Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

"Đừng tặng mì tôm nữa! Tóc em xoắn lắm rồi"

Từ cuối thập kỷ 1990, mình bắt đầu tham gia một số tổ chức từ thiện, nhưng sau đó thấy bất ổn và bận việc nên dần dần đã rút ra. Sau đó mình chỉ ủng hộ tiền theo vụ việc chứ không tham gia trực tiếp. Qua tham gia các hoạt động này, mình mới thấy một điều là ngoài công tác cứu hộ, chính phủ VN gần như hoàn toàn vô trách nhiệm với người nghèo. Mỗi khi có việc xảy ra, cả bộ máy chính phủ dường như chỉ có một việc là kêu gọi người dân chung tay giúp đỡ nhau, đồng thời bắt nhân viên dưới quyền quyên góp 1 ngày lương ủng hộ. Điều này hoàn toàn ngược với cách làm ở các nước văn minh. Người dân ở các nước này đều có ý thức rất rõ là làm từ thiện để hỗ trợ nhà nước chứ không phải thay nhà nước. Nhà nước phải có trách nhiệm chính; nếu nhà nước không làm thì người dân sẽ hạ bệ nhà nước. Người dân không yêu cầu nhà nước phải để làm tất cả theo kiểu bao cấp, nhưng cần có nhà nước để thay mặt người dân làm những gì người dân không thể làm. Đó là những vấn đề liên quan đến lợi ích tập thể, an sinh của toàn dân, an toàn của xã hội và những vấn đề công ích. Nhiệm vụ hàng đầu của bộ máy chính quyền là thiết lập nên tảng an sinh để bảo đảm quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc cho tất cả công dân, giàu và nghèo. Khác với người dân làm từ thiện tự nguyện, chính quyền thu thuế của dân thì phải có trách nhiệm với dân mỗi khi dân gặp khó khăn. Cơ chế an sinh xã hội cam kết tất cả người dân phải được chính phủ bảo vệ, giúp đỡ. Đây là một hợp đồng, một cam kết vô hình giữa dân và chính quyền khi chính quyền thu tiền thuế của dân. Đáng tiếc người VN có thói quen kêu gọi nhau giúp đỡ người gặp khó khăn chứ không yêu cầu, đòi hỏi chính quyền phải làm, nên chính quyền càng không cần quan tâm đến người dân. Lũ lụt, thiên tai ngày càng nhiều và hậu quả ngày càng khủng khiếp; do đó đã đến lúc người dân cần lên tiếng đòi hỏi nhà nước phải thực hiện trách nhiệm của mình. Nếu người dân cứ làm thay nhà nước, nhà nước sẽ mặc nhiên coi cứu trợ người nghèo là trách nhiệm của dân và càng thêm vô trách nhiệm với người dân.
P.S. Quan điểm của tôi là nhân dân tự biết mình yếu kém, ngu dốt nên họ mới chọn một số người giỏi để lập ra chính phủ, đóng tiền nuôi chính phủ để chính phủ giúp đỡ dân và lãnh đạo dân làm cho đúng. Do đó chính phủ bắt buộc phải có trách nhiệm lo cho dân, dân làm sai cũng do lỗi của chính phủ không biết lãnh đạo, hướng dẫn dân chứ chính phủ không được bảo dân ngu rồi rũ bỏ trách nhiệm với dân (dù sống bằng tiền dân nuôi). Nếu chính phủ không lo được cho dân thì dân được quyền đuổi chính phủ đó đi, lập ra chính phủ khác theo ý dân. Đáng tiếc là ở xứ độc tài, chính phủ thường là một bọn cướp tự lập ra thành chính quyền, không phải do dân bầu. Chúng có súng và sẵn sàng nã vào đầu dân nên dân không đuổi nó đi được.
"Đừng tặng mì tôm nữa! Tóc em xoắn lắm rồi"
fb  Nguyễn Phước Nhâm - Tôi sinh ra và lớn lên ở Miền Trung, không cần phải giới thiệu thêm vì trong tâm trí mọi người, khi nói về Miền Trung người ta thường hay sử dụng luôn cả cụm từ “Miền Trung lũ lụt”; “khúc ruột miền Trung”; “Miền Trung oằn mình trong bão lũ”...
Ngày thứ 3 dầm mình trong nước, người dân vùng lũ nhận mỳ tôm cứu đói
Khi tôi nói với bạn bè rằng: “Quê tao ở Miền Trung” thì lập tức tụi nó tự hiểu rằng: Tao biết rồi, quê mày nghèo, đất đai cằn cỗi, gió lào cắt trắng. Trồng trọt, chăn nuôi đều khó khăn. Hàng năm thường xuyên gánh chịu bão, lụt, hạn hán, phải đập đi làm lại nhiều lần. Tụi mày sống cần kiệm, chịu khó và để đạt được những thứ bình thường như bao người khác, tụi mày phải vượt qua nhiều rào cản và nỗ lực hơn người ta gấp nhiều lần…

Những ngày qua, khúc ruột Miền Trung mong manh nhưng can trường ấy lại một lần nữa oằn mình chống chọi với tình trạng lũ chồng lũ, nước lên rồi lại dừng, dừng rồi lại lên mà chưa có hồi kết. Có biết bao nhiêu câu chuyện thương tâm đã xảy ra: Sản phụ ở Huế trên đường đi sinh nở bị chìm ghe, con chưa kịp chào đời thì cả mẹ lẫn con thiệt mạng. Hai mẹ con ở Quảng Nam dọn nhà sau lũ bị điện giật tử vong; lại là Quảng Nam, hai em bé 13 và 15 tuổi đi lội nước, trượt chân và bị nước lũ cuốn trôi… 

Tính đến 17h ngày 12/10/2020 đã có hơn 40 người thiệt mạng và mất tích, hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập sâu, chưa thể thống kê hết số km đường giao thông bị sạt lở, rất nhiều địa phương bị cô lập, chia cắt hoàn toàn. Người dân vũng lũ đang rất cơ cực trong cảnh ngập úng, không có điện, không có nước sinh hoạt, không ti vi, báo đài, không có chiếu sáng vào ban đêm, điện thoại hết pin, lương thực, thực phẩm ướt hoặc bị trôi, không có chỗ nấu nướng, nơm nớp lo âu… xót xa lắm, thương lắm.

Nhân dân cả nước đang hướng về Miền Trung ruột thịt, đâu đó trên khắp các diễn đàn, các hội nhóm, các tổ chức đoàn thể… người ta đang kêu gọi, bàn bạc, quyên góp chung tay góp sức ủng hộ đồng bào Miền Trung. Đã có các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân không quản ngại gian lao và hiểm nguy, xộc thẳng vào vùng lũ để cứu trợ giúp đỡ bà con vượt qua hoạn nạn, tấm lòng của quý vị đáng trân quý vô cùng. Đây chính là lúc phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Tự hào thay, lúc quốc gia lâm nguy lại thấy lòng dân lai láng, căng tràn.

Tuy nhiên, vẫn còn đó một vài lấn cấn. Khi một gia đình, 1 xóm làng bị nước lũ chia cắt, thực phẩm thiếu thốn, 1 gói mì tôm sẽ giải quyết được cơn đói nhanh chóng và hiệu quả nhất. Mì tôm là thứ rất tiện lợi trong chế biến, trong vận chuyển trên ghe xuồng, trong việc phân phát đến tay người dân vì nó không thấm nước, bảo quản được lâu, có thể ném từ xa đến tay người dân nếu gặp tình huống khó tiếp cận. Thế nhưng không biết từ lúc nào, rất nhiều chương trình thiện nguyện, cứu trợ lũ lụt đã mặc định trở thành chương trình phát mì tôm???

Năm 1999, trong khi tôi đang đi học cấp 3 trên thị xã, ở quê tôi xảy ra trận lũ lịch sử. Tôi vượt 25 km đường ngập lụt về đến nhà thấy Mạ tôi đang ngồi thu lu trên bàn ăn mì tôm (vì nước ngập cả ghế) bên cạnh là 3 - 4 thùng mì tôm chồng lên nhau. 

Tôi hỏi: Nhà mình vẫn còn gạo, một mình Mạ ăn uống được bao nhiêu mà nhận mì tôm nhiều thế? Mạ tôi trả lời: Mạ ăn không hết thì đem cho bà con chòm xóm, các đoàn từ thiện người ta đều phát mì tôm, mình không nhận thì phụ tấm lòng của họ. Chợt thấy chạnh lòng và hoang mang! ai vừa làm từ thiện cho ai vậy?

Ngày thứ 3 dầm mình trong nước, người dân vùng lũ nhận mỳ tôm cứu đói - Ảnh 9.

Lần “từ thiện” mà t
ôi nhớ nhất trong cuộc đời là gần 10 năm trước, lúc còn đang công tác tại huyện nghèo Phước Sơn, Quảng Nam, cuối tuần hoặc lúc rãnh rỗi tôi thường vượt gần 30 km đường HCM để đi tắm tại con suối nước nóng còn khá hoang sơ, nghịch lý ở chỗ ngôi làng sở hữu con suối “triệu đô” ấy là một bản làng nghèo xơ xác. 

Mỗi lần đi tắm suối, chúng tôi mang theo một vài ổ bánh mì nhân thịt phòng khi tắm xong thường hay đói bụng. Một hôm, Tôi vừa đi vừa gặm bánh mì thì gặp 1 em nhỏ (5 - 6 tuổi) người đồng bào thiểu số, em ấy đứng ngay trước mặt, nhìn tôi chăm chăm, ánh mắt ngại ngùng và chờ đợi. Tôi hiểu ánh mắt ấy, nhưng đây là ổ bánh mì cuối cùng, lại đang cắn dở. Trong quan niệm của tôi, việc cho ai đó một món đồ đang ăn dở dang có khi trở thành 1 sự xúc phạm. 

Sau vài giây bối rối, tôi chọn cách ngồi xuống và nói với cậu bé: Con có muốn cùng ăn bánh mỳ với chú không? Cậu gật đầu lia lịa và cầm lấy 1/2 ổ bánh mì, ánh mắt cậu vụt sáng lên. Có thể ai đó không hiểu, nhưng đối với 1 cậu bé sống ở bản làng cách thị trấn 20 km đường rừng thì ổ bánh mì nhân thịt là một thứ xa xỉ phẩm. Ngay lúc này, cậu bé thể hiện rất rõ ràng về việc cậu muốn có thứ đó. Chỉ có tôi ngại ngần không dám cho đi vì chính cái rào cản xuất phát từ quan niệm của cá nhân mình. 

Tôi nhận ra rằng, cho cái người ta thực sự cần sẽ đáng trân quý biết bao so với đem cho cái mà mình nghĩ là họ cần.

Trong điều kiện lũ lụt, dầm nước nhiều ngày, giao thông cách trở, chợ búa ngưng trệ, người dân vũng lũ họ đang cần gì?

1. Áo phao, đèn pin, radio xài pin: Là dụng cụ sinh tồn và tiếp nhận thông tin khi không có tivi, internet, điện thoại. Nếu mỗi người dân vùng lũ đều có áo phao thì sẽ tránh được rất nhiều câu chuyện thương tâm xảy ra.

2. Nước sạch: Hầu hết nông thôn hiện nay sử dụng nước giếng khoan, lũ lụt, cúp điện đồng nghĩa với việc thiếu nước sạch để ăn, uống.

3. Lương thực: Gạo, muối, dầu ăn, nước mắm, gia vị, đường, sữa, bánh chưng, lương khô, các loại thực phẩm chế biến sẵn bảo quản được lâu như món muối thịt ruốc sả, cá khô, mắm…

4. Dược phẩm, thuốc men: Các loại thuốc không kê đơn: Thuốc trị nấm ngứa ngoài da, thuốc đau bụng, thuốc cảm sốt, dầu gió, Cloramin B (để khử trùng nước), xà phòng diệt khuẩn, xà phòng giặt, xà bông tắm…

5. Những sản phẩm vệ sinh cho phụ nữ, trẻ em: Kotex, Dạ Hương, bỉm tả… (rất cần thiết).

6. Quần áo, chăn đắp, áo đi mưa, giày dép, ủng cao su...

7. Tôn để lợp lại mái nhà, vật liệu xây dựng để tái thiết sau lũ, máy bơm nước…

8. Nếu được hãy trao cho họ một ít tiền mặt, rất thiết thực để xây dựng lại cuộc sống.

Mong các tấm lòng hảo tâm, các mạnh thường quân khi đi làm từ thiện: hạn chế tặng mì tôm nếu không thực sự cần thiết. Đừng xác lập các phần quà theo kiểu combo gói sẵn, hãy chịu khó tìm hiểu xem người dân họ có gì, họ cần gì, mang giá trị trao đúng nơi, đúng nhu cầu, đúng người và đúng hoàn cảnh.

Hãy vì mỗi hoàn cảnh cần giúp đỡ thật sự mà chia sẻ và hỗ trợ phù hợp. Nhân dân vùng lũ họ khổ lắm, thế nên nhận được sự quan tâm động viên dù nhỏ vẫn quý báu, ấm lòng, trân trọng lắm nhưng nếu được hỗ trợ đúng nhu cầu thì sẽ tốt hơn biết nhường nào.

Là một người con của vùng lũ Bình Trị Thiên, thay mặt xóm giềng, tôi xin cúi đầu cảm tạ!

Sài Gòn, 13/10/2020
N.P.N.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét