Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Việt Nam nguy cơ dính bẫy... tự do hóa thương mại

Tiếng Anh giải công nghiệp hóa là de-industrialisation. Nên xem 1 bài viết cực hay về vấn đề này: Corden WM, Neary JP (1982). "Booming Sector and De-industrialisation in a Small Open Economy". The Economic Journal 92 (December): 825–848. doi:10.2307/2232670
Xem chi tiết trong bài: Dutch disease and De-industrialization
Việt Nam nguy cơ dính bẫy... tự do hóa thương mại
Theo nhiều chuyên gia, cái bẫy này là nền kinh tế chạy theo xuất khẩu hàng thô-sơ chế, thâm dụng tài nguyên, nhân công giá rẻ... 
Tạo “giải công nghiệp hóa” qua thương mại
Theo TS Nguyễn Đức Thành (Trung tâm VEPR), tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghiệp và kinh tế Trung Quốc đã tạo ra một nhu cầu lớn trên quy mô toàn cầu về tài nguyên, nhiên liệu, hàng hóa trung gian. Nó gián tiếp làm thay đổi khuynh hướng sản xuất của nhiều nước trên thế giới, như việc khiến một số nước bị hấp dẫn bởi việc xuất khẩu tài nguyên, hàng hóa thô-sơ chế sang Trung Quốc, do đó nguồn lực bị rút khỏi khu vực sản xuất công nghiệp, khiến đất nước mất dần mất khả năng cạnh tranh trong dài hạn.
Cơ chế phức tạp này kết thúc bằng việc các quốc gia giàu tài nguyên dần phân ly khỏi quỹ đạo công nghiệp hóa truyền thống, và dần lệ thuộc vào việc xuất khẩu tài nguyên hoặc các sản phẩm sơ chế trung gian. Điều này được biết đến như là vòng xoáy “giải công nghiệp hóa” trong bối cảnh mới, hay còn được gọi là “lời nguyền tài nguyên mới”.




Các chuyên gia lo lắng về nền kinh tế còn mải tận dụng nguồn nhân công giá rẻ
TS Nguyễn Đức Thành còn chỉ ra rằng, sự gần gũi về địa lí, giàu tài nguyên và ở một trình độ sản xuất thấp hơn Trung Quốc có thể khiến Việt Nam đang dần bị hút vào vòng xoáy “giải công nghiệp hóa”. Việc tham gia vào Khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) – thông qua đó đa số hàng rào thuế quan giữa ASEAN với Trung Quốc được gỡ bỏ – có thể khiến hiệu ứng “giải công nghiệp hóa” trở nên rõ nét hơn.

Thông qua việc xem xét số liệu thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, hiệu ứng “giải công nghiệp hóa” mà Trung Quốc tạo ra đối với Việt Nam thông qua thương mại. Dưới tác động của sự hình thành ACFTA, hiệu ứng này trở nên rõ nét hơn do ACFTA không có các trở ngại về xuất khẩu nông sản. Bởi lẽ, Trung Quốc và ASEAN đã loại bỏ thuế suất đối với hơn 9.000 nhóm hàng. Đồng thời, quy định ROO ở mức thấp nhất trong số các FTA trên thế giới (40%). Điều này tạo ra luồng dịch chuyển hàng hóa thương mại với quy mô lớn và không trở ngại.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề “giải công nghiệp hóa”, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thuật ngữ này không mới, nó chính là “bẫy tự do hóa thương mại”. Bẫy này ở chỗ nếu thuần túy tự do hóa thương mại, nó chỉ phát huy lợi thế so sánh tĩnh vốn có của một nền kinh tế, đó là lao động giá rẻ, là khai thác tài nguyên.

Vì vậy, TS Võ Trí Thành khẳng định, với sự trỗi dậy của Trung Quốc và với xu thế hội nhập mạnh mẽ hơn sẽ làm tăng nguy cơ bẫy tự do hóa thương mại. Nhưng ngoài các chỉ số về thương mại, về xuất nhập khẩu (như TS Nguyễn Đức Thành đã nêu), còn phải quan tâm đến sự di chuyển dòng vốn FDI (trong đó có FDI từ Trung Quốc và FDI từ bên ngoài, kể cả ở thương mại và đấu thầu); vấn đề mạng sản xuất toàn cầu...

“Giải công nghiệp hóa” sẽ sớm xảy ra ở Việt Nam

Đánh giá về mô hình thương mại Việt – Trung, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, nó mang đặc điểm rõ nét của quan hệ thương mại giữa hai nước có sự chênh lệch về trình độ phát triển, và Việt Nam nằm ở bậc thang thấp hơn trong chuỗi giá trị quốc tế.

TS Nguyễn Đức Thành dẫn chứng: Trong số những hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc, các hàng hóa mang tính tài nguyên thô và sơ chế (chiếm 1/2 hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc) vẫn chiếm ưu thế nổi trội, như: dầu thô, cao su, thủy sản, rau quả, hạt điều, than đá, dệt may, máy tính và linh kiện, đồ gỗ.

Trong khi đó, hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chủ yếu là hàng tinh chế, với tỉ trọng lên tới 85%. Đó chủ yếu là hàng công nghiệp chế tạo, thiết bị linh kiện. Mặc dù có sự cải thiện về xuất khẩu hàng hóa như máy vi tính và linh kiện, điện thoại di động và linh kiện sang Trung Quốc nhưng đó đa phần là xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chứ không phải của doanh nghiệp Việt Nam.

Đến nay, lợi thế so sánh của hàng xuất khẩu Việt Nam về tổng thể vẫn tập trung vào các ngành có hàm lượng kĩ thuật thấp và các hàng hóa nông sản.

Trước thực trạng này, TS Lê Đăng Doanh bình luận: “Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô sang Trung Quốc, giá trị gia tăng kém. Còn lại các mặt hàng công nghiệp thì không cạnh tranh được, không xuất khẩu được. Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ các mặt hàng của Trung Quốc. Như vậy sẽ đe dọa nền công nghiệp Việt Nam có một số lĩnh vực không cạnh tranh được, sẽ teo tóp dần”.

TS Lê Đăng Doanh cảnh báo: “Liên minh EU nói rằng cần tái công nghiệp hóa. Bởi vì các nước EU đã đầu tư hết sang các nước có lao động rẻ, thành ra giới trẻ lao động tại EU thất nghiệp ngày càng nhiều. Cho nên, bản thân các nước đã công nghiệp hóa 300 năm nay, giờ bị giải công nghiệp hóa. Ở Việt Nam điều này có lẽ sẽ diễn ra rất sớm, và nó là một sự đe dọa thực sự cho nền kinh tế”.

Hơn nữa, TS Lê Đăng Doanh còn dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết, Trung Quốc sắp tái cấu trúc kinh tế lần nữa. Khi đó, các lĩnh vực mà Trung Quốc đã giành công ăn việc làm như dệt may, da giày, điện tử... thì giờ lại tiếp tục giành lao động ở các lĩnh vực khác có trí tuệ hơn.

Tránh “giải công nghiệp hóa”

Để tránh việc bị khóa chặt vào “giải công nghiệp hóa”, TS Nguyễn Đức Thành đề xuất, Việt Nam cần chủ động cải thiện cơ cấu thương mại, đồng thời có các chính sách thích hợp hỗ trợ khu vực công nghiệp chế tạo.

Để thực hiện điều này, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, cần có các giải pháp ngắn-trung hạn và các giải pháp dài hạn. Các giải pháp ngắn – trung hạn bao gồm việc: điều chỉnh tỉ giá đồng VND; thiết lập các hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc; đầu tư cho công nghiệp chế biến nông sản.

Còn nhóm các giải pháp dài hạn bao gồm: phối hợp xây dựng các ngành công nghiệp phù hợp cho Việt Nam; phát triển cụm liên kết ngành để cải thiện tình hình công nghiệp phụ trợ cho Việt Nam; xây dựng các chương trình đào tạo nghề để nâng cao chất lượng lao động./.

Theo VOV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét