Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Trung Quốc: kẻ thù giấu mặt với các loại mìn ở Chiến trường K

Trong quân đội, các chữ cái được sử dụng để mô tả cấp bậc các đơn vị. A là tiểu đội (khoảng 10 người), B là trung đội (khoảng 40-50 người), C là đại đội (khoảng 200 người), D là tiểu đoàn (khoảng 600-800 người), E là trung đoàn và F là sư đoàn. Như vậy ký hiệu c1d7e429f302 trong bài là đại đội 1 thuộc tiểu đoàn 7, trung đoàn 429 và sư đoàn 302.

Trung Quốc: kẻ thù giấu mặt với các loại mìn ở Chiến trường K
Cuộc đấu Mìn ở Chiến trường K!
Kính thưa các đồng đội!
Một trong những điều ám ảnh khủng khiếp đeo bám tôi suốt những năm tháng ở chiến trường K cho đến bây giờ là những cái chết do... mìn nổ, những đồng đội bị thương cũng do... mìn nổ.
Tất nhiên, cái chết nào dù là do đạn AK, CKC, RPD... bắn thẳng, do đạn pháo cối... bắn cầu vồng, do sức nóng đạn B40, do rắn cắn, do sốt rét, do đói khát, thậm chí do chết đuối khi vượt sông Tonle Sap, sông Mekong... đều thương tâm, đau đớn. Nhưng, với tôi cái chết bởi mìn do bọn Polpot gài vẫn cứ là cái chết thê thảm, khủng khiếp, sợ hãi nhất.
Bộ binh, trinh sát đang đi bỗng... uỳnh một cái. Thế là... mất nửa bàn chân. Xe ô tô đang chạy bỗng... chớp lửa nháng lên cùng với tiểng nổ uỳnh một cái là lật tung xe, người súng, mũ, lốp cao su, ván thành ô tô vụn ra... tung lên giời, để rồi lả tả, bịch bịch, xào xào... những đất đá, cẳng chân, khúc tay, miếng thịt,... rơi xuống đất, xuống cỏ cây. Mìn Claymo, KP2, 652A, 652B...vv... chủ yếu của Trung Cộng hoành hành khắp chiến trường K.
Tôi có người bạn cùng học phổ thông, cùng huyện, cùng đi một đợt, cùng vào một đơn vị. Đại đội được cử đi truy kích bọn tàn quân Polpot ở Udon tháng 3 năm 1979. Trung đội nó đi trên đường mòn xe bò kéo theo vết chà rào lính công binh đã kéo từ sáng rà mìn. Hai trung đội đi hai bên đường, rẽ cây rừng mà đi. Nó không phải đi đầu mà đi cuối tiểu đội. Mấy đứa đi trước vừa đi vừa dò dẫm có phần sợ sệt. Tốc độ hành quân rất chậm dưới cái nắng nóng khô khát của núi rừng Udon. Thằng tiểu đội phó bạn tôi nóng ruôt vọt lên trước hàng quân được mấy mét gì đó thì bỗng... uỳnh một cái. Chân phải nó mất bàn chân, thuốc nổ phá lên gần nửa bắp chân thuốc nổ ám đen, xương ống bị phá te tua, tủy trắng lòi ra lẫn máu tươi đỏ lòm. Chân kia cũng choe choét máu.
Nó được garo cầm máu sơ cứu ngay. Khi tôi ở trung đội 2 đi mé rừng cạnh đường mòn bên phải chạy đến thì nó đã được đặt lên cáng khiêng để về tuyến sau. Mặt nó tái mét. Tôi hỏi:
"H. mày có đau lắm không?"
"Tao chịu được" - Chắc là lúc đó cu cậu đang hăng máu trận. Tôi cứ chạy theo cáng, hỏi:
"Mày giẫm phải mìn gì?"
Nó bảo:
"Chắc là "mìn cóc" KP2 của Trung Quốc."
Tôi lại hỏi:
"Lúc ấy, mày có thấy nó nhảy "cóc" lên rồi mới nổ không?"
Nó cáu:
"Đéo biết nó nổ "cóc" hay nổ mặt đất. Tao chỉ thấy... oàng một tiếng là thấy chân cụt luôn. Mày hỏi đéo gì mà lắm thế."
"Tao hỏi để rút kinh nghiệm cho những thằng sau."
Thằng bạn tôi gật đầu nhè nhẹ. Miệng nó cố nở một nụ cười héo hắt. Rồi đầu nó dần dần nghẻo sang bên trái. Nó lịm dần đi. Linh cảm có chuyện gì đó rất xấu đang xảy ra, tôi cuống quýt hỏi:
"Mày có dặn dò gì cho bố mẹ mày không?"
"Mày có dặn dò..."
Dặn gì nữa! Còn nói được đâu mà dặn với chả dò...
Chúng tôi đặt cáng xuống. Áp tai vào ngực nó không thấy tim đập. Bứt một cọng lá nhỏ nhặt vào mũi nó không thấy động đậy. Trước khi nó chết mà còn nói sang sảng. Lúc ấy, nước mắt tôi giàn rụa ra và gọi chỉ được hai từ: "H ơi.. H...ơi!" phát ra từ trong họng nghẹn cứng.
Tôi đứng dậy người rũ ra như tầu lá. Anh em lại tiếp tục khiêng nó đi. Ông C phó là lính 74 ghé mặt sát tai tôi gằn từng tiếng:
"Chẳng thằng chó nào thấy nó cóc lên mới nổ đâu, ông nội ạ. Nhìn được nó cóc thì cũng là lúc toi mạng luôn rồi."
Không biết quả mìn đã hạ sát bạn tôi là loại gì? KP2 hay 652A? Chỉ một quả mìn mà tất cả lính tráng đại đội ùn lại, không dám đi tiếp. Tâm trạng lo lắng, hãi sợ bao trùm cả C. Nó khác hẳn đối đầu trực diện với cả mấy chục tay súng áo đen tập kích bắn đạn thẳng mù trời, chúng tôi cũng không quá sợ, ôm súng chiến đấu ngay. Nhưng, mìn thì..., chẳng thấy bóng dáng tên tàn quân Polpot mà nào và... vẫn cứ hãi hùng.
Sau này, tôi còn chứng kiến nhiều cái chết do mìn, bị thương do mìn nữa. Đơn vị tôi, có một anh lính nhập ngũ tháng 5. 1978 bị mìn vướng (chắc là KP2) nó cóc lên mới nổ phá lủng cả một miếng bụng, sổ ruột ra lòng thòng. Còn mìn nổ toe toét thịt da hai đùi và bay mất cả cụm hạ bộ lính mình cũng không hiếm...
Mìn... vẫn là mìn - nỗi ám ảnh hãi hùng của Quân tình nguyện Việt Nam 10 năm ở Campuchia.
Tôi vẫn cho rằng: Cuộc chiến tranh ở Campuchia không phải là cuộc đấu xe tăng, pháo hạm, máy bay, tên lửa, sau một phần cuộc đấu đạn bắn thẳng là... cuộc đấu mìn. Chưa có cuộc chiến tranh nào trên thế giới mà mìn lại được sử dụng nhiều và như một loại vũ khí chủ yếu sát thương trên chiến trường như cuộc chiến triền miên, cò cưa, dai dẳng, hãi hùng ở chiến trường Campuchia.
* Giẫm phải mìn thì số phận người lính ra sao?
- Chết!
- Bị thương!
- Hay vẫn có cơ may không bị thương và vẫn sống?
Tất nhiên, giẫm phải mìn "thối", mìn "tịt", mìn Pot gài quên rút chốt thì hồng phúc người lính vô cùng.
Mìn... mìn.... và mìn! Cho đến bây giờ tôi vẫn khiếp đảm, hãi hùng... những quả mìn.
Nhavanquandoi

Xin chào bác @Nhavanquandoi!
Đọc bài viết của bác, tôi thấy rất xúc động về cảm nhận của bác về những sự hy sinh rất thương tâm của những người đồng đội của chúng ta một thuở trên chiến trường K do các loại mìn gây ra. Đợt lính năm 1978 ở huyện Tân Lạc - Hòa bình chúng tôi đã có rất nhiều trường hợp hy sinh do mìn. Hiện nay còn có khá nhiều anh em thương binh còn sống sót trở về địa phương, nhưng phần lớn là do mìn. Chứ do đạn nhọn hay pháo, cối thì rất ít. Bị mìn trên đường đi trinh sát, đi thông đường, đi cáng thương, tải đạn... Có những trường hợp bị hy sinh một cách không ngờ, khó tin đã để lại sự nuối tiếc, tức tưởi cho những người đồng đội cùng đơn vị, của những người đồng hương... như trường hợp bác đã kể!


Ở đơn vị tôi có một trường hợp thế này. Hôm đó ( vào năm 1980, tại địa bàn Núi Cóc - Pà ong - Ốt đomenchay) một bộ phận c1d7e429f302, do anh Hoan C trưởng cùng với 1 tiểu đội của d7 đi trinh sát địa bàn quanh chân núi Cóc. Trong lúc đang đi trước dẫn đường ( vì anh ấy nguyên là lính trinh sát của đặc công 429 ngày trước ). Đi sau anh Hoan là Huấn, lính năm 1978 người Thanh Hóa, tiểu đội trưởng trinh sát d7. Đội hình người trước người sau cách nhau 5m. Đang đi, anh Hoan đã vô tình đạp phải 1 quả mìn KP2 do địch gài. Theo phản xạ, anh Hoan hô: Mìn... và nằm sấp xuống. Vừa lúc đó mìn nổ bùm! Tất cả đội hình cũng theo phản xạ đều nằm rạp xuống. Tiếng mảnh mìn và lá cây bay rào rào. Khi tiếng mìn nổ vừa dứt, anh Hoan vùng dậy hỏi trong nỗi lo lắng :
- Anh em có làm sao không?
Lúc đó anh em trong đội hình mới lồm cồm ngồi dậy kiểm tra quanh thân mình. Mọi người đều nói không sao. Duy chỉ có Huấn tiểu đội trưởng vẫn thấy nằm im không nhúc nhích. Anh Hoan định nhào sang để kiểm tra, nhưng bỗng khuỵu chân xuống. Đến lúc này anh ấy mới phát hiện chân mình đã bị thương, máu đang rỉ ra ướt cả chân quần. Anh liền quát:
- Chúng mày xem thằng Huấn có sao không? Tao đang bị thương rồi! Cẩn thận xem xung quanh còn có quả mìn nào không nhé!
Đến lúc này anh em trong đội hình mới bình tĩnh quan sát xung quanh, rồi tập trung nhào sang chỗ anh Hoan và Huấn. Khi đó anh em mới phát hiện ra anh Hoan bị mấy mảnh mìn găm vào bắp chân. Còn Huấn, khi anh em đến nơi lay dậy, Huấn vẫn nằm sấp không nhúc nhích. Anh em liền lật ngửa dậy thì thấy Huấn đã tắt thở, khắp thân mình không thấy một vết máu nào. Thấy lạ anh em liền kiểm tra kỹ và thấy trên ngực áo bên trái của Huấn có một lỗ thủng nhỏ. Vạch áo ra xem, anh em phát hiện có một lỗ thủng nhỏ bằng hạt đậu tương ngay giữa tim của Huấn!. Tại đó một dòng máu đỏ đang rỉ ra. Anh em nói :
- Anh Hoan ơi, thằng Huấn nó chết rồi!
Và mấy anh em đã bật khóc. Anh Hoan nén đau cũng cố lết sang chỗ Huấn. Sau khi nhìn rõ vết thương trên người Huấn, anh Hoan cũng thốt lên nghẹn ngào :
- Huấn ơi, thế là anh giết em rồi!
Một lúc sau, anh Hoan ra lệnh cho anh em tổ chức cáng đưa Huấn và anh rút về đơn vị tại Pà Ong.
Khi được tin, tôi và mấy anh em C4 hạy lên xem. Vì anh em đã cáng Huấn và anh Hoan về nhà của tổ hậu cần D7, gần với c hỏa lực chúng tôi. Sau khi nghe anh em trong đội hình hôm đó kể lại chi tiết mọi việc, chúng tôi vô cùng xúc động. Trong khi anh em chúng tôi được các anh em cùng đi hôm đó cởi áo của Huấn ra và kể lại trường hợp hy sinh của anh Hoan bị thương, Huấn bị hy sinh, thì các anh trong BCH tiểu đoàn (anh Biên, anh Kiền) cũng phải cố gắng động viên anh Hoan. Vì anh ấy cứ dàn giụa nước mắt thương tiếc cho sự hy sinh của Huấn. Anh ấy cứ cho rằng vì sự bất cẩn của mình mà Huấn đã phải hy sinh một cách vô lý! Nhưng biết làm sao được, trong chiến đấu mọi điều đều có thể xảy ra. Nhưng tình cảm của một người đại đội trưởng đối với lính tráng như thế đã làm chúng tôi cũng hết sức xúc động. Anh Hoan lúc đó là đại đội trưởng, anh Vũ Đức Sớ là đại đội phó. Chính hai anh ấy đã chỉ huy đại đội 1 của D7 E429 lập được nhiều chiến công và đã được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang vào năm 1983.


Chiều hôm đó, anh Hoan được chuyển về bệnh xá e429. Còn Huấn, tối hôm đó, sau khi dùng ni lông khâm liệm xong Huấn được đưa về nhà để tử sỹ được đặt ở giữa nhà của tổ hậu cần d7 và nhà BCH c4 chúng tôi. Việc canh gác giữ xác tử sỹ được giao cho tổ hậu cần D ( anh Đức, anh Thơi ) và 3 anh em C4 chúng tôi ( gồm tôi, liên lạc và anh nuôi c bộ). Việc canh gác là đề phòng chuột, thú rừng mò đến xâm hại đến thi thể. Hôm đó tay liên lạc do quá sợ vì cảm giác ở giữa đêm lạnh với xác chết, nên đã giao gác cho tôi sớm hơn gần 1 tiếng, nên tôi đã ngồi với Huấn hơn 2 tiếng đồng hồ. Không hiểu sao hôm đó ngôi trong đêm tối, giữa thi thể một người đồng đội được bó trong tấm ni lông, để trên sạp gỗ trong không gian u tịch của đêm khuya giữa rừng mà tôi không thấy chút nào sợ hãi. Tôi chỉ thấy trào lên sự thương cảm nên tôi không dám rời xa nơi thi thể. Thỉnh thoảng tôi lượn xung quanh, soi đèn pin quan sát để đề phòng lũ chuột rừng cứ thỉnh thoảng lại chạy soàn soạt xung quanh lán. Đến 3 giờ sáng tôi mới giao lại ca gác cho anh nuôi. Từ đó đến sáng tôi cũng không ngủ được nữa. Sáng ra tay liên lạc hỏi tôi :
- Mày không thấy sợ hay sao mà ngồi được ở đó suốt thế?
Tôi đáp:
- Anh em mình cả mà, làm sao phải sợ!
Còn rất nhiều trường hợp hy sinh, bị thương của anh em mình do cái thứ vũ khí đáng ghét của địch trên chiến trường K : MÌN!!!
Rất mong được nghe bác Nhavanquandoi và các bác CCB kể tiếp.

Chào các bác lính chiến trường K!
Phải nói thế nào cho đúng về mìn nhỉ? Có lẽ theo tôi thì mìn là nỗi "khiếp đảm" khủng khiếp hơn cả đối với lính bộ binh thì chính xác nhất, không có gì đáng sợ bằng và nó làm giảm sức chiến đấu trông thấy, chỉ cần một tiếng hét lên "mìn" thì cả một mũi chiến đấu như vũ bão cũng phải khựng lại, chẳng ai dám dũng cảm trước mìn mặc dù dám chiến đấu và cả chấp nhận hy sinh cùng nguy hiểm hơn thế nhiều lần. Mìn là kẻ thù "máu lạnh", nó chẳng kiêng nể mặt một ai kể cả chủ nhân của nó, lớ xớ là nó vẫn "bùm" cho lanh tanh bành như bình thường.

Cuộc chiến ở K không phải là cuộc chiến chỉ có mìn là loại vũ khí sát thương bộ binh, còn nhiều loại vũ khí khác như bất kể cuộc chiến nào, nhưng có lẽ sau này thì mìn là thứ nhiều hơn cả, cái chết về mìn luôn dình dập lính ta mọi lúc mọi nơi, từ những trận "thê thảm" đến một tiếng nổ lẻ loi lấy đi vĩnh viễn bàn chân của người lính, loại khỏi vòng chiến đấu một chiến binh và ném một người tàn tật về phía xã hội. Ác độc không gì tả hết.

Theo BY tôi được biết ở chiến trường K có 2 loại mìn cơ bản.

1- Mìn hơi K58. Loại mìn này bằng nhựa với khối chất nổ TNT, phía trên có mặt cao su như mặt trống, kíp nổ ngang hông trái mìn, khi đạp phải mặt trống lún xuống và kích hoả gây nổ, khói mìn màu đen xì, thương binh sẽ bay mất bàn chân, thịt bị dóc như dóc mía lên tận đầu gối chơ ra xương ống đồng trắng hếu, thường thì thương binh không chết nhưng tôi thì đã gặp đồng đội hy sinh vì loại mìn này mặc dù đã được sơ cứu kịp thời.

2- Mìn KP2. Loại mìn này vỏ sắt kim loại với kíp mìn số 8, có 2 cách gài mìn là dẫm nổ hoặc vướng dây, nguyên lý của loại mìn này vô cùng "thâm độc", khi bị kích nổ nó sẽ phóng quả mìn lên khỏi mặt đất từ 90cm đến 1m mới nổ, thường dính vướng nổ và hoặc nổ phía trước hoặc phía sau lưng, cứ ngang thắt lưng nó phát nổ và lính ta thì khó thoát chết bởi loại mìn này, có trường hợp chẳng còn biết bắt đầu băng cho thương binh từ đâu vì phần bụng và bộ hạ đã "tang hoang" mất rồi. Ác nhất là năm 1980 trong rừng F339 hướng Pousat đi vào hướng Tây đến giáp BG Thái Lan, địch giăng những bẫy mìn tới 72 quả đủ sức "hốt gọn" một tiểu đoàn nếu ta sơ hở với nhiều cách gài mìn kể cả buộc ngang thân cây hoặc treo trên cây cắm đầu ngược xuống, song đó chưa phải là điều đáng nói, tàn độc hơn cả là trong kíp mìn số 8 ấy lại chứa thuỷ ngân, dù chỉ một mảnh nhở ở cự ly xa vết thương bé tý nhưng dính thuỷ ngân thì chỉ ít phút sau thương binh cũng chết do tim ngừng đập. Người "đá chính" loại mìn này tôi chưa thấy ai thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.

Ngoài ra sau này có thêm nhiều loại mìn nữa như mìn Zip mà các bạn gọi là 625a 625b gì đó nữa, loại này nhỏ gọn và có tính sát thương thấp hơn nhưng cũng đủ sức để loại bỏ một chiến binh ra khỏi cuộc chiến. Những năm tháng 1977 và 1978 ở BGTN thì cả ta và địch cùng gài nhiều mìn lắm, sau khi GP Phnom Penh thì không có mìn, chỉ đến đầu năm 1980 giáp BG Thái Lan thì mìn nhiều vô kể. Cá nhân tôi thì không thích "chơi" với loại vũ khí "máu lạnh" này, có lẽ lính thuộc các đơn vị công binh sẽ là những người "lạnh lùng" hơn cả mìn khi "chơi" với nó. Các bác lính công binh ở các đơn vị từng ở K cho biết cảm xúc của mình khi "chơi" với cái giống "máu lạnh" ấy. Xin phép các bác lính công binh cho lính bộ binh được lùi ra xa các bác ít nhất là 50m khi các bác làm nhiệm vụ cho nó lành.


Chào các bác, chào bác vanon307,chào bác TP, chào anh BY, giêng anh bạn"cởi trần" phải chào giêng vì đã tròn một năm không thấy mặt!

Thể theo yêu cầu của các đàn anh và các bạn, longtrec sẽ giấy thiệu các chủng mìn mà Pốt hay dùng tại Campuchia, tất nhiên các bài này chỉ mang tính chất minh họa kẻo TL và Mod BY cho đi sửa đường dây vì lạc từ Box Kiến thức quốc phòng sang đây!


Mìn KP-2 mà bộ đội tình nguyện VN hay gọi thực chất là mìn K69(Type 69) do Trung Quốc phát triển dựa trên nguyên lý các loại mìn sát thương của LX như : Mìn nổ mạnh PMD-6 và PMN(противопехотные мины фугасными ПМД-6 и ПМН), mìn nổ phân mảnh POMZ và HSM1 (противопехотные мины осколочными ПОМЗ и ОЗМ). Mìn K69 được Trung Quốc viện chợ hoặc bán cho một số nước như: Campuchia, Afghanistan, Somalia, Eritrea, Ethiopia, Sudan, Thái Lan, Uganda và một số nước Trung Đông.

1-Tính năng- Tác dụng.


Mìn K69(KP2) do Trung Quốc sản xuất, dùng để tiêu diệt và sát thương sinh lực bộ binh bằng mảnh vỡ vỏ mìn.
-Trọng lượng mìn : 1,35kg.
-Trọng lượng thuốc nổ:105g được ép thành bánh.
Mìn K69(KP2) là loại mìn chống bộ binh đặc biệt nguy hiểm vì nó vừa là mìn vướng nổ, lại vừa là mìn giẫm nổ, trước khi nổ nó bật cao ngang thắt lưng người mới phát nổ.
Điều kiện để mìn K69(KP2) phát nổ:
-Lực đè nổ lớn hơn hoặc bằng 6 kg.
-Lực vướng nổ lớn hơn hoặc bằng 2 kg.

2-Cấu tạo:

Mìn K69(KP2) có vỏ ngoài là thép pha gang, mặt trong khía nõm như mắt dứa mục đích tạo thật nhiều mảnh văng khi nổ. Mìn K69(KP2) có hình trụ, kích cỡ 6,1x11,4cm, lớp áo bọc ngoài của mìn bằng tôn, thường được sơn xanh. Mìn K69(KP2) có ngòi nổ thân bằng nhựa, hình trụ đường kính chỗ lớn nhất là 2 cm, dài 6,2cm. Ngoài ra còn có dây vướng bằng đồng và cọc dây vướng.
-Các bộ phận bên trong bao gồm : núm đè, chốt an toàn, nỗ lắp kẹp giật nổ, lò xo núm đè, lò xo kim hỏa, kim hỏa, hạt lửa, ống dẫn lửa, nút nhựa, kíp giữ chậm, thuốc nổ, thuốc phóng.
Điều đáng quan tâm ở trong quả mìn K69(KP2) tuy chứa 105g lượng thuốc nổ nhưng thực chất chỉ có sấp sỉ 80g thuốc nổ dùng để phá vỏ sát thương , còn lại là lượng thuốc phóng khi bị kích hoạt nó hất tung quả mìn lên cao 0,8m mới phát nổ. Khi nổ mìn K69(KP2) tạo ra tối đa tới 240 mảnh nổ, bán kính sát thương tới 15m.

3-Nguyên lý nổ mìn.

Ở trạng thái an toàn lò xo kim hỏa bị ép, lò xo đẩy núm đè lên trên, chốt an toàn nằm ngăn kim hỏa đè vào hạt lửa. Khi có lực vướng vào dây vướng giật kẹp giữ kim hỏa lớn hơn 2kg kẹp bật ra. Kim hỏa đập vào hạt lửa. Hoặc Khi có lực đè vào núm đè lớn hơn 6kg lò xo núm đè ép lại, lò xo đẩy kẹp bật ra kim hỏa đập vào hạt lửa. Lửa theo ống dẫn lửa đốt cháy thuốc phóng , phóng mìn lên đồng thời đốt cháy kíp giữ chậm. Khi mìn lên cao 0,8m kíp làm nổ mìn, thuốc nổ phá vỡ vỏ gang thành mảnh văng sát thương mục tiêu.



Chào Haanh gặp em vui quá!

Đây , nó là của em!




Người Nga gọi mìn 652A là T-72A và 652B là T-72B. Loại 652A có thể gỡ, còn 652B thì đừng đụng vào vì chỉ cần lệch góc 10o là mìn phát nổ. Nhìn 2 thằng này bên ngoài tương đối giống nhau, nhưng móc chốt an toàn của 652A hình tròn, còn 652B hình tam giác. Chờ bác nhavanquandoi viết tiếp anh sẽ "mổ" 2 thằng này.


******88
Theo thiển ý của tôi : Lời tựa Cuộc đấu mìn ở chiến trường K của bác Nhavanquandoi chưa rõ nghĩa cho lắm - ít ra là hiểu theo kiểu như " đấu Tăng , đấu Pháo ... " giữa Ta và Pốt .
Ngoài mìn , chúng còn B45 , B69 , B63 , H12 , DKZ 75 cải tiến ... để phục kích , tập kích ta dài dài , đâu chỉ có mìn đơn thuần .
Ta không có đấu mìn với chúng ! Ta tiêu diệt chúng bằng cả máy bay , tàu chiến , xe tăng , pháo binh và bộ binh chủ lực : Hợp đồng quân binh chủng lẫn " du kích chiến " ...

Moulinika - Xihanuc , Srayka - SonSan ( lính ta gọi chung là tụi PARA - rằn ri ) rất ít dùng mìn , không gài bừa bãi tứ tung cả vùng cận biên lẫn nội địa , không quản lý thu hồi như tụi Pốt ( bất chấp dân lành Kampuchia sống chết oan gia ra sao vì mìn )
Moulinika , Srayka chỉ gài mìn bảo vệ căn cứ vùng biên Thái - Kam là chủ yếu .

Ta cũng chỉ gài mìn bảo vệ các điểm chốt và phòng tuyến K5 chặn biên . Không gài lung tung trong nội địa - Không cấp phát mìn chống BB , trừ mìn DH để phục kích - ở e88f302 là vậy .

Nếu PHE TA viết về PHE TA với mìn của Pốt , thì nên đổi là : " Cuộc đấu trí với mìn ở chiến trường K " .

Thời đầu 79 -> 80 , mìn trong nội địa Kampuchia là RẤT ÍT
Từ 1981 về sau này ở chiến trường K , mìn TQ mới xuất hiện nhiều .
Nhưng Pốt chỉ có mìn KP2 , 65-2A , 65-2B và mìn chống tăng ( không rõ tên ) . Các loại mìn khác - như K58 ( mìn hơi vỏ nhựa , hơi giống 65-2a ) , râu tôm ... mất dạng .
Claymor , DH rất ít gặp . Chúng phục ta bằng KP2 gài liên hoàn 5 - 10 - 20 ... trái là chủ yếu .
Mìn 65-2B cũng chỉ xuất hiện 1 thời gian ngắn với số lượng không nhiều rồi khuất bóng , mùa mưa đến nước chảy trôi đi là mìn nổ , thế thì phí của - TQ không cấp cho Pốt nữa
Đây là loại vũ khí đã gây ra nhiều khó khăn tổn hại cho ta và cả dân lành Kampuchia , lẫn các phe phái bọn chúng , do kiểu gài chết tràn lan đó gây nên - các nhân chứng sống K cụt chân ... vẫn còn hiện diện đầy trên đất nước Kampuchia từ đó tới nay .

Di họa do mìn là khôn lường . Khắc phục mìn hậu chiến là thảm họa . Mìn là vũ khí " BẨN " !


******88
Chào Giangtvx !
Đúng là : MÌN thì không có TRÍ , nhưng nó là sản phẩm của TRÍ TUỆ và công nghệ cao .
Những trái mìn " thông minh " luôn chứa đựng " 1 lượng chất xám " khổng lồ : Cấu tạo và sử dụng đơn giản , vận chuyển an toàn ... nhưng nguyên lý thì có thể sẽ là rất phức tạp :
Chỉ cần làm cho bề mặt khối thuốc lõm lòng chảo xuống 1 chút thôi , khối nổ sẽ làm việc theo nguyên lý hoàn toàn khác trước , hiệu quả cũng đạt độ bất ngờ thấy rõ :
Mìn 65-2A đặt ngửa đúng thiết kế , sẽ nổ và phá khác hẳn cũng trái mìn đó nhưng đặt nằm sấp , hoặc nghiêng - Thực tế những cái chân bị dính 65-2A luôn bị nặng nhẹ khác nhau , phá nhiều phá ít đến bất thường đã chứng minh điều đó ...
Mìn không có TRÍ , nhưng những cái đầu và bàn tay cài đặt sử dụng chúng thì CÓ TRÍ .
Nó là vật vô tri vô giác , lạnh lùng chết chóc đến rợn người , luôn trung thành hoạt động , thực thi tốt nhiệm vụ theo đúng ý đồ TRÍ TUỆ của chủ nhân .
Không thiếu gì cách gài , cách bẫy ... làm điên đầu , bó tay ... đối phuơng .

Đối đầu với mìn là phải bằng TRÍ , chứ không thể chỉ bằng CHÍ .
Hiểu biết rõ và quyết tâm ... sẽ hoàn thành nhiệm vụ - nhưng không phải lúc nào cũng luôn thành công mỹ mãn .

@ Giangtvx : Đổi tên topic theo ý của bạn cũng là 1 sáng kiến hay


Nhavanquandoi viết:
"Tôi vẫn cho rằng: Cuộc chiến tranh ở Campuchia không phải là cuộc đấu xe tăng, pháo hạm, máy bay, tên lửa, sau một phần cuộc đấu đạn bắn thẳng là... cuộc đấu mìn. Chưa có cuộc chiến tranh nào trên thế giới mà mình lại được sử dụng nhiều và như một loại vũ khí chủ yếu sát thương trên chiến trường như cuộc chiến triền miên, cò cưa, dai dẳng, hãi hùng ở chiến trường Campuchia."

Thưa các chiến hữu!
Viết như thế, tôi chỉ muốn nhấn mạnh tính chất ác liệt, dữ dội do mìn của quân lính Pol Pot gây tổn thất cho Quân tình nguyện Việt Nam. Trước đây, tôi sử dụng cái tựa đề "Chiến tranh ở K - thực chất là cuộc đấu... mìn!" Sau đó, có một số chiến hữu góp ý, tôi đã sửa lại thành "Cuộc đấu mìn ở chiến trường K!"
"Cuộc đấu mìn ở chiến trường K!" Không chỉ là Quân Pol Pot dùng đủ mọi mưu ma chước quỷ để bẫy mìn, đưa Quân tình nguyện Việt Nam vào thiên la địa võng mìn và ngược lại chúng ta cũng sử dụng mìn thành thạo để phòng vệ để tấn công chúng; mà còn thông minh sáng tạo khôn khéo... để không bị mìn sát hại. Ở đơn vị chúng tôi,(những bài học cơ bản về sử dụng mìn và phòng chống mìn thời mấy tháng tân binh là quá ít ỏi, không đủ để phòng vệ tích cực) được huấn luyện lại, huấn luyện thêm để biết cách nhận biết, cách cài mìn, cách chống phá mìn địch...Vậy mà, thương vong vẫn cứ xẩy ra vô cùng thê thảm và thương tâm. Những gì thế hệ cha anh ở chiến trường Đông dương dạy cho họ thời "cơm lành canh ngọt", thì Quân lính Pol Pot lại sử dụng đúng những bài học ấy, kinh nghiệm ấy cùng với sáng tạo của bản địa để đánh lại chúng ta. Trong chiến tranh, một khi đối phương quá hiểu đối phương thì tổn thất nhân lên gấp bội. Quân tình nguyện Việt Nam viễn chinh ở rừng hoang dã, ở xứ xở lạ hoắc; ngôn ngữ, địa hình, dân cư, văn hóa, phong tục tập quán... tất cả đều xa lạ. Đó là những điều rất bất lợi cho những người lính chúng ta phần đông đang ở tuổi 18 - 20 vừa rời ghế nhà trường.
Tôi luôn cho rằng: Lính Pol Pot sử dụng mìn rất thành thạo, thành thạo hơn chúng ta sử dụng mìn. Chúng sử dụng mìn cũng thành thạo hơn sử dụng súng tiểu liên.
Có phải Quân tình nguyện Việt Nam bị sát thương bởi mìn nhiều hơn là đạn bắn thẳng và đạn bắn cầu vồng?
Chết hoặc thị thương thì cái chết và bị thương nào cũng đau đớn, thương tâm, nhưng bị thương hoặc chết vì mìn bao giờ cũng thê thảm hơn; tâm lý hoang mang, hãi hùng của động đội bao giờ cũng khủng khiếp hơn khi đơn vị có người bị trúng đạn bắn thẳng.
Hiện thực ở chiến trường K là: Bọn lính Pol Pot sử dụng mìn đánh chúng ta nhiều hơn là chúng ta sử dụng mìn để đánh chúng; và giải quyết chiến trường còn nhiều loại vũ khí của các quân binh chủng khác chứ không phải chỉ có... mìn. Vì thế, có một số chiến hữu băn khoăn với cái Topic: "Cuộc đấu mìn ở chiến trường K!"
Thưa các chiến hữu!
Thắng lợi ở chiến trường là kết quả sức mạnh tổng hợp từ nhiều nguyên nhân. Nhưng nói như lãnh tụ (còn là nhà lý luận quân sự) Ăng ghen: "Xét đến cùng, trong chiến tranh thắng lợi hoàn toàn tùy thuộc vào người lính cầm súng ở chiến trường."
"Cuộc đấu mìn ở chiến trường K!" chỉ là một định đề nhấn mạnh đến sử dụng vũ khí... mìn và tổn thất do mìn địch.
Kính mong các chiến hữu tham gia thảo luận. Càng nhiều ý kiến khác, càng nhiều nhận định, phân tích khác nhau trên tinh thần dân chủ, chân thành..., chúng ta sẽ rút ra nhiều điều bổ ích. Và tôi tin rằng: điều bổ ích này không chỉ giải quyết vấn đề tâm lý, đánh thức ký ức chiến tranh, giao lưu "huynh đệ chi binh" mà sẽ giúp cho con cháu chúng ta (đã hoặc sẽ đọc Một thời máu và hoa ở Website: vnmilitaryhistory.net) nếu quân xâm lăng buộc phải cầm súng, thì chúng sẽ bớt đổ máu hơn. Đó mới là điều có ý nghĩa lớn lao nhất.

Nhavanquandoi


Vì nhận thấy tác hại lâu dài cuả mìn sau chiến tranh nhiều nước trên thế giới đã tham gia hiệp ước Ottawa đưa mìn vào danh sách vũ khí cấm sử dụng. Sau đây là danh sách các nước tham gia hiệp ước tẩy chay việc sử dụng mìn trong mục đích chiến tranh:



Cuộc vận động chống xài mìn (ngoaị trừ mìn định hướng) đã đem lại giải Nobel hoà bình cho các thành viên vận động trong đó có Bobby Muller là CCB Mỹ từng tham gia chiến đấu ở Việt Nam. Việt Nam và Trung Quốc không tham gia hiệp ước này cho nên ddúng như bác nhavanquandoi nói, kinh nghiệm và ký ức về mìn vẫn còn nóng hổi các bạn ạ.

Hồi ở biện giới Tân Nam năm 1978, đơn vị mình học mìn rất kỹ, tuy nhiên chỉ để chống bị gài mìn bẫy chứ không học và nghiên cứu cách gài mìn. Sau 1982 không biết ra sao chứ cả thời gian mình ở bên đó, e262 vẫn không gài mìn.


Chào bạn Nhavanquandoi!

Theo nhận định của bạn là phía QTN VN chúng ta sử dụng mìn không hiệu quả bằng lính Pốt ở chiến trường K thì BY không nhất chí với cách nhìn nhận đơn giản như vậy, tất nhiên có thể thương vong về mìn của ta cao hơn địch nhưng điều đó phụ thuộc ở nhiều nguyên nhân. BY không có ý phản đối ý kiến của bạn mà chúng ta cùng nhau phân tích vấn đề này để nhìn nhận nó chính xác hơn.

Về chuyện học sử dụng mìn cùng tháo gỡ và phòng tránh mìn thì thời còn đang huấn luyện tân binh chúng tôi được học sơ qua, khi vào chiến trường cũng được hướng dẫn bằng thực tế ngay trên địa hình, phải nói là "lớp học" này rất thực tế, anh em truyền kinh nghiệm cho nhau và theo BY thì chẳng có nơi nào để học viên tiếp thu bài nhanh như ở đây. Khi nằm chốt chặn tại BGTN năm 1978, đơn vị BY với nhiều lần các đơn vị thay chốt cho nhau, bãi mìn tầng tầng lớp lớp đến mức lính ta không dám bước chân ra ngoài vì chỉ biết khoảng ... khoảng này có mìn, mỗi hố chiến đấu cá nhân đều có ít nhất 2 quả mìn Claymore trở lên và khi phát hiện địch bò vào chốt thì quét mìn định hướng trước và nổ súng sau. Với cách giữ chốt có bãi mìn trước mặt cùng chốt giữ thì đơn vị BY cũng thu được nhiều kết quả, ngăn chặn được nhiều vụ xâm nhập trinh sát của địch. Vì vậy, để nói lính Pốt "giỏi" sử dụng mìn hơn lính QTN VN thì BY không nhất chí.

Sang năm 1979 trở đi, hoàn cảnh chiến trường K hoàn toàn khác, địch từ thế đối kháng của 1 quân đội chiến đấu ngang sức ngang tài bị chuyển sang thua chạy và chuyển dần sang chiến tranh du kích, chúng chà trộn trong dân ở trong bóng tối và QTN VN chúng ta ở ngoài ánh sáng, với nhiều địa danh, nhiều trận càn quét các cứ điểm của địch khiến lính ta phải di chuyển nhiều, tìm địch mà đánh, lọc địch trong dân ra để loại bỏ và chính quyền bạn lúc đó cũng chưa đủ mạnh để làm việc đó, người dân K chưa hiểu và tin tưởng ở chúng ta mặc dù họ vẫn biết QTN VN giúp cho dân tộc họ thoát khỏi nạn diệt chủng. Vì vậy chiến tranh du kích của Pốt lúc đó là phù hợp với hoàn cảnh nên đã gây cho chúng ta nhiều khó khăn. Thêm nữa, sự hà hơi tiếp sức cho địch từ các nước phương Tây và TQ, với nhiều vũ khí bom mìn, tiền bạc đuược tuồn từ nước láng giềng Thái Lan sang nên chúng ta đánh mãi cũng không hết, cuộc chiến tranh cứ mãi kéo dài là vì vậy.

Đầu năm 1980, đơn vị của BY vào tải gạo cho F339 giáp BG Thái Lan, địch ở đây dùng mìn KP2 từng gây cho E9 F339 nhiều tổn thất nặng nề trên suốt chặng đường đồi núi khoảng 50km đường chim bay, tiểu đoàn của BY nằm sâu nhất trong đội hình tải gạo của trung đoàn, trong suốt thời gian 45 ngày tải gạo ấy, địch có tổ chức tấn công bằng mìn vài lần với cách đánh rất "quái quỷ". Nhưng D trưởng Xuyến bọ lúc đó đã mạnh dạn tổ chức nhiều mũi phục kích bảo vệ đường, địch đảo kế hoạch và hướng tổ chức tấn công thì ta cũng đảo theo để ngăn chặn địch. Hiệu quả khá cao khiến cho địch không dám mò sang gài mìn phục kích ta nữa. Vỏ quýt dày thì phải có móng tay nhọn, phía ta không hề thua kém địch trong chuyện mìn về trình độ và tư duy chiến đấu, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào người chỉ huy của từng đơn vị, nếu biết chủ động tấn công địch bằng trí tuệ và tài năng tác chiến thì địch cũng phải kiêng nể, nếu thụ động nằm chờ thì sẽ bị địch dẫn dắt vào một cuộc chơi và phần thua thiệt chắc chắn phía ta sẽ có nhiều bất lợi. Trên VMH chúng ta có bác Chín Ty, nguyên E trưởng E8 F339 từng bị đạp phải mìn của Pốt ở đó mất 1 chân, đó cũng là người chỉ huy cấp E năng động trong chiến đấu mà BY từng biết, ở cương vị đó thì địch rất khó có thể "hỏi thăm" sức khoẻ của bác ấy vì đi trước bác ấy có thể có hàng C công binh hoặc vệ binh E, bác ấy từng khẳng định: Đơn vị mình thương vong về mìn ít hơn đơn vị khác trong F, luôn phải tổ chức phục kích lại chúng ở những nơi trọng yếu. Và cũng chính vì sự năng động đó mà bác ấy chịu thiệt thòi.






Vết thương do mìn đang được nhân viên y tế xử lý tại cơ sở y tế






hình ảnh vết thương do mìn, đã được cầm máu và cắt lọc vết thương ban đầu






Bàn chân nát vì mìn AP (652a,b,...)










2 nhận xét:

  1. Cũng là một người lính tình nguyện ở chiến trường K trở về, nghe các đồng đội nói về đấu mìn với địch, mình cũng xin được góp vài lời. Việc Bộ đội mình đạp mìn thương vong là không nhỏ, nhưng ngược lại bọn mình cũng chơi cho tụi chúng nó vài vố cũng đã lắm. Các đồng đội có nhớ bọn chúng nó mỗi khi thâm nhập từ đất Thái vào đất K, đi từng đoàn có cả lính và dân công đông thế nào rồi, nếu đơn vị phục kích chỉ dăm bẩy người có khi còn không dám bắn, sáng ra thấy chúng nó đi rẽ cỏ thành vệt mà khiếp. Bọn mình đâu chịu thua, vác ngay mấy trái DH10 ra gài, giật một phát thôi nha, rồi iên chí nằm ngủ đến sáng. Phải công nhận bọn nó cũng hay, lôi xác đi hết, nhưng thấy máu me tùm lum đoán chừng cũng khoảng mười mấy hai mươi"em" đi tốt.

    Trả lờiXóa
  2. Sau này sốt rét ghê quá, không còn lính đủ sức đi phục nữa, bọn mình căn chỗ nào chúng nó đi gài mấy chục trái mìn "khóm", rồi căn sẵn khẩu cối 60, đến tối nghe tiếng mìn nổ thế là tốc cối vào đó chỉ cần thả 3 thùng cối thôi là chúng nó chạy loạn cả lên, mìn nổ tứ tung, anh em mình khoái lắm, sáng ra kiểm tra thấy máu me, bông băng chúng nó vứt đấy bờ suối, nhưng cấm thấy cái xác nào, chỉ thu được mấy khẩu súng chúng nó bỏ lại. He he cũng sướng hả, trả thù cho các đồng đội.

    Trả lờiXóa