Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Thế giới sẽ đến điểm 'không thể quay trở lại'?

Không ngờ số phận của học thuyết tân tự do mới trong đó hội nhập kinh tế quốc tế toàn cầu và toàn diện mới ra đời năm 1995 cùng với sự ra đời của Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) đã kết thúc nhanh quá. Theo học thuyết tự do này, thế giới không cần nhà nước hoặc giảm tối thiểu vai trò quản lý của nhà nước ở tầm quốc gia cũng như tầm quốc tế trong hội nhập kinh tế quốc tế. Thương mại quốc tế được quản lý bằng các thỏa thuận, cam kết quốc tế. Số hiệp định thương mại quốc tế và nhất là số hiệp định thương mại tự do tăng vọt. Khác với trường phái tự do cổ điển và hiện đại tập trung vào câu hỏi đối nội, chủ đề chính của chủ nghĩa tân tự do mới là các thể chế, định chế, quy tắc, luật pháp chung ở tầm quốc tế và sự tương tác của các yếu tố này với lựa chọn chính sách của mỗi nhà nước trong trật tự thế giới mới (trật tự hình thành sau sự sụp đổ của khối Liên Xô). WTO nằm ở vị trí trung tâm trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các quy tắc, luật pháp quốc tế chung này... Chỉ trong 4 năm ông D. Trump cầm quyền ở Mỹ, Mỹ đã rút khỏi hầu hết các thể chế và định chế quốc tế quan trọng, phá bỏ các quy tắc và luật pháp quốc tế, tự đưa ra áp dụng các quy tắc và luật pháp của riêng mình vì mục tiêu "nước Mỹ trên hết". Khi thế giới trở lại thời kỳ hỗn mang thì Trung Quốc và Nga trở thành đế quốc Nhật Bản và Đức Quốc xã là đương nhiên, và chiến tranh thế giới thứ ba sẽ nổ ra ? và các nước nhỏ như VN sẽ còn tồn tại trên bản đồ thế giới hay không ?
Thế giới sẽ đến điểm 'không thể quay trở lại'?
Phạm Phú Khải - Kết quả cuộc bầu cử kỳ này có khả năng thay đổi nước Mỹ sâu sắc, và toàn cầu. Vì đa số người dân Mỹ ủng hộ “Nước Mỹ Trên hết”, nên xu hướng của Mỹ trong thời gian tới sẽ là Washington áp dụng một phiên bản dân tộc chủ nghĩa hơn là chủ nghĩa quốc tế cấp tiến. Mỹ sẽ rút ra khỏi các vấn đề ràng buộc mang tính toàn cầu hiện nay. Chuyên gia Robert Kagan tiên đoán sự quay trở lại của chế độ chuyên quyền, chủ nghĩa bảo hộ và xung đột của những năm 1930. Trong đó, Trung Quốc và Nga đảm nhận vai trò của đế quốc Nhật Bản và Đức Quốc xã.
Nếu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, bốn năm tới dưới sự lãnh đạo của ông Trump sẽ vẫn theo chiều hướng gần như bốn năm qua. Từ khi lên nắm quyền, ông Trump đã đảo lộn các nguyên tắc nền tảng của chính sách ngoại giao Mỹ kể từ Thế Chiến II, như đồng minh, tự do thương mại, và hỗ trợ cho dân chủ và nhân quyền [1]. Nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ được khuyến khích và có động lực để tiếp tục thúc đẩy chủ trương “Nước Mỹ Trước hết” (America First) làm nền tảng chính sách đối nội và đối ngoại của mình.

Còn nếu ông Joe Biden đắc cử, dựa trên bài viết trên tạp chí Foreign Affairs, phỏng vấn của Council on Foreign Relations, và nghiên cứu từ chuyên gia độc lập, chúng ta có thể tin rằng, chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ sẽ khác xa con đường và phương cách của ông Trump [2]. Quan điểm của ông Biden về đồng minh, thương mại và dân chủ nhân quyền vốn mang tính truyền thống Mỹ. Nhưng với thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc, và nhiều thách thức khác đối diện với Mỹ và thế giới hiện nay, ông Biden chủ trương củng cố nền dân chủ tại Mỹ và thế liên minh với các quốc gia khác, và muốn giữ vai trò lãnh đạo thế giới, đề cao tự do dân chủ và uy tín khắp nơi.

Nếu đa số người dân Mỹ bầu cho ông Trump kỳ này, 4 năm sau và tương lai Mỹ về sau sẽ khác nhiều. Cho nên sự chọn lựa bầu cho ai kỳ này được xem là điểm không trở lại (the point of no return). Nó sẽ là con đường khác, và sẽ dẫn đến một tương lai rất khác. Bài viết mới nhất của Michael Beckley, sẽ đăng trên số Tháng 11/12 của Foreign Affairs với tựa đề “Siêu cường xảo quyệt, Tại sao đây có thể là thế kỷ Mỹ phi tự do” (Rogue Superpower - Why This Could Be an Illiberal American Century), đưa ra những biện luận rất đáng được quan tâm, suy nghĩ [3].

Một cách tóm tắt, Beckley đưa ra các luận điểm chính sau đây. Một, “Nước Mỹ Trước hết” của ông Trump, thật ra, là chủ trương của phần lớn lịch sử nước Mỹ. Hai, đa số người dân Mỹ ngày nay tiếp tục muốn Mỹ chọn con đường này, và với tỷ lệ dân số người già ngày càng gia tăng, cộng với kỹ nghệ tự động (automation) thì Mỹ sẽ tiếp tục chọn con đường này vì nó mang lại lợi ích và lợi thế nhiều nhất cho Mỹ, so với các quốc gia khác. Ba, với thực trạng này thì con đường tốt nhất, là một chính sách dựa trên chủ nghĩa quốc tế cấp tiến nhưng nghiêng theo chiều hướng dân tộc (tức dung hợp/hybrid).

Chủ trương “Nước Mỹ Trước hết”

Theo Beckley, nhiều chuyên gia ủng hộ cái gọi là Trật tự Quốc tế Cấp tiến (Liberal International Order) mong rằng, khi ông Trump rời khỏi Oval Office, Mỹ sẽ trở lại vai trò lãnh đạo thế giới tự do. Nhưng đối với Beckley thì đừng mong thế, bởi vì phương thức giao dịch (transactional approach) của Trump về chính sách ngoại giao thật ra là điều bình thường trong phần lớn lịch sử của Mỹ. Cho nên dấu ấn của Trump để lại sẽ tồn tại lâu dài sau khi Trump ra đi.

Beckley cho rằng, trước năm 1945, nước Mỹ định nghĩa quyền lợi một cách hẹp hòi, chủ yếu bằng tiền và an ninh vật chất, và theo đuổi chúng một cách quyết liệt, không quan tâm đến ảnh hưởng đối với các nơi khác trên thế giới. Mỹ vẫn một mình tiếp tục thực hiện mục tiêu của mình vì Mỹ có khả năng tự cường, và không thấy có nhu cầu xây dựng đồng minh. Vào thập niên 1880, Mỹ là quốc gia giàu có nhất thế giới, thị trường tiêu dùng lớn nhất, là nơi sản xuất và chế tạo năng lượng hàng đầu, với nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn và không có mối đe dọa lớn nào. Tuy nhiên, khi Chiến tranh Lạnh xảy ra, khi chủ nghĩa cộng sản trở thành mối đe dọa hàng đầu của Mỹ và khối tự do, Mỹ cần đồng minh mạnh để ngăn chặn các mối đe dọa này.

Khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, Mỹ không thấy nhu cầu lãnh đạo thế giới, và trở nên cảnh giác hơn với những vướng mắc ở nước ngoài. Tuy thế, Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ trật tự quốc tế cấp tiến do mình lãnh đạo, ủng hộ Liên minh châu Âu được củng cố, NATO được mở rộng, và nền kinh tế toàn cầu ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các định chế của Mỹ. Vì những yếu tố đó, khi ông Trump được đắc cử, giới tinh hoa Mỹ, những người chủ yếu ủng hộ ngôi quyền bá chủ của Mỹ, bị sốc lớn vì Trump chủ trương “Nước Mỹ trước hết”. Beckley cho rằng, thật ra trật tự này đã bị lung lay nhiều thập niên rồi.

Beckley trình bày và đưa ra những bằng chứng như sau để ủng hộ lập luận của mình. Các khảo sát cho biết, 60% người Mỹ muốn nước Mỹ chỉ quan tâm cho các vấn đề của mình. Khi được hỏi các ưu tiên về chính sách ngoại giao Mỹ là gì thì chỉ có thiểu số muốn đề cao dân chủ, thương mại và nhân quyền. Trong khi đây là những hoạt động cơ bản của lãnh đạo theo xu hướng cấp tiến. Phần lớn, người Mỹ chỉ mong muốn ngăn ngừa khủng bố tấn công, bảo vệ công việc của Mỹ, và giảm nạn di dân bất hợp pháp. Gần nửa tham gia khảo sát chống lại việc Mỹ gửi quân đội để bảo vệ đồng minh nếu bị tấn công, và gần 80% ủng hộ thuế quan để ngăn ngừa mất việc từ thương mại. Beckley nhận định, “Cách tiếp cận của Trump là không bất thường; nó khai thác vào một dòng chảy luôn chạy xuyên suốt văn hóa chính trị Mỹ.”

Dân số người già và kỹ nghệ tự động


Theo nhận xét của Beckley, thì cách tiếp cận về ngoại giao này của Trump đã có sức thu hút đối với nhiều người Mỹ hiện nay. Và nó sẽ còn thu hút hơn nữa trong những năm tới vì hai xu hướng chung của toàn cầu: một, dân số người già tăng rất nhanh; hai, sự gia tăng kỹ nghệ tự động (automation). Beckley nhận xét rằng, gánh nặng chăm sóc những người già và sự mất việc làm do các công nghệ mới sẽ thúc đẩy cạnh tranh về tài nguyên và thị trường.

Vào năm 2070, tuổi trung bình của dân số thế giới sẽ tăng gấp đôi so với 100 năm trước, từ 20 lên 40, và số người từ 65 trở lên tăng gần gấp 4, từ 5% lên 19%. Trong số 20 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới, chỉ có Úc, Canada và Mỹ có dân số tuổi 20 đến 49 gia tăng trong vòng 50 năm tới. Trung Quốc, chẳng hạn, sẽ mất 225 triệu người làm việc và người tiêu thụ trẻ từ 20 đến 49 tuổi, chiếm 36% tổng số hiện nay. Nhật, Nga, Đức, Ấn Độ v.v… đều gặp phải các vấn đề tương tự. Với dân số người già gia tăng như thế, sự đầu tư của các nước khác, điển hình như Trung Quốc và Nga, vào lương hưu và chăm sóc y tế cho người già sẽ phải gia tăng, và ngân sách cho quốc phòng sẽ phải gia giảm. Nó sẽ ảnh hưởng đáng kể lên chính sách quốc phòng, trong đó, những người lính trở nên già đi, về hưu và phụ thuộc vào lương hưu.

Khi tỷ lệ dân số người già gia tăng toàn cầu như thế thì càng tạo thêm lợi thế, càng thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Mỹ về kinh tế và quân sự đối với các đối thủ của Mỹ, nhất là do kỹ nghệ tự động. Mỹ đang đứng đầu kỹ nghệ này, kể cả trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence). Biết khai dụng lợi thế này, nền kinh tế của Mỹ sẽ bớt lệ thuộc vào nhân công và bớt phụ thuộc vào các nước khác. Bao thập niên qua, Mỹ chạy theo nhân công rẻ và nguồn lực bên ngoài. Bây giờ, nhờ vào kỹ nghệ tự động mà đã giúp cho Mỹ trông cậy vào chính mình. Kỹ nghệ tự động cũng sẽ giúp cho Mỹ chiếm ưu thế vượt trội về chiến lược quân sự trong các cuộc chiến tương lai. Các máy bay không người lái và tên lửa sẽ hoạt động như những bãi mìn công nghệ cao, có khả năng tiêu diệt các lực lượng xâm lược của đối phương.

Viễn ảnh thế giới ảm đạm

Beckley quan sát con người và thế giới ở khía cạnh bi quan như sau.

Một, chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy khắp nơi, ngay cả tại Mỹ và các nền dân chủ hàng đầu. Tăng trưởng chậm chạp, các khoản nợ khổng lồ, lương trì trệ, thất nghiệp triền miên và bất bình đẳng cực đoan, chắc chắn sẽ làm nảy sinh chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cực đoan.

Hai, những người theo chủ nghĩa dân tộc sẽ giành được sự ủng hộ dân chúng và qua đó giành được quyền lực, gia tăng thuế quan, đóng cửa biên giới và từ bỏ các định chế quốc tế. Và điều này, sẽ làm cho nhiệm vụ lãnh đạo trật tự quốc tế của Mỹ trở nên khó khăn hơn.

Ba, hệ thống trật tự cấp tiến lâu nay, cái mà đã là nền tảng của nhiều xã hội, đang bị đổ vỡ. Cũng vì thế mà chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bài ngoại đang lấp đầy khoảng trống này.

Một siêu cường xảo quyệt


Với cung cách của ông Trump làm tổng thống trong bốn năm qua, Beckley cho rằng, viễn ảnh như thế sẽ đậm nét hơn trong tương lai. Nào là yêu cầu đồng minh trả tiền để quân đội Mỹ phục vụ ở đó, cộng với phí bảo hiểm 50%. Các ký kết thương mại mang tính đơn phương thay vì đa phương hoặc qua World Trade Organisation. Trump xóa bỏ mục tiêu cổ võ dân chủ, ngoại giao trở nên thứ yếu so với quân sự, và lực lượng của Mỹ là để trừng phạt hơn là bảo vệ.

Beckley đưa ra viễn ảnh về một nước Mỹ tương lai như sau.

Vì đa số người dân Mỹ ủng hộ “Nước Mỹ Trên hết”, nên xu hướng của Mỹ trong thời gian tới sẽ là Washington áp dụng một phiên bản dân tộc chủ nghĩa hơn là chủ nghĩa quốc tế cấp tiến.

Mỹ sẽ rút ra khỏi các vấn đề ràng buộc mang tính toàn cầu hiện nay. Thay vào đó là việc sử dụng thuế quan, trừng phạt tài chính, hạn chế thị thực, gián điệp mạng và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái để giành được thỏa thuận tốt nhất đối với cả đồng minh lẫn đối thủ.

Mỹ sẽ tiếp dục duy trì một số đồng minh, chủ yếu vì quyền lợi của Mỹ, nhất là để dùng như hộ tống để kiềm hãm các nước muốn bành trướng như Trung Quốc, Iran, Nga. Phần lớn, quan hệ của Mỹ sẽ mang tính song phương thay vì đa phương, và các nước nhỏ hoặc tìm đồng minh hoặc tự bảo vệ lấy chính mình v.v…

Theo Beckley, viễn ảnh chính sách ngoại giao của Mỹ như thế, tuy keo kiệt và không hấp dẫn, nhưng có khả năng xảy ra. Chuyên gia Robert Kagan cũng tiên đoán sự quay trở lại của chế độ chuyên quyền, chủ nghĩa bảo hộ và xung đột của những năm 1930. Trong đó, Trung Quốc và Nga đảm nhận vai trò của đế quốc Nhật Bản và Đức Quốc xã. Một thế giới như vậy, sẽ chứng kiến sự trở lại của chủ nghĩa trọng thương mại có xu hướng cường quyền và các hình thức mới của chủ nghĩa đế quốc. Nhưng kết quả từ trật tự thế giới này sẽ gây nguy hiểm cho sự tồn tại của một số quốc gia.

Beckley cho rằng, cung cách của Trump không phải là điều bất thường, mà nằm tận sâu trong chính sách ngoại giao Mỹ, cái đã thắng thế trong nhiều thập kỷ của thế kỷ trước. Vì thế, hy vọng tốt nhất cho trật tự thế giới cấp tiến là các chính quyền tương lai của Hoa Kỳ tìm cách chuyển các xung lực chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng để nó đi theo các xu hướng quốc tế. Cách thức này, theo Beckley, là thực tiễn hơn, hiệu quả hơn trong việc giữ thế giới tự do với nhau trong thời kỳ thay đổi dân số và công nghệ chưa từng có.

Vài hàng kết luận

Nhận định của Beckley về Mỹ và tương lai thế giới, như trình bày trên, quả là một viễn ảnh đáng quan ngại.

Tuy nhiên, khi đọc bài này tôi có ba suy nghĩ như sau.

Một, cái nhìn của Beckley mang tính hiện thực (realism). Khá bi quan về con người. Và nhìn với cặp mắt nửa ly nước vơi thay vì nửa ly nước đầy. Nó không phản ảnh hoàn toàn những gì xảy ra từ đầu thập niên 1940 cho đến nay.

Hai, lãnh đạo quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn dư luận, lèo lái đất nước. Quan điểm chung của người Mỹ có phần tiêu cực và bi quan về thế giới hiện nay cũng như trật tự quốc tế cấp tiến. Nhưng người lãnh đạo tài giỏi có thể chuyển hóa nếu thuyết phục được lý do cho những chính sách khó khăn, sự cần thiết về tầm nhìn dài hạn mà mang lại quyền lợi lâu dài và bền vững.

Ba, chính sách đối ngoại của Mỹ phức tạp và đa dạng, trước năm 1945, và sau đó, và các sách lược ngoại giao luôn cạnh tranh mạnh mẽ với nhau trong mọi thời đại.

Tôi sẽ trình bày sâu vào đề tài này trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

1. Thomas Wright, “The Point Of No Return: The 2020 Election And The Crisis Of American Foreign Policy”, Lowy Institute, 2 October 2020.

2. Candidate Tracker, “Joe Biden Answers Our Questions”, Council on Foreign Relations, 23 September 2020; Thomas Wright, “The Point Of No Return: The 2020 Election And The Crisis Of American Foreign Policy”, Lowy Institute, 2 October 2020; Jeseph R. Biden Jr, “Why America Must Lead Again”, Foreign Affairs, March/April 2020.

3. Michael Beckley, “Rogue Superpower”, Why This Could Be an Illiberal American Century, Foreign Affairs, November/December 2020.

https://www.voatiengviet.com/a/beckley-diem-khong-the-quay-dau/5619482.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét