Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

(3) Chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam

Bài viết cũ của tôi:
Chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam
MỤC 2: CÁC LÝ THUYẾT VỀ TĂNG TRƯỞNG ĐÃ XÉT ĐẾN CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG  KINH TẾ
I- Lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển hiện đạiCác mô hình của Solow và Meade đã có những ảnh hưởng rất mạnh tới lý thuyết tăng trưởng kinh tế trong khoảng 30 thập niên, từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào cuối thập kỷ 50 đến giữa những năm 80. Joan Robinson, Kaldor, Kendrick, Deninson, Ambramovitz và nhiều người khác đã phát triển mô hình này thành nhiều nhánh khác nhau của lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển. Do trình độ phát triển kinh tế thế giới ngày càng cao, xu hướng mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng mạnh, nên độ phức tạp của các mối quan hệ tăng lên. Vì vậy các phát triển gần đây của lý thuyết tân cổ điển chủ yếu là tăng thêm số biến tham gia giải thích quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá, cũng như tăng thêm số biến giải thích nguồn gốc của tiết kiệm và đầu tư. Mặt khác, cũng do độ phức tạp ngày càng cao, những phát triển gần đây cho thấy phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa lập luận lý thuyết và kiểm nghiệm thực tế thông qua ước lượng các phương trình kinh tế lượng.
Trong những năm 60 đến nay, lý thuyết tân cổ điển đã có những bước phát triển mới để thích nghi với trình độ ngày càng cao của nền kinh tế. Theo phân tích của các nhà tân cổ điển hiện đại, tổng thu nhập quốc gia tăng lên là kết quả tổng hợp của tăng tích luỹ vốn, mở rộng lực lượng lao động và thay đổi công nghệ trong điều kiện cân bằng cạnh tranh. 
Các nhà kinh tế tân cổ điển nhận thấy trên thực tế, tốc độ tăng trưởng dân số có xu hướng giảm dần, nhất là tại các nước công nghiệp, đồng thời vai trò của tiến bộ công nghệ đã tăng lên nhanh chóng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2; quá trình này đi kèm với tăng nhanh thu nhập và đầu tư. Tiến bộ công nghệ không những giảm nhẹ những khó khăn do nguồn tài nguyên thiên nhiên giảm sút mà còn tạo ra những cơ hội tốt hơn để đầu tư sinh lợi cao hơn... Do đó, các nhà kinh tế tân cổ điển đã đưa yếu tố điều kiện tự nhiên ra khỏi mô hình, đồng thời lại đưa biến số tiến bộ công nghệ vào mô hình (Solmon, 1994).
Tuy nhiên, cũng như lý thuyết cổ điển, lý thuyết tân cổ điển hiện đại vẫn coi tiến bộ kỹ thuật như một hằng số, được biểu thị bằng một tỷ lệ hoàn toàn không phụ thuộc vào các nhân tố tăng trưởng khác, do đó nó vẫn được xem là biến ngoại sinh. Tiếp cận nay dựa trên hai lập luận: Thứ nhất, tiến bộ kỹ thuật phụ thuộc vào các quy luật tự nhiên chứ không phải vào các quy luật kinh tế. Thứ hai, việc nghiên cứu khoa học và công nghệ trước hết thuộc chức năng của chính phủ và nhằm đáp ứng những mục tiêu phi kinh tế (ví dụ quốc phòng, an ninh, uy tín quốc gia); nền kinh tế có thể tranh thủ được những kết quả nghiên cứu này nhưng không chi phối được chúng.
  Mặt khác, các nhà tân cổ điển cũng đã chi tiết hoá vai trò của nhân tố đầu tư theo một số cách khác nhau. Nhờ sự phát triển của các thể chế tài chính, không chỉ người sản xuất kinh doanh bỏ vốn ra đầu tư thu lợi nhuận mà cả người tiêu dùng cũng vậy. Khi người tiêu dùng không sử dụng hết số thu nhập của mình cho mục đích tiêu dùng thì phần thu nhập còn lại có thể được sử dụng đầu tư vào đâu đó để sinh lời. Cơ chế lãi suất xuất hiện và ảnh hưởng tới tiết kiệm và đầu tư. Tỷ lệ tiết kiệm được xác định bởi thu nhập trong khi tỷ lệ đầu tư được xác định bởi tỷ suất lợi nhuận mong đợi, tức là theo hai phương thức khác nhau, nên cũng có thể khác nhau. Tuy nhiên, mỗi khi hiện tượng mất cân bằng xảy ra, quan hệ giữa các nhân tố trên sẽ được tự động điều chỉnh để lập lại cân bằng. Quan hệ giữa ba nhân tố này ảnh hưởng rất mạnh tới tăng trưởng kinh tế dài hạn. Chính vì vậy, các nhà kinh tế tân cổ điển cho rằng tăng trưởng là một quá trình phát triển hài hoà, trong đó ông chủ và người làm thuê chia nhau một cách bình đẳng lợi nhuận thu được; và tỷ lệ tăng trưởng dài hạn là ổn định, bền vững (Solmon, 1994).
Đối với các nhà kinh tế tân cổ điển, những thay đổi về cầu và di chuyển các nguồn lực từ khu vực này sang khu vực khác được xem là ít quan trọng vì vốn và lao động đều sinh ra lợi ích cận biên (marginal) như nhau trong mọi trường hợp sử dụng (Chenery, 1986). Sự phân bổ các nguồn lực (tối ưu Pareto) liên tục diễn ra theo thời gian do phản ứng nhanh nhạy của người sản xuất và tiêu dùng. Tại bất kỳ thời điểm nào, không thể tăng trưởng sản xuất gộp bằng cách di chuyển cưỡng bức vốn và lao động từ khu vực này sang khu vực khác; việc phân bố lại các nguồn lực sẽ tự động diễn ra trong quá trình mở rộng sản xuất.
Một số đặc tính mới của mô hình tăng trưởng tân cổ điển hiện đại là:
(1) Đề ra giả thiết cân bằng cạnh tranh.
Giả thuyết chính của lý thuyết tân cổ điển hiện đại được gọi là giả thiết cân bằng cạnh tranh, bao gồm ba giả thiết cụ thể: (i) Lãi trả cho các nhân tố đầu vào bằng với năng suất cận biên trong mọi trường hợp sử dụng; (ii) Không có kinh tế quy mô; (iii) Dự báo hoàn hảo và cân bằng liên tục trên tất cả các thị trường nhờ hệ thống kinh tế đủ mềm dẻo để duy trì giá cân bằng.
Các giả thuyết cân bằng cạnh tranh của lý thuyết tân cổ điển là một vũ khí rất mạnh để phân tích tăng trưởng vì chúng cho phép tính gộp vai trò của các đầu vào trên cơ sở năng suất cận biên. Theo cách nhìn gộp, các đầu vào vật chất ban đầu đều có thể được phân làm hai nhóm: vốn và lao động. Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng đòi hỏi phải có sáng tạo; và chính sự khác nhau giữa tăng trưởng sản xuất (GDP) và tăng trưởng trung bình trọng số của các nhân tố đầu vào (vốn và lao động) được thuyết tân cổ điển cho là năng suất nhân tố tổng hợp (TFP). Từ các giả thuyết trên, nguồn gốc của tăng trưởng được thuyết này đề ra gồm 4 yếu tố: (i) Tích luỹ vốn; (ii) Tăng về số lượng và chất lượng lao động; (iii) Tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp trong từng khu vực; và (iv) Tăng trưởng các đầu vào trung gian.
(2) Phân tích mối quan hệ giữa môi trường và tăng trưởng kinh tế.
Trong các mô hình cổ điển và mô hình kiểu Keynes (điển hình là mô hình Solow), tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường và các yếu tố khác liên quan đến môi trường hoàn toàn không được tính đến mặc dù các nhà kinh tế cổ điển và Keynes đều thừa nhận các yếu tố này có tác động quan trọng tới tăng trưởng kinh tế dài hạn. Ví dụ, vì lượng dầu mỏ, than đá và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác đều có giới hạn nên các nền kinh tế không thể duy trì được tốc độ phát triển mãi mãi, vô hạn. Hơn nữa, từ thập kỷ 80, người ta càng nhận thức rõ gia tăng nhanh chóng sản lượng thường kèm theo gia tăng ô nhiễm môi trường, làm cho chi phí làm sạch môi trường ngày càng cao, đến mức nền kinh tế có thể không chịu đựng nổi và sản xuất phải ngừng trệ.
Để đưa yếu tố tài nguyên thiên nhiên, môi trường vào mô hình tăng trưởng tân cổ điển, người ta phải sửa hàm Cobb – Douglas bằng cách thêm các biến (hoặc 1 biến) đo lường tài nguyên thiên nhiên và biến đất đai. Như vậy, các nhân tố tăng trưởng dài hạn sẽ là vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên và đất đai.
Việc đưa các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đất đai và mô hình tăng trưởng tân cổ điểm truyền thống có thể làm cho mô hình không hội tụ về một điểm cân bằng, bền vững; và trong trường hợp đó, sẽ khó có thể dùng mô hình này để phân tích hành vi và dự báo biến động của nền kinh tế. Vì vậy, các nhà kinh tế tân cổ điển hiện đại đã cố gắng nghiên cứu các điều kiện để tồn tại một đường tăng trưởng cân bằng, bền vững, đồng thời xác định tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế nói chung, các yếu tố liên quan nói riêng, gắn với đường tăng trưởng cân bằng, bền vững ấy để từ đó có thể triển khai một chính sách phát triển dài hạn phù hợp. Các nghiên cứu theo hướng này đã cho thấy những giới hạn về tài nguyên thiên nhiên và đất đai có thể khiến năng suất lao động xã hội giảm xuống, song không nhất thiết lúc nào cũng xảy ra. Ngược lại, người ta thấy rằng mặc dù nguồn tài nguyên thiên nhiên và đất đai giảm dần về mặt lượng gây cản trở cho tăng trưởng và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, song những tiến bộ công nghệ nói chung sẽ phát triển nhanh hơn và đang vững chắc, từng bước tạo thành lực lượng sản xuất trực tiếp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Trong trường hợp tiến bộ công nghệ làm cho năng suất lao động tăng nhanh hơn những cản trở do nguồn tài nguyên thiên nhiên và đất đai có hạn, thì sản lượng đầu người tiếp tục tăng lên. Tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện. Trên thực tế, tỷ trọng đóng góp của các nhân tố tài nguyên thiên nhiên và đất đai trong tổng sản phẩm có xu hướng giảm dần; điều này có nghĩa là những cản trở do nguồn tài nguyên thiên nhiên và đất đai có hạn thấp hơn so với đóng góp ngày càng mạnh mẽ của tiến bộ công nghệ. Do vậy, có thể nói tiến bộ công nghệ chính là nhân tố tạo ra tốc độ và chất lượng tăng trưởng ngày càng cao hơn trong mấy thế kỷ phát triển vừa qua, nhất là trong khoảng vài thập kỷ gần đây.
(3) Vai trò của chính sách tài khoá đối với tăng trưởng
Một trong những giả định quan trọng của mô hình tăng trưởng cổ điển và mô hình tăng trưởng tân cổ điển trong giai đoạn đầu phát triển là không tính đến vai trò của chính phủ. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học tân cổ điển hiện đại thừa nhận chính phủ vẫn có thể can thiệp có mức độ vào nền kinh tế thông qua chính sách tài khoá để đảm bảo quá trình tăng trưởng bền vững. Nhằm giải quyết vấn đề này, các nhà kinh tế học tân cổ điển hiện đại đã mở rộng mô hình tân cổ điển bằng cách đưa thêm một chủ thể kinh tế là Chính phủ với chính sách tài khoá của mình.
Để can thiệp vào nền kinh tế bằng chính sách tài khoá, chính phủ có thể dùng một số công cụ như thuế, vay nợ, lãi suất trái phiếu chính phủ... Nếu chính phủ tăng chi tiêu và tài trợ thâm hụt ngân sách thông qua điều chỉnh thuế mà không thực hiện vay nợ thì sản lượng của nền kinh tế nói chung, của khu vực tư nhân nói riêng đều giảm, đồng thời trạng thái dừng của tiêu dùng tư nhân cũng giảm; do đó ảnh hưởng bất lợi tới quá trình hội tụ về trạng thái tăng trưởng bền vững.
Trong trường hợp chính phủ tăng chi tiêu và tài trợ thâm hụt ngân sách thông qua vay nợ mà không điều chỉnh thuế thì có nguy cơ nợ chính phủ tăng lên vượt quá tầm kiểm soát, nhất là khi lãi suất vay nợ cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Khi đó, lạm phát tăng cao và nền kinh tế có nguy cơ rơi vào khủng hoảng do mất cân bằng trong khu vực công.
Mặc dù đã được thế giới thừa nhận như là một lý thuyết tăng trưởng đáng tin cậy nhất, song lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển hiện đại vẫn còn một số khiếm khuyết, mà một trong những khiếm khuyết lớn nhất là các giả định của nó vẫn còn đơn giản quá nhiều so với thực tiễn cực kỳ sinh động và đầy biến động của nền kinh tế, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Do vậy, để khẳng định độ tin cậy về lý thuyết của các quan hệ giữa các nhân tố tăng trưởng xác định nguồn gốc của tăng trưởng và kết quả, chất lượng tăng trưởng (tốc độ và tính bền vững trong tăng trưởng), càng ngày các nhà tân cổ điển hiện đại càng thích thực hiện các nghiên cứu thực nghiệm với số liệu đa quốc gia (cross coutries) để kiểm chứng.
Trong hơn hai thập kỷ gần đây, quan điểm cơ bản của lý thuyết tân cổ điển là mô tả quá trình sản xuất bằng các hàm sản xuất gộp, bao gồm nhiều nhân tố giải thích không chỉ duy nhất có nhân tố vốn vật chất. Sự gia tăng của bất kỳ nhân tố nào cũng đều kéo theo sự tăng thêm của sản xuất phù hợp với năng suất cận biên của nhân tố đó. Một khám phá thú vị của thuyết tân cổ điển trong giai đoạn phát triển gần đây là luận điểm: khi xây dựng mô hình xác định mức đóng góp của các nhân tố sản xuất tới quá trình tăng trưởng kinh tế, thường có một phần quan trọng của tăng trưởng không được giải thích qua mô hình; đó là các sai số.

Sai số này lúc đầu được xem là hệ số của tiến bộ công nghệ nhưng sau đó người ta nhanh chóng nhận thấy nó là tổng hợp tác động của nhiều nhân tố khác nhau chứ không phải của riêng nhân tố tiến bộ công nghệ; có thể kể tên một số nhân tố này là: (i) Cải thiện chất lượng lao động thông qua giáo dục, đào tạo nghề và kinh nghiệm; (ii) Phân bố lại các nguồn lực từ nơi sử dụng có năng suất thấp sang nơi sử dụng có năng suất cao hơn, hoặc thông qua các lực lượng thị trường, hoặc thông qua giảm hàng rào bảo hộ hay những lệch lạc trong nền kinh tế; (iii) Khai thác thế mạnh của những nền kinh tế sản xuất hàng loạt; (iv) Cải tiến các phương thức kết hợp các nguồn lực để tạo ra hàng hoá và dịch vụ, không chỉ ở cấp đưa vào sử dụng các máy móc và quy trình mới, mà cả ở điều chỉnh tương đối thô sơ ở cấp doanh nghiệp hay hộ gia đình...



 




Kết quả cuối cùng của tiến triển này là quan điểm vi mô về quá trình tăng trưởng. Phương trình tăng trưởng thực nghiệm của thuyết tân cổ điển như trên; trong đó Y là sản xuất quốc gia, wi là chi phí cho một đơn vị lao động của lao động loại i; rj là lãi suất trả cho một đơn vị vốn loại j và R là sai số của phương trình, nhưng phản ánh đóng góp của các nhân tố chưa được đưa vào mô hình.


  Lao động và vốn có thể được xác định theo nghĩa rộng, hẹp tuỳ theo mục đích của phương trình. Lao động có thể được xác định theo tuổi, giới tính, tôn giáo, kinh nghiệm nghề nghiệp, công đoàn. Vốn cũng có thể được phân loại theo nhiều cách nhưng có sự luân chuyển giữa chúng. Denison (1985), Ambromovitz (1988), Jorgenson (1992), Elias (1978) và một số tác giả khác đã ước lượng mô hình trên cho từng nền kinh tế và từng khu vực của một nền kinh tế.
Phương trình lý thuyết cũng như các nghiên cứu thực nghiệm của thuyết tân cổ điển đều cho thấy vốn đầu tư tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá tại hầu khắp các nước trên thế giới, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển.
Tóm lại, lý thuyết tân cổ điển cũng đã cung cấp được những cơ sở rất quan trọng để phân tách vai trò của các nhân tố tới tăng trưởng kinh tế. Từ lý thuyết này cũng đã ra đời nhiều công trình nghiên cứu thực tế với mục tiêu xác định ảnh hưởng định lượng của vốn đầu tư tới tăng trưởng kinh tế cũng như xác định nhu cầu vốn cần thiết để đạt được các mục tiêu cụ thể về tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá. Trên cơ sở mô hình của lý thuyết tân cổ điển, trong nhiều thập kỷ trước, các chính sách của chính phủ trên thế giới đều nhấn mạnh vào cực đại hoá tỷ lệ tăng trưởng GNP thông qua tích luỹ vốn và công nghiệp hoá dựa trên thay thế nhập khẩu hoặc động viên xuất khẩu; và để cất cánh và công nghiệp hoá với khu vực công nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, ngay từ cuối thập kỷ 50, đầu thập kỷ 60, các chính phủ đều cho rằng một tỷ lệ đầu tư so với GDP trên 10% là điều kiện tối thiểu (Rostow, 1960). Do nhấn mạnh vai trò của vốn nên ngoại trừ Schumpeter, các trường phái kinh tế học cổ điển và tân cổ điển đều không coi trọng vai trò của tiến bộ kỹ thuật đối với tăng trưởng kinh tế.
II-Lý thuyết tăng trưởng tân Keynes
Mặc dù có những đóng góp rất quan trọng vào kho tàng các lý thuyết kinh tế thế giới và vào xử lý những khó khăn đặt ra trước hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa, nhưng lý thuyết Keynes đã thất bại trong việc giải thích tình hình trì trệ ở các nước đang phát triển vì đặc điểm kinh tế xã hội ở các nước đang phát triển hoàn toàn khác với các giả thiết cơ bản của lý thuyết Keynes. Ví dụ để chính sách tăng trưởng dựa vào kích cầu thắng lợi, Keynes đòi hỏi nền kinh tế phải luôn luôn trong tình trạng cung lớn hơn cầu nhưng rõ ràng điều này không hiện thực tại các nước đang phát triển, nơi nền kinh tế còn phổ biến là sản xuất nhỏ, công nghiệp rất yếu kém, cung luôn luôn không đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu. Hoặc Keynes đòi hỏi việc huy động vốn phải dễ dàng; điều này cũng chỉ có tại các nước công nghiệp nơi có nguồn vốn rất dồi dào, sẵn sàng thoả mãn yêu cầu của các nhà đầu tư cần huy động để phát triển sản xuất khi cầu tăng lên do chính sách kích cầu của chính phủ... Chính vì lý thuyết Keynes nguyên gốc còn thiếu khả năng giải thích được những vấn đề tăng trưởng dài hạn như vậy nên các nhà kinh tế hậu Keynes đã đi sâu nghiên cứu, phát triển lý thuyết Keynes theo hướng này.
1) Quan điểm tăng trưởng kinh tế của thuyết cơ cấu:
Trường phái phân tích cơ cấu của thế hệ sau Keynes đi ngược với quan điểm truyền thống của thuyết tân cổ điển. Những nhà hậu Keynes phân tích quá trình tăng trưởng với cách nhìn rộng hơn, theo đó tăng trưởng kinh tế là một quá trình biến đổi cơ cấu sản xuất cần thiết để phù hợp với thay đổi của cầu và trình độ sử dụng công nghệ cao hơn. Do tính không hoàn hảo của thị trường và khả năng di chuyển vốn bị hạn chế, quá trình dịch chuyển cơ cấu trên thường diễn ra trong điều kiện phi cân bằng. Từ đặc điểm này, việc mô hình hoá lý thuyết tăng trưởng của trưởng phái này không rõ ràng như cách mô hình hoá của lý thuyết cân bằng tổng quát. Mặt khác, trái với quan điểm tân cổ điển, tiếp cận cơ cấu không giả định có sự phân bố hoàn toàn tối ưu các nguồn lực vì cho rằng nhiều điều kiện không được thoả mãn để quá trình này có thể thực hiện được, nhất là hệ thống kinh tế không đủ mềm dẻo để duy trì hệ thống giá luôn luôn cân bằng.
Hirschman (1958) là một trong những đại diện tiêu biểu của lý thuyết cơ cấu, và cũng là đại diện tiêu biểu của thuyết tăng trưởng phi cân bằng (unbalanced growth), một nhánh của thuyết cơ cấu. Theo ông, vốn không phải là nhân tố duy nhất tạo ra quá trình tăng trưởng mà có thể khai thác những mối quan hệ bên trong và vào ra của quá trình sản xuất để tạo ra tăng trưởng. Khác với các nhà kinh tế theo thuyết tân cổ điển, ông và những nhà kinh tế thuộc trường phái này đi theo tiếp cận cơ cấu để giải quyết bài toán tăng trưởng. Các nhà kinh tế thuộc trường phái cơ cấu cố gắng nhận dạng những điểm trì trệ (rigidities) đặc biệt, những điểm trễ, những lĩnh vực thiếu hụt và dư thừa, độ co dãn thấp của cung và cầu, và những đặc thù khác về mặt cơ cấu của các nước đang phát triển có ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế để xây dựng các chính sách tác động vào đó nhằm giảm những lệch lạc, méo mó và điểm thắt nút, mở đường cho tăng trưởng. Khác với trường phái tân cổ điển coi kinh tế thị trường luôn luôn mềm dẻo và sự luân chuyển giữa các yếu tố diễn ra thông suốt, quan điểm cơ cấu nhấn mạnh độ co giãn thấp của cung và tính không hoàn hảo của thị trường, do đó hạn chế khả năng huy động các nhân tố tăng trưởng.
Các giả thuyết cơ bản của tiếp cận cơ cấu là: (i) Thay đổi cầu nội địa có liên quan chặt với thu nhập; (ii) Thị trường bên ngoài bị ràng buộc và có thời gian trễ trong điều chỉnh; (iii) Dịch chuyển cơ cấu sản xuất tạo ra phi cân bằng trên các thị trường nhân tố.
Từ các giả thuyết này, các nhà kinh tế hậu Keynes cho rằng các nhân tố xác định tăng trưởng dài hạn bao gồm các nhân tố như của thuyết tân cổ điển và những nhân tố về cơ cấu như phân bố lại các nguồn lực từ khu vực năng suất thấp sang khu vực năng suất cao, vai trò quan trọng của kinh tế quy mô và kiến thức kỹ năng, và giảm các trở ngại, khâu hẹp bên trong và ngoài. Giải thích cơ bản của thuyết này dựa trên mô hình tăng trưởng phi cân bằng.
Một trong những mô hình tiêu biểu của thuyết cơ cấu là mô hình của Chenery (1986). Đây là mô hình gộp phân tích ảnh hưởng của các nhân tố tới tăng trưởng kinh tế. 7 nhân tố được đưa vào mô hình, trong đó có ba nhân tố giải thích theo quan điểm của thuyết tân cổ điển và 4 nhân tố giải thích theo quan điểm cơ cấu. Mô hình cụ thể như sau:
GY = a0 + a1 (I/Y) +  a2 GL + a3 X3 + a4 XA + a5 XE + a6 XF + a7 XD
trong đó GY là tỷ lệ tăng trưởng GDP.
Ba nhân tố tăng trưởng theo thuyết tân cổ điển là:
I/Y       = tỷ lệ đầu tư trên GNP (đại diện cho nhân tố tăng trưởng tổng vốn cố định);
GL        = tỷ lệ tăng trưởng lực lượng lao động;
X3        = tỷ lệ tăng trưởng chất lượng lao động (hoặc giáo dục);
và bốn nhân tố tăng trưởng theo thuyết cơ cấu là:
XA       = thay đổi tỷ trọng vốn hoặc lao động của nông nghiệp trong nền kinh tế;
XE        = tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu;
XF        = tỷ lệ thâm hụt cán cân vãng lai;
XD       = chỉ tiêu đại diện cho trình độ phát triển hoặc công nghiệp hoá.
2) Mô hình tăng trưởng kinh tế của Kaldor
Mô hình tăng trưởng của Kaldor là một trong những mô hình Keynes tiêu biểu nhất của trường phái Cambridge. Theo Kaldor, mục tiêu của các lý thuyết tăng trưởng kinh tế dài hạn là chỉ ra bản chất của các biến phi kinh tế nhưng lại xác định tỷ lệ tăng trưởng kinh tế dài hạn, từ đó trả lời được câu hỏi tại sao nền kinh tế này lại tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế khác. Vì quan niệm như vậy nên mô hình của ông luôn luôn nhấn mạnh vai trò của tiến bộ kỹ thuật và khả năng ứng dụng các thành tựu kỹ thuật trong đời sống kinh tế. Ông cũng đề cao vai trò của các phát minh sáng chế, tức là những tri thức mới đang còn trong giai đoạn thử nghiệm. Từ những nghiên cứu này, ông đã nhận thấy tăng trưởng kinh tế có một quan hệ tỷ lệ thuận rất chặt với tiến bộ kỹ thuật; khi trình độ áp dụng tiến bộ kỹ thuật thấp thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ thấp. Tuy nhiên, khi nghiên cứu nguồn gốc của tiến bộ kỹ thuật, ông đã trở lại quan điểm của các nhà kinh tế trước: đó là tiết kiệm và đầu tư.  Theo ông, xã hội có tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao sẽ tương ứng có trình độ công nghệ và kỹ thuật cao, từ đó có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao. Như vậy, tiết kiệm và đầu tư đóng vai trò rất quan trọng tới tăng trưởng kinh tế.
  Mô hình tăng trưởng của Kaldor bao gồm hai phương trình cơ bản. Phương trình thư nhất là hàm tiến bộ kỹ thuật, trong đó sản xuất phụ thuộc vào mật độ vốn trên 1 lao động. Phương trình thứ hai phản ánh quan hệ giữa tăng trưởng sản xuất và tăng trưởng vốn cố định. Giao điểm của hai đường cong này sẽ xác định tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cân bằng phù hợp với tiến triển của tiến bộ kỹ thuật.
  Về đầu tư, Kaldor cho rằng đầu tư là một hàm đồng thời của hai nhân tố là thay đổi kết quả sản xuất của thời kỳ trước và thay đổi của tỷ suất lợi nhuận đầu tư của vốn cố định cũng của thời kỳ trước vì theo ông người đầu tư chỉ tiết hành đầu tư khi dự báo năng suất, sản lượng và lợi nhuận sẽ tiếp tục tăng lên; trong khi dự báo này dựa trên tình hình năm trước. Phương trình đầu tư của Kaldor như sau:
            It     =  Kt+1 - Kt                                                                 (1)
            Kt    =  a . Yt-1  +  b . (Pt-1 / Kt-1) . Yt-1                                         (2)
Các tham số ước lượng a và b đều phải lớn hơn 0.
trong đó I là vốn đầu tư; K là vốn cố định; P là lợi nhuận,
Về tiết kiệm, Kaldor cho rằng tiết kiệm vừa phụ thuộc vào lợi nhuận của nhà đầu tư (P), vừa phụ thuộc vào tiền lương trả cho người lao động (Y-P); do đó phương trình xác định tiết kiệm như sau:
            St    =   c . Pt  +  d . (Yt -  Pt)                                             (3)
            1 >  c  >  d  >  0
Kaldor cũng giả thiết tiết kiệm bằng đầu tư; do đó phương trình xác định tỷ lệ tăng trưởng kinh tế như sau:
            (Yt+1 - Yt) / Yt  =  e + f . (It / Kt)                                                 (4)
Phương trình (4) cho thấy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tỷ lệ tăng trưởng của vốn cố định hay là vào số vốn đầu tư mới. Như vậy, tiết kiệm và đầu tư vẫn được xem là nhân tố trung tâm trong mô hình Kaldor.
3) Mô hình tăng trưởng của Robinson
Mô hình tăng trưởng của Robinson cũng là một trong những mô hình Keynes tiêu biểu của trường phái Cambridge. Mô hình này xem xét quá trình tăng trưởng dưới cả hai góc độ cung và cầu. Về phía cung, mô hình tăng trưởng của Robinson lặp lại các nhân tố tăng trưởng trong mô hình cổ điển, với hàm sản xuất phụ thuộc vào vốn và lao động. Về phía cầu, Robinson sử dụng tiếp cận của Keynes, trong đó kết quả sản xuất được sử dụng vào hai mục đích tiết kiệm và tiêu dùng. Phương trình cân bằng  cung và cầu cho phép xác định được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế.
Trong các phương trình chi tiết của mô hình Robinson, có hai đặc điểm khác biệt quan trọng so với các mô hình khác là: Thứ nhất, đầu tư tăng lên nếu tỷ suất lợi nhuận của vốn đầu tư cao hơn hệ số ICOR; và thứ hai, tiết kiệm phụ thuộc trực tiếp vào vốn cố định hiện có và tỷ suất lợi nhuận của vốn. Ngoài ra, mặc dù mô hình có tính đến nhiều nhân tố mới như bổ sung các chỉ tiêu tài chính, nhưng về bản chất, quá trình tăng trưởng được phản ánh trong mô hình vẫn là quá trình tích luỹ vốn; do đó vai trò của tiết kiệm và đầu tư tiếp tục được khảng định.
III- Một số lý thuyết gần đây về tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng kinh tế
1) Lý thuyết tăng trưởng kinh tế nội sinh
Mặc dù có những điểm khác nhau, nhưng nhìn chung trong suốt 4 thập kỷ cuối của thế kỷ XX, lý thuyết tăng trưởng kinh tế dài hạn đã chịu ảnh hưởng sâu sắc mô hình Solow; theo đó tỷ lệ tăng trưởng kinh tế dài hạn phụ thuộc vào tiến bộ kỹ thuật (được xem là yếu tố độc lập ngoài mô hình) và vốn đầu tư. Ngược lại, cũng trong khoảng thời gian trên, lý thuyết tăng trưởng ngắn hạn chịu ảnh hưởng mạnh bởi mô hình Keynes trong đó cầu đóng vai trò trung tâm trong điều chỉnh kinh tế. Tuy nhiên, ngay từ giữa những năm 80, các nhà kinh tế đã đặt vấn đề xem xét lại hai mô hình này vì chúng không còn khả năng giải thích được nhiều hiện tượng mới phát sinh[1]. Chính từ những nghiên cứu này, nhiều nhà kinh tế đã cho rằng các lý thuyết kinh tế cũ không còn phù hợp nữa; một lý thuyết tăng trưởng mới ra đời vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước: lý thuyết tăng trưởng nội sinh.
Mục tiêu của lý thuyết tăng trưởng nội sinh là phân tích, làm rõ cơ chế nội sinh tạo ra các quá trình tăng trưởng kinh tế, từ đó giải thích tại sao một số nước đã phát triển nhanh, trở nên giầu có, trong khi một số quốc gia khác không cất cánh được, thậm chí ngày càng lụn bại, từ đó rút ra các bài học và đề xuất các con đường để đưa các nền kinh tế vào quỹ đạo phát triển dài hạn, ổn định, bền vững, tức là một quá trình phát triển với tốc độ cao, có chất lượng.
Theo lý thuyết tăng trưởng nội sinh, về cơ bản, tăng trưởng xuất phát từ những nỗ lực đổi mới trong sản xuất; trong đó đổi mới mang tính nội sinh, thể hiện ở chỗ doanh nghiệp phân tích đánh giá hiệu quả đạt được từ những nỗ lực đổi mới của bản thân so với phương thức sản xuất truyền thống, từ đó lựa chọn các phương thức sản xuất mới và các loại sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường tiềm năng. Sự lựa chọn này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như lãi suất, quy mô dân số, trình độ công nghệ hiện tại và khả năng đổi mới công nghệ trong tương lai của doanh nghiệp. Như vậy, sự tăng trưởng về cơ bản sẽ đạt được từ những yếu tố ngoại sinh, nhưng lại được tạo ra trong quá trình tác động qua lại lẫn nhau giữa các cải tiến và đổi mới của các đơn vị sản xuất. Khác với nghiên cứu khoa học, các phát minh, sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp có được trong quá trình đổi mới thường được xem là sở hữu cá nhân hoặc của doanh nghiệp; chỉ có một số ít được đem cho người khác, doanh nghiệp khác sử dụng; dĩ nhiên tỷ lệ loại vốn tri thức được đem ra sử dụng chung có xu hướng tăng lên.
Những quan điểm trên cho thấy lý thuyết tăng trưởng nội sinh đã trở lại với lý thuyết phát triển của Schumpeter (1911), trong đó ông coi đổi mới là động lực của sự phát triển. Theo các nhà kinh tế hậu Schumpeter và những người theo thuyết tăng trưởng nội sinh, các sáng kiến cải tiến thường có xu hướng tập trung theo ngành công nghệ và theo hình thức tổ chức sản xuất, nên nhiều khi chỉ một sáng kiến mang tính đột phá căn bản, chẳng hạn tạo ra một sản phẩm mới, một công nghệ mới có khả năng áp dụng rộng rãi, thì có thể đem lại một quá trình tăng trưởng dài hạn. Trường hợp phát minh ra máy hơi nước, đường sắt, ô tô, máy bay, máy tính và hệ thống internet hiện nay là những ví dụ điển hình. Như vậy, hai khía cạnh tạo ra sáng kiến và phổ biến rộng rãi sáng kiến tự chúng đã hoà hợp với nhau tạo thành một thuyết kinh tế nội sinh hoàn chỉnh.
Theo lý thuyết tăng trưởng nội sinh, nền kinh tế của mỗi quốc gia có những đặc thù riêng nên mức độ tiếp cận các luồng tri thức, mức độ tham gia trao đổi hàng hoá, sản phẩm sẽ khác nhau. Do vậy, các quốc gia không có cùng một nhịp độ tăng trưởng kinh tế dài hạn giống nhau và con đường dẫn đến sự tăng trưởng cũng rất đa dạng, phong phú; chính ở đây, các chính phủ có thể đề ra đường lối chính sách phát triển của mình cho phù hợp với đặc điểm mỗi nước. Mô hình tăng trưởng nội sinh cũng chỉ ra nhiều kênh ngoại sinh qua đó cho phép chính phủ có thể tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả tích cực tới tăng trưởng kinh tế.
Lý thuyết tăng trưởng nội sinh cơ bản vẫn dựa trên khung khổ của lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển vì vẫn cho rằng một trong những kênh quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế theo lý thuyết tăng trưởng nội sinh là vốn đầu tư. Thậm chí lý thuyết tăng trưởng nội sinh còn cho rằng vốn sản xuất đóng vai trò quan trọng nhất tới tăng trưởng và là nhân tố cơ bản tạo cơ sở cho sự ra đời và tích tụ các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ, nguồn gốc của tăng trưởng (Boyer và Didier, 2000). Tuy nhiên, điểm khác nhau giữa hai lý thuyết cũng rất đáng kể. Nếu như lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển cho rằng tiết kiệm và đầu tư dẫn tới tăng trưởng tức thời, đồng thời tỷ lệ lợi tức trên vốn giảm dần, buộc nền kinh tế phải phát triển theo một quỹ đạo tăng trưởng ổn định xác định theo cơ chế “dừng”, thì ngược lại, theo lý thuyết tăng trưởng nội sinh, đầu tư có thể dẫn tới tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục tăng lên và chất lượng phát triển ngày càng tốt hơn.
Mặt khác, lý thuyết tăng trưởng nội sinh cũng đề cao vai trò của Chính phủ giống như các lý thuyết hậu Keynes. Trong lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển, chính phủ hầu như không có vai trò, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế, nhưng trong lý thuyết tăng trưởng nội sinh, thông qua các cơ chế, chính sách của mình, Chính phủ có thể tác động tới tốc độ tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế vì các hoạt động chính sách của Chính phủ như tăng giảm thuế, xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo hộ sở hữu trí tuệ, điều chỉnh quy tắc ứng xử thông qua hệ thống pháp luật..., đều có thể tác động tới các hoạt động phát minh, sáng chế. Vì thể, trong lý thuyết tăng trưởng nội sinh, Chính phủ có thể ảnh hưởng lớn (tốt hoặc xấu) tới tốc độ tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.
Đặc biệt vai trò của đầu tư vào trang thiết bị rất lớn nên các chính phủ phải có chính sách khuyến khích loại đầu tư này. Các công cụ chính sách kinh tế có hiệu quả nhất, theo khuyến nghị của lý thuyết tăng trưởng nội sinh là miễn giảm thuế lợi tức, hỗ trợ đầu tư, tổ chức thị trường tài chính và đảm bảo tính dự báo được của chính sách kinh tế (ví dụ chính sách kinh tế rõ ràng, nhất quán theo một hướng dài hạn). Tóm lại, ngay trong những lý thuyết tăng trưởng gần đây, vai trò của vốn đầu tư (theo thuyết tân cổ điển) và Chính phủ (theo thuyết tân Keynes) vẫn rất quan trọng đối với tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế.
2) Nhánh thứ nhất của lý thuyết tăng trưởng nội sinh: Nguồn gốc của tăng trưởng bền vững, có chất lượng là tích luỹ kiến thức (learning-by-doing model).
Thực ra, nhất thứ nhất của lý thuyết tăng trưởng nội sinh đã có nền móng phôi thai từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước với công trình nghiên cứu của Arrow xuất bản năm 1962. Tuy nhiên chỉ từ cuối những năm  80, đầu thập kỷ 90, trường phái này mới thực sự trở thành một lý thuyết hoàn chỉnh với các công trình của Romer (1990), Villanueva (1994)... Theo Arrow, nguồn gốc cơ bản của tiến bộ công nghệ chính là các kinh nghiệm tích luỹ của nhiều thế hệ trong quá trình sản xuất. Các kinh nghiệm này đóng vai trò quyết định tới việc nâng cao năng suất lao động theo thời gian. Theo cách nhìn hiện nay, mô hình kinh nghiệm của Arrow có thể được mô tả đơn giản như sau:
Xuất phát từ hàm Cobb-Douglas trong đó sản xuất phụ thuộc vào hai nhân tố cơ bản là vốn và lao động, có thể biến đổi để tạo ra hàm năng suất lao động (Q) phụ thuộc vào quy mô tuyệt đối của lượng vốn (K) và một nhân tố công nghệ E. Phương trình diễn đạt như sau:
                      Q = E . K
trong đó ỏ là hệ số dương. Lấy vi phân biểu thức này theo thời gian ta sẽ thu được hàm số sau:
                             
trong đó õ = ậ/E là tốc độ thay đổi công nghệ ngoại sinh bao hàm trong lao động. Tham số ỏ thường được gọi là hệ số học hỏi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất; tham số này có thể phụ thuộc vào chi tiêu của chính phủ cho giáo dục, đào tạo... Do vậy, tiến bộ công nghệ vừa mang tính ngoại sinh, vừa mang tính nội sinh.
Điểm đặc thù trong mô hình Arrow là mặc dù hệ số học hỏi ỏ có tác động dương (tích cực) tới tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng kinh tế, nhưng tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế vẫn không phụ thuộc vào tỷ lệ tiết kiệm và tỷ lệ đầu tư vì chúng được xác định ở trạng thái dừng, nơi nền kinh tế hội tụ về. Như vậy, mặc dù mô hình Arrow có thể giải thích được chênh lệch về tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người giữa các nền kinh tế, song nó không phản ánh được vai trò của tỷ lệ tiết kiệm và tỷ lệ đầu tư.
Để giải quyết vướng mắc này, Villanueva đã mở rộng mô hình trên bằng cách bổ sung vai trò của nhân tố hiệu quả lao động, tức là thay vì dùng phương trình trên, ông đã dùng phương trình sau:
                     
Phương trình trên cho thấy sự thay đổi về công nghệ có mối quan hệ tương quan dương với lượng vốn bình quân của lao động (K/L). Như vậy, sản lượng hàng hóa cũng như năng suất lao động sẽ tăng lên khi tỷ lệ vốn trên lao động tăng lên. Những phân tích chi tiết hơn của trường phái này cho thấy mô hình đã mang lai ba điểm mới:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế cân đối được xác định nội sinh và phụ thuộc vào chính sách của chính phủ;
- Tốc độ hội tụ về đường tăng trưởng cân đối, bền vững sẽ nhanh hơn so với các mô hình tân cổ điển, nhất là mô hình Solow (khoảng thời gian cần thiết để điều chỉnh về trạng thái tăng trưởng kinh tế cân bằng chỉ bảng khoảng 1/4 đến 1/3 so với khoảng thời gian cần thiết trong mô hình Solow);
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế cân bằng cao hơn tổng của tốc độ tăng trưởng tiến bộ công nghệ và tăng trưởng dân số, do đó đời sống người dân sẽ liên tục được cải thiện nếu quá trình tăng trưởng ở trạng thái cân bằng.
Như vậy, yếu tố học hỏi, tích luỹ kiến thức, có tác động rất tích cực tới quá trình tăng trưởng kinh tế. Quá trình phát triển kinh tế không những phụ thuộc vào tỷ lệ tiết kiệm mà còn phụ thuộc vào các tham số ảnh hưởng tới quá trình học hỏi, tích luỹ kiến thức như chi tiêu ngân sách chính phủ cho giáo dục...
3) Nhánh thứ hai của lý thuyết tăng trưởng nội sinh: Nguồn gốc của tăng trưởng bền vững là sự tăng lên của vốn tích luỹ kiến thức.
Trong các lý thuyết trên, có một giả thiết ẩn phía sau là việc tích luỹ kiến thức là kết quả hay sản phẩm phụ của các hoạt động kinh tế. Trong nhánh thứ hai của lý thuyết tăng trưởng nội sinh, người ta xem kiến thức là một hoạt động sản xuất giống như sản xuất ra một loại hàng hóa nào đó. Các mô hình như vậy được gọi là mô hình “nghiên cứu - phát triển” (research and development model) và thường được viết tắt là R&D. Trường phái này do Romer (1990), Grossman và Helpman (1991) và Aghion và Howitt (1992) khởi xướng và phát triển.
Mô hình được xây dựng trên cơ sở các giả thiết sau:
(1) Nền kinh tế gồm hai khu vực, trong đó:
- Khu vực I sản xuất hàng hóa (khu vực các doanh nghiệp) có nhiệm vụ sử dụng vốn vật chất, kiến thức và lực lượng lao động làm đầu vào để sản xuất ra các loại hàng hóa và dịch vụ thông thường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và tái sản xuất mở rộng.
- Khu vực II sản xuất kiến thức (khu vực R&D) có nhiệm vụ sử dụng vốn vật chất, kiến thức và lực lượng lao động làm đầu vào để sản xuất ra một loại sản phẩm đặc biệt là “kiến thức”, các sản phẩm kiến thức này được của hai khi vực sử dụng để thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và có chất lượng.
(2) Tương tự như trong mô hình Solow, trong mô hình này, cũng giả thiết tỷ lệ tiết kiệm và tốc độ tăng trưởng dân số là các biến ngoại sinh.
Điểm đặc biệt của mô hình này là các hai khu vực đều sử dụng toàn bộ lượng kiến thức sẵn có để tạo ra quá trình tăng trưởng vì hàng hóa kiến thức có tính không cạnh tranh và không bị mất đi sau quá trình sử dụng. Điều này khác với các loại hàng hóa và dịch vụ thông thường.
Từ các giả thiết trên, có thể xây dựng hai hàm sản xuất khác nhau cho hai khu vực. Theo mô hình chuẩn, các hàm sản xuất được xây dựng dưới dạng Cobb-Douglas trong đó sản lượng của khu vực I phụ thuộc vào vốn, lao động và các nhân tố sản xuất thông thường (nếu có), sản lượng của khu vực II phụ thuộc vào vốn, lao động được sử dụng trong khu vực II và trình độ công nghệ (kiến thức). Vì tỷ lệ tiết kiệm và tốc độ tăng trưởng dân số là các biến ngoại sinh nên ngoài các biến nội sinh thông thường, mô hình còn có thêm biến nội sinh là kiến thức.
Để phân tích ảnh hưởng của khối lượng kiến thức hiện có đối với tăng trưởng kinh tế dài hạn, người ta đưa vào mô hình tham số lợi tức của kiến thức. Khi đó, ảnh hưởng có thể xảy ra theo hai hướng. Một mặt, các phát minh, khám phá trong quá khứ có thể tạo ra ý tưởng và công cụ để thúc đẩy việc ra đời các phát minh, khám phá trong tương lai, từ đó thúc đẩy kinh tế tăng trưởng liên tục và bền vững. Mặt khác, những phát minh, khám phá dễ bao giờ cũng được thực hiện trước với chi phí rẻ; do vậy quá trình càng phát triển thì càng khó khăn hơn vì không dễ gì tạo ra các phát minh, khám phá mới, đồng thời giá thành ngày càng cao.
Vì vậy, mô hình đã đưa ra các kết luận khác nhau trong mỗi trường hợp như sau:
(1) Trong trường hợp tỷ suất lợi tức của kiến thức với tư cách là một yếu tố đầu vào của sản xuất giảm dần, thì bất kể nền kinh tế ban đầu đang nằm ở trạng thái nào, cuối cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ hội tụ về một đường tăng trưởng tương ứng với trình độ kiến thức tích luỹ được. Do vậy, về dài hạn, nền kinh tế sẽ tăng trưởng theo một trục cân đối, bền vững. Mô hình cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế được xác định bởi tốc độ tăng trưởng nguồn lao động và tốc độ tăng trưởng của tiến bộ công nghệ; hai yếu tố này đều ngoại sinh.
(2) Trong trường hợp tỷ suất lợi tức của kiến thức có xu hướng tăng dần, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng liên tục tăng lên chứ không hội tụ về một đường tăng trưởng cân đối. Điều này cũng có nghĩa là càng có nhiều kiến thức thì càng dễ tạo thêm nhiều kiến thức mới, do đó càng làm cho tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế tăng lên chứ không giảm. Vì vậy, nếu đảm bảo được xu hướng tăng lên của tỷ suất lợi tức thì một khi quá trình tích luỹ kiến thức bắt đầu, nền kinh tế sẽ đi vào quỹ đạo để tiến tới một đường tăng trưởng ngày càng cao và không có giới hạn.
4) Nhánh thứ ba của lý thuyết tăng trưởng nội sinh: Nguồn gốc của tăng trưởng bền vững là sự tăng lên của vốn con người.
Các mô hình tăng trưởng nội sinh nêu trên cho thấy kiến thức, nhất là tiến bộ công nghệ, đã có những đóng góp quan trọng vào việc giải thích tốc độ và chất lượng tăng trưởng của các nền kinh tế. Tuy nhiên các mô hình trên đều giả thiết kiến thức và công nghệ không có tính cạnh tranh, tức là mọi quốc gia đều có thể tiếp cận các công nghệ mới một cách bình đẳng; song trong thực tế lại không thể như vậy. Do đó, các mô hình trên không giải thích được tại sao có sự chênh lệch về thu nhập và tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế khác nhau. Chính từ đây đã xuất hiện một nhánh khác của lý thuyết tăng trưởng nội sinh là nhánh đưa thêm vốn con người vào mô hình Solow. Những người đại diện tiêu biểu của trường phái này là Mankiw, Romer và Weil (1992).
Hai khái niệm vốn kiến thức và vốn con người có sự khác nhau cơ bản. Vốn con người gồm khả năng, kỹ năng và kiến thức của mỗi người lao động riêng lẻ; do vậy vốn con người có tính cạnh tranh cao, tức là nếu một cá nhân sử dụng nó thì sẽ ngăn cản hoặc hạn chế việc sử dụng của cá nhân khác. Ngược lại, vốn kiến thức là tri thức chung và không mang tính cạnh tranh khi sử dụng.
Bản chất của mô hình do Mankiw, Romer và Weil xây dựng không khác so với mô hình của Solow vì mô hình này vẫn giả thiết tỷ suất lợi tức không thay đổi theo thời gian. Chỉ có một điểm khác biệt song khá quan trọng là bổ sung vai trò của vốn con người; theo đó có sự điều chỉnh các nguồn lực dành cho tích luỹ vốn vật chất và tích luỹ vốn con người. Chính thay đổi nhỏ này có thể dẫn tới những thay đổi to lớn về năng suất lao động, từ đó giải thích được sự chênh lệch về thu nhập thực tế giữa các nước khác nhau. Đặc biệt, mô hình giả thiết sản phẩm cận biên của vốn vật chất và vốn con người đều giảm dần nên mức sinh lời ở các nước giàu sẽ thấp hơn ở các nước nghèo. Kết quả là tốc độ tăng trưởng của các nước nghèo sẽ cao hơn của các nước giàu, đồng thời có một luồng vốn từ các nước giàu chảy sang các nước nghèo để có thể thu được nhiều lợi nhuận hơn.
5) Những phát triển gần đây của lý thuyết tăng trưởng nội sinh: Nguồn gốc của tăng trưởng bền vững, có chất lượng là kinh tế tri thức bậc cao, kết hợp tổng hòa của kinh tế internet, kinh tế mạng, kinh tế kỹ thuật số, kinh tế điện tử và kinh tế thông tin..
a) Khái niệm kinh tế tri thức
Khái niệm kinh tế tri thức phải được hiểu đúng là nền kinh tế mà tri thức là một đầu vào (input) cơ bản. Nếu như quan điểm cổ điển cho rằng các đầu vào sản xuất chỉ bao gồm: nguyên liệu, vốn, và lao động, thì khái niệm đầu vào tri thức đã làm thay đổi sâu sắc tư duy kinh tế học. Hàm số sản xuất cổ điển được mô tả như sau:
P = F (R, C, L)
trong đó: P sản xuất (Production) phụ thuộc vào: R tài nguyên (Ressource), C - vốn (Capital), và L - lao động (Labor)
Hàm số sản xuất hiện đại:
P = F (R, C, L, K)
Tức là ngoài ba nhân tố R, C, L còn có sự đóng góp của nhân tố thứ tư là tri thức K (Knowledge)
Trong nền kinh tế tri thức, K sẽ chiếm một tỷ trọng rất lớn so với các đầu vào còn lại. Nhờ phần đóng góp này mà doanh nghiệp, quốc gia, hay nhân loại đã tạo ra một khối lượng giá trị sử dụng lớn gấp nhiều lần nền kinh tế trước đây. Càng ngày, người ta càng nhận thấy trong khi các nguồn tài nguyên và vốn là hữu hạn thì chỉ có tri thức là thứ mà con người có thể huy động đến vô hạn để đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng của xã hội hiện đại.
Thế nào thì được gọi là tri thức và làm sao lượng hóa được phần đóng góp của tri thức tới tăng trưởng kinh tế ? Có nhiều quan điểm và tồn tại nhiều cách tính khác nhau, tuy nhiên sự khác biệt giữa chúng không nhiều. Cái lõi của phần tri thức được nhận định chung là: thông tin, kiến thức (phát minh, sáng chế), kinh nghiệm. Đo lường các đại lượng này là việc hết sức khó khăn, nhất là khi chúng lại nằm trong cấu thành không thể tách rời của các sản phẩm mà chúng ta sử dụng. Ví dụ dưới đây có thể làm minh họa cho vai trò của đầu vào tri thức:
Một người nông dân trồng lúa bình thường phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nếu ông ta chịu theo dõi dự báo thời tiết, thì ông ta sẽ tránh được rất nhiều thiệt hại không đáng có. Trời hạn, ông ta sẽ chuẩn bị trước nước để tưới. Trời mưa, ông ta có dự phòng tháo nước... Kết quả là thu hoạch của ông ta sẽ ổn định và chắc chắn sẽ lớn hơn so với người nông dân khác chỉ biết đi ra ruộng và phó mặc phần còn lại cho trời. Có thể thấy ngay là thông tin về thời tiết là nhân tố đã tạo ra phần chênh lệch trong thu hoạch giữa hai người. Để đo giá trị của đầu vào này, có thể thực hiện một cách đơn giản như sau: Người nông dân (thay vì ngong ngóng trông đợi chương trình dự báo thời tiết lúc được lúc không của nhà nước) quyết định mua dịch vụ dự báo thời tiết của một tổ chức hoặc một doanh nghiệp. Số tiền ông phải trả để có được dịch vụ này chính là giá trị đầu vào tri thức của ông ta. Nếu ông ta lại quyết định mua một sáng chế sinh học về một giống lúa mới cho thu hoạch cao hơn, ông ta đã đầu tư và nhờ đó tăng thêm hàm lượng tri thức trong quy trình sản xuất của mình (bằng cách huy động các nguồn tri thức khác). Cứ như thế ông ta tích lũy được những kinh nghiệm mà những người nông dân khác không có, đem ứng dụng những kinh nghiệm này vào các vụ mùa sau và trở nên giàu có.
Các bằng phát minh, sáng chế ngày hôm nay đều có giá. Các phát hiện về các vật liệu mới, quy trình tương tác mới... lập tức được các công ty mua lại để ứng dụng vào sản xuất trên thị trường. Các cục sáng chế và công ty bảo hộ quyền tác giả luôn luôn làm việc hết công suất để trả lời cho nhu cầu đăng ký của các cá nhân và pháp nhân. Tri thức là sản phẩm của một công ty này, lại là nguyên liệu cho một công ty khác. Đó là những ví dụ dễ hiểu nhất để chỉ ra vai trò của tri thức như là một hàng hóa được trao đổi một cách độc lập, hàng hóa mới của nền kinh tế tri thức.
Mặt khác, tri thức là một bộ phận không thể tách rời khỏi cấu thành của hàng hóa hiện đại. Chỉ cần nhìn bất kỳ một sản phẩm nào trong siêu thị là thấy điều đó. Muốn cạnh tranh được, các sản phẩm này đều phải trải qua các khâu thiết kế, thử nghiệm, phân phối, tức là có trong cơ cấu giá thành của nó một bộ phận lớn chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D). Nhìn từ một góc độ nào đó, có thể coi đây là những hình thức lao động phức tạp, phân biệt với lao động giản đơn của anh công nhân đứng máy. Tuy nhiên điều quan trọng là ở chỗ nó được tạo ra thuần túy bằng hoạt động tư duy của con người (và do đó có tính kế thừa), không phải bằng sự khéo léo của cơ thể. Ngày hôm nay, người ta có thể góp vốn không chỉ bằng tiền hay hiện vật mà còn bằng kinh nghiệm, trình độ, hoặc lượng thông tin nắm giữ. Tri thức vừa là lao động (trí óc), vừa là một thứ nguyên liệu vô hình (như trường hợp kinh nghiệm của một công nhân lành nghề), vừa là tư bản có thể huy động trên thị trường. Chính vì thế người ta buộc phải xếp nó riêng biệt với các đầu vào truyền thống khác. Cách nhìn nhận của Kinh tế chính trị cổ điển với hai khái niệm tư bản và lao động (đơn giản và phức tạp) không giải quyết được vấn đề này.
Đến đây cần nhìn nhận rằng hoạt động tư duy của con người luôn luôn đóng góp vào sản xuất, bởi vì không thể tạo ra một sản phẩm mà không có một chút tư duy nào trong đầu. Tri thức đóng góp vào quá trình tạo nên các giá trị vật chất trong bất kỳ nền kinh tế nào, kể từ khi con người biết làm ra một sản phẩm, có khác chăng là nó chiếm tỷ trọng không giống nhau mà thôi. Nền kinh tế tri thức chỉ bắt đầu được công nhận là một nền kinh tế khi chúng ta nhận thức được vai trò và giá trị của tri thức, nhờ đó tăng phần đóng góp này lên và tạo ra một giá trị lớn hơn trên một khối lượng lao động và tư bản cố định.
Như vậy, tri thức là công cụ chứ không phải là đích đến. Mục đích của nền kinh tế tri thức trước hết là tăng cường sử dụng tri thức, chứ không phải nhằm sản xuất thật nhiều tri thức (cho dù về mặt logic thì hai việc này có phụ thuộc rất lớn vào nhau). Nó không hề bảo chúng ta phải sản xuất gì, bao nhiêu và như thế nào; nó cũng không hề bảo chúng ta phải tập trung vào đào than, sản xuất chip máy tính hay công nghệ kỹ thuật số... Chỉ có thị trường mới trả lời được những câu hỏi đó. Nền kinh tế tri thức chỉ động viên chúng ta sử dụng những phương tiện mới: thông tin, kiến thức, kinh nghiệm - dưới dạng hàng hóa độc lập hay cấu thành các sản phẩm có chứa hàm lượng tri thức cao - để vượt qua những giới hạn sản xuất hiện tại và do đó sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên khan hiếm.
Hiện nay, nhiều tuyên truyền về kinh tế tri thức không đúng với thực chất. Từ việc hiểu tri thức là một đầu vào quan trọng phải được ưu tiên, nhiều người cho rằng cần tạo ra thật nhiều tri thức, tức là có sự nhầm lẫn giữa công cụ và mục đích. Công cụ mới (tri thức) có thể có rất nhiều tính năng nhưng không phải vì thế cứ có càng nhiều càng tốt. Điều quan trọng không phải là khối lượng tri thức được sử dụng (thông qua giá trị bằng tiền của chúng) mà là hiệu quả sử dụng chúng. Nói cách khác, cần nhiều tri thức có ích, tức là tri thức sử dụng được để phát triển kinh tế. Đặc biệt, đối với những nước đang phát triển ở trình độ thấp như nước ta, việc lấy tri thức làm thành phần chủ đạo của quá trình phát triển là không tưởng vì khi quá nhấn mạnh vào phát triển các sản phẩm tri thức cao có thể gây hậu quả tai hại vì khiến các doanh nghiệp hiểu lầm rằng nền kinh tế mới chỉ chấp nhận các sản phẩm kỹ thuật cao và do đó dẫn đến mất cân bằng sản xuất.
Trên thực tế, có một sự chuyển dịch mạnh mẽ trong nhu cầu sản phẩm công nghệ cao trên thế giới, nhưng đây chỉ là một quá trình chuyển dịch tất yếu để các nền kinh tế tìm đến một cân bằng mới phù hợp hơn. Sự chuyển dịch này không thể xóa được những nhu cầu cơ bản của con người là như lương thực, quần áo, giày dép, nghệ thuật. Một số nước chỉ để 10% lực lượng lao động sản xuất nông nghiệp; 90% lao động còn lại tập trung vào sản xuất với công nghệ cao hay sản xuất phần mềm. Đây là mô hình của các nước phát triển và sự thành công của nó gần đây tại một số quốc gia đang hướng theo mô hình này như Trung Quốc, Ấn Độ là không thể bàn cãi. Tuy nhiên liệu có thể áp dụng mô hình này cho tất cả các quốc gia không lại là một vấn đề khác. Ngay tại Trung Quốc, Ấn Độ, tỷ lệ dân số làm việc hiện nay với công nghệ chắc chắn cũng nhỏ hơn rất nhiều so với dân số làm thủ công và nông nghiệp. Tăng hàm lượng tri thức không nhất thiết đồng nghĩa với tăng giá trị và thu nhập. Có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao nhưng không phải tất cả đều thành công. Doanh nghiệp chỉ thành công khi trả lời đúng được nhu cầu của thị trường. Ngày hôm nay trên thị trường thế giới có một sự phân hóa sâu sắc về các chuyên ngành công nghiệp, do đó không hẳn cứ phải tập trung vào công nghệ cao để phát triển. Cũng giống như một doanh nghiệp, một đất nước phải biết kết hợp hợp lý các nguồn lực của mình. Không thể định hướng các doanh nghiệp cỡ phường viết phần mềm bán cho thế giới, cũng như không thể sản xuất tàu vũ trụ theo công nghệ nước ngoài lắp rắp bằng tay nghề thợ thủ công. Còn đào tạo họ để thay đổi cơ cấu kinh tế đất nước lại là cả một câu chuyện khác đòi hỏi một khoảng thời gian rất dài.
Như vậy, vẫn có thể trồng lúa, đào than, hay nuôi gà trong nền kinh tế tri thức; vấn đề là phải chú trọng đầu vào tri thức để nâng cao thu hoạch. Nếu nông dân có nhiều kiến thức hơn thì chắc chắn họ sẽ giàu hơn rất nhiều. Ví dụ nông dân Mỹ hoặc Pháp đang làm nông nghiệp bằng máy móc, tính toán bằng computer, và bán sản phẩm bằng Internet. Chính phủ đã hỗ trợ rất nhiều để đào tạo và khuyến khích nông dân đem những ứng dụng công nghệ vào cuộc sống. Họ trầy trật để học gõ bàn phím và sử dụng chuột. Một số bỏ cuộc nhưng một số khác cố gắng theo vì họ hiểu phần kiến thức ấy hứa hẹn thu nhập và cuộc sống tươi đẹp.
Tóm lại, kinh tế tri thức trước hết là một quan niệm, không phải một hình thái kinh tế mới của xã hội. Vấn đề của kinh tế tri thức ngày hôm nay là nó dường như đang đẩy mạnh hố ngăn cách giàu nghèo và sự phân hóa xã hội. Một tập thể nhỏ có nhiều tri thức cao sẽ nắm giữ một phần lớn tài nguyên và tư bản, buộc phần còn lại có ít tri thức hơn phụ thuộc vào họ. Sự phát triển của Google, Amazon, Ebay... là những ví dụ liên tục được nhắc tới trong những năm qua minh chứng cho việc sử dụng tri thức để thâu tóm thế giới. Các doanh nghiệp này dùng hầu như rất ít tư bản và rất nhiều tri thức vào khởi điểm, để tạo ra một khối lượng tư bản khổng lồ và các mạng lưới toàn cầu. Kết quả là tuy các bác nông dân có tăng được doanh thu gấp 2 nhờ Internet thì các doanh nghiệp lớn, cũng nhờ Internet, đã tăng doanh thu gấp mười, thậm chí gấp trăm. Vậy là cùng tiến lên thời đại Internet, khoảng cách giữa doanh nghiệp công nghệ cao và nông dân không hẹp đi mà lại bị nới rộng ra nhiều lần. Hiện tượng này giống như hiện tượng một quả bóng tuyết. Càng lăn, hòn tuyết càng lớn và càng lăn nhanh. Càng có nhiều tri thức, doanh nghiệp càng phát triển và càng dễ tiếp nhận nhiều tri thức mới, bỏ lại phía sau phần xã hội không theo kịp vì chưa đủ tích lũy. Tri thức bị hoàn toàn biến thành tư bản. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong số nhiều viễn cảnh của kinh tế thế giới vì khái niệm kinh tế tri thức còn khá mới mẽ. Hiện tại chưa có số liệu hay nghiên cứu nào đủ thuyết phục để chứng minh điều đó.
b) Tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng trong nền kinh tế mới:
Trong thời đại ngay nay, chất lượng tăng trưởng phải gắn liền với phát triển nền kinh tế mới, trong đó công nghệ mới, tri thức mới và nguồn lực con người mới đóng vai trò trung tâm. Kinh tế mới là sự kết hợp tổng hòa của kinh tế internet, kinh tế mạng, kinh tế kỹ thuật số, kinh tế điện tử và kinh tế thông tin. Kinh tế mới bao gồm 3 yếu tố quan trong sau đây mà bất kỳ một nền kinh tế tăng trưởng cao, có chất lượng đều phải đảm bảo:
- Sử dụng công nghệ thông tin làm công nghệ mới, đóng vai trò cơ bản đối với quá trình tăng trưởng và phát triển;
- Thông tin được thừa nhận rộng rãi là sản phẩm quan trọng trong quá trình tăng trưởng và phát triển; thông tin thống kê là điều kiện tiên quyết để hình thành các chính sách kinh tế đúng đắn;
- Duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trên cơ sở không ngừng nâng cao năng suất lao động dựa trên hai nhân tố công nghệ thông tin và thông tin nêu trên.
Nhờ công nghệ thông tin, có thể tạo ra sự kết nối kinh tế giữa trong nước và quốc tế, cho phép gắn kết con người ở khắp nơi với tăng trưởng kinh tế ở một nơi và giữa các hoạt động kinh tế của nhiều quốc gia, tạo thành một mạng thống nhất, trong đó thông tin, số liệu ngày càng nhiều và luôn luôn được cập nhật với những chi phí viễn thông thấp. Trong công nghệ thông tin, có một hiệu quả quan trọng là hiệu quả nối mạng, tức là lợi ích của mỗi người nối mạng sẽ tăng lên theo đà tăng lên của số người tham gia mạng.
Thông tin đóng vai trò là sản phẩm trong nền kinh tế mới có nghĩa là thông qua công nghệ thông tin, người ta có thể tiếp cận nhanh hơn và tiết kiệm hơn với kinh tế mới, từ đó thúc đẩy sản xuất và sử dụng thông tin... Lợi ích của việc cải thiện nguồn, chất lượng thông tin là làm cho tính minh bạch trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội, môi trường đều tăng lên, đồng thời các yếu tố bất ổn giảm đi, từ đó kích kích nền kinh tế phát triển. Mặt khác, do công nghệ thông tin có tính xuyên ngành, có thể ứng dụng vào mọi ngành kinh tế với tư cách vừa là sản phẩm, vừa là nhân tố tác động nên trong nền kinh tế mới, tăng trưởng và tăng năng suất lao động phụ thuộc rất lớn vào việc phát triển công nghệ thông tin  cũng như đẩy mạnh sản xuất và sử dụng thông tin. Có thể nói trong khoảng 10 năm gần đây, các nhà tỷ phú lớn nhất thế giới đều có gốc từ công nghệ thông tin, đồng thời công nghệ thông tin là nhân tố tạo ra sự khác biệt về cuộc sống thịnh vượng giữa các xã hội.
Một điểm rất đặc biệt của kinh tế mới so với kinh tế cũ (kinh tế truyền thống) là các quy luật kinh tế được biết trong kinh tế cũ không hề mất hiệu lực trong kinh tế mới. Điểm đặc biệt này cũng được thể hiện ngay tại nước có nền kinh tế mới phát triển hàng đầu thế giới là Mỹ. Kinh nghiệm phát triển nền kinh tế mới những năm gần đây (từ khoảng năm 1990 tới nay) cho thấy quá trình tăng trưởng và nâng cao chất lượng tăng trưởng đã không ngừng diễn ra, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng tăng lên trong khi sự giao động trong quá trình tăng trưởng lại giảm xuống so với trong nền kinh tế cũ. Ngoài ra, có thể thấy tỷ lệ lạm phát hoặc tỷ lệ thâm hụt ngân sách đã giảm rõ rệt. Như vậy, nhờ công nghệ thông tin, tính thích nghi của nền kinh tế mới đối với những nhân tố tạo ra giao động trong phát triển (tăng trưởng và thay đổi cơ cấu) đã cao hơn đáng kể, nhờ đó, các nền kinh tế vừa khai thác tốt hơn công suất hiện có, vừa đảm bảo tính vững chắc của quá trình phát triển. Cũng chính nhờ vậy mà việc phải sử dụng các công cụ điều tiết ngắn hạn nền kinh tế như chính sách tiền tệ, chính sách tài chính... để can thiệp nhất thời trong quá trình phát triển cũng giảm đáng kể. Đồng thời việc mở rộng các cơ chế chính sách đang làm cho khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế tăng lên.
c) Chất lượng tăng trưởng gắn với phát triển bền vững
Thuật ngữ "phát triển bền vững" xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980 trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn Thế giới (công bố bởi Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế - IUCN) với nội dung rất đơn giản: "Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học".
Khái niệm này được phổ biến rộng rãi vào năm 1987 nhờ Báo cáo Brundtland (còn gọi là Báo cáo Our Common Futur) của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới - WCED (nay là ủy ban Brundtland). Báo cáo này ghi rõ: Phát triển bền vững là "sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai...". Nói cách khác, phát triển bền vững phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, gìn giữ. Để đạt được điều này, tất cả các thành phần kinh tế - xã hội, nhà cầm quyền, các tổ chức xã hội... phải bắt tay nhau thực hiện nhằm mục đích dung hòa 3 lĩnh vực chính: kinh tế - xã hội - môi trường.
Hai khái niệm gắn liền với quan điểm trên là: (i) Khái niệm "nhu cầu", và (ii) Khái niệm của sự giới hạn mà tình trạng hiện tại của khoa học kỹ thuật và sự tổ chức xã hội áp đặt lên khả năng đáp ứng của môi trường nhằm thỏa mãn nhu cầu hiện tại và tương lai.
Sau đó, năm 1992, tại Rio de Janeiro, các đại biểu tham gia Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hiệp quốc đã xác nhận lại khái niệm này, và đã gửi đi một thông điệp rõ ràng tới tất cả các cấp của các chính phủ về sự cấp bách trong việc đẩy mạnh sự hòa hợp kinh tế, phát triển xã hội cùng với bảo vệ môi trường.
Năm 2002, Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững (còn gọi là Hội nghị Rio +10 hay Hội nghị thượng đỉnh Johannesburg) nhóm họp tại Johannesburg, Cộng hòa Nam Phi với sự tham gia của các nhà lãnh đạo cũng như các chuyên gia về kinh tế, xã hội và môi trường của gần 200 quốc gia đã tổng kết lại kế hoạch hành động về phát triển bền vững 10 năm qua và đưa ra các quyết sách liên quan tới các vấn đề về nước, năng lượng, sức khỏe, nông nghiệpsự đa dạng sinh thái.
Đầu thập niên 80, thuật ngữ phát triển bền vững lần đầu tiên được sử dụng trong chiến lược bảo tồn thế giới do Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên quốc tế, Quỹ động vật hoang dã thế giới và Chương trình môi trường Liên hiệp quốc đề xuất, cùng với sự trợ giúp của UNESCO và FAO. Tuy nhiên. khái niệm này chính thức phổ biến rộng rãi trên thế giới từ sau báo cáo Brundrland (1987). Kể từ sau báo cáo Brundtland, khái niệm bền vững trở thành khái niệm chìa khoá giúp các quốc gia xây dựng quan điểm, định hướng, giải pháp tháo gở bế tắc trong các vấn đề trong phát triển. Đây cũng được xem là giai đoạn mở đường cho "Hội thảo về phát triển và môi trường của Liên hiệp quốc và Diễn đàn toàn cầu hoá được tổ chức tại Rio de Janeiro (1992), và Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững tại Johannesburg (2002).
Theo Brundtland: "Phát triển bền vững là sự phát triển thoả mãn những nhu cầu của hiện tại và không phương hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Đó là quá trình phát triển kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên được tái tạo tôn trọng những quá trình sinh thái cơ bản, sự đa dạng sinh học và những hệ thống trợ giúp tự nhiên đối với cuộc sống của con người, động vật và thực vật. Qua các bản tuyên bố quan trọng, khái niệm này tiếp tục mở rộng thêm và nội hàm của nó không chỉ dừng lại ở nhân tố sình thái mà còn đi vào các nhân tố xã hội, con người, nó hàm chứa sự bình đẳng giữa những nước giàu và nghèo, và giữa các thế hệ. Thậm chí nó còn bao hàm sự cần thiết giải trừ quân bị, coi đây là điều kiện tiên quyết nhằm giải phóng nguồn tài chính cần thiết để áp dụng khái niệm phát triển bền vững.
Như vậy, khái niệm "Phát triển bền vững" được đề cập trong báo cáo Brundtlanđ với một nội hàm rộng, nó không chỉ là nỗ lực nhằm hoà giải kinh tế và môi trường, hay thậm chí phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Nội dung khái niệm còn bao hàm những khía cạnh chính trị xã hội, đặc biệt là bình đẳng xã hội. Với ý nghĩa này, nó được xem là "tiếng chuông" hay nói cách khác là "tấm biển hiệu” cảnh báo hành vi của loài người trong thế giới đương đại.
Kể từ khi khái niệm này xuất hiện, nó đã gây được sự chú ý và thu hút sự quan tâm của toàn nhân ]oại (các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, đảng phái chính trị, các nhà tư tưởng, các phong trào xã hội, và đặc biệt là giới khoa học với việc làm dấy lên các tranh luận về khái niệm này mà đến nay vẫn chưa ngã ngũ).
Một số quan điềm cho rằng khái niệm "Phát triển bền vững' mới chỉ dừng lại ở cấp độ lý thuyết mơ hồ và phức tạp. Theo chúng tôi, khái niệm này mặc dù mới chỉ dừng lại ở cấp độ lý luận trừu tượng nhưng nó đã có những đóng góp nhất định. Để hiểu rõ khái niệm và khả năng áp dụng của nó ở từng phạm vi hay cấp độ, cần phải định nghĩa và thao tác hoá khái niệm trong khuôn khổ mỗi phạm vi hay cấp độ, khả năng áp dụng và tính phù hợp của khái,niệm này chỉ có thể đo lường thông qua kiềm chứng thực tế.
Ở Việt Nam, khái niệm “Phát triển bền vững” được biết đến vào những khoảng cuối thập niên 80 đầu thập niên 90. Mặc dù xuất hiện ở Việt Nam khá muộn nhưng nó lại sớm được thể hiện ở nhiều cấp độ. Về mặt học thuật, thuật ngữ này được giới khoa học nước ta tiếp thu nhanh. Đã có hàng loạt công trình nghiên cứu liên quan mà đầu tiên phải kể đến là công trình do giới nghiên cứu môi trường tiến hành như "Tiến tới môi trường bền vững” (1995) của Trung tâm tài nguyên và môi trường, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Công trình này đã tiếp thu và thao tác hoá khái niệm phát triển bền vững theo báo cáo Brundtland như một tiến trình đòi hỏi đồng thời trên bốn lĩnh vực: Bền vững về mặt kinh tế, bền vững về mặt nhân văn, bền vững về mặt môi trường, bền vững về mặt kỹ thuật. "Nghiên cứu xây dựng tiêu chí phát triển bền vững cấp quốc gia ở Việt Nam - giai đoạn I” (2003) do Viện Môi trường và phát triển bền vững, Hội Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tiến hành. Trên cơ sở tham khảo bộ tiêu chí phát triển bền vững của Brundtland và kinh nghiệm các nước: Trung Quốc Anh, Mỹ, các tác giả đã đưa ra các tiêu chí cụ thể về phát triển bền vững đối với một quốc gia là bền vững kinh tế, bền vững xã hội và bền vững môi trường. Đồng thời cũng đề xuất một số phương án lựa chọn bộ tiêu chí phát triển bền vững cho Việt Nam. "Quản lý môi trường cho sự phát triển bền vững (2000) do Lưu Đức Hải và cộng sự tiến hành đã trình bày hệ thống quan điểm lý thuyết và hành động quản lý môi trường cho phát triển bền vững. Công trình này đã xác định phát triển bền vững qua các tiêu chí: bền vững kinh tế, bền vững môi trường, bền vững văn hoá, đã tổng quan nhiều mô hình phát triển bền vững như mô hình 3 vòng tròn kinh kế, xã hội, môi trường giao nhau của Jacobs và Sadler (1990), mô hình tương tác đa lĩnh vực kinh tế, chính trị, hành chính, công nghệ, quốc tế, sản xuất, xã hội của WCED (1987), mô hình liên hệ thống kinh tế, xã hội, sinh thái của Villen (1990), mô hình 3 nhóm mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường của Worl Bank.
Chủ đề này cũng được bàn luận sôi nổi trong giới khoa học xã hội với các công trình như "Đổi mới chính sách xã hội - Luận cứ và giải pháp" (1997) của Phạm Xuân Nam. Trong công trình này, tác giả làm rõ 5 hệ chỉ báo thể hiện quan điểm phát triển bền vững: Phát triển xã hội, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, phát triển chính trị, tinh thần, trí tuệ, và cuối cùng là chỉ báo quốc tế về phát triển. Trong một bài viết gần đây đăng trên Tạp chí Xã hội học (2003) của tác giả Bùi Đình Thanh với tiêu đề "Xã hội học Việt Nam trước ngưỡng của thế kỷ XXI" tác giả cũng chỉ ra 7 hệ chỉ báo cơ bản về phát triển bền vững: Chỉ báo kinh tế, xã hội, môi trường, chính trị, tinh thần, trí tuệ, văn hoá, vai trò phụ nữ và chỉ báo quốc tế. Nhìn chung các công trình nghiên cứu này có một điểm chung là thao tác hoá khái niệm phát triển bền vững theo Brundtland, tuy nhiên cần nói thêm rằng những thao tác này còn mang tính liệt kê, tính thích ứng của các chỉ báo với thực tế Việt Nam, cụ thể là ở cấp độ địa phương, vùng, miền, hay các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội vẫn chưa được làm rõ.
Như vậy tăng trưởng trong thời đại của "Phát triển bền vững” có nội hàm rất rộng, mỗi thành tố trong đó đều có một ý nghĩa riêng. Một mẫu hình phát triển bền vững là mỗi địa phương, vùng, quốc gia… không nên thiên về thành tố này và xem nhẹ thành tố kia. Vấn đề là áp dụng nó như thế nào ở các cấp độ trên và trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Để chuyển hoá khái niệm phát triển bền vững từ cấp độ lý thuyết áp dụng vào thực tiễn, khái niệm cần được làm sáng tỏ sau đó áp đụng trực tiếp đối với các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
"Phát triển bền vững” là khái niệm mới ở Việt Nam. Tiến hành xây dựng và thao tác hoá khái niệm này phù hợp với thực tiễn đất nước và bối cảnh thế giới hiện nay sẽ có ý nghĩa quan trọng. Các nghiên cứu khoa học môi trường, khoa học xã hội, trong đó đặc biệt là kinh tế học, xã hội học, và luật học hy vọng sẽ có nhiều đóng góp cho việc hoàn thiện hệ thống quan điểm lý luận về phát triển bền vững ở nước ta trong những thập niên sắp tới.
Phát triển bền vững nhìn từ góc độ xã hội và văn hóa Từ giữa thập niên 80 đến nay, "phát triển bền vững" đã trở thành một ý niệm thời thượng. Nó là khẩu hiệu của hàng trăm tổ chức quốc tế, đề tài của mấy cục hội nghị, hội thảo toàn cầu, và một tiêu chuẩn quan trọng trong chiến lược phát triển của hầu hết mọi nước. Nguyên thủy, nó phản ánh sự quan ngại đối với một số quốc gia muốn tăng trưởng kinh tế vội vã, chọn cách phát triển thiển cận, miễn sao tăng thu nhập hiện tại cho nhanh, mà không để ý đến những nguy hại dài lâu của lối phát triển ấy đến môi trường sinh thái (tàn phá rừng, sa mạc hóa...), đến trữ lượng hữu hạn của tài nguyên thiên nhiên (quặng mỏ, dầu hỏa, khí đốt).
Ý niệm "phát triển bền vững" nhấn mạnh đến khả năng phát triển kinh tế liên tục lâu dài, không gây ra những hậu quả tai hại khó khôi phục ở những lĩnh vực khác, nhất là thiên nhiên. Phát triển mà làm hủy hoại môi trường là một phát triển không bền vững, phát triển mà chỉ dựa vào những loại tài nguyên có thể cạn kiệt (mà không lo trước đến ngày chúng cạn kiệt thì phải làm sao) là một phát triển không bền vững. Có người còn thêm rằng lối phát triển phụ thuộc quá nhiều vào ngoại lực (như FDI) cũng là khó bền vững, vì nguồn ấy có nhiều rủi ro, không chắc chắn. Nói ngắn gọn, phát triển là không bền vững nếu nó thật "nóng" đó không thể giữ lâu, nền kinh tế chóng rơi vào khủng hoảng, hay ít nhất cũng chậm lại trong tương lai.
d) Xu hướng mới về chất lượng tăng trưởng: Phát triển đi đôi với xây dựng nền văn hóa tiên tiến và giàu bản sắc
Phát triển bền vững đòi hỏi phải phát triển văn hóa, vì đời sống của chúng ta không thể coi là tốt hơn nếu thiếu một nền văn hóa tốt đẹp. Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu kinh tế và xã hội (tiên khởi là nhà xã hội học người Pháp Pierre Bourdieu (1930-2002) cho rằng, muốn hiểu văn hóa như một nhân tố trong đời sống kinh tế, và nhất là muốn đánh giá vai trò của nó trong tiến trình phát triển, thì nên nhìn nó như một loại vốn - tương tự như ba loại vốn thường biết khác (vốn vật thể, như máy móc, thiết bị; vốn con người, như kỹ năng, kiến thức; và vốn thiên nhiên, gồm những tài nguyên do thiên nhiên cống hiến và môi trường sinh thái).
Vốn văn hóa có hai hình thức: vật thể và phi vật thể. Vốn văn hóa vật thể là gồm những công trình kiến trúc, đèn đài cung miếu, di tích lịch sử, những địa điểm có ý nghĩa văn hóa. Loại vốn này cung cấp một luồng dịch vụ có thể hưởng thụ ngay (chẳng hạn như du lịch), hoặc là "đầu vào" cho sản xuất những sản phẩm và dịch vụ (văn hóa cũng như ngoại văn hóa) trong tương lai. Vốn văn hóa phi vật thể, là những tập quán, phong tục, tín ngưỡng, và các giá trị khác của xã hội. Loại vốn văn hóa này (cùng những nghệ phẩm công cộng như văn chương và âm nhạc) là một loại dây, một thứ keo gắn kết cộng đồng. Nó cũng cung cấp một luồng dịch vụ có thể hưởng thụ ngay, hoặc dùng để sản xuất những sản phẩm văn hóa trong tương lai.
Những nhận xét trên cho thấy một nhiều mối liên hệ giữa văn hóa, kinh tế và phát triển. Một là, giá trị kinh tế có thể tăng lên nhờ giá trị văn hóa. Ví dụ một ngôi nhà có tính di tích lịch sử. Ngôi nhà ấy có giá trị kinh tế như một kiến trúc (ngụ cư hoặc thương mại), biệt lập với giá trị văn hóa. Song nhiều người sẽ sẵn sàng mua ngôi nhà đó một giá cao hơn giá trị vật thể thuần túy của nó. Hầu như mọi loại vốn văn hóa vật thể đều có thể được nghĩ đến như ngôi nhà lịch sử trong ví dụ, tức là chúng bơm tiêm giá trị văn hóa vào giá trị kinh tế của vật thể, làm tăng thêm, có thể gấp nhiều lần, giá trị của vật thể ấy.
Hai là, vốn văn hóa giúp ta hiểu sâu hơn về ý niệm tính bền vững của tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội. Đóng góp của vốn văn hóa vào khả năng phát triển dài hạn không khác gì đóng góp của vốn thiên nhiên. Giống như môi trường sinh thái đóng vai trò thiết yếu cho hầu hết hoạt động sản xuất, tiêu dùng, không bảo tồn vốn văn hóa (để di sản đồi trụy, làm mất bản sắc văn hóa dân tộc) cũng có những hậu quả tai hại như vậy. Sự hủy hoại văn hóa có thể dễ thấy như sự suy đồi các di tích lịch sử, những cảnh quan thu hút khách du lịch, nhưng nó cũng có thể khó thấy, như sự suy thoái văn chương, nghệ thuật, ngôn ngữ bản xứ. Sự tràn lan của tiếng Anh ngày nay là một thí dụ nổi bật: hiển nhiên sự phổ cập tiếng Anh sẽ có lợi cho thương mại và công nghiệp cần thiết để phát triển, nhưng nó cũng hút đi phần nào sinh lực phát triển của ngôn ngữ và văn chương bản xứ, làm suy giảm vốn văn hóa.
Cái nguy hiểm là, trong cuộc chạy đua phát triển, người ta quên đi những giá trị văn hóa dân tộc, và đến một lúc nào đó, nhìn lại thì đã mất nó từ lâu. Nên nói rõ rằng đây không phải chỉ là bảo tồn văn hóa vì cái hay, cái đẹp của nó, nhưng mà giữ gìn tính kế thừa của văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác, bảo tồn vai trò của nó trong những giai đoạn phát triển về sau. Không có văn hóa thì sự phát triển hôm nay chẳng những què quặt, mà còn làm cho phát triển không bền vững.
Tóm lại, các lý thuyết gần đây đã khẳng định có một mối liên kết giữa vốn kinh tế, vốn văn hóa và vốn xã hội (trong đó có vốn con người). Do vậy, việc thúc đẩy phát triển vốn văn hóa và vốn xã hội cũng là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế.



[1] Ví d mô hình Solow đặt ra gi thiết đủ vic làm, điu này có th chp nhn được đến nhng năm 70, nhưng sau đó thì gi thiết này không đứng vng na. Hoc mô hình Solow cho rng v mt dài hn, s tăng trưởng hoàn toàn ph thuc vào nhng tác động ngoi sinh, ch yếu là thay đổi tiến b k thut; trong khi đó, nhng kiến thc v khoa hc và công ngh li được xem là tài sn công cng mà mi quc gia, mi doanh nghip đều có quyn tiếp cn, s dng mà không cn biết ngun tài tr cho các hot động khoa hc và công ngh đó được ly t đâu; do vy xét v dài hn, tt c các nước s đều hướng v mt con đường phát trin chung, đặc bit là trong bi cnh toàn cu hoá các hot động khoa hc và công ngh như hin nay. Tuy nhiên, thc tế đã din ra khác xa vi lp lun ca mô hình Solow vì con đường phát trin, năng sut và t l tăng trưởng kinh tế ti các nước rt khác nhau. Đối vi mô hình Keynes, do nhng bt cp ca nó nên đã phát sinh nhiu biến động kinh tế xut phát t nhng can thip không phù hp ca các chính ph. Chính vì vy mà trong nhng năm 70 và 80, người ta đã phi nhn mnh đến vai trò ca tính rõ ràng và thng nht ca h thng các chính sách ưu đãi, nhưng tình hình không được ci thin bao nhiêu nên chính sách kinh tế có xu hướng quay tr li quan đim c đin, tc là gim mnh vai trò can thip ca nhà nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét