Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

"Giá lúc này có ông Sáu Dân"

Hôm qua đọc bài "“Một nén hương thành kính” nhân ngày giỗ Sáu Dân" của chú Trần Việt Phương (xem cuối bài này), quả thật mình không thích lắm vì chú Phương ca ngợi "đức" của bác Sáu Dân nhiều quá. Mình thích bài dưới đây của GS Tương Lai hơn.
Lại nhớ chính chú Phương khi giảng bài cho đám trẻ bọn mình (khoảng năm 1983-1984) có phân tích ở nước ta có 1 chuyện ngược với quy luật chung trên thế giới. Hồi đó, so sánh hai miền Nam - Bắc, có thể thấy hầu như toàn bộ cơ sở sản xuất công nghiệp then chốt (điện, than, sắt thép và cơ khí, xi măng, máy công cụ, hóa chất, sợi dệt...) đều nằm ở miền Bắc, trong khi ở miền Nam chỉ sản xuất lúa gạo rau màu và một số ngành công nghiệp chế biến phục vụ tiêu dùng (xà phòng, bột ngọt, rượu bia, thuốc lá, nước ngọt, vải và sản phẩm may, hàng tiêu dùng bằng nhựa...); như vậy thực chất miền Bắc có trình độ phát triển cao hơn, như một nước công nghiệp, trong khi miền Nam chỉ là một vùng sản xuất nông nghiệp. Nếu theo đúng quy luật, nước công nghiệp phải giầu hơn nước nông nghiệp; nhưng ở ta thì ngược lại: Miền Nam giầu hơn hẳn miền Bắc.
Tại sao, tại vì cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung của ta, nhất là do cơ chế giá, đã cố tình định giá hàng công nghiệp do miền Bắc làm ra ở mức rất thấp theo giá kế hoạch trong khi thả nổi để miền Nam định giá bán hàng tiêu dùng với giá rất cao, ngang ngửa với giá thị trường. Cơ chế này do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, mà lãnh đạo là bác Sáu Dân, áp dụng. Lại nữa, đa phần nguyên nhiên vật liệu viện trợ của khối Sô Viết cũ cho nước ta lúc đó, đặc biệt là phân hóa chất, thuốc trừ sâu, máy nông nghiệp..., được Ủy ban Kế hoạch Nhà nước của bác Sáu Dân ưu ái gửi vào Nam phục vụ quê hương với giá cực kỳ bao cấp, hoặc theo cơ chế nguyên liệu đổi sản phẩm (ví dụ 1kg phân đạm Nhà nước gửi vào, cuối vụ nông dân phải trả lại nhà nước 2,5 kg thóc), nhưng đến cuối vụ có thấy nông dân đem trả đâu; song sang vụ sau, để đảm bảo tiếp tục sản xuất, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước lại tiếp tục cung cấp xăng dầu, phân bón... cho đồng bằng sông Cửu Long. Đây chính là giai đoạn nhiều người phê phán tư tưởng địa phương chủ nghĩa rất nặng của bác Sáu Dân. Thậm chí tôi đã được nghe 1 đồng chí lãnh đạo tỉnh Hậu Giang nói "Anh Sáu cứ làm đi, nếu anh có đi tù thì cả tỉnh, cả miền Nam sẽ thăm nuôi anh".
Tôi còn nhớ vào năm 1985, một chiếc xe U-oát của Liên Xô nhập về, giá nhà nước bán là 6.000 đồng, giá thị trường là 60.000 đồng. Do dân Nam biết quan hệ khéo, giỏi xoay sở nên phần lớn xe được Ủy ban Kế hoạch Nhà nước giao - bán cho các tỉnh phía Nam; lấy được, họ lại giỏi lo liệu để được phép bán lại ra thị trường hưởng chênh lệch giá gấp 10 lần. Rồi chuyện hàng đoàn tầu xuất lậu gạo trực tiếp tại phao số 0 và dùng tiền đó nhập rượu bia thuốc lá... về phục vụ tiêu dùng tại các tỉnh Nam bộ thời đó. Cũng phải nói thêm, tham nhũng bắt đầu phát triển rầm rộ ở nước ta kể từ khi bác Sáu Dân lên làm Thủ tướng.
Riêng tôi có một kỷ niệm nhỏ với bác Sáu Dân: Năm 1984, nghe tin chúng tôi xây dựng xong mô hình kinh tế lượng đầu tiên cho toàn nền kinh tế Việt Nam (trước đó Ban điều khiển học thuộc Phủ Thủ tướng trong hai năm 1974-75 đã xây dựng 1 mô hình kinh tế lượng cho Miền Bắc, nhưng sau khi mô hình hoàn thành thì miền Nam đã được giải phóng, kinh tế hai miền thống nhất nên mô hình không sử dụng được), bác Sáu Dân đã gọi chúng tôi đến đề nghị trình bày mô hình và một số kết quả nghiên cứu rút ra từ mô hình. Sau khi nghe, bác đã rất thích thú, đề nghị nhóm chúng tôi tiếp tục nghiên cứu theo hướng này, đồng thời giao PGS.TS. Nguyễn Địch, thư ký riêng về kinh tế, thường xuyên qua lại giúp đỡ nhóm. Tuy nhiên, do chúng tôi không tán thành nhiều việc làm lúc đó của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và của bản thân bác Sáu Dân, lại thêm cung cách làm việc quan cách, thiếu hiểu biết của PGS.TS. Nguyễn Địch, nên sau này chúng tôi không báo cáo bác những kết quả nghiên cứu mới và cũng không muốn tiếp xúc với bác.

"Giá lúc này có ông Sáu Dân"
“Một nén hương thành kính” nhân ngày giỗ Sáu Dân
GS Tương Lai
Mới đấy mà đã năm năm.
Thời gian đủ sức làm nhạt nhòa những nỗi đau, hàn gắn những vết thương, xua đuổi những ám ảnh thời thế. Thời gian cũng đủ sức bào mòn đá núi, dời chuyển dòng sông, thậm chí dìm cả một vùng đồng bằng nằm kề sát biển xuống nước khi mà thảm họa môi trường với nước biển dâng đang là nhỡn tiền.
Năm năm trước, đó cũng là nỗi lo của ông Sáu Dân về nhiều vùng rộng lớn của duyên hải Miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long sẽ gánh chịu nặng nề thảm họa đó. Cho nên, ông đã tính chuyện kết hợp chuyến đi kiểm tra sức khỏe, chữa bệnh với việc đến Hà Lan tìm hiểu kinh nghiệm của một quôc gia với 27% diện tích và 60% dân số nằm ở khu vực có độ cao dưới mực nước biển. Chuyện đó không thành, ông vĩnh viễn ra đi với nỗi lo day dứt bên lòng về họa mất đất. Chuyện "mất đất" do "ông trời" đeo nặng trong lòng cùng với trăm mối ngổn ngang ngày đêm thao thức về chuyện mất đất trên biển, trên đất liền.

Sáng 19 tháng 5 năm 2008, sau khi đi dự lễ viếng Bác Hồ về, ông có vẻ mệt và đăm chiêu. Hỏi ông, ông chỉ nói rất vắn về chuyện mấy nhà báo, và rồi buông một câu : "chỉ anh TQ là vỗ tay". Rồi ông nói sang việc khác, về chuyến đi sắp tới với nhiều dự định liên quan tới "họa mất đất" vừa nói. Đây chưa phải là "họa mất đất" mà vua Lê Thánh Tông cảnh báo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy xưa kia “Nếu người dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì phải tội tru di”. Chuyện mất đất mà vị vua thời Lê thế kỷ XV nghiêm khắc cảnh báo đã là chuện đời xưa, nhưng rồi chuyện mất Hoàng Sa thời hiện đại thì với ai đó cũng đã thành "chuyện cũ" theo kiểu "để lâu cứt trâu hóa bùn" trong lòng người vô cảm!
Đã gần bốn thập kỷ trôi qua, bao nhiêu nước chảy qua cầu kể từ ngày 19.1.1974 với thủ đoạn "đục nước béo cò", Trung Quốc xua quân đánh chiếm Hoàng Sa mà báo chí, truyền thông chẳng hiểu lý‎ do vì sao buộc phải im hơi lặng tiếng, các trò nhỏ trong các trường phổ thông cho đến các sinh viên, những người đảm đương vai trò trí thức nay mai, cũng không được đọc dòng nào trong sách giáo khoa phổ thông hay các giáo trình đại học dày cộp!
Cướp trắng Hoàng Sa, thấy ngon ăn, họ đâu chỉ dừng ở đó khi mà mộng "siêu cường" đang thè "cái lưỡi bò" ham hố và bẩn thỉu muốn liếm trọn Biển Đông, một vùng tài nguyên rộng lớn đủ thỏa mãn cơn khát nhiên liệu, và là con đường huyết mạch trên ngả tư đường biển quốc tế mà họ muốn thao túng. Đừng quên rằng các nhà chiến lược quân sự từng chỉ ra : ai làm chủ được quần đảo Trường Sa thì làm chủ được con đường huyết mạch đó.
Chính vì thế, năm 1988 Trung Quốc bất ngờ công khai sử dụng vũ lực đánh chiếm 6 điểm đảo, bãi đá của ta ở quần đảo Trường Sa gồm Đá Gạc Ma, Đá Chữ Thập, Đá Ga Ven, Đá Tư Nghĩa, Đá Xu Bi, Đá Châu Viên. Năm 1995 Trung Quốc lặp lại thủ đoạn này đối với Đá Vành Khăn cũng nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng thời điểm đó đang bị phía Philippines kiểm soát trái phép. Rồi năm ngoái, và những gì đang diễn ra tại Bãi Cỏ Mây trong thời gian qua cho thấy những bước leo thang nguy hiểm của họ. Trung Quốc đang sử dụng kết hợp 3 lực lượng tạo thành vòng trong – vòng ngoài phối hợp chặt chẽ để gặm dần từng điểm đảo, bãi đá, bãi ngầm, rặng san hô ở Trường Sa : tàu cá, tàu công vụ bán vũ trang, và tàu hải quân. Rõ ràng là thủ đoạn chiếm Trường Sa còn thâm độc hơn nhiều so với Hoàng Sa của họ 39 năm trước.

Ông Sáu Dân đi về thế giới bên kia trong nỗi niềm canh cánh về vận nước. Khoảnh khắc năm năm từ ngày 11.6.2008 đã có bao nhiêu biến cố. Có hợp lý không nhỉ khi một câu nói thường được nhắc lại quanh một ấm trà, một tách cà phê giữa những người bạn tâm giao chí cốt : "Giá lúc này có ông Sáu Dân". Nhưng tại sao lại bắt một ông già 91 tuổi phải lo toan về vận nước nhỉ? Ấy là nói giả dụ ông từ thế giới bên kia, do một phép màu nào đó theo kiểu Nguyễn Du miêu tả "trông ra ngọn cỏ là cây, thấy hiu hiu gió thì hay ... ông về"!

Đành rằng, không thiếu những cụ gần kề tuổi 100 mà vẫn tràn đầy sinh lực và khí phách dấn thân. Trước mắt tôi là một cuốn sách nhỏ viết năm 2012 nhan đề :" Vì sao tôi sống đến 97 tuổi mà vẫn mạnh khỏe, minh mẫn", tác giả là cụ Nguyễn Trọng Vĩnh. Nét chữ cụ để tặng tôi vào dịp tháng 1. 2013 khi tôi đến thăm cụ, vẫn rất cứng cáp, quắc thước. Tôi còn nhìn thấy hình ảnh cụ đứng trước rào chắn tượng đài Liệt sĩ ở đường Bắc Sơn cùng với mấy bạn già, cũng vẫn dáng ung dung, tự tại. Quả là có chuyện đó. Nhưng, quy luật khắc nghiệt của thời gian sẽ không buông tha một ai. Lớp hậu sinh của những bậc đàn anh lớp trước phải đảm đương lấy gánh nặng của ông cha. Đó cũng là quy luật, là bổn phận và vinh dự.

Đúng sáng 11.6 vừa rồi, giáo sư Lê Xuân Khoa, một trí thức Việt Nam sống ở Mỹ gọi điện cho tôi hỏi về ngày Giỗ lần thứ năm của ông Sáu Dân. Nghe tiếng ông, tôi vẫn chưa quên giọng thảng thốt của ông năm năm về trước từ Mỹ gọi về :"Anh TL ơi, giờ đây tôi còn biết nói chuyện với ai đây?".
Ông Lê Xuân Khoa từng gặp và trao đổi với ông Sáu Dân về kế hoạch hình thành một hoạt động phối hợp giữa trí thức trong nước và trí thức nước ngoài. Ông Sáu Dân đã đề nghị và Thủ tướng Chính phủ đã tiếp ông Khoa ở Hà Nội. Nhưng rồi sau đó công việc còn dang dở thì ông Sáu Dân ra đi. Giáo sư Khoa năm nay đã ở tuổi ngoài 80, ông tâm sự trong một buổi làm việc với một nhóm trí thức tại 33 Tú Xương, TP.HCM năm năm trước : "Tôi phải hối hả tranh thủ thời gian. Vì rằng, thế hệ tôi rồi đây ra đi hết, thì lớp trẻ sẽ không còn nhớ đến Việt Nam nữa đâu. Họ còn bao nhiêu chuyện trước mắt, và cái chuyện người Mỹ gốc Việt rồi cũng sẽ không mấy hứng thú với họ nữa. Đấy là điều tôi lo và phải quyết gặp cho được ông Sáu Dân là vì vây".

Thời cuộc ngổn ngang, bao nhiều điều buộc phải suy ngẫm. Cho nên, nghĩ đi, nghĩ lại, câu hỏi "hợp lý" hay không gợi ra ở trên, lại vẫn có cái lý của nó nếu biết cách nhắc lại và đem đến một sức sống mới cho ý tưởng của ông Sáu Dân từng lo toan về vận nước. Sức sống mới ấy đang được tỉnh thức và trào dâng trong tâm tư của tuổi trẻ khi họ đang thắp sáng lên ngọn lửa mãnh liệt của Võ Văn Kiệt với tiếng lòng giục giã :

Nếu tôi không cháy lên
Nếu anh không cháy lên
Nếu chúng ta không cháy lên
Thì làm sao
Bóng tối
Trở thành ánh sáng.
[Thơ Nadim Hít Mét.Cao Xuân Hạo dịch]

Trong vòng hoa của trí thức nước ngoài đưa đến viếng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt buổi ấy, theo lời kể của giáo sư Trần Văn Thọ [Tokyo] "Tôi thấy đề nghị của anh Cao Huy Thuần, giáo sư Đại học ở Pháp, về câu chữ ghi trên vòng hoa là hay nhất :"Kính viếng ông Sáu Dân, người lãnh đạo mà trí thức thương và kính".

Mà đâu phải chỉ trí thức!
TP.HCM ngày 14.6.2013

GS Tương Lai (Quê Choa)
******************

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt
“Một nén hương thành kính” nhân ngày giỗ Sáu Dân
Thứ Bẩy, 15/06/2013, 07:38 AM (GMT+7)
“Tôi trân trọng người lãnh đạo và yêu quý CON NGƯỜI anh. Sáu Dân là con người biết người, biết mình, phục thiện, theo lẽ phải...” - nhà thơ Việt Phương.

LTS: Hôm nay là kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 5 (theo lịch âm) của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết, là “một nén nhang thành kính” của nhà thơ Việt Phương tới nhà lãnh đạo đáng kính, người đồng chí, người bạn thân thiết - Sáu DânVì đây là “một nén nhang thành kính”, một góc nhìn rất TÔI của nhà thơ 85 tuổi có nhiều năm giúp việc cho các thế hệ lãnh đạo đất nước, tòa soạn xin giới thiệu nguyên văn, không sửa chữa, thêm bớt.

Tôi không phải là người được biết đồng chí Võ Văn Kiệt – Sáu Dân từ sớm, cũng không phải người được giúp việc anh Sáu Dân lâu năm.

Khi tôi bắt đầu là một chuyên gia tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi 65 tuổi và anh Sáu Dân 71 tuổi. Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi thấy cái tên Sáu Dân thật hợp với tính cách của anh. Tôi trân trọng người lãnh đạo và yêu quý CON NGƯỜI anh.

Sáu Dân từ sớm có ý thức về dân tộc, về đất nước, từ năm 17 tuổi. Ý thức ấy ngày càng sâu sắc, trở thành tâm niệm góp phần giải phóng dân tộc, làm giàu đẹp nước Việt Nam, người Việt Nam, toàn dân tộc và từng người dân.

Sáu Dân là con người biết người, biết mình, phục thiện, theo lẽ phải, có lỗi thì nhận lỗi và sửa chữa, thẳng thắn, chân thành, từ khi là con nhà nghèo ở đợ, không được vào trường học đến khi là Thủ tướng Chính phủ. Anh biết mình có năng khiếu, sở trường ở những điểm nào, có khiếm khuyết, hẫng hụt ở những điểm nào, biết mình có một sứ mệnh và biết mình không toàn bích.



Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho các cháu uống vacxin phòng bệnh ở Đà Nẵng. (Ảnh: Minh Đạo)

Sáu Dân có đức tính lắng nghe và biết chọn, có đòi hỏi tự thân được chia sẻ, trao gửi việc làm và tâm tình với đồng bào, đồng chí, có khả năng cảm thông với mọi tầng lớp, mọi con người.

Trong đời mình, càng về sau càng nổi bật, Sáu Dân coi trọng báo chí, đỡ đầu, hướng dẫn, khi cần thì bênh vực, che chắn cho những tờ báo, những nhà báo chân chính, dũng cảm, sáng tạo, và bản thân Sáu Dân là một nhà báo viết nhiều, viết cẩn trọng, đầy trách nhiệm, không chỉ viết bằng mực mà viết bằng máu, bằng tâm huyết của mình.

Sáu Dân có một chất người, một nhân cách phong phú, nhiều chiều cạnh, yêu sống, biết sống và dám sống, nhưng thiếu điều kiện, cả điều kiện bên ngoài và điều kiện bản thân, để phát huy mình đích đáng hơn nữa.

Nhược điểm của Sáu Dân là tuy hiểu biết và từng trải sâu rộng, nhưng còn thiếu một trình độ triết học và chính trị, thiếu một nền tảng văn hóa nghĩa rộng ở tầm cần có của người đứng đầu Chính phủ và nền hành pháp Việt Nam trong thời đại ngày nay.
Khuyết điểm của Sáu Dân là tuy sáng suốt trong đánh giá con người, mà lại cả tin nhiều khi đến ngây thơ, biết bảo vệ, gìn giữ cho bạn hữu, mà chưa biết bảo vệ, giữ gìn đủ mức cho mình.

Đối với tôi, Sáu Dân là một người anh lớn, một người bạn thân, mà bài học và kỷ niệm sống thấm thía trong tôi qua từng đoạn đường đời, qua mọi vui buồn của cuộc sống.

Nếu chỉ nói một câu về Sáu Dân, thì tôi xin nói rằng: Cầu mong và tin tưởng dân tộc ta có những con người, có những người cầm quyền có đức, có tài, tốt và đẹp như Sáu Dân.

Ngày 15 tháng 6 năm 2013

Việt Phương
PV (Khampha.vn)
http://us.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/mot-nen-huong-thanh-kinh-nhan-ngay-gio-sau-dan-c46a550472.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét