Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Viết và lách ở Sài Gòn trước 1975

Viết và lách ở Sài Gòn trước 1975
(trích từ “Văn học miền Nam tổng quan” của cụ Võ Phiến)
Nói sinh hoạt văn nghệ bị hoạt động quân sự và chính trị áp đảo, nói nhà văn sau 1954 bị lu mờ, nói vậy không hề hàm cái ý ở Miền Nam bấy giờ nhà văn ―xuống nước, phải quỵ lụy giới chính trị và quân sự. 
Ở Miền Nam trong hai mươi năm tuyệt nhiên không có thứ thơ văn ca ngợi lãnh tụ, xưng tụng các nhân vật quyền thế. Trái lại, thơ văn đả kích chế giễu nhà cầm quyền đã có lúc thịnh hành thành phong trào. Thật vậy, sau 1963 những Chu Tử, Sức Mấy, Kiều Phong, Đạo Cấy v.v... liên tiếp đánh phá lung tung, từ chánh phó Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội cho đến các tướng tá, tỉnh trưởng, trên gần khắp các báo hàng ngày, hàng tuần. Lời lẽ của họ sát phạt, cay độc, lắm lúc hỗn xược thậm tệ, không chút kiêng nể gì. 
Ngay cả một tổ chức hàng năm vẫn nhận trợ cấp của chính quyền như hội Bút Việt mà có lúc vẫn lớn tiếng công kích chính quyền. Chính quyền định cúp tài trợ, Bút Việt đòi kiện trước Quốc hội. Về vấn đề này, linh mục Thanh Lãng trình bày không chút mặc cảm: “... Từ 18 năm nay, tức là từ ngày có Văn bút, từ đầu năm 1957, hàng năm Ngân sách Quốc gia vẫn đài thọ cho Văn bút một ngân khoản, để sinh hoạt nội bộ và đi dự hội nghị quốc tế. Ngân khoản đó đã từng được đưa ra thảo luận tại Quốc hội. Ngân khoản đó, tài trợ cho Văn bút không phải để Văn bút trả lương cho hội viên. Tất cả mọi người làm việc cho Văn bút đều không có lãnh lương lậu gì cả. Nguồn tài trợ đó chỉ để tiêu cho các sinh hoạt thuần túy văn hóa: tổ chức giải thưởng Văn học hàng năm, tổ chức các cuộc nói chuyện hàng tháng, sinh hoạt hội thoại hàng tuần...”… 

………

Liên quan đến chuyện xuất bản trong thời kỳ này, chúng ta nghe nhiều tiếng kêu than về vấn đề kiểm duyệt. Kiểm duyệt, thật ra giới cầm bút Việt Nam đã phải đối đầu với nó lâu rồi, từ hồi Pháp thuộc, Nhật thuộc cho đến nay…

Tuy vậy trước kia ta không có sức chống đối, sau này ở Miền Nam sự chống đối bày tỏ công khai và mỗi lúc mỗi ồn ào: công kích trên báo chí, sách vở, phản đối bằng kiến nghị, chế giễu bằng thơ, bằng họa v.v..., dựa trên Hiến pháp mà chống đối thẳng tay. 

Tú Kếu chẳng hạn réo chửi mụ già Kiểm duyệt thậm tệ:

“Mặt vác lên như cái mẹt! Mõm heo đớp chẳng vừa/ Răng chuột chuyên đục khoét/ Hôi như bọ hung/ Độc hơn bọ chét/ Nhìn thấy chữ là cắn là cào/ Trông thấy mặt là la là hét!”

Không những mắng Kiểm duyệt, ông còn xỉ vả đích danh Chánh sở Kiểm duyệt nữa: 

“Ông chánh sở thiệt là huê mỹ/ Mang họ Văn thì vẻ phải hay/ Thế mà từ bấy lâu nay/ Riêng ta cứ tưởng là tay cù lần... Họ Văn đục chữ đã đau/ Lại còn tên Thái, cơ cầu hay chưa ... Đè đầu ông Thái hết mình/ Giống như thằng mõ giữa đình thái... gân!”

Có lúc Tú Kếu nổi sùng, văng tục:

“Phối hợp như ông phối cái gì/ Càng thêm mọi rợ xứ man ri/ Phối vê bạc cắc, quân cường đạo/ Hợp giết ngôn từ, lũ tặc nhi/ Nghệ đã tinh thông nghề thái thịt/ Thuật đang bành trướng thuật nâng bi! Mẹ cha văn hóa buồn năm phút/ Sửa soạn mang chôn chốn nhị tỳ”.

Kể ra một “mụ Kiểm duyệt” chịu đựng được chừng ấy lời réo chửi dữ dằn thì mụ cũng không có vẻ gì hung tợn. Một số nhà văn như Nguyễn Mạnh Côn hồi ấy trước sau không chịu ký tên vào bất cứ bản kiến nghị chống kiểm duyệt nào...

Lại nữa ban đầu, hồi đệ nhất cộng hòa, kiểm duyệt là công việc của cả một hội đồng liên bộ, chủ tịch là giám đốc nha Báo chí bộ Thông tin; vì vậy kêu rêu có kêu rêu (văn giới lúc nào chẳng kỵ kiểm duyệt?), nhưng nhiếc móc xỉ vả thì chưa có. Về sau, nó tụt dần xuống hàng một sở nằm trong bộ Thông tin, do một viên chánh sự vụ điều khiển; nhân sự ban đầu còn khá, càng lâu kẻ khá rút đi dần, phải vơ bèo vạt tép, dùng đến hạng chẳng có kiến thức gì, ngồi làm mục tiêu cho những giễu cợt xỉa xói của dư luận.

Thật vậy, vừa rồi chúng tôi có nói đến sự chống đối kiểm duyệt ồn ào trước 1975, nhưng ngay vào độ ấy văn sĩ vẫn được dõng dạc nói lên những điều họ cảm nghĩ mà không ngại xúc phạm đến người cầm quyền. Tập san Nhà Văn số xuân Ất Mão (tháng 2 năm 1975) đăng lời tuyên bố của Thanh Lãng trả lời một cuộc phỏng vấn: “Tết năm nay, đối với Trung tâm Văn Bút Việt Nam là một cái Tết tha hương, vì cũng như nhân dân Miền Nam, nhà văn Việt Nam đang sống trong một nhà tù lớn, một chốn ly thân, trong thân phận vong thân” (trang 115). Trong cái “nhà tù lớn” ấy, báo Nhà Văn được in, và phổ biến rộng rãi, nhà văn Việt Nam Thanh Lãng vẫn yên lành tiếp tục viết văn, tiếp tục chống nhà cầm quyền bằng tuyên bố này nọ và bằng những hình thức hoạt động khác...

https://www.facebook.com/nguyen.manhkim/posts/10151751241719796

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét