Câu chuyện của Thu Uyên, và…
(TNO) Tôi được biết ý tưởng cũng như sự chuẩn bị cho chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” (NCHCCCL) từ lúc nó chưa chính thức lên sóng truyền hình. Mới nghe cái tên chương trình, tôi đã rất có cảm tình, vì cái tên đó là một câu thơ của Nguyễn Mỹ, nhà thơ hi sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ở chiến trường Nam Trung bộ, một nhà thơ tôi vô cùng yêu mến và kính trọng.
Thất lạc, tìm kiếm nhau, rồi đoàn tụ, đó cũng là hành trình của mỗi gia đình, mỗi cộng đồng Việt Nam, dù thất lạc vì bất cứ lý do gì. Người ta vẫn thường “thất lạc nhau trên trần gian” (thơ Lê Văn Ngăn) như vậy mà! Và đoàn tụ, hạnh phúc là đích tới của mọi gia đình, mọi con người.
Có một chương trình bỏ công sức, thời gian, chịu nhiều áp lực và rất nhiều gian khó để tìm lại người thân cho những người thất lạc nhau, lại là một chương trình nhân đạo, miễn phí hoàn toàn cho những người có nhu cầu tìm kiếm, thì còn xúc động nào hơn.
Nhà báo Thu Uyên, người khởi xướng và điều hành chương trình, là một nữ nhà báo có nghề, có tâm, và nhất là biết kết nối với nhiều người khác, nhiều tổ chức khác trong công việc vô cùng khó khăn này. Không biết kết nối thì không thể làm được chương trình này. Không có lòng tin vào những người cộng sự với mình cũng không thể thực hiện được chương trình này.
Bản thân tôi đã viết mấy bài trên mục Chào buổi sáng của Báo Thanh Niên từ những năm trước để ủng hộ chương trình nhân đạo NCHCCCL. Và cho tới giờ này, tôi không có một chút gì ân hận nào vì đã viết những bài báo ủng hộ đó.
Vì, như giải trình của “Người cộng sự” là Tổng giám đốc Công ty truyền thông Sài Gòn Buổi sáng, đã đăng tải công khai trên nhiều tờ báo, thì: “Chương trình NCHCCCL do VTV hợp tác với Sài Gòn Buổi sáng sản xuất, mà trong đó, việc tìm kiếm và xử lý thông tin do Sài Gòn Buổi sáng đảm nhận, vì VTV không có chức năng tổ chức tìm kiếm. Nội dung thông tin người đăng ký gửi đến cho NCHCCCL được bảo mật chặt chẽ, và chỉ cung cấp khi chúng tôi đã xác minh đúng người đúng việc. NCHCCCL là chương trình nhân đạo, tuyệt đối không thu một đồng phí nào của bất cứ ai đăng ký, nhờ tìm người thân. Khi tìm ra, cả bên tìm lẫn bên được tìm cũng tuyệt đối không phải trả bất cứ một khoản phí nào. Thành viên của ê kíp thực hiện NCHCCCL không nhận tiền, nhận quà của nhân vật được đoàn tụ và của những người đăng ký. NCHCCCL còn tổ chức đưa đón, lo nơi ăn chỗ ở cho những người đến tham dự chương trình, và kêu gọi hỗ trợ trực tiếp - tự trao cho nhân vật có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình hoạt động 6 năm, với hơn 70.000 yêu cầu tìm kiếm, hơn 600 cuộc tìm ra, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, phàn nàn”.
Hơn 600 cuộc tìm ra trong 6 năm, đó không phải là những con số vô hồn. Bên trong nó, là rất nhiều (chứ không phải chỉ 600) số phận, nhiều cuộc đời “tìm lại được” (thơ Văn Cao) nhờ chương trình này.
Mấy ngày qua, do phải đối diện với một vài bài viết và một số comment trên mạng xã hội, chị Thu Uyên đã rất buồn. Nhưng như chị đã chia sẻ trên trang web Haylentieng.vn, chị vẫn không hề nao núng vì sự lựa chọn của mình khi muốn vạch trần những trò “lừa đảo tâm linh” đang đầu độc xã hội và gây bao đau khổ cho những gia đình liệt sĩ khi họ muốn tìm hài cốt người thân của mình. Và vì những công việc mà chị đã làm từ 6 năm nay, để những người thân còn trên trần gian này có cơ hội tìm thấy nhau, gặp lại nhau.
Tôi đồng cảm với những thổ lộ của Thu Uyên: “Những người vững tin vào chúng tôi thì vẫn ở đó bên cạnh chúng tôi, và dư luận cũng sẽ tự lựa chọn. Dù là được ủng hộ nhiều hơn hay ít hơn, chúng tôi vẫn nhất định phải làm tiếp những điều đã làm: chặn tay những kẻ lừa đảo thân nhân liệt sĩ, và trên nữa, được cùng mọi người trong xã hội ta tham gia khôi phục lại chữ tâm linh đúng nghĩa, thờ cúng mẹ cha ông bà tổ tiên, thờ những anh hùng liệt sĩ và những người thầm lặng đã mang lại cho chúng ta đất nước này, hòa bình này.
Đọc lại những trang hồ sơ, xem lại những chương trình của gần 6 năm về trước, tôi thấy có khờ dại, vụng về. Nhưng cũng thấy cái tâm của từng người trong cuộc. Tôi sẽ xin phép người đăng ký để được phép đưa một hồ sơ lên website, để khán giả biết chúng tôi đã tìm kiếm như thế nào, đã để bao nhiêu sự chân thành của mình vào những cuộc tìm kiếm và suy luận nhằm cho một người tìm được người thân. Ai nghi ngờ những giọt nước mắt của NCHCCCL là giả dối, ai nghi ngờ những giây phút đoàn tụ trên trường quay là ngụy tạo, thì chúng tôi chỉ biết tiếc cho người đó mà thôi”.
Với một chương trình mà quá trình tìm kiếm phức tạp, gian khó, thậm chí rất mù mờ như thế này, mà không hề có sai sót thì mới lạ. Nhưng như Thu Uyên đã khẳng định với mình và ê kíp của mình là chương trình này không cho phép sai sót.
Khi đã có hai sai sót xảy ra hoàn toàn ngoài ý muốn, “NCHCCCL coi vụ việc sai lầm này là bài học xương máu. Cùng với vụ “Võ Văn Phước” sau đó, là hai vụ việc nghiêm trọng mà chúng tôi luôn nhắc lại trong ê kíp thực hiện, đặc biệt trước những bạn trẻ sau này mới tham gia và không biết về những vụ đó, để tự răn nhau, để không bao giờ xảy ra những việc tương tự. Nhận được kết quả, chúng tôi đã chân thành xin lỗi anh Thành, và được anh thông cảm, tiếp tục nhờ NCHCCCL đi tìm mẹ đẻ cho anh, và anh bảo anh chưa muốn cho mẹ Nguyệt biết”.
Tôi cũng xin nói, hai vụ sai sót này là hoàn toàn khác về bản chất với những vụ “tìm hài cốt liệt sĩ” bằng ngoại cảm mà kết quả là… giả.
Cái gì rồi cũng sẽ phải ra cái ấy. Những người trung thực sẽ nhìn nhận đúng thực chất vấn đề. Tôi mong Thu Uyên và chương trình NCHCCCL cứ bình tâm. Trong những ngày như thế này, càng phải bình tâm hơn nữa. Và tin vào nhân dân mình, tin vào lẽ phải hơn nữa. Cứ coi đây là một thử thách, như những thử thách mà chương trình đã trải qua khi tìm kiếm tung tích thân nhân, cũng là tìm kiếm lòng nhân ái của đồng bào mình.
Thanh Thảo
(Thanh niên)
Thanh Thảo( Hay chính là Thảo Ly) - bồi bút chắc chưa đọc "Bút máu" !
Trả lờiXóa