Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Biến đổi khí hậu tác hại nặng Việt Nam

Biến đổi khí hậu tác hại nặng Việt Nam 
SÀI GÒN 27-11 (NV) .- Những dự báo cách nay vài năm về tác động của biến đổi khí hậu tới miền Nam Việt Nam nay thành sự thật qua những gì đang diễn ra.
Mực nước càng ngày càng cao đã giành chỗ của nhiều
 khu dân cư và ruộng vườn ở tỉnh Cà Mau. (Hình: Người Lao Động)
Trong một loạt bài mang tên “Thảm họa đã lộ diện”, tờ Người Lao Động giới thiệu hàng loạt diễn biến đáng ngại do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, sinh kế của dân chúng miền Nam Việt Nam.

Lượng mưa ở đồng bằng sông Củu Long càng ngày càng giảm và mùa khô càng ngày càng dài là lý do làm đất đai ở khu vực này bị “xì phèn”, khiến cả trồng trọt lẫn nuôi thủy sản gặp khó khăn.

Vũ lượng tuy giảm nhưng tình trạng ngập lụt lai gia tăng vì nước biển tràn vào. Lưu lượng nước từ biển đổ vào đã tăng từ 13,000 m³/giây lên 15,500 m³/giây. Ngoài ra tình trạng mực nước ngầm tụt giảm khiến nước ngọt càng ngày càng khan hiếm, đặc biệt là ở những vùng giáp biển như Bến Tre. Một vài nơi ở Bến Tre, giá nước ngọt dùng cho ăn uống đã lên tới 120 ngàn đồng một khối.

Ông Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu của Đại học Cần Thơ, cảnh báo, do thời gian khô hạn kéo dài nên nước mặn xâm nhập càng ngày càng sâu vào đất liền, nay nước mặn chỉ còn cách Cần Thơ từ 20 km đến 30 km.

Chánh Văn phòng của cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu thuộc chính quyền thành phố Cần Thơ thì đề cập đến tình trạng nhiệt độ thấp nhất trong ngày đã tăng thêm gần 2 độ C, ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người và năng suất cây trồng. Viện Lúa quốc tế cảnh báo, nếu nhiệt độ tăng 10°C thì năng suất lúa sẽ giảm 10%.

Ông Dương Văn Ni, một tiến sĩ làm việc tại Đại học Cần Thơ, nêu ra một vấn nạn khác, đó là có những dấu hiệu cho thấy đồng bằng sông Cửu Long đang lún dần. Lý do dẫn tới thực trạng này có thể vì cấu tạo địa tầng của đồng bằng sông Củu Long vốn không chắc chắn nhưng lại đang phải gánh chịu áp lực của quá nhiều công trình xây dựng và chính quyền không kiểm soát được chuyện khai thác nước ngầm nên lòng đất bị rỗng.

Biến đổi khí hậu không chỉ tác động xấu đến đồng bằng sông Cửu Long. Giờ đây, cư dân Sài Gòn cũng có thể thấy những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đến thành phố này.

Cách nay năm năm, Sài Gòn đã từng được dự đoán là một trong mười thành phố trên thế giới sẽ phải gánh chịu những tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và các báo cáo gần đây về khí tượng - thủy văn cho thấy, càng ngày, đỉnh của thủy triều ở các con sông bao quanh Sài Gòn càng cao, vượt xa những kỷ lục trong lịch sử.

Từ 2010 tới nay, Sài Gòn dễ ngập và khi ngập thì ngập sâu hơn do thủy triều cao hơn trước. Ngân hàng Phát triển châu Á từng loan báo, chỉ 15% - 20% diện tích của Sài Gòn cao hơn mực nước biển từ 1 mét đến 2 mét. Phần còn lại chỉ cao hơn mực nước biển từ 0 mét đến 1 mét, do vậy, khoảng ¾ diện tích của thành phố này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì nước biển dâng cao.

Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam dự đoán, nếu nước biển dâng cao 1 mét, 20% diện tích của Sài Gòn sẽ ngập trong nước và 9% dân số bị ảnh hưởng. Các quận 2, 9, Bình Tân và các huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi sẽ là những nơi ngập sâu nhất.

Nước biển dâng cao còn khiến nước mặn xâm nhập các con sông và ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt của Sài Gòn. Tổng Công ty Cấp nước của Sài Gòn đã phải ký một hợp đồng với Công ty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, xả nước từ hồ Dầu Tiếng để đẩy nước mặn ra khỏi các cửa sông. Tuy tình trạng nước ngọt nhiễm mặn đã được cải thiện nhưng các chuyên gia tin rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế. Sài Gòn sẽ thiếu nước ngọt là điều khó có thể tránh nếu không có kế hoạch tìm kiếm những nguồn nước thay thế.

Trong khi đồng bằng sông Cửu Long khô hạn thì miền Trung mưa lớn hơn và nhiều hơn. Chi cục Bảo vệ tài nguyên và môi trường của thành phố Đà Nẵng, loan báo, lượng mưa trung bình tại Đà Nẵng trong giai đoạn từ 2005 đến 2010 vượt xa lượng mưa trung bình của giai đoạn trước đó. Đó cũng là tác động của biến đổi khí hậu.

Một tiến sĩ tên là Y Ghi Niê, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk, cho biết, nhiệt độ trung bình của Việt Nam đã tăng 0.5°C và mực nước biển đã dâng 20 cm. Thiên tai, bão lũ và hạn hán càng ngày càng khắc nghiệt. Các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tăng cả về số lượng lẫn tần số ở các vùng miền trên cả nước khiến con người không lường trước được.

Gần đây, một báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) dự đoán, đến năm 2015, có thể sẽ có khoảng 135 ngàn gia đình ở Việt Nam phải tái định cư vì lý do môi trường. Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, đến năm 2050 có thể có tới một triệu người phải di cư do lũ lụt và hạn hán lặp lại nhiều lần.

Chưa kể Việt Nam hiện đứng đầu trong danh sách các quốc gia mà thiệt hại về thủy sản đã lên tới mức nguy cấp do biến đổi khí hậu. Năm 2010, thiệt hai vào khoảng 1,5 tỉ USD và đến năm 2030, thiệt hại có thể lên tới 25 tỉ USD. (G.Đ)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=178018&zoneid=433#.Upg-SNKkp9U

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét