Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

RFA viết về truy điệu Tướng Giáp ở Quảng Bình

Đọc để biết chứ không nên tin ngay:
Lễ truy điệu Tướng Giáp ở Quảng Bình
Lễ truy điệu tướng Giáp được tổ chức tại hai nơi ở Quảng Bình, gồm Ủy ban nhân dân tỉnh và tại nhà lưu niệm Võ Nguyên Giáp tại làng An Xá, thôn Kiến Giang, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. Có thể nói là không khí truy điệu ở hai nơi này tuy trang nghiêm nhưng lộ rõ tính hình thức và có điều gì đó không bình thường phía sau sự trang nghiêm này.
Nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Quảng Bình, 
ảnh chụp hôm 12/10/2013. RFA PHOTO.
Không có dấu hiệu đau buồn
Một người dân An Xá, yêu cầu giấu tên, nói với chúng tôi rằng ông không thấy buồn khi nghe tin đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, mặc dù với ông, tướng Giáp ngoài ý nghĩa là một thần tượng, còn là người ông trong họ rất thân thương, từng giúp đỡ gia đình ông rất nhiều. Thời ông còn nhỏ, mỗi khi nghe tướng Giáp về thăm quê, trong lòng ông vui mừng khôn tả, chỉ mong nhìn thấy tướng Giáp bắt ghế ra trước hiên ngồi hóng gió, cách gì cậu bé thuở đó là ông bây giờ cũng chạy sang đứng tần ngần trước bờ rào và được đại tướng gọi vào cho bánh, xoa đầu… Theo ông nhận thấy, tướng Giáp sống rất mộc mạc, gần gủi nhưng uy nghiêm và không biết diễn như những thần tượng khác.

Ông nói rằng vào năm 2010, trong lúc Hà Nội diễn ra đại lễ Ngàn năm Thăng Long Hà Nội và Quảng Bình bị lụt nặng thì ông nghe tin tướng Giáp qua đời. Lúc đó cả làng ai cũng buồn, riêng ngôi nhà tướng Giáp do ông Võ Đại Hàm, cháu gọi tướng Giáp bằng ông bác ruột đã rút bớt một thanh giường, nửa vạt giường và một số cây trong vườn nhà được quấn một dải vải quanh cây. Với người miền Trung, đặc biệt từ Quảng Ngãi ra đến Nghệ An, việc gở bỏ vạt giường, thanh giường hoặc đốt chiếc giường đi và cây cối quanh nhà đều quấn khăn, điều đó có nghĩa là chủ nhân của chiếc giường và mảnh vườn đã qua đời.

Nghe người cháu họ của tướng Giáp nói vậy, chúng tôi dạo quanh vườn nhà ông một vòng nhưng không thấy cây nào có chít khăn tang cả, riêng chiếc giường thì năm 2010, có lần ghé đến thăm nhà tướng Giáp, chúng tôi có nhìn thấy nửa vạt giường và thanh giường đã được rút bớt và có một số cây trong vườn chít khăn tang. Lần đó, gương mặt người cháu tướng Giáp là ông Võ Đại Hàm rất buồn, mỗi lúc nói về tướng Giáp, ông bị rươm rướm nước mắt. Cũng lần đó, ông không khẳng định là tướng Giáp chưa qua đời, ông chỉ nói bệnh nặng, đang nằm ở bệnh viện quân y ngoài Hà Nội và lâu lắm rồi ông chỉ liên lạc mọi việc thông qua cụ bà, tức là vợ của đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Một cựu chiến binh khác đến viếng tướng Giáp, gương mặt đượm buồn, nói với chúng tôi là thật ra, việc bây giờ tướng Giáp qua đời hay tướng Giáp đã qua đời năm 2010 đối với ông không còn quan trọng nữa. Vì theo như ông biết, kể từ năm 2010, mọi liên lạc của người thân đối với vị danh tướng mà ông luôn đặt trên cả mức thần tượng không còn nữa. Ông đoán rằng có lẽ tướng Giáp đã ra đi lúc đó nhưng vì một lý do nào đó có liên quan đến đại lễ Ngàn năm Thăng Long Hà Nội và lũ lụt Quảng Bình nên chương trình truy điệu bị hoãn lại đến hôm nay. Hoặc là cũng có thể lúc đó, tướng Giáp vẫn thở nhưng đời sống đã hoàn toàn là đời sống thực vật.
Ông nói thêm rằng ngoài ý nghĩa là một cựu chiến binh, ông còn là cháu của tướng Giáp, ông thấy mỗi khi có lễ, Tết, báo chí đều loan tin tướng Giáp còn khỏe, minh mẫn bắt tay tướng này tướng nọ, quan này quan kia, ông chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Vì với ông, tướng Giáp là một người mẫn tiệp, lịch lãm, sang trọng và quí phái nhưng cũng rất nhiệt tình với con cháu, học trò và cấp dưới. Điểm đặc biệt là một khi còn khỏe mạnh, tướng Giáp không hề từ chối nghe điện thoại của bất kì ai nếu như người đó chưa từng tạo ấn tượng không tốt với ông. Nhưng từ năm 2010, mỗi khi gọi thăm tướng Giáp, ông chỉ gặp vợ của tướng Giáp bắt máy. Ông có linh cảm không hay về điều này từ đó và cũng thấy buồn, nhận ra sự mất mát từ lúc đó. Mãi cho đến bây giờ, khi nghe tin thần tượng của mình qua đời, ông lại thấy không buồn như năm 2010.
Ông này nói: “Giờ ông cũng đã xa rồi thì nói chung mọi người xóm giềng ở đây cũng buồn. Về tình cảm thì mọi người dân trên Việt Nam từ Nam chí Bắc, từ dân tộc Kinh cho đến các dân tộc, thực chất ai cũng quý mến, Bác cũng giành lại độc lập cho dân tộc. Hồi xưa Bác về thì tui còn ngồi trên ghế nhà trường, đang còn nhỏ, mỗi lần biết Bác về bao giờ trong lòng cũng rộn ràng, muốn chạy qua liền để gặp Bác, nói chuyện với Bác!”

Nhà cách mạng cuối cùng…

Một người lính già khác, cũng yêu cầu giấu tên, chia sẻ với chúng tôi rằng ông đến viếng tướng Giáp của ông, ngoài ý nghĩa tiễn đưa một vị tướng anh hùng, một thần tượng, ông còn tiễn đưa một nhà cách mạng cuối cùng ra đi. Có nghĩa là, nếu như những năm trước 1975, một người lính Cộng sản như ông luôn xem mình là một phần trách nhiệm của dân tộc, đất nước, tạm biệt gia đình và ra chiến trường theo tiếng gọi lý tưởng, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp chung, thì bây giờ, ông đã hỡi ôi nhận ra rằng cái gọi là sự nghiệp chung ấy chẳng có chung một chút nào, đó chỉ là một sự nghiệp riêng của một nhóm người và cái sự nghiệp này được xây dựng trên xương máu và niềm tin của rất nhiều người đã ngã xuống và của rất nhiều người còn đang sống nhưng vật vờ như một cái bóng.
Ông nói thêm rằng có lẽ vì thế mà những năm sau 1975, một vị tướng lừng danh như Võ Nguyên Giáp phải chấp nhận sự đày đọa nào đó để nhận cái chức danh Chủ tịch Ủy ban dân số kế hoạch hóa gia đình. Ông này nói rằng không có gì đau đớn và kinh hoàng hơn chuyện bắt một người đàn ông đã quen với khói lửa sa trường phải làm một công việc mà họ chưa từng nghĩ đến cũng như công việc này lẽ ra phải giao cho phụ nữ vì những lý do tế nhị của nó. Nhưng lúc đó, tướng Giáp không những không bất bình, khó chịu mà ông vẫn ung dung làm việc như chưa hề có chuyện gì xảy ra, ông lại chiến đấu với một sự nghiệp mới, sự nghiệp sinh đẻ của chị em phụ nữ Việt Nam. Thái độ và tư cách của tướng Giáp trong lần làm Chủ tịch khó chịu này lại một lần nữa nói lên nhân cách cao vời của ông.
Đặc biệt, người lính già nhấn mạnh, với ông, tướng Giáp là nhà cách mạng cuối cùng của Việt Nam kể từ thời Việt Minh cho đến nay đã ra đi. Ông cho rằng chỉ có tướng Giáp mới xứng đáng được gọi là nhà cách mạng chân chính, người Cộng sản chân chính. Còn hiện tại, bóng dáng của nhà cách mạng chân chính, ông nghĩ rằng chỉ biết trông chờ vào những thế hệ sau.
Câu chuyện ngoài lề lễ truy điệu tướng Giáp được khép lại khi có một nhóm học sinh trung học Lệ Thủy đến viếng và dâng hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo dự kiến linh cửu của tướng Giáp sẽ được đưa về Quảng Bình bằng máy bay và dừng lại làm lễ tại Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, sau đó đưa ra đảo Yến tại huyện Quảng Trạch để an táng. Mặc dù đường từ đảo Yến về nhà của tướng Giáp chỉ cách 10 km đường chim bay, nhưng có vẻ như ông đã nghìn trùng xa cách quê nhà từ lâu lắm rồi. Những người lính già chỉ mong ông được đưa trở lại mái nhà xưa một lần cuối trước khi ra đảo Yến nhưng điều này nghe ra có vẻ khó khăn!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét