Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

AN-NAM, ĐẠI-NAM hay VIỆT NAM?

AN-NAM, ĐẠI-NAM hay VIỆT NAM?
Báo L’Annam Nouveau, số 142 ngày 2.6.1932
(xem bản dịch ở dưới)
Vấn đề này được nêu lên bởi một đồng nghiệp của chúng tôi đang làm tại bản báo “L’Ami du Peuple Indochinois” (Người bạn của Nhân dân Đông Dương), thiết nghĩ đáng để chúng ta bàn luận một lần cho mãi mãi.



Bản scan của bài báo đăng trên báo L’Annam Nouveau, số 142 ngày 2/6/1932

 Bản dịch:
Vấn đề này được nêu lên bởi một đồng nghiệp của chúng tôi đang làm tại bản báo “L’Ami du Peuple Indochinois” (Người bạn của Nhân dân Đông Dương), thiết nghĩ đáng để chúng ta bàn luận một lần cho mãi mãi.
Nếu đất nước Trung Hoa là vĩ đại, một nước Trung Hoa trường tồn mà không phải là một nước Trung Hoa đã bị Âu hóa, thì nước ta có thể tự hào là đất nước duy nhất không có tên trên bản đồ Thế giới. Nước An Nam, một bộ lạc nhỏ nhưng đã tự trưởng thành được nhờ có đất đai màu mỡ, khí hậu tuy không phải là dễ chịu thì cũng là thuận lợi cho một cuộc sống khá dễ dàng đối với những nhóm cư dân đã quen với môi trường ở đây; thêm nữa, là nhờ vào việc là hàng xóm của một đất nước có tiếng là nhân đạo trong các nền văn minh, đất nước đã thâu nhận được nhiều các lân bang có các tên riêng khác nhau và biết đặt tên riêng cho mình trong một chiều dài đáng kể của  lịch sử tồn tại, để cuối cùng giữ lại cho mình một cái tên mà bất chấp việc các đời vua trị vì đã nhiều lần định thay đổi, trong những khoảnh khắc mà vì niềm kiêu hãnh, đã ngỡ tưởng rằng mình sẽ làm được.
Bởi chưng, tên chính thức của nước ta dưới triều đại của các vua nhà Nguyễn là Đại Nam (phương Nam vĩ đại). Chữ vĩ đại trong thực tế này, lịch sử hay thường dùng cho một số quốc gia nổi tiếng trong việc đi xâm chiếm, làm khuynh đảo thế giới trong một thời kỳ dài, kể cả đến khi quốc gia đó đã chết. Đó là lý do tồn tại chữ vĩ đại, nó cũng là một sự đánh giá có cơ sở đối với các thế hệ đi sau. Các vị Vua của chúng ta đã từng hơi vội vã áp dụng cách nghĩ đó cho việc đặt tên cho đất nước nhỏ bé của mình, vì thế mà sẽ khó giữ được lâu dài cho hậu thế. Người ta chỉ nên nghĩ đến chữ “đại”, khi mình là một nước lớn, và chính bản thân mình phải giữ được cho nó lớn!
Việc một cái tên do người ta tự đặt cho mình và vẫn tiếp tục mang cái tên đó mặc dù có sự mỉa mai của người Tầu, nhất là khi ta biết họ gọi chúng ta là “Ố nàm” hoặc “Ố nàm chay”, đều có nghĩa là An Nam (Phương Nam đã được bình định), một nước chịu phục tùng và chịu cống nạp, chúng ta cũng tự nhận mình là: người An Nam.
Cái tên này nhắc chúng ta và chúng ta cũng coi đó là gia tài để lại từ người Trung Quốc, nhưng không phải là một Trung Hoa của đời Nhà Thanh, hay là một Trung Quốc của Tôn Dật Tiên, hoặc một Trung Quốc của những người thương lái ở Quảng Đông, mà là một Trung Quốc trường tồn theo Khổng giáo ở phần lục địa châu Á, chẳng khác bao nhiêu so với một Roma đối với châu Âu La tinh (L’Europe latine).


Bản đồ Carte de l’Asia do Homann Heirs thực hiện năm 1744
Đôi ba người, vì lòng ái quốc, ngày nay muốn chúng ta nên vứt bỏ cái quá khứ nhục nhã đó đi, cái món nợ “bình định” đó, cái món nợ mang tính “cấu thành” đó... Giống như một thời, người Slavơ (Slaves), người Slovenes (Slovaques), người Serbi (Serbes) cũng lập luận rằng: Chúng tôi không muốn những cái tên đó, bởi lẽ nó đồng nghĩa với nô lệ, với nông nô... Như vậy, ta thấy những cái tên đó đã dùng để chỉ các nhóm người thiểu số, những cái tên nhắc lại cái nguồn gốc nghèo khổ, mặc dù chẳng ai muốn phủ nhận điều ấy.
Nguồn gốc của loài người, theo giả thuyết là được sinh ra từ loài vượn, điều này đâu có làm cho chúng ta phải đỏ mặt mà hổ thẹn với cái xuất xứ đó, và cũng không ai muốn phủ nhận những chứng cứ khoa học nếu điều đó được chứng minh theo cách không thể phủ nhận.
Từ góc độ này, đối với chúng ta cũng đâu có gì là quan trọng nếu cái tên An Nam có nghĩa là: Một phương Nam bị Trung Hoa bình định?! Việc này, hiểu đơn giản chỉ có nghĩa là: xưa kia, chúng ta là một bộ lạc, một nhóm cư dân đã từng tồn tại rất năng động, người ta chẳng khi nào lại thấy xấu hổ vì hồi trẻ mình đã rất hiếu động. Vì vậy, một thế lực bên ngoài đã đến và tìm cách kìm hãm lại! Lịch sử của các dân tộc hình như đều gần na ná như vậy cả?! Như thế, việc đồng bào của chúng ta đều đồng ý tự gọi mình là người An Nam, thực ra chỉ là một chứng tích của lịch sử, và chúng ta sẽ cảm thấy không lố bịch như cách gọi mình là Đại Nam, vì cái tên đó nó chỉ gợi lên một cái gì không thật, mà chính chúng ta cũng cho rằng không đúng. Chúng ta mong muốn có một sự vĩ đại khác thực tế hơn!
Còn cái tên Việt Nam, tên này do vua Gia Long đã chấp nhận, hiểu nghĩa là: phương Nam của dân tộc Việt. Việt là tên gọi một thời của các bộ tộc người nằm ở phía Nam của nước Trung Quốc. Điều này cũng đã được viết trong trong lịch sử Trung Hoa với chữ Bách Việt (Một trăm bộ tộc tên Việt). Như vậy, cái tên Việt Nam có nghĩa là: người Việt ở phía Nam. Tên gọi này, nhắc đến một vùng đất đai của nhà vua mà Triệu Đà đã chiếm được nằm ở phía Nam của Trung Quốc. Mảnh đất này bao gồm phần lớn tỉnh Quảng Đông, mở rộng xuống phía Nam, cụ thể là vùng Thanh Hóa, nhưng tên gọi này thực ra cũng không nói lên được điều gì và cũng không hơn được cái tên Đại Cồ Việt mà thời Nhà Đinh đã chấp nhận.
Đất nước của chúng ta đã từng có nhiều cái tên khác nữa, và mỗi một cái tên đều gợi lại cho chúng ta những quá khứ, những gốc gác của đất nước An Nam mà nó đã tồn tại cho đến ngày nay.
Chúng ta hãy cùng chia sẻ cái tên mà thời Lý Nam Đế đã đặt như; Vạn Xuân (đất nước mười ngàn Xuân), đúng là một cái tên đẹp thật phù hợp với một nước Cộng hòa của những thi sỹ, những nghệ sỹ chẳng quan tâm đến chiến sự và lịch sử. Song chúng ta vẫn phải tôn trọng các tiến trình của lịch sử.
Giai đoạn lịch sử của truyền thuyết Kinh Dương Vương, nước ta đã bị gọi bằng một cái tên chẳng đẹp đẽ gì: “Xích quỷ”(những con quỷ đỏ).
Thời các vua Hùng, giống như những tộc Trưởng người Mường mà sau này các quan lang ở Hòa Bình, hay ở Thanh Hóa chính là những người kế tục, lúc đó được gọi là Văn Lang. Văn là tri thức, hiểu đơn giản liệu có phải là những người xăm mình ?
Thời An Dương Vương, biểu tượng là thành Cổ Loa còn lại cho đến nay, thời đại còn trước cả cái thời của Triệu Đà, và nước ta được gọi là Âu Lạc.
Triệu Đà sau khi thôn tính An Dương Vương, đã tự nhận mình là vua của đất nước Nam Việt.
Khi chúng ta bị Nhà Hán sát nhập vào Trung Quốc, họ đã từng đặt tên chúng ta là: Giao Chỉ (Ý chỉ những người có ngón chân cái giao vào nhau).
Thời Nhà Đường, họ đặt tên chúng ta là Giao Châu.
Cho đến thời của Lý Nhân Tông, nhà Tống đã công nhận vua Lý là vị Vua của đất nước An Nam.
Cái tên này đã sống với chúng ta, và cả với nhân dân Trung Quốc cho đến hôm nay.
Do tình cảm và lòng tự ái dân tộc, có người đã muốn bỏ đi cái tên cũ này, và cũng do tinh thần tự tôn, tính độc lập được hình thành từ thời vua Gia Long khi khai khẩn, xây dựng được vùng đất xuống phía Nam, nối dài với miền Trung, thống nhất được toàn lãnh thổ và lấy tên là Việt Nam.
Vậy nhưng, vua Minh Mạng khi kế tục có cho rằng: chữ “Việt” nghe nó Tầu quá, nên không muốn để tên này do nó chứng minh chúng ta là một trong các bộ lạc “Bách Việt”, và ngài đã đổi thành Đại Nam. Nhưng cái tên này đã không thuyết phục được đồng bào ta, cho dù trong các văn bản của những ngày lễ hội, đều được bắt đầu với cái tên chính thức của đất nước:
Đại Nam quốc, Hà Nội tỉnh, Hoài Đức phủ, Thọ Xương Huyện, Mỗ tổng, Mỗ phường v...v...
Thực tế này mặc nhiên người dân cảm thấy sự tự cao khi dùng chữ “Đại”. Nó có thể tốt khi ta gọi một nước khác, chứ không thể là tốt khi mình tự gọi mình như vậy.
Chúng ta từng gọi nước Pháp là Đại Pháp, cũng như ta cũng đã từng gọi Trung Quốc là Đại Thanh. Nhưng việc tự gọi mình là Đại Nam thì giống như một người nghèo khổ, vốn vẫn đi làm thuê, bỗng dưng trở thành giầu có, rồi lấy tên mình đặt tên cho một trường học được xây dựng nên bằng tiền của người khác, và để tránh nghe nó cộc lốc, đã viết tên trên bảng hiệu là: “Trường Trần văn N...”. Vậy đó, chữ Đại Nam cũng thế, dễ làm người ngoài nghĩ về một nước nghèo mới khá lên. Trong khi chúng ta không phải như vậy, điều này trở thành mỉa mai quá !
Đồng bào thân mến của tôi, tôi nhận thấy trong những cái tên đã nhắc đến ở bài này, An Nam vẫn là cái tên phù hợp với chúng ta hơn cả, chúng ta nên giữ lấy nó, đồng thời chẳng vì sao lại phải xấu hổ. Cũng giống như những người Slavơ, người Serbi... họ đâu có tủi nhục về cái tên của đất nước mình, vì là tên của những bộ tộc ít người, hay nó nhắc đến một cái quá khứ khi còn là nô lệ... Tất cả mọi dân tộc đều bắt đầu như thế, và điều đó không hề ngăn cản họ phát triển và lớn lên để là những cường quốc hùng mạnh!
Chúng ta tự gọi tên mình là “An Nam”, người Trung Quốc gọi chúng ta là “Ố nàm”, hay “Ngan-nan”. Những người phương Tây gọi chúng ta là người “Annammites” ở đất nước An Nam, tất cả những cái đó đều không thể ngăn cản được việc chúng ta vẫn lớn lên, một ngày kia chúng ta sẽ lớn mạnh. Chính cái tên này, sẽ nhắc nhở mỗi chúng ta rằng: chúng ta là một nước nhỏ, và sẽ càng tuyệt vời để trở thành một nước lớn từ chỗ chúng ta là một nước nhỏ!
NGUYỄN VĂN VĨNH.
Người dịch: Nguyễn Phổ và Nguyễn Kỳ.
Hiệu đính kỹ thuật: BBT.tannamtu.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét