Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Bi kịch phá rừng, xây dựng thuỷ điện vừa và nhỏ ở VN

Từ sự cố thuỷ điện Rào Trăng, nhìn lại vấn đề phá rừng, xây dựng thuỷ điện vừa và nhỏ ở Việt Nam
RFA 2020-10-14 - Vào ngày 12 tháng 10 năm 2020, đã xảy ra sạt lở đất ở thuỷ điện Rào Trăng 3 thuộc địa bàn huyện Phong Điền ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, khiến 10 công nhân nhà máy bị chôn vùi, theo thông tin từ Uỷ ban Tìm kiếm Cứu nạn Quốc gia. Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, tính đến chiều ngày 14 tháng 10, giới chức tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xác định được 4 người chết và 29 người vẫn mất tích sau vụ sạt lở đất do mưa lũ ở thuỷ điện Rào Trăng 3.

Hiện trường vụ sạt lở đất do mưa lũ ở thuỷ điện Rào Trăng 3 nhìn từ trên cao.
Courtesy thuathienhue.gov.vn

Thực trạng

Thủy điện Rào Trăng 3 do Công ty tư nhân Trường Sơn làm chủ đầu tư và được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép xây dựng trên sông Rào Trăng, ở khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dự án Thủy điện Rào Trăng 3 có công suất lắp máy 11 MW, tổng số vốn đầu tư là 290 tỉ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 ha đất rừng, gồm khu vực lòng hồ là 8,8 ha, còn lại là nhà máy và công trình phụ trợ.

Thời gian vừa qua Việt Nam cho phát triển thủy điện vừa và nhỏ hơi nhiều, và cũng chưa có những giải pháp về những trường hợp nếu tất cả thủy điện cần xả lũ, có thể gây lụt lội vượt mức chịu đựng của nền đất nơi đó, nhưng trường hợp vừa rồi ở Rào Trăng chẳng hạn.
-GS. Đặng Hùng Võ

Từ năm 2011, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã cảnh báo về những bất cập trong xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện ở Thừa Thiên Huế. Thủy điện Rào Trăng 3 là dự án thủy điện thứ 13 được tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép. Khi đó, các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo, các công trình thủy điện nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống sinh thái, nhiều diện tích rừng buộc phải chuyển đổi mục đích, khiến cho việc bảo vệ rừng gặp khó khăn…

Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền có diện tích hơn 41.500ha. Có 4 thủy điện, gồm: Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, Alin B1 và Alin B2, nằm trong vùng lõi và khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.

Theo thông tin truyền thông nhà nước Việt Nam, đã có hơn 50.000 hecta rừng bị tàn phá để nhường chỗ cho 824 nhà máy thủy điện. Trung bình để xây một thủy điện mất hết 59 hecta rừng.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tại, phá rừng, xây thủy điện là nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất... Từ năm 2010 đến 2019 đã xảy ra 260 trận lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục nghìn tỉ đồng.

Tai nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 một lần nữa dấy lên lo ngại về thực trạng phá rừng, xây thủy điện vừa và nhỏ tại Việt Nam hiện nay.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường, khi trao đổi với RFA hôm 14/10 nhận định:

“Tôi cho rằng thời gian vừa qua Việt Nam cho phát triển thủy điện vừa và nhỏ hơi nhiều, và cũng chưa có những giải pháp về những trường hợp nếu tất cả thủy điện cần xả lũ, có thể gây lụt lội vượt mức chịu đựng của nền đất nơi đó, nhưng trường hợp vừa rồi ở Rào Trăng chẳng hạn. Sự thật thì bình thưởng không sao, nhưng đến khi vào hoàn cảnh thời tiết thay đổi, mưa lụt nhiều, nước dâng cao... thì phải xả lũ. Và nếu xả lũ không đồng bộ, không tính toán trước những tình huống khó khăn, thì có thể dẫn tới sạt lở đất đá, như ở Rào Trăng vừa rồi.”

Theo nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường, Đặng Hùng Võ, trong khoảng 10 năm qua tại Việt Nam đã động viên sức đầu tư của tư nhân vào các thủy điện vừa và nhỏ, để tăng sản lượng điện quốc gia. Nhưng bên cạnh đó, những giải pháp để có thể ngăn rủi ro trong trường hợp xấu nhất, theo ông là chưa đảm bảo. Chính vì vậy, đã xảy ra những tai nạn như tại Rào Trăng 3 Rào Trăng 4...

Hình minh hoạ. Hình của TTXVN hôm 14/10/2020: đội cứu hộ ở dự án thuỷ điện Hương Điền, Hương Khê.
Hình minh hoạ. Hình của TTXVN hôm 14/10/2020: đội cứu hộ ở dự án thuỷ điện Hương Điền, Hương Khê. AFP

Từ Hà Nội hôm 14/10, Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam, hiện là Phó chủ tịch Hội điện lực Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2022, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, nhận định:

“Nói chung những sự cố ở những thủy điện nhỏ cũng có xảy ra nhưng mà tương đối ít so với số lượng đang hoạt động hiện nay. Có rất nhiều địa phương mà mình khó đoán trước được tình hình thủy văn của nó như thế nào. Bởi vì ở những con sông suối nhỏ thì việc khảo sát, số liệu theo dõi lịch sử thủy văn cũng ít, có thể xảy ra mưa lũ bất thường, khác những năm mà đã được theo dõi trước đây, cho nên cũng có thể có trường hợp xảy ra sự cố như vậy.”

Tai nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 không phải là sự cố đầu tiên đối với thủy điện vừa và nhỏ ở Việt Nam. Trước đây một loạt thủy điện nhỏ bị sự cố nghiêm trọng như Đak Men 3 tỉnh Kontum, Đak Rông 3 tỉnh Quảng Trị, Đạm Bol tỉnh Lâm Đồng, Hố Hô ở hai tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Bình, cho thấy cơ chế phân cấp giám sát quản lý an toàn công trình bộc lộ nhiều bất cập.

Thiệt hại đáng chú ý nhất xẩy ra vào tháng 6 năm 2013, khi Đập thủy điện Ya Krel 2, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai bị vỡ do chất lượng kém, khiến hai 2 người bị nước cuốn trôi, gần 30 hecta hoa màu ở phần hạ du bị ngập trong nước, bị thiệt hại gần như hoàn toàn.

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với RFA hôm 14/10 cho rằng:

“Thủy điện nhỏ phần lớn là do tư nhân làm, chứ không phải là của nhà nước. Trong đó, thủy điện nhỏ là giao cho địa phương mạnh tỉnh nào tỉnh đó thẩm tra, thiết kế, giao đất... nên trung ương không quản lý được cái đó. Cách đây 3, 4 năm từng đình chỉ để kiểm tra lại, đóng cửa một số, nhưng sau đó lại vẫn cho phép làm.”

Bộ Công Thương cho biết vào cuối năm 2018, đã loại khỏi quy hoạch 463 dự án thủy điện kém hiệu quả, là những dự án thủy điện có công suất dưới 30MW, ở địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn và điều kiện khảo sát thực địa không thuận lợi.

Nhưng với 818 dự án thủy điện còn lại, trong đó đã đưa vào khai thác sử dụng 385 dự án thủy điện, đang xây dựng 143 dự án và đang nghiên cứu đầu tư 290 dự án, thì liệu Việt Nam sẽ làm làm gì để bảo đảm an toàn cho thủy điện vừa và nhỏ trong tương lai?

Biện pháp khắc phục với các thuỷ điện hiện có và trong tương lai

Phó chủ tịch Hội điện lực Việt Nam, Trần Đình Long cho biết ý kiến của mình:

Nên điều tra lại tất cả các thủy điện đang hoạt động, xem tình hình đê đập như thế nào, hồ chứa ra sao... Thứ hai phải có liên hệ chặt chẽ giữa chủ đầu tư nhà máy thủy điện với tình hình dự báo khí tượng thủy văn, để chuẩn bị phương án an toàn đê đập.
-GS. Trần Đình Long

“Theo tôi nên điều tra lại tất cả các thủy điện đang hoạt động, xem tình hình đê đập như thế nào, hồ chứa ra sao... Thứ hai phải có liên hệ chặt chẽ giữa chủ đầu tư nhà máy thủy điện với tình hình dự báo khí tượng thủy văn, để chuẩn bị phương án an toàn đê đập. Rút kinh nghiệm những sự cố đã xảy ra, nên làm kỹ hơn những điều tra thủy văn, tăng cường độ an toàn đê đập, thậm chí ở một số nơi cần tăng cường đập cầu chì, để có thể bảo vệ thủy điện trong những trường hợp bất thường, khẩn cấp.”

Theo Giáo sư Trần Đình Long, cần xem xét lại quy hoạch rằng nhà nước chỉ quản lý các công trình thủy điện từ 30 MW trở lên, còn các công trình thủy điện nhỏ giao về cho địa phương quản lý. Vì theo ông, đội ngũ chuyên gia ở địa phương không thể bằng trung ương quản lý được.

Còn theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, với hiện trạng thủy điện vừa và nhỏ hiện nay, muốn hạn chế rủi ro, thì quy trình xả lũ phải nghiêm ngặt, nếu không khi có mưa to, thủy điện lại phải tiếp tục xả lũ, thì sẽ xảy ra lũ chồng lũ, gây thiệt hại cho người dân. Ông cho biết chính phủ đã bắt buộc xây dựng quy trình nguyên tắc xả lũ. Tuy nhiên với số lượng quá nhiều thủy điện vừa và nhỏ, chưa kể có những thủy điện nhỏ ở những nơi có địa hình hiểm trở, thì khó có thể kiểm soát liệu doanh nghiệp đó có tuân theo quy trình nguyên tắc xả lũ hay không.

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm nhận định tiếp:

“Về tương lai thì thủy điện sẽ không phát triển nhiều nữa, theo nghị quyết 55 thì đến năm 2030, 2040 thủy điện chỉ còn chiếm từ 10 đến 15%, còn chủ yếu là năng lượng từ khí và khí hóa lỏng, cái đó sẽ phát triển nhiều.”

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, cách tốt nhất là phải dựa vào địa hình và phải phác họa được những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra, để từ đó trong tình huống xấu nhất thì có sẵn giải pháp để bảo vệ thủy điện. Ví dụ như tiến độ xả lũ như thế nào, để tránh tình trạng tất cả thủy điện cùng xả lũ có thể gây lụt lội... Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, cần nghiên cứu kỹ để tránh xảy ra những kịch bản xấu nhất như vừa rồi tại Thủy điện Rào Trăng.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/problem-of-small-and-medium-hydropower-construction-in-vn-10142020134123.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét