Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tướng Phùng Chí Kiên

Hôm qua đọc tin trên Giao Blog, thấy ảnh chụp một phần thư của Đại tướng gửi đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy trung ương và Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đề nghị sử dụng phương pháp ngoại cảm để đi tìm phần hài cốt còn lại của đồng chí Phùng Chí Kiên. Mình tin là đúng, nhưng với công nghệ chế đồ giả bây giờ, và nhất là nhiều bạn thích làm đồ giả để đùa vui, nên chưa thể tin chắc chắn; mình có hỏi bạn Giao thì bạn cho biết "Tạp chí Cộng sản đã đăng thư này mà bác, đó là căn cứ chắc chắn. Bác xem lại ở đây nhé". Thì ra là bài này. Đáng lưu ý mặc dù Đại tướng Đề nghị truy tặng đồng chí Phùng Chí Kiên Huân chương Sao Vàng nhưng đến nay đồng chí vẫn chỉ được truy tặng Huân chương Chiến công hạng ba.
Đọc đoạn "mộ hương hồn Tướng Phùng Chí Kiên nằm khiêm nhường giữa đội ngũ hàng trăm người con liệt sĩ của quê hương. Một cành hoa sứ trắng tinh khôi ai đó vừa đặt lên mộ, hương hoa thanh nhẹ trong gió chiều", mình thấy xúc động quá. Tại sao Đại tướng Giáp không khiêm nhường chọn nơi an nghỉ như bậc tiền bối anh hùng nhỉ ?
Về thăm quê Tướng Phùng Chí Kiên
Tạp chí Cộng sản 19:12' 18/8/2008 (Bài và ảnh: Trần Hoài)
Trong danh sách liệt sĩ của xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, Nghệ An, Phùng Chí Kiên (tên khai sinh là Nguyễn Vĩ) là chiến sĩ cách mạng, một trong những người con của quê hương Diễn Yên hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 
Đồng chí Phùng Chí Kiên sinh ngày 18-5-1901, hy sinh ngày 21- 8-1941, khi đó, ông là Ủy viên thường vụ Trung ương Đảng (khóa 1), cán bộ lãnh đạo quân đội cấp tướng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên cường.
Năm 1990, sau khi hài cốt Tướng Phùng Chí Kiên được đưa từ Bắc Cạn về Nghĩa trang Mai Dịch – Hà Nội, thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và gia đình, nhân dân xã Diễn Yên, một ngôi mộ Tướng Phùng Chí Kiên cũng được lập tại Nghĩa trang liệt sĩ xã, để làm nơi vào dịp 27-7, lễ, tết, mùng một, ngày rằm gia đình, bà con lối xóm đến thắp hương, viếng hương hồn người chiến sĩ cách mạng tiền bối…


Mộ phần Tướng Phùng Chí Kiên tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Diễn Yên (không thấy ảnh hiện ra trong bản gốc của Tạp chí Cộng sản)

Ngày 18-12-2007, sau khi nhận được công văn của Tỉnh ủy Nghệ An và Bộ tư lệnh Quân khu 4 đề nghị làm nhà lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư đến đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy trung ương và Đại tướng Phùng Quang Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Thư có đoạn: 


“(…) Đồng chí Phùng Chí Kiên là một đồng chí tiền bối cách mạng. Đồng chí tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí hội từ rất sớm, sang Trung Quốc hoạt động từ 1915, được dự lớp bồi dưỡng cán bộ cách mạng của Bác Hồ ở Quảng Châu, được Bác cử đi học trường quân sự Hoàng Phố. Về sau, đồng chí sang Nga học trường Đại học Phương Đông. Trở lại hoạt động ở Trung Quốc, đồng chí tham gia chuẩn bị và dự Đại hội lần thứ nhất của Đảng ở Ma Cao, được bầu vào Trung ương và sau đó được bầu vào Thường vụ TW Đảng. Năm 1940, tôi và anh Phạm Văn Đồng được Đảng cử sang Trung Quốc để gặp Bác. Chúng tôi có gặp anh Phùng Chí Kiên và một số đồng chí. Tôi may mắn cùng ở chung một nhà với anh Phùng Chí Kiên một thời gian, chúng tôi sống với nhau rất thân thiết. Lúc đó anh phụ trách chúng tôi và tổ chức cho chúng tôi đi gặp đồng chí Vương tức Bác Hồ ở Thúy Hồ. Chuẩn bị về nước, anh được Bác phân công tham gia viết tài liệu “Con đường giải phóng” để mở lớp huấn luyện cho thanh niên yêu nước ở Nậm Quang. Về nước, anh tham gia hội nghị Trung ương VIII tháng 5 năm 1941 đề ra đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Anh được phân công chỉ đạo khởi nghĩa Bắc Sơn. Khi địch khủng bố trắng, Anh dẫn một bộ phận lực lượng vũ trang rút về hướng Cao Bằng. Trên đường rút lui bị địch phục kích, Anh đã bị thương, bị địch bắt, hành hạ rất dã man, Anh vẫn kiên cường giữ vững khí tiết cách mạng; chúng đã chặt đầu Anh để khủng bố tinh thần quần chúng(…). Đồng chí Phùng Chí Kiên là vị tiền bối cách mạng, một cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng được Bác và Trung ương phân công phụ trách quân sự đầu tiên (…). Năm 1947 Bác Hồ đã ký quyết định truy phong hàm tướng đầu tiên cho đồng chí. Do khuyết điểm về công tác chính sách nên đến năm 2004 đồng chí mới được công nhận là liệt sĩ, tặng bằng Tổ quốc ghi công và chỉ truy tặng Huân chương Chiến công hạng ba. Đồng chí ra đi làm cách mạng từ nhỏ, không vợ con gia đình, nay chưa có nơi thờ phụng…”.

Cuối thư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị lãnh đạo Đảng và quân đội ba việc cần làm ngay

1-Tiến hành xây dựng Khu lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên như Quân khu 4 và tỉnh Nghệ An đề nghị. 

2- Tổ chức hội thảo kỷ niệm về đồng chí Phùng Chí Kiên để tôn vinh công lao của đồng chí. Đề nghị truy tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng. 

3- Đề nghị sử dụng phương pháp ngoại cảm để đi tìm phần hài cốt còn lại của đồng chí Phùng Chí Kiên (như đã tổ chức tìm được thi hài Trung tướng Nguyễn Bình và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - đoạn này Blog thêm vào).

Ngôi nhà nơi Tướng Phùng Chí Kiên sinh ra và lớn lên (không lấy được ảnh)

Tháng 8 - 2008, chúng tôi về Diễn Yên, đến thăm ngôi nhà, mảnh vườn, nơi Tướng Phùng Chí Kiên đã sinh ra và lớn lên. Mảnh vườn nhỏ, ngôi nhà nhỏ, hàng dừa lao xao… Ông Lê Hồng Chinh, Bí thư Đảng ủy xã Diễn Yên cho chúng tôi biết, xã, huyện đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng lập hồ sơ xây dựng Nhà tưởng niệm Tướng Phùng Chí Kiên, dự kiến sẽ được xây dựng ngay chính nơi đây. 

Anh Nguyễn Đức Đợu (1), sinh năm 1960 là cháu gọi Tướng Phùng Chí Kiên bằng ông hiện đang sống ở đây cùng gia đình riêng. Anh Đợu nói: “Là con, cháu của một bậc tiền bối cách mạng, chúng tôi rất tự hào, vinh dự. Chúng tôi làm hết sức mình để cố gắng giữ nguyên vẹn ngôi nhà gỗ, tường bao bằng gạch xưa cũ các cụ để lại, lưu dấu kỷ niệm một thời tuổi trẻ ông chúng tôi đã sống”. 

Nơi góc nhà, con trai anh Đợu, đang miệt mài ôn bài, chuẩn bị cho một năm học mới. Ông Nguyễn Văn Hồng, sinh năm 1925, người trong gia tộc Tướng Phùng Chí Kiên, nguyên cán bộ Tỉnh ủy Nghệ An kể cho chúng tôi nghe sự kiện: Năm 1957, Trung ương có gửi về Ban lịch sử Tỉnh ủy Nghệ An một tấm ảnh người đàn ông khoảng ngoài 30 tuổi, cùng với bản ghi chú đây là đồng chí Phùng Chí Kiên, một cán bộ cao cấp của Đảng, kèm đề nghị xác minh quê quán, gia đình. Ông Nguyễn Văn Hồng nhìn tấm ảnh, thấy gương mặt quen, hình như đã nhìn thấy một lần đâu đó rồi, nhưng cái tên Phùng Chí Kiên, lúc này đối với ông hoàn toàn lạ lẫm. 

Trong gia tộc họ Nguyễn của ông nghe đâu có một người tên là Nguyễn Vĩ, nhưng hình như đã xuất dương từ lâu rồi, không rõ giờ còn sống hay đã chết, ở đâu. Chưa hết nghi hoặc, ông Hồng xin phép được mang tấm ảnh về quê Diễn Yên để hỏi các cụ lão thành cách mạng hoạt động trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Có ông Nguyễn Ấn Trúc, là bạn bè thuở nhỏ, lớn lên cùng tham gia hoạt động cách mạng ở phủ, ở tổng nhận ra ngay đó chính là Nguyễn Vĩ. Bấy giờ, mọi người mới biết Phùng Chí Kiên chính là Nguyễn Vĩ, đã hy sinh năm 1941 tại Bắc Cạn, là người con của làng Mỹ Quan, xã Diễn Yên. 

 Ngay từ năm 1925, Diễn Yên đã có người tham gia phong trào Văn thân Cần Vương. Từ 1925 đến 1929 có 19 thanh niên tham gia tổ chức Việt Nam cách mạng đồng chí hội, có 10 người xuất dương tìm đường cứu nước. Thời kỳ 1930 - 1931 đây là điểm khởi đầu nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình của nông dân chống phong kiến, đế quốc. Trong Cao trào Xô Viết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hàng ngàn người dân Diễn Yên đã dùng gậy gộc tiến vào thành Phủ Diễn biểu tình, bị địch khủng bố, hy sinh 24 người. Tính đến Cách mạng Tháng Tám, Diễn Yên có 68 người hoạt động cách mạng bị địch sát hại, tù đày. 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Diễn Yên đã huy động 22.000 lượt người đào đắp gần 100.000 m3 đất đá làm đường cho xe ra mặt trận, có gần 2000 thanh niên nhập ngũ, 202 liệt sĩ. Xã có 8 bà mẹ được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, năm 1996, Đảng bộ và nhân dân xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của xã từ 15 – 16%, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 11,4%; vùng đồng ga Yên Lý có nhiều mô hình cá – lúa, kết hợp chăn nuôi gia cầm của các hộ gia đình cho thu nhập 100 – 150 triệu đồng/năm. Toàn xã có 215 ha cá nước ngọt, là đơn vị dẫn đầu tỉnh Nghệ An về phong trào này. Hệ thống trường học, trạm xá xã được kiên cố hóa. 100% hộ dân đã có nhà ngói, nhà cao tầng. Trường Trung học cơ sở của xã được vinh dự mang tên Phùng Chí Kiên…

Ông Lê Hồng Chinh, Bí thư Đảng ủy xã tâm sự với chúng tôi: Mới đây Đoàn tìm kiếm của Bộ Quốc phòng và gia đình đã tìm thấy phần hài cốt còn lại của đồng chí Phùng Chí Kiên tại tiểu khu 1, thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, đó là một niềm vui đối với chúng tôi. Phần hài cốt tìm được lần này chính là phần đầu của đồng chí Phùng Chí Kiên do nhân dân huyện Ngân Sơn mai táng trước đây, hiện được quàn tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng - số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội… 

Sắp tới, tại cuộc hội thảo về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Phùng Chí Kiên do Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Nghệ An dự kiến tiến hành vào ngày 18-8, xã có một bài tham luận với tiêu đề “Phùng Chí Kiên – cội nguồn và sức sống”. Vậy là, những mong muốn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mong muốn của Đảng bộ và nhân dân Diễn Yên, Diễn Châu, Nghệ An và đồng chí, đồng bào cả nước đã hoàn thành.

Chúng tôi ra Nghĩa trang liệt sĩ, mộ hương hồn Tướng Phùng Chí Kiên nằm khiêm nhường giữa đội ngũ hàng trăm người con liệt sĩ của quê hương. Một cành hoa sứ trắng tinh khôi ai đó vừa đặt lên mộ, hương hoa thanh nhẹ trong gió chiều./.

(1) Anh Nguyễn Văn Đợu là con của người em trai tướng Phùng Chí Kiên

http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Thoi_su_chinh_tri/2008/6634/Ve-tham-que-Tuong-Phung-Chi-Kien.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét