Công dân không đi NVQS, Thổ Nhĩ Kỳ thu hơn 2 tỉ USD
Phó Thủ tướng thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag giữa tháng 4.2013 cho biết nhà nước thu được hơn 2 tỉ USD từ khi nước này thông qua dự luật cho phép công dân đóng tiền để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc vào năm 2011.Theo trang Today’s Zaman, đã có khoảng 70.143 người đăng ký không thực hiện nghĩa vụ quân sự, và 67.630 người trong số họ chọn giải pháp đóng tiền.
Theo điều luật sửa đổi về nghĩa vụ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ giới thiệu năm 2011, nam giới sinh trước ngày 1.1.1983 có thể chọn giải pháp đóng 30.000 Lira Thổ Nhĩ Kỳ (khoảng 16.700 USD) trong vòng 6 tháng khi nộp đơn xin miễn nhập ngũ.
Dự luật cũng đơn giản hóa việc thi hành nghĩa vụ quân sự cho các công dân Thổ Nhĩ Kỳ ở nước ngoài. Cụ thể: công dân Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống ở các nước ít nhất được 3 năm thì có thể chọn đóng tiền từ 5.000 đến 7.500 euro, tùy vào độ tuổi, để giảm số ngày tại ngũ chỉ còn 21 ngày. Hoặc họ có thể đóng 10.000 euro để hoàn toàn được miễn nghĩa vụ bất kể độ tuổi.
Báo Al Arabiya cũng cho biết chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chính thức giảm thời gian nhập ngũ bắt buộc từ 15 tháng còn 12 tháng kể từ ngày 1.1.2014. Quyết định này được công bố ngày 21.10.2013, bị các nghị sĩ đối lập chỉ trích là chiến thuật để thu hút cử tri trong cuộc bầu cử năm tới.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là nền quân đội lớn thứ hai trong khối NATO với lực lượng 750.000 quân nhân. Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan khẳng định quân đội sẽ không vì các chính sách miễn và giảm nghĩa vụ quân sự mà suy yếu đi.
Tuy nhiên, chủ tịch đảng đối lập chính Nhân dân Cộng hòa (CHP) Kemal Kilicdaroglu phản đối rằng dự luật chẳng khác nào người có tiền sẽ được miễn trừ nghĩa vụ, còn người nghèo thì không có cơ hội khác.
Theo Tân Hoa Xã, cuộc tranh luận về dự luật tại quốc hội diễn ra rất gắt gao nhưng cuối cùng cũng được thông qua vào tháng 11.2011, sau đó được Tổng thống Abdullah Gul kí phê chuẩn để đưa vào áp dụng một tháng sau đó.
Kể từ đó đến nay, phó Thủ tướng Bozdag cho biết nhà nước đã thu được 2,28 tỉ USD. Số tiền này được đầu tư vào các dịch vụ xã hội phục vụ những đối tượng như thân nhân của chiến binh thiệt mạng trong cuộc chiến chống khủng bố, các cựu quân nhân, người khuyết tật, gia đình khó khăn có con trai đang phục vụ trong quân ngũ, các cựu binh bị trọng thương hoặc khuyết tật trong giai đoạn tại ngũ...
Trường Giang
Ảnh đại diện: Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tuần hành tại thủ đô Ankara trong Ngày Chiến thắng - Ảnh: AFP
Một Thế Giới
Chuyện này tôi nghĩ không có gì phải làm rùm beng . Thật sự là do cách tiếp cận vấn đề của đ/c Phó CN Ủy ban QPAN của Quốc hội chưa thấu đáo nên mới nảy sinh tranh luận. Tôi thật sự đồng tình với quan điểm của nhiều người rằng: " Không thể thay xương máu bằng tiền bạc". Tôi xin đề nghị cách tiếp cận vấn đề hơi khác hơn một chút. Nghĩa vụ quân sự là bắt buộc đối với tất cả công dân nằm trong độ tuổi theo quy định của Nhà nước. Hàng năm , Nhà nước cứ tổ chức khám tuyển NVQS bình thường như lâu nay chúng ta đã làm. Những trường hợp hoãn hay không thi hành NVQS lâu nay đã có quy định thì cứ tiếp tục áp dụng. Sau khi tuyển đủ quân số theo yêu cầu thì những người còn lại( kể cả số được hoãn vì bất cứ lý do gì hay không thi hành NVQS do sức khỏe yếu) đều phải nộp một khoản tiền do Nhà nước quy định. Xử lý như thế này tôi cho là công bằng nhất. Sau đó, các trường hợp miễn hoặc giảm nộp tiền lại được xem xét một lần nữa cho có tình có lý. Đó là đề nghị của tôi. Mong mọi người trao đổi.
Trả lờiXóa