Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

Xin lãnh đạo đừng "đốt đuốc đi rê chân người"?

Trong bài này, nhà báo Như Phong khen bác Tổng Trọng nói rất đúng là chẳng có "cơ chế" nào hư hỏng cán bộ, mà mọi sự hư hỏng đều tự mình làm. Tôi thì lại không cho là đúng. Tôi tin rằng 80% các vụ tham nhũng hiện nay là do cơ chế quản lý độc quyền và bảo vệ nhau kiểu gia đình gây ra. Độc quyền là không có tam quyền phân lập, không có cơ chế giám sát nhau. Bảo vệ nhau là khi có ai đó trong phe nhóm, bè cánh bị lộ thì xúm lại tìm cách giải nguy, cuối cùng đều thoát cả. Đỉnh điểm vô liêm sỉ của cơ chế hiện nay là lúc Thủ tướng Ba Dũng đăng đàn Quốc hội thông báo tô không kỷ luật ai, một tín hiệu cho những cán bộ, công chức lương thiện là cứ tham nhũng đi, không sợ bị trừng phạt đâu. Cơ chế quản lý quá lỏng lẻo, dễ dãi cùng với tập đoàn phe nhóm lợi ích quyết liệt bảo vệ nhau dẫn tới cán bộ công chức thoải mái, vô tư tham nhũng, rồi cũng thoải mái, vô tư tiêu xài tiền tham nhũng, nhất là xây biệt thự, lâu đài... mà chẳng sợ ai cả. Những tấm gương điển hình ai cũng nhìn thấy là vụ Vinashin, vụ AVG hay các cán bộ như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Trần Bắc Hà, Vũ Huy Hoàng,..
Xin các ông bà lãnh đạo đừng "đốt đuốc đi rê chân người"?
Nguyễn Như Phong - Trong những ngày này, lẽ ra tôi cũng chẳng định viết về những gì gọi là " tiêu cực", bởi tâm điểm của dư luận bây giờ là cứu các nạn nhân bị lũ lụt ở miền Trung. Nhưng rồi lại nghĩ việc nào đi việc đấy và cũng thấy có chuyện mà "không thể nhịn" được nữa, nên đành phải lên tiếng.
 
Cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và cuốn
 sách do ông chủ biên trước khi đi tù.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, chúng ta chứng kiến nhiều vụ cán bộ lãnh đạo cao cấp bị xử lý bằng pháp luật. Đáng buồn là trong đó có không ít người từng viết sách, hoặc giảng dạy về " Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh"; từng lên án mạnh mẽ những biểu hiện thoái hóa, hư hỏng, tự diễn biến... của cán bộ.
Đọc những lời họ viết, nghe những bài giảng thì ai cũng nghĩ họ " sáng như gương".

Nếu nói họ mắc sai phạm trong quản lý, điều hành, trong từng công việc cụ thể thì còn có thể biện minh. Nhưng nếu những gì thuộc về quy chuẩn đạo đức thì chả có cách nào biện minh được.

Gần đây nhất, tôi nhận được đơn thư, tố cáo ông lãnh đạo của một trường chính trị danh tiếng có quan hệ " ngoài luồng" với một cán bộ nữ dưới quyền... Đáng ngạc nhiên là bà tình nhân của ông này còn ghen tuông vô lý với một phụ nữ khác và có hành động đe dọa. Còn ông này thì trù dập thẳng tay người phụ nữ nọ...Vụ việc đã được tố cáo lên nhiều cấp , thấm chí luật sư cũng đã phải vào cuộc. Tôi cũng đã chuyển đơn thư kêu cứu của gia đình " nạn nhân" đến một cấp có thẩm quyền...

Điều đáng ngạc nhiên là người bị tố cáo lại lãnh đạo một trường chính trị. Mà chắc chắn, ông này, cũng từng rao giảng không ít về đạo đức.

Lại có một ông lãnh đạo một cơ quan báo chí to vật, bị cán bộ cấp dưới tố cáo các hành vi " thiếu trong sáng" trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đề bạt, sử dụng cán bộ mới đây đã bị Cơ quan KT của Đảng làm rõ, và kiến nghị phải có hình thức kỷ luật nghiêm... Điều đáng nói là ông này cũng rất hay rao giảng về đạo đức và chỉ đạo viết bài đấu tranh chống các loại tiêu cực.

Thế mới gọi là "Chân mình còn lấm bề bề / Lại còn đốt đuốc đi re chân người"

Như vậy, có thể nói hiện nay, càng ngày càng nhiều cán bộ lộ rõ cái mặt trái của mình.

Và cũng đã không ít người bênh vực cho những cán bộ sai phạm, có biểu hiện tha hóa về đạo đức là do " cơ chế"...

Về cái gọi là " nguyên nhân do cơ chế"; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM về chuẩn bị cho Đại hội Đảng của TP, đã phản bác những ý kiến này...

Đúng là chẳng có " cơ chế" nào hư hỏng cán bộ, mà mọi sự hư hỏng đều tự mình làm.

Chính vì vậy, hơn lúc nào, rất mong các ông các bà có chức, có quyền, trước khi lên diễn đàn dạy dỗ, rao giảng đạo đức cho người khác thì hãy tự soi lại mình, xem mình có đủ trong sáng, đủ tư cách để nói những lời " dạy bảo" ấy không?

Nguyễn Như Phong

(FB Nguyễn Như Phong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét