lãnh hải cũng như có chung quyền lợi ở vùng biển quốc tế này đặt ra vấn đề với Mỹ:

Liệu pháo đài bay B-52 có trở lại Biển Đông, bay vào vùng phòng không Trung Quốc đơn phương áp đặt để bảo vệ "lợi ích quốc gia" hay không?
Đã qua rồi thời B-52 ném bom tại Việt Nam
Không ai ngây thơ tin rằng Trung Quốc để cho phá sản chính sách lấn chiếm lãnh hải và không phận vùng biển của các nước láng giềng và độc quyền kiểm soát các vùng biển quốc tế ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chỉ vì vài phi vụ không mang vũ khí của pháo đài bay B-52.

Nhưng đã qua rồi thời đại Chiến tranh Lạnh, khi mà lằn ranh giữa chiến tranh và hoà bình luôn bị thử thách bởi vũ khí nguyên tử và các loại vũ khí hủy diệt khác.

Vẫn còn đó bài học về sự kiện vịnh Con Heo ở Cuba năm 1962, với nguy cơ đẩy thế giới vào cuộc chiến tranh nguyên tử giữa hai siêu cường Mỹ - Xô.

Cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện và đối chọi sức mạnh quân sự Mỹ - Trung sẽ còn gay gắt; nhưng dù sao hai pháo đài bay B-52 không mang vũ khí của Mỹ bay qua Biển Hoa Đông cũng được dư luận ở những quốc gia đang bị nước lớn Trung Quốc bắt nạt - xâm lấn xem là chuyến bay biễu diễn giúp họ hả hê mà hy vọng vào sự toàn vẹn lãnh thổ và hòa bình.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà thơ, nhà báo tự do Trần Tiến Dũng từ Sài Gòn.

Nhà thơ Trần Tiến Dũng
Theo BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét