Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

Cần làm gì khi xe ô tô chìm dưới nước ?

Cần làm gì khi xe ô tô chìm dưới nước ?
Sập cầu, lũ lụt, tai nạn giao thông... có thể là những nguyên nhân khiến chiếc xe ô tô của bạn bị chìm dưới nước. Nếu bạn rơi vào tình huống nguy hiểm khi chiếc xe ô tô đang dần chìm xuống nước thì chỉ có 1 phút để tìm cách sống sót. Vậy bạn sẽ làm gì để có thể cứu sống chính bản thân mình? Bạn cần nắm những kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể thoát hiểm trong trường hợp này.
Theo tiến sĩ Gordon Giesbrech của Đại học Manitoba (Canada) - một chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng thoát hiểm dưới nước thì bạn chỉ có khoảng một phút ra khỏi xe để có thể sống sót. 'Thời gian là vàng và nếu bạn nghĩ tới việc cầm điện thoại để gọi người cứu giúp thì có lẽ bạn sẽ chết trước khi làm được điều này', TS Giesbrecht cho biết.

Chỉ một phút ngắn ngủi không cho phép bạn có bất cứ hành động thừa nào. Do đó việc trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết là điều bất cứ ai trong chúng ta cũng cần chuẩn bị trước.

Theo một thống kê của Giesbrecht và cộng sự Gerren K. McDonald đăng trên tạp chí Aviation, Space, and Environmental Medicine thì mỗi năm ở Bắc Mỹ có khoảng 400 người chết vì các vụ xe chìm dưới nước.

Chỉ tính riêng ở bang Florida, Mỹ thì mỗi năm đã có hơn 4.000 vụ tai nạn xe dưới nước và nguyên nhân khiến các nạn nhân tử vong chủ yếu là do chết đuối chứ không phải bị chấn thương, vậy chúng ta cần làm gì nếu rơi vào tình huống xe bị chìm?

Đầu tiên, bạn cần trang bị kiến thức khoa học (và toán học)

Một trong những vấn đề lớn nhất khi bị mắc kẹt trong xe đang chìm là bạn phải chiến đấu với áp suất cực lớn của nước tác dụng lên chiếc xe, lực này càng ngày càng mạnh (khi xe chìm càng sâu dưới nước) và sẽ khiến bạn không thể mở cửa xe để thoát ra ngoài.

Bạn chỉ thực sự có thể mở được xe nếu như áp suất ở trong xe và ngoài xe cân bằng, điều đó đồng nghĩa với việc bên trong chiếc xe lúc này đã chứa đầy nước! Chính vì thế việc mở cửa xe lúc này sẽ khiến cơ hội sống của bạn trở nên cực kỳ mong manh.

'Thời điểm tốt nhất để ra ngoài xe khi nó chìm là bạn phải thoát ra trước khi nó chìm hoàn toàn dưới nước' - Rhett Allain, phó giáo sư tại Đại học Đông Nam Louisiana (Mỹ) cho biết.

'Nếu bạn có thể mở cửa xe (hay cửa sổ) ngay và thoát ra thì bạn sẽ không gặp khó khăn gì, tuy nhiên nếu chiếc xe chìm dưới nước thì đó lại là một vấn đề rất lớn', Allain nói.

Điều này cho thấy tốc độ phản ứng là điều cực kỳ quan trọng để có thể sống sót. Để làm rõ vấn đề này, Allain cho biết chúng ta cần hiểu rõ một vấn đề mang tính vật lý được biểu diễn bởi công thức toán học đơn giản dưới đây:

Áp suất = Áp lực/Diện tích bị ép

'Nhưng điều này cũng có nghĩa là Áp lực = Ấp suất x Diện tích bị ép, hay nói cách khác chiếc xe càng chìm sâu dưới nước thì áp suất sẽ tăng theo một cách nhanh chóng, điều này cũng tương tự như những gì xảy ra trong không khí'.

'Sự khác nhau là không khí có mật độ 1,2 kg/m3 còn nước thì có mật độ gấp hơn tới gần 1.000 lần (1000 kg/m^3), nếu bạn chìm 10 m thì tổng áp suất (do nước tác dụng trực tiếp và cộng thêm áp suất khí quyển) sẽ gấp đôi áp suất trên bề mặt nước' - Allain giải thích.

Để giúp bạn có một hình dung cụ thể hơn, phó giáo sư Allain xét trường hợp cụ thể khi cửa xe có diện tích 1 m2.

'Nếu áp suất bên ngoài chiếc cửa chỉ bằng 1/10 áp suất khí quyển (10^5 N/m^2) thì tổng lực tác dụng sẽ là 10.000 Newton (N). Khi nước làm tăng áp suất bên ngoài cánh cửa thì việc mở nó ra là điều hoàn toàn bất khả thi'.

'Bạn chỉ có thể mở cửa sổ xe nhưng thậm chí lúc đó nước bên ngoài sẽ tràn vào khiến việc thoát ra gặp không ít cản trở', Allain nói.

Nguyên tắc 1: Hãy luôn đeo dây an toàn (từ trước khi xe gặp nạn)


Bạn cần đeo dây đai an toàn để đảm bảo đầu của mình không đập vào bất cứ thứ gì khác khi xảy ra tai nạn.

Gia tốc sẽ giữ cho bạn di chuyển cùng tốc độ với chiếc xe và nếu có đai an toàn (hay túi hơi) thì bạn sẽ dừng lại trước so với chiếc xe. Điều đó đảm bảo cho việc bạn sẽ có thời gian phản ứng khi chiếc xe bắt đầu lao xuống nước.

Lúc này chính là thời điểm để bạn tháo đai an toàn nhanh nhất có thể để thoát ra ngoài.

Nguyên tắc 2: Đừng mở bất cứ chiếc cửa chính nào!


Trái với suy nghĩ thông thường là bạn cần mở toang cửa chính để thoát hiểm thì việc này lại khiến nước tràn vào trong xe nhanh hơn và sẽ làm chiếc xe của bạn chìm xuống nước nhanh hơn. Hơn nữa cửa chính không phải là một lựa chọn tối ưu để thoát hiểm.

Thay vào đó, bạn sẽ có khoảng 30 đến 60 giây trước khi chiếc xe chìm dưới nước (Giesbrecht gọi đây là 'khoảng thời gian nổi' - floating period) để hành động (mở cửa) trước khi áp suất xe ép chặt chiếc cửa làm cho nó không thể mở được từ bên trong.

Nguyên tắc 3: Phá vỡ cửa sổ

Hầu hết các phương tiện đều có chiếc cửa sổ được điều khiển bằng hệ thống điện từ vì thế bạn có thể sẽ không có cơ hội mở cửa sổ theo cách thông thường do hệ thống điện bị chập bởi nước, lúc này bạn cần có công cụ để phá vỡ cửa kính.

Hai trong số những công cụ phổ biến nhất là búa thoát hiểm (LifeHammer) và móc chìa khóa (ResQMe keychain): 'Hãy đảm bảo những dụng cụ này nằm trong tầm với của bạn bất cứ lúc nào khi lái xe, nếu không bạn sẽ không thể lấy chúng kịp lúc'.

Nguyên tắc 4: Ưu tiên trẻ em

Nếu trong xe có trẻ em thì hãy ưu tiên cứu sống trẻ con trước vì người lớn có thể đủ sức chống lại sức nước tràn vào cửa sổ (tất nhiên chỉ là lúc xe mới chìm) nên có thể ra sau cùng, trái lại trẻ con không đủ sức để thoát ra một mình mà không có sự hỗ trợ.

Giesbrecht cũng khuyên mọi người hãy để đứa trẻ lớn tuổi nhất ra trước, còn đứa trẻ nhỏ nhất sẽ ra cùng bạn (ôm đứa bé vào tay).

Nguyên tắc 5: Thoát ra ngoài

Hãy bơi ra cửa sổ bị bể nhanh nhất có thể, nếu bạn thất bại trong việc thoát ra thông qua cửa sổ bị bể hay được cuộn xuống thì cũng đừng quá hoảng loạn vì vẫn còn một cơ hội khác (dù rất mong manh) để thoát hiểm.

Hãy bình tĩnh chờ cho nước tràn đầy xe để áp suất bên trong chiếc xe và bên ngoài cân bằng rồi mở cửa chính thật nhanh và bơi ra ngoài. Mặc dù để làm được điều này thì bạn cần có những kỹ năng tối thiểu trong việc nhịn thở dưới nước.

Chúc bạn và người thân lái xe an toàn, và có đủ kỹ năng thoát hiểm trong tình huống khẩn cấp.

Nguồn trên mạng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét