Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Trồng lúa không thể lãi 30%!

Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII (1997) yêu cầu trong tính toán giá mua nông sản, phải đảm bảo thu nhập của nông dân tương đương với 40% chi phí sản xuất (xem thêm trong 1 bài viết cũ của tôi ở đây). Vào những năm đầu của thế kỷ XXI, chúng ta vẫn nhấn mạnh đến mục tiêu này. Tuy nhiên đến giờ thì nó đã trở nên quá xa vời, thậm chí 30% cũng chỉ là một ước muốn phù phiếm.
Trồng lúa không thể lãi 30%!
Nguyễn Khởi
Một người dân đang thu hoạch lúa, Ảnh: Ngọc Hùng
(TBKTSG Online) - Trồng lúa có lãi tối thiểu 30% chỉ là một ước muốn phù phiếm, không chỉ trong bối cảnh hiện nay mà chắc chắc sẽ còn nhiều năm nữa.


Khi đề nghị Chính phủ thông qua chương trình tạm trữ một triệu tấn gạo (quy ra lúa) trong vụ đông xuân, và nay cả hè thu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đều khẳng định việc mua tạm trữ sẽ đảm bảo cho nông dân có lãi tối thiểu 30%.

Trong thời gian đầu, đúng như lời khẳng định của quan chức VFA, người trồng lúa vẫn có mức lãi tối thiểu này. Song cứ sau mỗi lần tạm trữ thì lợi nhuận của người nông dân giảm dần.

Vì vậy, trong phiên trả lời chất vấn của kỳ họp Quốc hội ngày 12-6, trước câu hỏi của một đại biểu có phải chương trình tạm trữ gạo hiện nay đang làm lợi cho doanh nghiệp mua tạm trữ, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), cho biết giá thành sản xuất lúa trong vụ đông xuân là 3.200 đồng/kg, vụ hè thu là hơn 4.100 đồng/kg và để đạt lợi nhuận tối thiểu 30% thì giá bán lúa phải ở mức 5.400 đồng/kg, trong khi, theo ông Phát giá lúa IR 50404 tại ĐBSCL chỉ ở mức 4.450 đồng/kg, còn gạo hạt dài là 4.875 đồng/kg. Với giá bán như vậy, nông dân không thể có lãi 30%, thậm chí không hề có lãi, nếu tính đúng tính đủ chi phí sản xuất và công lao động.

Ông Phát biện hộ, do hiện nay giá gạo bán tại mạn tàu (FOB) loại 25% là 6.995 đồng/kg và với mức giá này thì doanh nghiệp xuất khẩu khó có thể mua lúa giá cao hơn để giúp người dân đạt lợi nhuận tối thiểu 30%.

Ngoài ra, ông Phát cũng xác nhận, trong việc mua tạm trữ một triệu tấn gạo vụ hè thu này, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi khoảng 200 tỉ đồng, còn hàng triệu nông nông dân được hưởng lợi từ 150 đến 200 tỉ đồng. Vậy là đã rõ trắng đen, mua tạm trữ lúa gạo chỉ chủ yếu là hỗ trợ doanh nghiệp, còn nông dân thì....

Giải pháp đưa ra, theo Bộ trưởng Phát, là sẽ chuyển đổi những diện tích trồng lúa năng suất thấp tại các tỉnh miền Trung sang trồng các loại cây khác như bắp (ngô), đậu tương ( đậu nành) để giảm nhập khẩu hai mặt hàng này và giúp giảm lượng lúa sản xuất ra.

Thoạt nghe, điều này có vẻ thuyết phục nhưng thực tế các tỉnh miền Trung do điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên sản lượng các loại cây trồng thấp, người dân thiếu ăn vào giáp hạt thì liệu những nông dân ở đây có sẳn sàng chuyển cây lúa sang cây trồng khác trong khi họ sản xuất lúa không đủ để ăn?

Vậy, cái mong muốn làm lúa có lãi tối thiểu 30% chắc chỉ là chuyện phù phiếm khi mà trong những năm qua giá gạo xuất khẩu liên tục giảm còn giá thành đầu vào đang tăng vì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng tràn lan trên thị trường khiến người dân phải chi phí nhiều hơn, còn cơ quan quản lý bất lực và đổ lỗi là do ít nhân viên và cũng có thể bị “mua chuộc” bởi những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp làm ăn gian dối.

http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/bandocviet/97875/Trong-lua-khong-the-lai-30!.html





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét