Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Thống đốc Ngân hàng phân tích về giá vàng


Thống đốc Ngân hàng phân tích về giá vàng
(VnMedia) - Việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không làm bình ổn thị trường vàng, không loại bỏ được các tác động tiêu cựu lên kinh tế vĩ mô, không làm giảm vàng hóa, mà trái lại, ở các chừng mực khác nhau lại có tác động ngược lại. Đó là một phần nội dung trong văn bản Thống đốc Nguyễn Văn Bình gửi cho các đại biểu Quốc hội. 
Thu hẹp chênh lệch giá vàng không làm bình ổn thị trường
Trước kỳ họp Quốc hội, cũng như tại phiên họp Quốc hội ngày 30/5/2013, nhiều đại biểu đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có giải trình về quản lý thị trường vàng.Trong phiên họp Quốc hội ngày 30/5, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có văn bản gửi tới các đại biểu Quốc hội.
Trong văn bản này, Thống đốc đã khẳng định việc thực hiện khá tốt các yêu cầu đặt ra của Quốc hội, Chính phủ: Quyền sở hữu, tích trữ, mua, bán vàng miếng hợp pháp của người dân được bảo vệ; thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản; trật tự, kỷ cương trên thị trường đã được xác lập, tạo tiền đề phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân; đã ngăn chặn được ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát, tăng dự trữ ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô; vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng đã được nâng cao;
ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng ”vàng hóa” trong nền kinh tế; tình trạng đầu cơ, nhập lậu vàng đã được kiểm soát; vàng miếng không được sử dụng làm phương tiện thanh toán; tiến tới từng bước huy động được nguồn lực vàng trong dân phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội đất nước. Ngoại trừ nội dung “phấn đấu không để giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với giá vàng thế giới…”.


Lý giải về sự chênh lệch của vàng trong nước và thế giới, Thống đốc cho rằng: Nước ta không phải là nước sản xuất vàng. Do vậy, để giá vàng trong nước bằng hoặc sát với giá vàng thế giới thì thị trường vàng trong nước phải liên thông tuyệt đối hoặc liên thông tương đối với thị trường vàng quốc tế.

Để thị trường vàng trong nước liên thông tuyệt đối với thị trường vàng thế giới thì chúng ta phải cho phép doanh nghiệp, và người dân kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài thông qua các sàn vàng, đồng thời phải cho phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu vô điều kiện số dư vàng trên tài khoản khi có nhu cầu. Khi đó, nhà đầu tư (người mua, bán vàng) thông qua tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài, có thể mua bán vàng theo giá vàng thế giới vào bất kỳ thời điểm nào, hơn nữa, nhà đầu tư lại được xuất, nhập khẩu vàng tự do ra vào Việt nam. Như vậy, về nguyên tắc giá vàng thế giới và giá vàng trong nước sẽ tương trùng với nhau (loại trừ phí và thuế).

Thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không làm bình ổn thị trường vàng

Cũng theo Thống đốc, để thị trường vàng trong nước liên thông tương đối với thị trường vàng thế giới thì: hoặc cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài thông qua các sàn vàng; không cho phép hoặc hạn chế việc xuất nhập khẩu vàng khi có nhu cầu; hoặc không cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài; cho phép xuất nhập khẩu vàng (một cách tự do hay có điều kiện).

Khi đó, trong trường hợp: mặc dù được mua, bán vàng theo giá vàng thế giới vào bất kỳ thời điểm nào nhưng nhà đầu tư lại không được tự do xuất, nhập khẩu vàng ra vào Việt nam nên giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn có chênh lệch tương đối. Trong trường hợp mặc dù được xuất nhập khẩu vàng ra vào Việt nam một cách tự do hay có điều kiện, nhưng lại không được mua bán vàng trên tài khoản vàng ở nước ngoài nên do hoạt động xuất nhập khẩu phải có thời gian, trong khi giá vàng thế giới lại biến động liên tục làm cho giá vàng trong nước vẫn chênh tương đối so với giá vàng thế giới. Trong các trường hợp này, mức độ tự do xuất nhập khẩu vàng sẽ tác động trực tiếp đến mức độ chênh lệch. Mức độ tự do xuất nhập khẩu càng cao thì chênh lệch giá vàng càng thấp và ngược lại.

Những phân tích khá kỹ trong văn bản gửi các đại biểu Quốc hội cho thấy, giá vàng cùng với thị trường vàng trong các giai đoạn từ 2007 - 2009; giai đoạn 2009-2012 và giai đoạn 2012 - 2013 có sự biến động khác nhau. Trong hai giai đoạn 2007- 2009: chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới thấp nhưng thị trường vàng trong nước lại bất ổn, thường xuyên có các cơn sốt vàng...; giai đoạn 2009 - 2012, chênh lệch giữa hai giá vàng ở mức trung bình cao hơn so với giai đoạn trước đó. bất ổn thị trường và các tác động tiêu cực của giá vàng đến ổn định kinh tế vĩ mô vẫn diễn ra...


Ở giai đoạn 2012 - 2013: đây là giai đoạn khuôn khổ pháp lý mới đã được xây dựng và triển khai.Chênh lệch giữa hai giá vàng ở mức cao hơn nhiều so với 2 giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, thị trường ổn định, hoạt động đầu cơ bị đẩy lùi, không có hiện tượng làm giá, kinh tế vĩ mô ổn định, ngoài ra Ngân hàng Nhà nước đã mua lại được của dân gần 100 tấn vàng.


Qua các phân tích rất kỹ trong văn bản cho thấy việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không làm bình ổn thị trường vàng, không loại bỏ được các tác động tiêu cựu lên kinh tế vĩ mô, không làm giảm vàng hóa, mà trái lại, ở các chừng mực khác nhau lại có tác động ngược lại.

Mục tiêu làm cho chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức thấp chỉ là mục tiêu tình thế để hạn chế tác động tiêu cực trước mắt của thị trường vàng lên ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh ta chưa xây dựng được một khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng.

Tiền chênh lệch giá vàng không rơi vào giới đầu cơ


Qua những kết quả đạt được trong thời gian qua, theo Thống đốc, khi một khuôn khổ pháp lý mới đã được thiết lập, mặc dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao nhưng thị trường vàng ổn định hơn, các tác động tiêu cực của nó lại được kiểm soát tốt hơn. Chính chênh lệch giá vàng cao ở những thời điểm nhất định và hoạt động can thiệp theo hình thức đấu giá của NHNN đã giữ cho giá vàng trong nước và thị trường vàng trong nước ổn định trước những biến động bất thường của giá vàng thế giới, đã làm mất đi động lực đầu cơ, làm giá, tạo sóng kiếm lời của giới đầu cơ và do vậy mà góp phần kiềm chế ”vàng hóa” nền kinh tế.

Tuy nhiên, "có thể khẳng định, trong điều kiện khuôn khổ pháp lý mới và hoạt động can thiệp thị trường của NHNN, về trung và dài hạn, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ được thu hẹp; về ngắn hạn, khi giá vàng thế giới có biến động đột biến thì chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là tất yếu. Việc giá vàng trong nước ổn định là cần thiết giúp cho thị trường trong nước không bị chao đảo theo biến động của thị trường vàng quốc tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.:, văn bản nêu rõ.

Ngoài ra, văn bản cũng nhấn mạnh: NHNN can thiệp thị trường vàng không vì mục tiêu lợi nhuận mà chỉ nhằm điều tiết và quản lý nhà nước đối với thị trường. Trước đây, toàn bộ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đều thuộc về giới đầu cơ và kinh doanh vàng, nay thuộc về ngân sách nhà nước để phục vụ quốc kế dân sinh. Vàng miếng không phải mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân. Nhà nước tôn trọng và đảm bảo quyền sở hữu, tích trữ, mua bán vàng miếng của tổ chức và cá nhân, nhưng Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng vì không tạo ra giá trị gia tăng của cải vật chất cho xã hội, mà ngược lại còn gây lãng phí một nguồn vốn to lớn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đinh Bách

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét