Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Cần đánh giá lại tầm vóc của nhà cách mạng Phan Châu Trinh

Trong những năm học tiểu học, mình rất thích đọc sách, truyện (lúc đó là thời chiến tranh 1966-1972, dĩ nhiên ngoài sách, truyện cũng chẳng còn thú vui giải trí nào khác). Những cuốn mình thích nhất là chưởng viết trước 1954 (sách này bị cấm, chuyền tay nhau đọc), sách lịch sử và hồi ký của các vĩ nhân, chủ yếu là của mấy bác lãnh đạo Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô. Rồi đột nhiên, khoảng năm 1970, mình được đọc 1 cuốn sách khổ lớn, dày khoảng 300-400 trang của bác Tôn Quang Phiệt viết về Phan Bội Châu (Phan Bội Châu và một giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam, xuất bản năm 1958), tiếp đến là cuốn về cả hai cụ Phan (cuốn Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh). Mới chỉ chục tuổi đầu nhưng mình đã đọc say mê, sửng sốt vì không ngờ lại nước ta từng có những vĩ nhân kiệt xuất như vậy; tư duy, nhận thức của hai bác vượt hẳn so với tất cả các vị lãnh đạo thời đó. Từ đó trở đi trong đầu mình, hai bác là số 1, quá siêu việt nhưng không gặp thời nên không thành công. Vận may đã rơi xuống bác Hồ, người khai sinh và phát triển nước Việt Nam ngày nay bằng con đường đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản. Có lẽ không chỉ phải đánh giá lại tầm vóc của cụ Phan Chu Trinh mà còn cả với cụ Phan Bội Châu nữa. Xem tiểu sử bác Tôn Quang Phiệt ở cuối bài.
Cần đánh giá lại tầm vóc của nhà cách mạng Phan Châu Trinh
Phan Châu Trinh (Nguồn Wikipedia)
Có phải là người “lạc lối trời Âu”?

SGK Lịch sử lớp 11, phần viết về Phan Châu Trinh dài hơn một trang, có kèm ảnh ông. Tiêu đề của mục là “Phan Châu Trinh và xu hướng cải cách”, nằm trong bài 23 có tên “Phong trào yêu nước và cách mạng ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến chiến tranh thế giới thứ nhất (1914)”.

Trong một bài viết gần đây, Giáo sư Phạm Duy Hiển kể chuyện ông tò mò tìm xem người ta đang dạy cho lớp trẻ ngày nay về Phan Châu Trinh như thế nào. Ông tìm SGK môn sử lớp 11, và đọc được nguyên văn như sau: “Ông (Phan Châu Trinh) là người sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, chủ trương cứu nước bằng biện pháp cải cách như nâng cao dân trí, dân quyền, dựa vào Pháp để đánh đổ ngôi vua và bọn phong kiến hủ bại, xem đó như là điều kiện tiên quyết để giành độc lập” (chữ nghiêng của Pham Duy Hiển). Kể tội nhà chí sĩ nổi tiếng đầu thế kỷ 20 chừng đó sợ chưa đủ, cuối bài, người viết sách còn quyết nhét thêm vào đầu học trò: “Hãy nêu những sự kiện chứng minh Phan Châu Trinh chủ trương cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản…”.

Mấy mươi năm trước, một nhà thơ nổi tiếng đã mỉa mai: “Phan Châu Trinh lạc lối trời Âu”. May thay, từ đó đến nay (thật ra cả trước đó nữa) có những người khiêm tốn, biết tôn trọng lịch sử, chịu khó nghiên cứu nghiêm túc hơn về nhân vật lớn này của nước ta. Huỳnh Thúc Kháng từng viết: “Phan Châu Trinh là nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam”. Chắc chắn cụ Huỳnh không hồ đồ. Cụ viết thế vì cụ hiểu nhà cách mạng không chỉ là người mưu đồ một cuộc khởi nghĩa, lật đổ một chính quyền…, mà là người muốn thay đổi số phận một dân tộc, căn cứ trên những suy ngẫm sâu xa… 

Như để cắt nghĩa rõ hơn nhận định của Huỳnh Thúc Kháng, học giả Hoàng Xuân Hãn nói: “Sau khi phong trào Cần Vương bị đàn áp tan rã hoàn toàn, Phan Châu Trinh đã đi sâu nghiên cứu những nhược điểm cơ bản về văn hóa xã hội Việt Nam, cụ thấy rõ nguyên nhân sâu xa đã đưa đến mất nước là sự thua kém của xã hội ta so với phương Tây. Phan Châu Trinh đã đưa ra đường lối mới để tìm lối thoát cho con đường cứu nước…”.

Nhà cách mạng, văn hóa, giáo dục lớn

Nghĩa là ít nhất có 2 điều: khác với tất cả những người đi trước và những người đồng thời, Phan Châu Trinh là người đầu tiên đi tìm nguyên nhân mất nước không phải ở đâu khác mà là chính trong sự thua kém về văn hóa của ta. Thứ hai, ông cũng là người đầu tiên, sớm một cách khác thường, cách đây hơn một thế kỷ, nhận ra điều mà ngày nay ta gọi là toàn cầu hóa. Cuộc toàn cầu hóa thứ nhất, hiểu rằng thế giới đã rộng ra mênh mông, thời đại đã khác về cơ bản. Vì vậy, ông cho rằng cần đặt vấn đề độc lập không phải là bước cuối cùng, mà như một bước trong tầm đi xa hơn là phát triển dân tộc, phát triển dân tộc cho kịp với toàn cầu, với thời đại. Thì độc lập mới có ý nghĩa, và lâu bền.

Những éo le của lịch sử đã dẫn chúng ta đi theo con đường khác, cho đến độc lập và thống nhất hôm nay. Nhưng đúng như nhà sử học Pháp Daniel Héméry nói: “Những nan đề Phan Châu Trinh từng thấy và trằn trọc tìm cách giải quyết cho đất nước trăm năm trước thì nay vẫn còn nguyên đấy, Các thế hệ người Việt Nam vẫn còn phải tiếp tục đảm nhận”.

Vậy đó, Phan Châu Trinh không chỉ là “nhà cách mạng đầu tiên”, ông còn là nhà văn hóa lớn, cũng là nhà giáo dục lớn.

Nói chuyện lịch sử bao giờ cũng cần rất thận trọng. Nói lịch sử với lớp trẻ càng cần thận trọng hơn. Về Phan Châu Trinh, nhân vật sáng chói đầu thế kỷ XX của chúng ta, ít ra cũng cần cố gắng nói với những người trẻ hôm nay rằng ông từng thống thiết nhận ra những câu hỏi sâu sắc nhất của phát triển dân tộc, mà lịch sử éo le đã buộc phải bỏ dở dang. Vậy thì chính lớp trẻ hôm nay phải tiếp tục.

Đừng biến một bài học lịch sử quan trọng và hay như thế thành một phê phán bừa bãi và đầy thiên kiến.

Nhà văn Nguyên Ngọc (Thanh niên)

*********

Tôn Quang Phiệt (4 tháng 11 năm 1900 - 1 tháng 12 năm 1973) là nhà hoạt động chính trị, nhà sử học, nhà thơ, nhà giáo Việt Nam.
Ông sinh năm 1900 trong một gia đình nhà Nho tại xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Thuở nhỏ ông học ở Vinh, rồi học bậc Thành chung tại trường Quốc học Vinh, cùng với những người bạn đồng môn như Đặng Thai MaiNguyễn Sĩ SáchPhạm Thiều...
Năm 1923, ông ra Hà Nội học Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Năm 1925, ông cùng Đặng Thai Mai, Phạm Thiều... sáng lập tổ chức Việt Nam nghĩa đoàn, tham gia đấu tranh đòi thực dân Pháp thả cụ Phan Bội Châu. Tổ chức này sau đó được thống nhất với Hội Phục Việt của Lê Văn Huân và Trần Mộng Bạch ở Vinh, và Tôn Quang Phiệt được cử làm Hội trưởng Hội Phục Việt. Hội Phục Việt đổi tên thành Hội Hưng Nam (11-1925) rồi cuối cùng là Đảng Tân Việt (1928), một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt NamTháng 6 năm 1926, ông cùngTrần PhúVương Thúc Oánh…sang Trung Quốc gặp các nhân vật trong Việt Nam Cách mạng đảng. Ông bị Pháp bắt ở Móng Cái, sau đó bị đem về giam tại Hà Nội. Sau một thời gian, ông được tự do, tiếp tục bí mật hoạt động và dạy tại trường trung học tư thục Thăng Long.
Năm 1927, ông tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, năm 1930, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đầu năm 1930, ông lại bị bắt và bị kết án tù 7 năm, đày đi Buôn Ma Thuột. Năm 1934, ông ra tù, rồi bị quản thúc; xin dạy học tại một trường tư thục ở Vinh một thời gian, sau đó ông vào Huế mở trường tư thục Thuận Hoá và bắt liên lạc với phong trào cách mạng nơi đây. Từ 1936-1945, ông tham gia vào Mặt trận Dân chủ, phong trào Đông Dương đại hội, tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ và sau đó hoạt động trong Thành bộ Việt Minh Nguyễn Tri Phương ở Huế.
Sau Cách mạng tháng 8, ông làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng và Ủy ban kháng chiến đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên.
Năm 1946, ông trở thành Đại biểu Quốc hội khóa I và tham gia vào Uỷ ban dự thảo Hiến pháp Việt Nam năm 1946[1]. Ông là Đại biểu Quốc hội khóa I-IV đã từng đảm nhận nhiều chức vụ trong Quốc hội như Phó trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa I[2], Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Tổng Thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa III[3], IV.
Ông còn là Chủ tịch Uỷ ban đoàn kết nhân dân Á - Phi của Việt Nam[4], Phó Hội trưởng Hội hữu nghị Việt - Trung, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt - Xô.
Từ năm 1954, ông tập trung nghiên cứu về lịch sử và văn học, tham gia vào Ban nghiên cứu Sử, Địa, Văn. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như: Lịch sử Việt Nam dưới thời Pháp thuộc (1948), Trên đường tranh đấu của nhân dân Việt Nam (1950), Phan Bội Châu và một giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam (1958)... cùng nhiều bài viết đăng trên các tạp chí và một số công trình dịch thuật. Ông còn là một nhà thơ, nhà văn với các tác phẩm như Thanh khí tương cầu (thơ lục bát), truyện thơ Khách không nhà, tiểu phẩm Bẻ nạng chống trờiDuyên nợ bên hồMột ngày ngàn thu (Nhà in Đắc Lập, Huế, 1937)...
Ông mất đột ngột vào 1 tháng 12 năm 1973 trong một chuyến công tác tới Bắc Kinh, Trung Quốc, ở tuổi 73.
Tôn Quang Phiệt đã được nhà nước Việt Nam truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao Vàng. Hiện nay tên ông đã được đặt cho những con đường ở Huế và thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng.
Nghiên cứu
  • Lịch sử Việt Nam dưới thời Pháp thuộc (1948)
  • Trên đường tranh đấu của nhân dân Việt Nam (1950)
  • Phan Bội Châu và một giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam (1958)
  • Tìm hiểu Hoàng Hoa Thám: Qua một số tài liệu và truyền thuyết
  • Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh
  • Thơ văn chữ Hán của Phan Bội Châu
Thơ văn
  • Thanh khí tương cầu (thơ)
  • Khách không nhà (truyện thơ)
  • Bẻ nạng chống trờiDuyên nợ bên hồMột ngày ngàn thu (tiểu phẩm, Nhà in Đắc Lập, Huế, 1937)
Dịch thuật
  • Phan Bội Châu niên biểu (do ông và Phạm Trọng Điền dịch khi ở Việt Bắc, in lần đầu năm 1955 và tái bản năm 1957)
  • Việt Nam nghĩa liệt sư (tác phẩm của Phan Bội Châu, in năm 1959).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét