Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

(1) Những nhân tố chính tác động tới nhập khẩu

Có bạn quan tâm mình có phải là nhà khoa học đang làm việc không hay chỉ là người thất nghiệp trở thành chuyên gia chém gió. Mình lưu bài này vừa viết để làm tài liệu cho sinh viên của mình và để họ độc.

NHỮNG NHÂN TỐ CHÍNH TÁC ĐỘNG TỚI KIM NGẠCH NHẬP KHẨU CỦA VN GIAI ĐOẠN 2000-2019

(phần 1) 

Mục tiêu của chương này là xây dựng và ước lượng mô hình xác định những nhân tố chính giải thích biến động của kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nước ta giai đoạn đất nước mở cửa và hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới 2000-2019.

Lý thuyết giải thích nguyên nhân biến động của nhập khẩu khá phong phú, song nhìn chung đối với các nước đang phát triển, có hai trường phái giải thích chính và thực tiễn cho thấy đến nay chúng đang rất thành công. Trường phái thứ nhất giải thích tiến triển nhập khẩu theo lý thuyết thương mại quốc tế, căn cứ vào nguyên lý lợi thế tuyệt đối (A. Smith), lợi thế so sánh (D. Ricardo), lợi thế so sánh với các nguồn lực sản xuất vốn có (Hecksher và Ohlin) và những phát triển cao hơn của lý thuyết này trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế sâu sắc gần đây. Có thể gọi đây là trường phái lý thuyết thương mại quốc tế hiện đại.

Trường phái thứ hai giải thích nguyên nhân biến động của nhập khẩu căn cứ vào xu hướng phân công, hợp tác vô cùng sâu sắc giữa các quốc gia hiện nay trong mô hình của lý thuyết chuỗi giá trị toàn cầu và hội nhập kinh tế toàn diện. Theo lý thuyết này, mỗi quốc gia nắm một công đoạn của quá trình sản xuất toàn cầu nên đều phải có xuất và có nhập khẩu. Trước hết là nhập khẩu các công nghệ, máy móc thiết bị và các linh kiện, chi tiết; sau đó bổ sung, hoàn thiện rồi xuất khẩu lấy ngoại tệ. Có ngoại tệ từ xuất khẩu, quốc gia đó lại tiếp tục quá trình tái sản xuất lần 2 là nhập khẩu đầu vào để xuất khẩu đầu ra. Quá trình cứ tuần hoàn như vậy. Do đó, theo lý thuyết chuỗi giá trị toàn cầu và hội nhập kinh tế toàn diện, xuất khẩu là một nhân tố quan trọng xác định nhập khẩu. Không có xuất khẩu thì sẽ không có ngoại tệ để nhập khẩu, đồng thời xuất khẩu và nhập khẩu là quá trình nối tiếp, tuần hoàn của chu trình chuỗi giá trị toàn cầu.

Thực tiễn cho thấy các nghiên cứu về thương mại quốc tế, trong đó có nhập khẩu, ở Việt Nam cũng chủ yếu đi theo cách tiếp cận của hai trường phái này. Một số kết quả nghiên cứu định tính và nhân quả trong giai đoạn gần đây đều cho thấy nhập khẩu ngày càng cao ở nước ta trong những năm 2000-2019 vừa có tính chất của lý thuyết thương mại quốc tế hiện đại, vừa có tính của lý thuyết chuỗi giá trị toàn cầu.

Do vậy, trong nghiên cứu này, chúng tôi sẽ kiểm chứng lại các nhân tố chính giải thích biến động của kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nước ta giai đoạn mở cửa và hội nhập mạnh mẽ 2000-2019 theo hai trường phái lý thuyết trên. Quá trình thực hiện diễn ra qua hai bước: (i) Xây dựng mô hình lý thuyết; (ii) Ước lượng kinh tế lượng và giải thích các kết quả thu được.

i- Mô Hình LÝ THUYẾT XÁC ĐỊNH NHỮNG NHÂN TỐ CHÍNH TÁC ĐỘNG TỚI KIM NGẠCH NHẬP KHẨU Ở NƯỚC TA

1.1 Các lý thuyết xác định những nhân tố chính tác động tới kim ngạch nhập khẩu

1.1.1. Lý thuyết thương mại quốc tế từ cổ điển đến hiện đại

Mô hình chuẩn xác định các nhân tố chính tác động tới kim ngạch nhập khẩu của các quốc gia được xây dựng từ lý thuyết thương mại quốc tế hiện đại được phát triển trong những năm 1980 của thế kỷ trước.

Đây là mô hình được phát triển từ những mô hình lý thuyết lợi thế tuyệt đối và lợi thế tương đối (lợi thế so sánh) do các nhà kinh tế học cổ điển người Anh Adam Smith và David Ricardo đã đưa ra trong nửa cuối thế kỷ 18 và nửa đầu thế kỷ 19 nhằm giải thích tổng quát, chính xác hơn về sự xuất hiện lợi ích trong trao đổi thương mại quốc tế, tiếp đến được hai nhà kinh tế học Thuỵ Điển: Eli Hecksher (1879-1852) và B.Ohlin(1899-1979) trong tác phẩm: “Thương mại liên khu vực và quốc tế”, xuất bản năm 1933 đã phát triển thêm một bước bằng việc đưa ra mô hình H-O (tên viết tắt của hai ông) để trình bày lý thuyết ưu đãi về các nguồn lực sản xuất vốn có (hay lý thuyết H-O). Lý thuyết H-O đã giải thích hiện tượng thương mại quốc tế, trong đó có nhập khẩu, là do trong một nền kinh tế mở cửa, mỗi nước đều hướng tới chuyên môn hoá các ngành sản xuất mà cho phép sử dụng nhiều yếu tố sản xuất đối với nước đó là thuận lợi nhất đồng thời xuất khẩu những sản phẩm có lợi thế so sánh này và nhập khẩu những sản phẩm bất lợi thế so sánh..

Nói cách khác, theo lý thuyết H-O, một số nước bất lợi thế so sánh trong việc sản xuất một số sản phẩm hàng hoá của mình và do đó phải nhập khẩu từ bên ngoài là do việc sản xuất những sản phẩm hàng hoá đó đòi hỏi phải sử dụng nhiều yếu tố sản xuất mà nước đó không có hoặc không được ưu đãi so với nước khác. Chính sự bất lợi thế về các nguồn tài nguyên, vật lực và các yếu tố sản xuất khác (bao gồm: vốn, lao động, tài nguyên, đất đai, khí hậu...) đã khiến cho một số nước có chi phí cơ hội cao hơn (so với việc sản xuất các sản phẩm hàng hoá khác) trong sản xuất những sản phẩm nhất định, dẫn tới phải nhập khẩu.

Như vậy cơ sở lý luận của lý thuyết H-O vẫn chính là dựa vào lý thuyết lợi thế so sánh của Ricardo nhưng ở trình độ cao hơn là đã xác định được nguồn gốc của lợi thế so sánh chính là sự ưu đãi về các yếu tố sản xuất (các nguồn lực sản xuất ). Và do vậy, lý thuyết H-O còn được gọi là “lý thuyết lợi thế so sánh từ các nguồn lực sản xuất vốn có”. Thuyết này đã kế thừa và phát triển một cách logic các yếu tố khoa học trong lý thuyết lợi thế so sánh của Ricardo và các lý thuyết cổ điển trước đó về TMQT.

Mặc dù còn có những khiếm khuyết lý luận trước thực tiễn phát triển phức tạp của TMQT ngày nay, song quy luật H-O vẫn là quy luật chi phối động thái phát triển của TMQT và được nhiều quốc gia vận dụng trong hoạch định chính sách TMQT. Sự lựa chọn các sản phẩm xuất khẩu phù hợp với các lợi thế so sánh về các nguồn lực sản xuất vốn có theo thuyết H-O sẽ là điều kiện cần thiết để các nước đang phát triển có thể nhanh chóng hội nhập vào sự phân công lao động và hợp tác TMQT, và trên cơ sở lợi ích thương mại thu được sẽ thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng và phát triển kinh tế ở những nước này.

Về mặt toán học, mô hình xác định các nhân tố chính tác động tới nhập khẩu của các quốc gia theo lý thuyết thương mại cổ điển được xây dựng theo lý thuyết cầu, tức là nhập khẩu phụ thuộc vào nhu cầu của nền kinh tế.

IM  =  f (D)

Trong đó M là nhập khẩu, D là tổng cầu nội địa.

Biến giải thích trong vế phải có thể là tổng cầu nội địa D. Trong trường hợp này, phương trình xác định tổng cầu là IM = f(D).

Tuy nhiên, căn cứ vào đặc trưng nhập khẩu của mỗi nước, biến giải thích trong vế phải có thể là một hoặc toàn bộ các thành phần của tổng cầu nội địa, gồm tiêu dùng trung gian trong nước (IC – Intermediate Consumption), tiêu dùng cuối cùng của các hộ gia đình (C), đầu tư của các hộ gia đình (I) và chi tiêu của chính phủ (G). Khi đó, phương trình xác định tổng cầu là

IM  =  f (IC, C, I, G)

Trong thực tế, người ta thường sử dụng chỉ tiêu GDP hoặc các thành phần của chúng làm các biến giải thích trong phương trình xác định nhập khẩu. Do đó, phương trình xác định các nhân tố chính tác động tới nhập khẩu của các quốc gia theo lý thuyết thương mại cổ điển là

IM  =  f (GDP)

Hoặc                                          IM  =  f (C, I, G)

Biến IC thường không được đưa vào mô hình do số liệu điều tra thống kê không đảm bảo chính xác.

Tuy nhiên, mô hình trên chỉ phù hợp cho giai đoạn đến cuối thế kỷ 19. Các phân tích của Ricardo và bộ đôi Hecksher – Ohlin được xây dựng trong thời đại chế độ tỷ giá cố định được áp dụng rộng rãi trên khắp thế giới, nhất là trong giai đoạn các nước thực hiện cam kết theo Hiệp ước Bredtton Woods từ 7/1944 đến tháng 8/1971. Theo Hiệp ước này, các nước công nhận đồng đô la Mỹ (USD) là phương tiện dự trữ và thanh toán quốc tế và có thể đổi ra vàng không hạn chế với tỷ giá 35 đôla một ounce (31,010gram); đồng thời các đồng tiền khác được gắn với đồng đô la Mỹ theo một tỷ giá cố định. Trong chế độ tỷ giá này, vàng đóng vai trò trung tâm để so sánh sức mua giữa các đồng tiền với nhau thông qua chiếc cầu nối là đồng USD, cho nên người ta còn gọi đây là chế độ tỷ giá ngoại hối vàng (tức là bản vị vàng- ngoại tệ). Cũng chính vì vậy mà các lý thuyết giải thích thương mại quốc tế trên chưa tính đến vai trò của tỷ giá.

Trong suốt ba thập kỷ 1944-1973, nền kinh tế Mỹ có tốc độ tăng trưởng thấp hơn đáng kể so với các nền kinh tế Tây Âu và Nhật Bản, dẫn tới cơ cấu kinh tế và sức cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ suy yếu so với các đối tác thương mại. Cán cân thanh toán Mỹ bội chi liên tục. Mỹ cũng phải chi tiêu nhiều cho các cuộc chiến tranh ở các nước, nhất là chiến tranh ở Việt Nam. Hậu quả là đồng đôla Mỹ mất giá liên tục. Kho vàng dự trữ của Mỹ giảm đến mức thấp nhất buộc Mỹ phải đình chỉ đổi đôla lấy vàng và đình chỉ việc ổn định giá vàng trên thế giới... Tháng 8 năm 1971, Tổng thống Mỹ Nixson chính thức tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn mọi hình thức chuyển đổi đôla giấy của Mỹ ra vàng, nên từ tháng 3/1973 toàn thế giới thực hiện chế độ tỷ giá mới: chế độ tỷ giá thả nổi. 

Sự ra đời của chế độ tỷ giá thả nổi đã đặt ra vấn đề phải tính đến ảnh hưởng của biến động tỷ giá tới thương mại quốc tế, trong đó có nhập khẩu. Thêm nữa, hai cuộc khủng hoảng dầu mỏ và các đợt bùng nổ lạm phát cao trên thế giới cũng đòi hỏi phải tính đến ảnh hưởng của biến động giá cả quốc tế tới thương mại quốc tế, trong đó có nhập khẩu.

Bối cảnh quốc tế nêu trên đã làm cho lý thuyết thương mại quốc tế trong nửa cuối thập kỷ 1970 và trong suốt thập kỷ 1980 thay đổi rõ rệt. Khái niệm tỷ giá thực ra đời và trở thành trung tâm trong lý thuyết thương mại quốc tế và là công cụ chính trong tất cả các chương trình ổn định kinh tế và điều chỉnh cơ cấu do Quỹ tiền tệ quốc tế triển khai tại các nước thành viên, nhất là tại các nước cần vay tiền của Quỹ.

Edwards S. (1989) đã tổng hợp lý thuyết thương mại quốc tế được hiện đại hóa và xây dựng mô hình phân tích các nhân tố tác động tới nhập khẩu của các quốc gia theo quan điểm dựa trên nhu cầu nhập khẩu và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo Edwards, phương trình xác định các nhân tố chính tác động tới nhập khẩu của các quốc gia theo lý thuyết thương mại cổ điển cần được bổ sung các biến đại diện cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bao gồm tỷ giá danh nghĩa (NER), giá hàng hóa trên thị trường quốc tế (P*) và giá hàng hóa trên thị trường nội địa (P).

Rõ ràng khi khoảng cách giữa giá hàng hóa trên thị trường quốc tế và giá hàng hóa trên thị trường nội địa càng cao thì hàng hóa trên thị trường quốc tế càng trở nên đắt hơn so với hàng hóa trên thị trường nội địa, làm cho quốc gia liên quan sẽ giảm nhập khẩu, tăng cường sản xuất hàng hóa trong nước (rẻ hơn) để thay thế hàng nhập khẩu. Ngược lại, khi giá hàng hóa trên thị trường quốc tế càng trở nên rẻ hơn so với giá hàng hóa trên thị trường nội địa, thì quốc gia liên quan sẽ càng tăng nhập khẩu và càng giảm sản xuất hàng hóa trong nước. Như vậy, nhập khẩu có quan hệ âm với giá hàng hóa trên thị trường quốc tế và có quan hệ dương với giá hàng hóa trên thị trường nội địa.

Đối với tỷ giá danh nghĩa, lý thuyết tỷ giá đã khẳng định khi nội tệ bị mất giá so với ngoại tệ, nếu giá cả trong nước không đổi, hàng hóa trong nước sẽ trở nên rẻ hơn so với hàng hóa nhập khẩu. Khi đó sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận của người nhập khẩu, qua đó làm giảm nhập khẩu. Ngược lại, khi nội tệ lên giá so với ngoại tệ, nếu giá cả trong nước không đổi, hàng hóa trong nước sẽ trở nên đắt hơn so với hàng hóa nhập khẩu. Khi đó sẽ làm tăng tỷ suất lợi nhuận của người nhập khẩu, qua đó làm tăng nhập khẩu. Như vậy, tỷ giá (quan cách niêm yết của châu Âu là số đơn vị tiền tệ trong nước đổi được 1 đơn vị tiền tệ nước ngoài) có quan hệ âm với nhập khẩu.

Mô hình xác định các nhân tố giải thích biến động của nhập khẩu theo lý thuyết thương mại mới như sau

IM  =  f (NER, P*, P)

Trong đó NER là tỷ giá danh nghĩa, P* là giá hàng hóa trên thị trường quốc tế tính theo ngoại tệ và P là giá hàng hóa trên thị trường nội địa tính theo nội tệ. Dấu của các hệ số ước lượng đối với NER và P* âm trong khi dấu của hệ số ước lượng đối với P dương.

Nếu gọi tỷ giá thực (ký hiệu là RER) là giá tương đối giữa giá hàng hóa trên thị trường quốc tế và giá hàng hóa trên thị trường nội địa, thì

RER  =  NER . P* / P

Theo công thức trên, khi tỷ giá thực tăng lên, nội tệ được định giá thấp; giá hàng hóa trong nước sẽ trở lên rẻ hơn so với giá hàng hóa trên thị trường quốc tế, làm cho nhập khẩu giảm xuống. Ngược lại, khi RER giảm xuống, nội tệ được định giá cao so với ngoại tệ, hàng hóa trong nước sẽ trở nên đắt hơn so với hàng hóa nhập khẩu, làm cho nhập khẩu tăng lên. Phương trình xác định quan hệ như sau

IM  =  f (RER)

Với dấu của hệ số ước lượng đối với RER âm.

Kết hợp các biến giải thích biến động của nhập khẩu trong mô hình cổ điển nêu trên, chúng ta đi đến phương trình cuối cùng của lý thuyết thương mại quốc tế hiện đại như sau

IM  =  f (GDP, RER)

Hoặc                              IM  =  f (C, I, G, RER)

1.1.2. Lý thuyết hội nhập kinh tế quốc tế và tác động của xuất khẩu tới nhập khẩu

a) Chủ nghĩa tân tự do mới

Chủ nghĩa tân tự do (Neo-Liberalism) ra đời trong những năm 1980 sau khi hợp tác giữa các quốc gia trở thành xu thế chủ đạo của chính trị quốc tế. Đặc biệt chủ nghĩa tân tự do với xu hướng hội nhập vùng trong những năm 1980 và nửa đầu thập kỷ 1990 đã phát triển mạnh thành Chủ nghĩa tân tự do mới trong đó hội nhập kinh tế quốc tế toàn cầu và toàn diện kể từ 1995 với sự ra đời của Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) là nhân tố trung tâm. Ba đặc trưng nổi bật từ khi xuất hiện WTO năm 1995 là

(i) Không cần nhà nước hoặc giảm tối thiểu vai trò quản lý của nhà nước ở tầm quốc gia cũng như tầm quốc tế trong hội nhập kinh tế quốc tế;

(ii) Thương mại quốc tế được quản lý bằng các thỏa thuận, cam kết quốc tế. Số hiệp định thương mại quốc tế và nhất là số hiệp định thương mại tự do tăng vọt. Khác với trường phái tự do cổ điển và hiện đại tập trung vào câu hỏi đối nội, chủ đề chính của chủ nghĩa tân tự do mới các thể chế, định chế, quy tắc, luật pháp chung ở tầm quốc tế và sự tương tác của các yếu tố này với lựa chọn chính sách của mỗi nhà nước trong trật tự thế giới mới (trật tự hình thành sau sự sụp đổ của khối Liên Xô). WTO nằm ở vị trí trung tâm trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các quy tắc, luật pháp quốc tế chung này.

(iii) Thế giới trở nên “vô chính phủ”, tức là không có một quyền lực nhà nước nào vượt trội hẳn lên, đóng vai trò “siêu nhà nước” để điều phối, tổ chức và chế tài quan hệ giữa các quốc gia. Mỹ dù là nước hùng mạnh nhất thế giới, cũng chỉ có một phiếu biểu quyết khi xây dựng các luật lệ áp dụng chung cho cả thế giới. Đây là một trong những giả định quan trọng nhất của lý thuyết quan hệ quốc tế. Giả định này cho rằng nền chính trị thế giới không tồn tại một quyền lực siêu quốc gia với vai trò tương tự như nhà nước trong nền chính trị đối nội của các quốc gia. Do đó, không có nước bá quyền trong quan hệ kinh tế quốc tế; tất cả đều bình đẳng trước luật lệ chung.

Tại sao các quốc gia chấp nhận tổ chức và tham gia các thể chế quốc tế? Rõ ràng việc gia nhập một tổ chức quốc tế và theo đuổi con đường hợp tác quốc tế đồng nghĩa với việc các nhà nước phải chấp nhận từ bỏ một phần chủ quyền quốc gia và tự giới hạn khuôn khổ hành động của mình.

Để trả lời câu hỏi trên, trường phái tân tự do mới đưa ra nhiều lập luận. Một trong những điểm quan trọng nhất là các chính phủ sẽ phải trả một cái giá cao hơn rất nhiều nếu không tham gia, hoặc tham gia chậm trễ hơn vào hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ các thể chế quốc tế. Nếu chấp nhận giới hạn phần nào chủ quyền hành động, các quốc gia có thể hợp tác hỗ trợ nhau làm tăng hiệu năng công việc và giảm phí tổn gánh chịu một mình trong việc giải quyết vấn đề.

Thông qua các thể chế (institutions) và định chế (regimes) đa phương, các quốc gia cam kết chặt chẽ với nhau nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế. Thể chế hay các định chế đa phương – theo lập luận của một trong những tác giả đại diện chủ nghĩa tân tự do mới Robert Keohane – có thể cung cấp thông tin cho các bên tham gia hợp tác, góp phần giảm tình trạng “thông tin bất đối xứng”, qua đó giúp các bên phần nào hiểu rõ nhau hơn và có thể xây dựng các kỳ vọng về hành vi của nhau. Các thể chế quốc tế cũng giúp giảm chi phí giao dịch trong quá trình giải quyết các vấn đề chung, đồng thời tạo ra một khuôn khổ mang tính pháp lý để điểu chỉnh hành vi của mỗi chủ thể tham gia trong hợp tác kinh tế quốc tế. Chính vì vậy, việc hình thành, theo đuổi và giải quyết công việc thông qua các thể chế hay luật pháp quốc tế chung là một cách tiếp cận giúp tiến tới mô hình quản trị toàn cầu. Việc hình thành các thể chế quốc tế cũng thể hiện mong muốn của các nước để tạo ra một khung khổ (quy tắc) ứng xử cho các mối quan hệ quốc tế, với nền tảng là pháp luật quốc tế và các chuẩn tắc thay vì dùng vũ lực hay đe dọa dùng sức mạnh.

b) Tác động của xuất khẩu tới nhập khẩu

Điểm nổi bật trong lý thuyết hội nhập kinh tế quốc tế từ sau năm 1995 là mô hình chuỗi giá trị toàn cầu. Dựa trên quan điểm của Michael Porter, năm 2002 hai nhà khoa học Mỹ là Raphael Kaplinsky và Mike Morris đã đưa ra khái niệm: "Chuỗi giá trị toàn cầu là một dây chuyền sản xuất kinh doanh theo phương thức toàn cầu hoá trong đó có nhiều nước tham gia, chủ yếu là các doanh nghiệp tham gia vào các công đoạn khác nhau từ thiết kế chế tạo tiếp thị đến phân phối và hỗ trợ người tiêu dùng".

Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD (2013) còn đưa ra định nghĩa cụ thể hơn về chuỗi giá trị toàn cầu, theo đó: “Chuỗi giá trị toàn cầu là toàn bộ quá trình sản xuất hàng hóa, từ nguyên liệu thô cho tới thành phẩm, được thực hiện ở bất cứ nơi nào mà kỹ năng và nguyên liệu cần thiết để sản xuất đều có sẵn tại mức giá cả cạnh tranh cũng như đảm bảo chất lượng thành phẩm”.

Cụ thể, chuỗi cung ứng thương mại hay chuỗi giá trị toàn cầu thương mại là dòng hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đào tạo và chuyển giao (know- how) được chu chuyển giữa các quốc gia, trong đó, lao động gắn liền với chuỗi giá trị toàn cầu (Baldwin and Lopez Gonzalez, 2013).

Thực tế, chuỗi giá trị toàn cầu là một cách tiếp cận mới, toàn diện hơn về phân công lao động quốc tế, nghĩa là bất kì doanh nghiệp nào có tham gia vào quá trình sản xuất một sản phẩm xuất khẩu đều có thể coi là đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Tiếp cận phân công lao động quốc tế theo chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về vị trí của mình trên thị trường thế giới, để có thể chủ động lựa chọn công đoạn tham gia phù hợp nhằm đạt được lợi nhuận cao hơn. 

Một chuỗi giá trị toàn cầu được phân chia giữa nhiều doanh nghiệp và không gian địa lý khác nhau. Chẳng hạn, chi tiết của một chiếc điện thoại của hãng Sam Sung sử dụng lao động và vật liệu từ nhiều nhà cung cấp ở nhiều nước khác nhau, sau đó được đưa tới lắp ráp ở Việt Nam và cuối cùng được đưa đi bán ở khắp nơi trên thế giớiDo đó, chuỗi giá trị toàn cầu là chuỗi giá trị đặc biệt mà lợi ích được phân chia giữa nhiều doanh nghiệp và trải rộng qua một số khu vực, quốc gia.

Các quan điểm về chuỗi giá trị toàn cầu đều kết gắn quá trình xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ với nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, theo quan điểm khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu sẽ phải gia tăng nhập khẩu để gia công, chế biến làm hàng xuất khẩu theo yêu cầu của chuỗi cung ứng; sau đó từ thu nhập từ xuất khẩu sẽ lại nhập khẩu để tái sản xuất trong vòng tiếp theo.

Những nghiên cứu đầu tiên từ năm 2000 đặt nền móng cho khái niệm chuỗi giá trị toàn cầu thường chú trọng tới “giá trị gia tăng trong thương mại”, thuật ngữ được ra đời cùng với hiện tượng chuyên môn hóa theo chiều dọc. “Giá trị gia tăng trong thương mại được hiểu là giá trị hàng hóa trung gian nhập khẩu có trong giá trị hàng hóa xuất khẩu của quốc gia” (Hummels et al, 2001), hay hàm lượng nhập khẩu có trong xuất khẩu.

Những nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm của Daudin et al. (2006- 2009), Escaith (2008), và Koopman et al. (2010) đều cho rằng chuỗi giá trị toàn cầu phải bao gồm hàm lượng nhập khẩu có trong xuất khẩu (giá trị quá khứ- backward participation), nhưng bổ sung thêm phần giá trị gia tăng nội địa (domestic value added), chính là phần đầu vào trung gian được sử dụng ở quốc gia thứ ba để xuất khẩu tiếp (giá trị tương lai - forward participation).

Việt Nam từ sau được Mỹ xóa bỏ cấm vận kinh tế (1994) và thiết lập quan hệ ngoại giao (1995), rồi gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (1995) đã tích cực tham gia quá trình hội nhập kinh tế. Đặc biệt, Việt Nam đã gia nhập rất nhiều tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế, trong đó có Tổ chức thương mại quốc tế (2006). Do đó, Việt Nam đã tham gia vào khá nhiều chuỗi cung ứng quốc tế.

Mặt khác, do trình độ phát triển thấp, Việt Nam thiếu các ngành cung ứng đầu vào, nhất là thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ, nên để gia tăng xuất khẩu, Việt Nam phải gia tăng nhập khẩu đầu vào. Ngược lại, khi nhu cầu mua hàng Việt Nam của người nước ngoài tăng lên, Việt Nam cũng lại phải gia tăng nhập khẩu đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu. Quan hệ giữa xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam có tính nhân quả, tức là phải có nhập thì mới có xuất và để nhập khẩu được, cần phải có xuất thì mới có ngoại tệ để nhập khẩu.

Vì vậy, biến xuất khẩu được đưa vào phương trình nhập khẩu trong mô hình của chủ nghĩa tân tự do mới và điều này cũng phù hợp với Việt Nam. Phương trình cụ thể như sau

IM  =  f (EX)

Trong đó EX là xuất khẩu, tính theo ngoại tệ.

1.1.3. Mô hình xác định những nhân tố chính tác động tới kim ngạch nhập khẩu ở nước ta

Như đã phân tích trong chương I, những kết quả nghiên cứu định tính và nhân quả trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay cho thấy nhập khẩu ở Việt Nam vừa phát triển theo quan điểm của lý thuyết thương mại quốc tế hiện đại, vừa phát triển theo quan điểm của chủ nghĩa tân tự do mới.

Thực tế chúng ta đều thấy, khi nền kinh tế trong nước càng phát triển, thu nhập và đời sống của người dân tăng lên thì nhu cầu nhập khẩu cũng tăng lên. Do đó GDP có tác động tới nhập khẩu. Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cửa vào loại cao nhất thế giới (năm 2019 riêng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã lớn hơn gấp đôi GDP), nên các biến tỷ giá danh nghĩa, giá thị trường quốc tế và giá trên thị trường trong nước đều có tác động mạnh tới nhập khẩu. Do đó, kết hợp lại cho thấy tỷ giá thực có tác động tới nhập khẩu. Chính vì vậy mà tất cả các biến giải thích nhập khẩu trong mô hình thương mại quốc tế hiện đại đều cần được đưa vào mô hình xác định nhập khẩu của Việt Nam.

Mặt khác, như phân tích trong mục trên, các nhân tố xác định nhập khẩu theo lý thuyết tự do mới cũng có thể tác động mạnh tới nhập khẩu của Việt Nam. Căn cứ những đặc điểm khái quát nêu trên, chúng tôi cho rằng cần phải xây dựng một mô hình hỗn hợp để giải thích tiến triển của nhập khẩu ở Việt Nam trong giai đoạn 2000-2019, trong đó bao gồm tất cả các nhân tố của mô hình thương mại quốc tế hiện đại và các nhân tố của mô hình của chủ nghĩa tân tự do mới. Một mô hình như vậy sẽ phản ánh tốt hơn thực tiễn nhập khẩu ở Việt Nam. Sử dụng mô hình hỗn hợp này có thể biết nguyên nhân của nhập khẩu ở Việt Nam là do nhu cầu trong nước (GDP) và sức cạnh tranh về giá của hàng hóa sản xuất nội địa (RER) hay do nhu cầu có đầu vào để làm hàng xuất khẩu (EX) hay cả hai loại nhân tố này. Mô hình lý thuyết hỗn hợp để nghiên cứu nhập khẩu như sau:

IM  =  f (GDP, RER, EX)

Hoặc                        IM  =  f (C, I, G, RER, EX)

Như vậy, bước xây dựng mô hình lý thuyết đã hoàn thành, dưới đây chúng ta sẽ ước lượng mô hình và trên cơ sở đó xác định những nhân tố chính giải thích biến động của kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nước ta giai đoạn đất nước mở cửa và hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới 2000-2019. Để đơn giản và phù hợp với khuôn khổ của khóa luận tốt nghiệp đại học, chúng tôi chỉ ước lượng mô hình dạng tổng quát là phương trình IM = f (GDP, RER, EX).

1.2. Xác định tỷ giá thực

1.2.1. Tỷ giá danh nghĩa đa phương

Trong nghiên cứu kinh tế, người ta thường sử dụng ba loại tỷ giá chính: Tỷ giá song phương (nominal bilateral exchange rate - NER), tỷ giá đa phương (nominal effective exchange rate - NEER) và tỷ giá thực (real exchange rate – RER). Tỷ giá song phương là giá trị một đơn vị tiền tệ của một nước tính bằng tiền của một nước khác, nói cách khác đó là số lượng đơn vị tiền tệ quốc gia cần thiết để mua một đơn vị tiền tệ nước ngoài. Như vậy, tỷ giá song phương thực chất cũng là một giá, song là loại giá đặc biệt vì tỷ giá song phương nối liền mức giá trong nước với giá cả quốc tế và có ảnh hưởng rất lớn tới rất nhiều loại giá sản phẩm cụ thể cũng như toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội của đất nước. Chính vì vậy, người ta luôn luôn coi tỷ giá như là loại giá cả quan trọng nhất trong nền kinh tế và chính phủ phải có chính sách riêng đối với tỷ giá.

Tuy nhiên trong thực tiễn quản lý kinh tế, việc sử dụng tỷ giá danh nghĩa song phương thường bị phê phán vì nó chỉ phản ánh quan hệ đơn giản giữa đồng tiền quốc gia với một đồng tiền nước ngoài trong khi do quan hệ buôn bán quốc tế đa dạng, một đồng tiền quốc gia bao giờ cũng có nhiều tỷ giá với các loại ngoại tệ khác nhau, ví dụ đồng tiền Việt nam vừa có tỷ giá với đồng đô la Mỹ, vừa có tỷ giá với đồng Euro châu Âu, đồng CHF Thụy Sĩ, đồng đô la Úc, đồng Yên Nhật... Nếu chỉ sử dụng tỷ giá song phương của đồng tiền Việt Nam so với đồng đô la Mỹ thì sẽ không phản ánh được quan hệ kinh tế thương mại đa dạng của nước ta với bên ngoài vì đồng tiền Việt Nam có thể mất giá so với đồng đô la, làm cho sức cạnh tranh của hàng trong nước tăng lên, dẫn tới giảm nhập khẩu; song đồng thời lại có thể lên giá so với đồng Euro và đồng Yên làm cho sức cạnh tranh của hàng trong nước giảm xuống, dẫn tới tăng nhập khẩu. Khi đó rất khó kết luận biến động tỷ giá đã làm sức cạnh tranh của hàng trong nước tăng hay giảm so với hàng nước ngoài, và do đó không thể kết luận chính sách tỷ giá danh nghĩa song phương đang khuyến khích hay hạn chế nhập khẩu.

Vì vậy, từ cuối những năm 70, các nước trên thế giới thường sử dụng tỷ giá danh nghĩa đa phương trong nghiên cứu xây dựng các chính sách kinh tế. Tỷ giá đa phương được tính dưới dạng chỉ số, là trung bình trọng số của các chỉ số tỷ giá song phương của đồng tiền nước đó đối với đồng tiền của các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất. Về lý thuyết, trọng số là tỷ trọng của các đồng tiền nước ngoài trong tổng số tiền thanh toán trong giao dịch ngoại thương của nước đó. Do vậy, nếu các chỉ số tỷ giá song phương của đồng tiền Việt Nam so với các ngoại tệ khác là ERi, thì tỷ giá danh nghĩa đa phương của đồng tiền Việt Nam so với đồng tiền của các đối tác kinh tế chính (nominal effective exchange rate, viết tắt là NEER) sẽ được tính theo công thức trung bình cộng:

hay theo công thức trung bình nhân:

Trong đó n là số đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất; thông thương sẽ chọn ra một số nước chính và số nước còn lại được gộp chung thành một nước cuối.

Si là tỷ trọng giá trị đồng tiền nước i được sử dụng trong tổng giá trị thanh toán cho các giao dịch ngoại thương của nước ta. Dĩ nhiên tổng các Si bằng 1. Trên thực tế, do hạn chế về số liệu, người ta sử dụng cơ cấu xuất nhập khẩu phân theo nước làm tỷ trọng đại diện cho Si. Khi đó

Trong đó EXi và IMi lần lượt là kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam với nước i.

Hai loại tỷ giá NER và NEER là các tỷ giá danh nghĩa. Khi phá giá danh nghĩa đồng tiền nội địa, sẽ làm tăng giá tính theo nội tệ của các hàng hoá và dịch vụ thương mại quốc tế được so với giá thành sản xuất ra chúng, đồng thời cũng làm giá hàng nhập khẩu tăng lên so với giá hàng sản xuất trong nước, từ đó làm giảm tỷ suất lợi nhuận của việc sản xuất và kinh doanh hàng nhập khẩu, dẫn tới hạn chế nhập khẩu.

Tuy nhiên phá giá thường gây hậu quả lạm phát. Nếu tỷ lệ lạm phát nước ta cao hơn tỷ lệ lạm phát ở nước ngoài thì giá hàng hoá và dịch vụ thương mại quốc tế được tính theo nội tệ sẽ trở nên đắt hơn so với giá hàng nhập khẩu, gây ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu và kích thích nhập khẩu. Chính vì tác dụng hai mặt trên của phá giá danh nghĩa như trên mà từ cuối những năm 70, người ta phải sử dụng khái niệm tỷ giá thực phản ánh hiệu quả tổng hợp của phá giá và lạm phát tới sức cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu của mỗi nước.

1.2.2. Tỷ giá thực (đa phương)

Trước hết chúng ta nhắc lại khái niệm giá tương đối. Giá tương đối là giá của một hàng hóa này so với giá của hàng hóa khác. Điều này tương đương với “cần bao nhiêu chiếc bánh ga tô để đổi được một chiếc ô tô Toyota ?”.

 Trong kinh tế, các quyết định sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của các tác nhân kinh tế được xây dựng căn cứ vào giá tương đối chứ không phải giá tuyệt đối. Do vậy, giá tương đối là nhân tố cơ bản của kinh tế thị trường: Chúng phát đi những tín hiệu có tác dụng kích thích, hướng dẫn người tiêu dùng và người sản xuất thích nghi, điều chỉnh hành vi của họ theo tiến triển của thị trường.

Tiếp theo, chúng ta phân chia các hàng hóa và dịch vụ thành hai loại lớn:

(i) Các HH&DV có thể đem ra mua bán, trao đổi trên thị trường quốc tế được, có người chấp nhận mua chúng dù chúng có thể được tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu, gọi chung là các hàng hóa và dịch vụ thương mại quốc tế được (tradable goods).

(ii) Các HH&DV không thể đem ra mua bán, trao đổi trên thị trường quốc tế được, gọi tắt là các hàng hóa và dịch vụ không thương mại quốc tế được (non - tradable goods). Đây là những hàng hóa và dịch vụ chỉ có thể tiêu dùng trong nước do nhiều lý do, ví dụ như không thể vận chuyển ra nước ngoài được (ví dụ nhà cửa bất động sản, dịch vụ cắt tóc gội đầu...) hoặc có thể vận chuyển ra nước ngoài nhưng hoàn toàn không thể tìm được người mua trên thị trường quốc tế  (ví dụ xi măng, sắt thép, bàn ghế... có chất lượng kém, không tìm được người chấp nhận mua dù người bán sẵn sàng bán với giá rất rẻ)...

Tỷ giá thực là giá tương đối của hàng hoá và dịch vụ thương mại quốc tế được so với hàng hoá và dịch vụ không thương mại quốc tế được. Về toán học, nó được xác định theo công thức:

                  

trong đó RER là tỷ giá thực, Pt và Pnt lần lượt là giá hàng hoá và dịch vụ thương mại và không thương mại quốc tế được, cả hai giá này đều được tính bằng tiền nội địa.

Trên thực tế, rất khó để phân biệt HH&DV thương mại và không thương mại quốc tế được. Do đó người ta coi HH&DV thương mại quốc tế được là HH&DV xuất nhập khẩu hay HH&DV được mua bán trên thị trường quốc tế, tính theo giá quốc tế; còn HH&DV không thương mại quốc tế được là HH&DV sản xuất và sử dụng trong nước, tính theo giá trong nước.

Như vậy RER chính là chỉ tiêu so sánh giá quốc tế và giá trong nước. Nếu RER =100 (%) thì giá cả trong nước bằng giá cả trên thị trường quốc tế, tức là sức cạnh tranh của hàng trong nước ngang với hàng nước ngoài; do đó không có nhu cầu xuất nhập khẩu. Tỷ giá thực này được gọi là tỷ giá thực cân bằng. Khi RER giảm xuống dưới mức tỷ giá thực cân bằng, giá hàng hóa trong nước sẽ cao hơn so với giá quốc tế, dẫn tới khuyến khích nhập khẩu. Đây là trường hợp có sự đánh giá cao giá trị đồng tiền quốc gia so với các đồng tiền nước ngoài hay là có hiện tượng đánh giá cao tỷ giá thực.

Ngược lại một sự tăng lên của tỷ giá thực sẽ tương ứng với giá hàng xuất nhập khẩu tăng nhanh hơn giá hàng mua bán trên thị trường nội địa, kéo theo tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khi đó tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu sẽ tăng lên trong khi tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu giảm đi. Vốn, lao động và các nguồn lực khác sẽ bị thu hút vào khu vực làm hàng xuât khẩu và thay thế nhập khẩu, làm sản xuất của khu vực này tăng lên nhanh hơn so với tỷ lệ tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Ngược lại, khi đồng tiền trong nước bị đánh giá cao, giá hàng nội địa sẽ tăng nhanh hơn giá hàng xuất nhập khẩu, ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu trong khi lại khuyến khích nhập khẩu. Vốn, lao động và các nguồn lực khác sẽ bị thu hút vào khu vực sản xuất tự cung tự cấp, giảm sản xuất trong khu vực làm hàng xuât khẩu và thay thế nhập khẩu. Như vậy, biến động của tỷ giá thực có ảnh hưởng rất lớn tới thay đổi cơ cấu sản xuất và hệ thống giá nội địa, và chính vì vậy mà chính sách tỷ giá luôn luôn là điểm trọng tâm trong tất cả các chương trình ổn định kinh tế và điều chỉnh cơ cấu do các tổ chức tài chính quốc tế chủ trương.

Tử số của công thức trên có thể được viết thành Pi = NER * Pi, trong đó Pi là giá tính theo ngoại tệ của các hàng hoá và dịch vụ thương mại quốc tế được, thường được xác định theo giá thế giới, và NER là tỷ giá danh nghĩa, đa phương hoặc song phương tuỳ hoàn cảnh số liệu. Thay vào công thức trên với tỷ giá danh nghĩa đa phương NEER, ta có :

                   RER = NEER * Pi /  Pnt                                        (3)

          Tuy nhiên, thay vì dùng công thức (3), người ta sử dụng công thức xấp xỉ sau đây:

                   RER = NEER * Pe / Pd                                         (4)

trong đó Pd là chỉ số giá nội địa, đại diện cho giá hàng hoá và dịch vụ không thương mại quốc tế được, và Pe là chỉ số giá hàng hoá và dịch vụ trung bình của các nước bạn hàng. Pd và Pe có thể là giá tiêu dùng hoặc giá GDP. Theo công thức trên, nếu tỷ giá danh nghĩa không đổi, nhưng giá thế giới tăng 5% và mặt bằng giá trong nước tăng 15% thì tỷ giá thực sẽ giảm 8,7% (105%/115%-100=-8,7%). Khi đó đồng tiền nội địa sẽ được xem là bị đánh giá cao 8,7% so với thời điểm trước mặc dù tỷ giá danh nghĩa không thay đổi.

còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét