Thứ Hai, 7 tháng 2, 2022

Làm gì để Hà Nội xanh, sạch và đẹp như Singapore ?

Làm gì để Hà Nội xanh, sạch và đẹp như Singapore ?
Những lúc rảnh rỗi, tôi hay đi bộ lang thang trên đường phố Hà Nội để rèn luyện cơ thể, nhưng đồng thời cũng để ghé vào những điểm tham quan du lịch ưa thích. Hà Nội rất đẹp, chỉ mỗi điều tôi thất vọng là quá bẩn và quá lộn xộn. Tôi sợ nhất ba điều: Mùi hôi từ cống rãnh bốc lên, Rác có ở bất cứ đâu và Vỉa hè bị chiếm dụng để bán hàng, để xe nên không còn chỗ cho người đi bộ.

Hà Nội thường xuyên nằm ở top đầu các thành phố ô nhiễm nhất, thậm chí nhiều ngày trong năm là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, với chỉ số bụi mịn ở mức nguy hiểm cho sức khỏe con người. Các con sông chảy qua Hà Nội (sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét) và các hồ cũng bị ô nhiễm rất nặng do 78% nước thải của Hà Nội xả thẳng trực tiếp ra sông, hồ không qua xử lý, trong đó mỗi con sông của Hà Nội tiếp nhận hàng vạn m3 nước thải đổ vào mỗi ngày.

Hiện nay, người dân Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng, nhất là vào dịp mưa và lạnh các mùa Đông và Xuân. Nguyên nhân là do thời tiết kém, mây mù dày đặc dẫn đến lớp bụi bẩn không thể khuếch tán được, làm cho Hà Nội trở thành thành phố ô nhiễm nhất Việt Nam. Trái lại, Thành phố Hồ Chí Minh dù là đô thị lớn nhất của cả nước nhưng lại có bầu không khí trong lành hơn hẳn do nơi đây có nắng vàng trải đều quanh năm. 

Ô nhiễm không khí là một bài toán nan giải cần được Hà Nội sớm giải quyết mà đây cũng là nguyên nhân gây ra các căn bệnh nguy hiểm ở người, đặc biệt là các loại bệnh ung thứ, trong đó có loại nguy hiểm nhất là ung thư phổi.

Cách đây 56 năm, Singapore từng bị xếp vào danh sách các thành phố ô nhiễm của thế giới. Nhưng ngày nay, quốc đảo sư tử đã trở thành một trong những nơi có mức độ an toàn, xanh và sạch nhất hành tinh. Câu hỏi thỉnh thoảng vẫn hiện ra trong đầu tôi là liệu có bao giờ Hà Nội sẽ xanh, sạch và đẹp như Singapore ?

Nội thành Hà Nội có 12 quận với diện tích 310 km2 và dân số khoảng 3,7 triệu người. Singapore là một quốc đảo có diện tích 728 km2 và dân số khoảng 5,7 triệu người. Như vậy, diện tích và dân số Singapore gấp đôi Hà Nội. Đặc biệt, Singapore là một quốc gia đa dạng và non trẻ, với nhiều dân tộc, nhiều ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa, Khi Singapore độc lập từ Anh Quốc vào năm 1963, hầu hết công dân là những lao động không có học thức đến từ Malaysia, Trung Quốc và Ấn Độ. Ngược lại, Hà Nội thuần chủng là người Kinh với lịch sử và văn hóa có từ hàng nghìn năm; ngày nay tiếng nói và văn hóa của Hà Nội vẫn được coi là tiêu biểu cho cả nước.

Như vậy, Nội thành Hà Nội có nhiều nét tương đồng với Singapore nhưng Hà Nội chỉ nhỏ bằng nửa Singapore và điều kiện văn hóa, xã hội thuận lợi hơn Singapore thời lập quốc. Vậy mà Hà Nội đã không thể làm gì để có được môi trường sống thân thiện như Singapore. Ngược lại, môi trường sống của Hà Nội còn đang xuống cấp từng ngày.

Thông tin trên báo cho biết để có được 
môi trường sống tốt đẹp, văn minh ngày nay, Singapore không chỉ áp chế tài xử phạt nặng với những hành vi rất nhỏ mà còn xây dựng mạng lưới các hướng dẫn viên hay đại sứ nhắc nhở người dân và ứng dụng công nghệ giám sát hành vi của người dân.

Các đại sứ giãn cách xã hội tại Singapore. Ảnh: StraitsTimes

Phạt đến 5 triệu VNĐ nếu ăn uống xong không dọn

Bên cạnh những quy định cấm xả rác, lãng phí nước… mà thế giới từng biết khi nhắc đến Singapore, từ đầu tháng 9/2021 vừa qua, Chính phủ quốc đảo còn ra quy định bắt buộc người dân khi ăn uống tại các trung tâm ẩm thực đường phố bình dân (còn được gọi là hawk centre - nét văn hoá đặc trưng của Singapore) sẽ phải có trách nhiệm tự dọn dẹp bàn, vứt rác và trả khay về chỗ cũ.

Cơ quan chức năng địa phương chủ trương linh hoạt nhắc nhở người dân. Nhưng nếu cố tình chống đối, người vi phạm lần 1 sẽ bị lập biên bản cảnh cáo, lần 2 sẽ bị phạt 300 đô-la Singapore (khoảng 5 triệu VNĐ). Với những lần sai phạm tiếp theo, người vi phạm sẽ phải ra toà.

Tới đầu năm sau, quốc đảo sư tử sẽ áp dụng quy định xử phạt hành vi ăn uống bừa bãi, không dọn khay, rác tại cả các khu ăn uống trong trung tâm thương mại, quán café.

Trong tháng 11 và tháng 12 năm nay, Singapore đang thực hiện quy định này ở mức tham vấn, tức là chưa bị xử phạt.

Các quy định này được đưa ra ngay tại thời điểm dịch bệnh căng thẳng để không chỉ đảm bảo vệ sinh mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng trong bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Điểm đặc biệt là, chính quyền Singapore phải huy động lượng lớn nhân sự là dân thường, được gọi là các “đại sứ” như “Đại sứ giãn cách xã hội” (SDA), “Đại sứ dọn khay” để phối hợp với lực lượng chức năng giám sát và nhắc nhở hành vi của người dân khi bắt đầu áp dụng quy định mới.

Chi phí chi trả cho những “đại sứ” này không hề nhỏ. Theo trang Today Onlines, ít nhất 2 công ty tuyển dụng tại Singapore đang tuyển nhân viên SDA cho các trung tâm ẩm thực đường phố (hawk centre) với mức lương từ 1.800 đô-la Singapore (30 triệu VNĐ) đến 2.500 đô-la Singapore (41 triệu VNĐ/tháng).

Được biết, chi phí thuê các “đại sứ” do Cơ quan môi trường quốc gia Singapore (NEA) thuộc Bộ Bền vững và Môi trường Singapore) chi trả.

Nhưng cơ quan này nhấn mạnh chỉ thuê các “đại sứ” trong thời gian áp dụng quy định giãn cách xã hội, trước tình hình cấp bách của dịch bệnh. Khi hết dịch, sẽ không tổ chức và thuê các “đại sứ” môi trường nữa.

Các “Đại sứ giãn cách xã hội” thường được cử tới các trung tâm mua sắm, nhà hàng, quán bar để nhắc nhở người dân thực thi đúng quy định phòng dịch như đeo khẩu trang đúng cách, hạn chế tụ tập quá 5 người…

Do phải tiếp xúc, va chạm và nhắc nhở người dân nên không ít “đại sứ” đã bị lạm dụng, bị đối xử thô lỗ, đánh đập.

Áp dụng công nghệ giám sát hành vi

Singapore bắt đầu ứng dụng thử nghiệm robot Xavier từ đầu tháng 9. Ảnh: Straitstimes

Để tăng cường kiểm soát, giảm chi phí quản lý và hạn chế những tình huống xấu, Singapore bắt đầu áp dụng thêm cả công nghệ vào giám sát hành vi người dân.

Năm ngoái, Singapore đã thu hút sự chú ý với thế giới khi ra mắt chú chó robot mang tên Spot làm nhiệm vụ theo dõi người qua lại công viên, nhắc nhở người dân giữ khoảng cách phòng dịch.

Sau 1 năm, đầu tháng 9 này, quốc đảo sư tử lại ra mắt robot mang tên Xavier chịu trách nhiệm phát hiện những hành vi vi phạm quy định như tụ tập ăn uống quá 5 người, không vệ sinh bàn ăn, hút thuốc tại khu vực cấm, đỗ xe đạp không đúng nơi quy định, sử dụng phương tiện cá nhân, xe máy vào đường dành cho người đi bộ,… Xavier di chuyển với tốc độ 5km/h, được gắn camera có thể ghi hình 360 độ.

Dù được gọi với cái tên “robot cảnh sát” nhưng thực chất, robot này chỉ đóng vai trò như một hệ thống camera theo dõi di động với năng lực giám sát tốt hơn.

Khi phát hiện hành vi sai trái, Xavier sẽ phát cảnh báo phù hợp với người vi phạm, gửi thông tin theo thời gian thực tới người kiểm soát. Người này có nhiệm vụ điều phối, huy động các lực lượng chức năng hỗ trợ.

Ngoài ra, Singapore cũng ứng dụng máy bay không người lái vào công việc giám sát thực thi giãn cách xã hội. Tháng trước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Singapore K Shanmugam còn thông báo kế hoạch tăng số camera giám sát trên toàn quốc từ 90.000 lên 200.000 điểm vào năm 2030.

Lý giải về quyết định ứng dụng công nghệ và robot vào giám sát hành vi xã hội, bà Lily Ling, Giám đốc khu vực của Cơ quan Thực phẩm Singapore - một trong những cơ quan chính phủ tham gia vào dự án triển khai robot tuần tra cho biết: “Hoạt động giám sát tại các trung tâm ẩm thực đường phố hiện nay đòi hỏi nhân lực lớn vì có rất nhiều trung tâm trên toàn quốc đảo. Khi ứng dụng công nghệ, chúng tôi có thể giảm bớt nhân lực phải trực tiếp đi tuần tra và tăng cường hiệu quả giám sát”, tờ Sydney Morning Herald dẫn lời bà Lily Ling cho biết.

Top 3 thành phố an toàn và sạch nhất thế giới

Trong bảng xếp hạng các thành phố an toàn nhất thế giới trong năm 2021 do Economist Intelligence Unit thực hiện, Singapore đứng thứ 3 chỉ sau Copenhagen (Đan Mạch) và Toronto (Canada). Và chỉ cần tìm kiếm cụm từ “thành phố sạch nhất thế giới”, rất nhiều trang du lịch có xếp hạng tiêu chí này đều cho kết quả - Singapore đứng ở ngay vị trí thứ 2, sau Copenhagen.

Năm mới đăng những thông tin này để mong lãnh đạo và người dân Thủ đô quan tâm nhiều hơn tới môi trường sống của mình. Hy vọng năm 2022 Hà Nội có những chuyển biến mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường sống.

Nguồn: Viết dựa thông tin trên mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét