Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Giảng viên các trường đại học bị áp bức đoàn kết lại!

Giảng viên các trường đại học bị áp bức đoàn kết lại!
Cảm thông, chia sẻ với những suy tư của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, tôi đã viết loạt bài về hiện trạng giáo dục Việt Nam. Tôi nhấn mạnh cái gốc thuộc vấn đề nhân sự, mà đã là nhân sự, không chăm lo đàng hoàng, nó di hại đến cả trăm năm!
Sự thực ấy, không nói ai cũng biết. Nhưng cũng phải nói thêm: ai cũng biết nhưng không ai dám nói! Bởi vì nói về nhân sự là nói đến ai, nếu không nói đến lãnh đạo giáo dục các cấp??? Thế là ai cũng sợ nên giả câm giả dại!
Và dại khờ là những lũ người câm! Tố Hữu đã cảnh báo thế, và hôm nay toàn ngành giáo dục của ta thành giáo dục đặc biệt, sau cả thế kỉ nỗ lực vẫn không thể hòa nhập.
Sự an toàn của các lãnh đạo hiện nay là dân bị câm. Khi xảy ra sự vụ, các quan Bộ lại lên giọng hề chèo: dân không nói thì ai biết ?


Năm năm trước, khi thanh tra vụ Trần Tín Kiệt, một số quan Bộ to mồm giữa hội trường trách đảng, trách dân, rằng có đảng ủy, có công đoàn, có thanh tra nhân dân, tại sao lại để Trần Tín Kiệt lộng hành? Trong khi họ thừa biết, Hiệu trưởng, Bí thư đảng, Nhà giáo ưu tú này do ai dựng lên và ai đã chống lưng cho y lộng hành!

Bây giờ thì hàng loạt các sự vụ: vụ Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân (tại đây) , vụ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (tại đây), vụ Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương (tại đây), vụ Nguyễn Ngọc Thảo, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đồng Khởi (tại đây)…

Các sự vụ đều có sai phạm giống nhau đến không ngờ: “Dân chủ giả hiệu” để lũng đoạn đảng, lũng đoạn đoàn thể, kéo bè kéo cánh, gia đình trị, gian dối trong đào tạo và thu chi tài chính, tạo ra các danh hiệu, giá trị ảo…

Không biết khi thanh tra các vụ Hiệu trưởng này, mấy ông Bộ có còn cái điệp khúc: dân không nói thì làm sao lãnh đạo biết?

Trong khi, dân chúng tôi nghĩ, vì lãnh đạo thừa biết, nên dân chúng tôi làm sao dám nói!

Đến khi dân cất lên tiếng nói, thì chỉ có thể nói cho công luận biết, chứ nói cho các ngài biết để làm gì?

Nói thẳng ra, Hiệu trưởng do các ngài bổ nhiệm, mà bổ nhiệm một cách ngang ngược, ném từ trên trời xuống, bất chấp tín nhiệm của dân, chúng không lộng hành mới là lạ. Với cái quyền uy vô biên của các ngài như thế thì có là Tôn Ngộ Không cũng chắp tay vái dài, ném gậy xuống biển mà về với núi Hoa Quả cho xong!

Các đời Bộ trưởng đã nỗ lực tháo gỡ mọi rối rắm bùng nhùng của giáo dục, nhưng không thấy hoặc không dám đi từ gốc, nên càng gỡ, càng rối.

Những tiêu cực trong giáo dục chỉ là cái ngọn đang mọc ra từ cái gốc cây yêu quái trong huyền thoại do các ngài trồng lên, chặt nhánh này nó lại mọc ra nhánh khác.

Tôi nghĩ, hình ảnh Bộ trưởng Luận thọc tay vào túi quần lặng lẽ suy tư là suy tư làm sao chặt được cái cây yêu quái này để trồng lại cái cây thần lành mạnh khác!


tinmoibtluan

Mà nếu ông thật sự suy tư về điều này thì cán bộ, nhân dân các trường đến lúc phải cùng nhau đoàn kết để giúp ông. Công cuộc cải cách giáo dục của ông chỉ có thể dựa vào dân. Nhưng từng trường đánh lẻ như vừa rồi chỉ có thể giải quyết cục bộ, mà hậu quả là một sâu Trần Tín Kiệt ra đi, các sâu khác lại ra đời.

Chỉ có thể lúc này là: Giảng viên các Trường Đại học và cán bộ giáo viên bị áp bức đoàn kết lại! Chống lưng cho Bộ trưởng làm cách mạng là nhân dân chứ không thể là cái “chân đất” của cá nhân ông!

Theo Blog Chu Mộng Long
----------------------

Bộ trưởng đi chân đất và làm cách mạng giáo dục

Ông ít phê phán nền giáo dục nước nhà, ít được báo chí ngợi ca. Nhưng ông thích…đi chân đất và ra nhiều quyết định làm đổi thay giáo dục. 
Bộ trưởng thích…đi chân đất
Hôm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Bộ KHCN và các trí thức.
Giữa những ý kiến dài của các nhà quản lý, hiến kế để “phục hưng” nền khoa học nước nhà, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận gây ấn tượng đặc biệt bởi bài phát biểu ngắn gọn: đề nghị có một ngày cho những người làm nghiên cứu, giống như ngày 20/11 dành cho các nhà giáo.
Ý kiến sau đó được Tổng Bí thư nhắc lại, với lời khẳng định sẽ xem xét phê duyệt một ngày như vậy, vì “Làm trai đứng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”.
GS Phạm Vũ Luận từng làm Nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Kinh tế Thương mại Kiev, Liên Xô.
Cánh phóng viên chúng tôi còn ấn tượng hơn khi thấy, trong buổi họp, Bộ trưởng thường bỏ dép để đi…chân đất, ngay cả khi ra ngoài nghe điện thoại.
Sau này, khi tới đặt lịch phỏng vấn ông ở Bộ GD&ĐT, chúng tôi mới biết, khi làm việc, ông cũng hay “đi chân đất cho thoáng” như vậy.
Nói chuyện thẳng thắn
GS Phạm Vũ Luận là một trong số rất ít Bộ trưởng gọi học sinh bằng một từ rất đời thường là “các cháu”.
“Việc học sinh quay video clip chủ yếu là việc của người lớn. Bởi các cháu học sinh còn nhỏ tuổi, nghĩ chưa tới, nên dễ bị lôi kéo làm việc sai… Việc phát tán trên mạng nhiều video clip như vậy làm cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng gặp khó khăn, đồng thời ảnh hưởng không tốt tới nhận thức và suy nghĩ của người xem, nhất là các cháu học sinh còn nhỏ tuổi.” – người đứng đầu ngành giáo dục bình luận khi sự cố Đồi Ngô xảy ra.
Còn khi xuất hiện nhiều điểm 0 môn Lịch sử, Bộ trưởng GD&ĐT cũng không ngần ngại trả lời rằng: “Điều đó là bình thường”, vì ”Chúng ta hô hào học sinh phải học ngoại ngữ, tin học, nên nếu những môn như lịch sử, ngữ văn nếu kết quả thấp một chút thì cũng đừng coi là thảm họa, quy đó là cái tội. Chúng ta không nên phê phán một chiều…Kể cả nước Mỹ và nhiều nước khác đều có tình trạng này. Khi mà khoa học lịch sử có tiếng nói ít đi trong cuộc sống hiện đại hôm nay, khi mà cơ hội tìm việc làm của những người giỏi sử ít đi thì môn Sử sẽ không hấp dẫn học sinh như các môn khác. Trở lại vấn đề điểm sử thấp, môn sử kém hấp dẫn không phải là chuyện chỉ riêng ở Việt Nam, của châu Á, đó là chuyện của thời đại, của thế hệ này dưới tác động của cách mạng khoa học công nghệ, sự đòi hỏi của thị trường lao động” (Vietnamnet).
GS Phạm Vũ Luận cũng là một trong số ít người xuất hiện nhiều trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời”.
Người ác mồm bảo ông nói mà suy nghĩ chưa thấu đáo. Nhưng nhiều người lại nhận ra, ông là một nhà quản lý không lươn lẹo khi phát biểu, không “rào trước, đón sau”, không khéo léo để tránh tội…
Làm Cách mạng giáo dục
Có nhiều điểm khác biệt giữa GS Phạm Vũ Luận với nhiều Bộ trưởng GD&ĐT khác. Ông không học kỹ thuật hay xã hội nhân văn, ông ít được báo chí ngợi ca như những người “tâm huyết với nền giáo dục”, thậm chí, còn bị nhiều bài báo phản biện các quyết sách của ngành.
Đặc biệt, người ta ít thấy Phạm Vũ Luận chê bai nền giáo dục nước nhà như một số người tiền nhiệm, khi mà nhiều đọc giả thông minh dễ nhận ra: tại sao nhiều quan chức từng lãnh đạo ngành Giáo dục lại hay chỉ trích chính những sản phẩm mà mình góp phần tạo nên?
Nhưng ông cùng với “ekip” là Thứ trưởng Bùi Văn Ga và Vụ trưởng vụ Đại học Bùi Anh Tuấn đã và đang có những hướng đi quyết đoán để thay đổi nền giáo dục nước nhà, vốn xưa nay hay bị chê là mắc bệnh thành tích và “thừa đầu ra đại học”.
Trước hàng trăm hiệu trưởng trong hội nghị tuyển sinh năm nay “nhao nhao” đề nghị bỏ quy định mang camera vào phòng thi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bình tĩnh đáp lời: “Việc cách ly khu vực thi rất tốt nếu cán bộ coi thi nghiêm túc, nhưng lại là "nối giáo cho giặc" nếu làm không nghiêm túc…Hiện tượng Đồi Ngô nếu không là học sinh thì ai sẽ là người phát hiện? Điều quan trọng là gắn lên đầu chúng ta sự giám sát vô hình để tất cả phải thực hiện nghiêm túc”.
Nếu là một Bộ trưởng ham mê thành tích “100% khá và giỏi” thì có lẽ, ông đã “phím” cho một Hiệu trưởng phát biểu, rồi gật đầu loại camera ra khỏi danh sách vật dụng được mang vào phòng thi.
Rồi đến vấn đề “thừa đầu ra”, Bộ GD&ĐT cuối năm vừa rồi đã ra Thông tư, yêu cầu các hệ đào tạo “đường vòng”, muốn có bằng ĐH phải qua được kỳ thi chung của Bộ.
Các phóng viên giáo dục và nhiều trưởng tổ chức liên thông “nhảy cẫng lên”, “kêu trời” vì tưởng đây là quy định phi lý.
Nhưng khi ngành giáo dục đưa ra những lý lẽ về sự công bằng, về những cái hại khi đào tạo tràn lan…thì dư luận mới dịu xuống.
Vẫn còn những “món nợ”
Đề ĐH hiện nay, như nhận xét của TS Nguyễn Minh Phong (Phó Hiệu trưởng ĐH FPT), ngay cả Tiến sĩ cũng thi trượt, nếu lâu ngày không “sờ tới”.
Bởi thế, ngành GD và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận còn “nợ” người dân, “nợ” học sinh việc cải cách đề thi, sao cho các em có tố chất tốt, dù không phải học nhồi nhét, vẫn vượt qua được kỳ thi ĐH với điểm số cao.
Cùng với nó là đổi mới sách giáo khoa, vốn đã “già nua và nặng nề”.
Nhiều nhà sư phạm khẳng định, cứ với lộ trình đến 2017 mới có sách mới thì rất chậm. Họ mong muốn làm nhanh hơn nữa, để mỗi ngày đến trưởng của các cháu không phải là nỗi sợ hãi khi làm bài tập mà sẽ là “những ngày vui’…
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận năm 2012 cũng vừa được bàn giao “chiếc ghế” Trưởng ban Đề án dạy ngoại ngữ quốc gia.
Với đội ngũ giáo viên dạy tiếng nước ngoài còn nhiều hạn chế trên cả nước, chắc chắn trong năm Quý Tỵ này, vị Giáo sư kinh tế năm xưa của ĐH Thương mại sẽ còn gặp nhiều gian truân, trong việc giải quyết các bài toán của ngành giáo dục, của xã hội và cuộc đời.
(Theo VietQ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét