“Chuyện tử tế” với ông Trần Độ (*)
Trần Văn Thủy - Thí dụ luận về nhân dân, Trần Độ nói: “Lạ thật các đồng chí ạ, chẳng có một xứ nào mà chữ nhân dân được dùng nhiều như ở xứ ta, nghệ sĩ nhân dân, nhà báo nhân dân, quân đội nhân dân, tòa án nhân dân, ủy ban nhân dân nhưng nhân dân chả có quyền gì cả. Như mình đây, khi vào Trung ương thì mình thấy lập tức oai ra, thông thái ra, mọi người kính nể mình hơn”.
Chân dung ông Trần Độ. Ảnh: Trình Quang Phú
Kể về Chuyện làm nghề, thật là thiếu sót nếu không nói thêm đôi điều về ông Trần Độ. Ông là Thủ trưởng ngành Văn hóa, là nhà quản lý có tài có tâm, rất gần gũi với anh em nghệ sĩ, trí thức. Tôi nghĩ bây giờ hỏi lại những người đã từng làm việc với ông, chắc chắn là họ có nhận xét như vậy.Cuối năm 1987 có một nghị quyết vô cùng quan trọng đối với giới văn nghệ sĩ trí thức lúc đó là Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về lãnh đạo, quản lý Văn hóa Văn nghệ với nội dung sửa đổi, chấn chỉnh lề lối, cách thức lãnh đạo trong lĩnh vực Văn hóa Văn nghệ.
Từ trước đến giờ các nghị quyết của Đảng chỉ là dân chúng phải làm gì, đảng viên phải làm gì, chứ không bao giờ có nghị quyết nói rằng lãnh đạo Đảng cần phải sửa chữa điều gì. Lúc bấy giờ ông Trần Độ là cánh tay phải của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Chính ông thảo ra Nghị quyết này.
Ông rất thích những gì mới mẻ về tư duy, thích các truyện ký đăng trên báo Văn nghệ thời Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập, thích Hồn Trương Ba da hàng thịt, thích Hà Nội trong mắt ai…
Chúng ta có thể tìm thấy những đoạn tâm sự của Trần Độ như sau:
“…Đối với anh chị em văn nghệ sĩ tôi có một sự quý mến đặc biệt, bởi lao động của họ là một loại lao động đặc biệt và tôi luôn cho rằng họ là vốn quý của dân tộc, riêng những người có tài năng còn là niềm tự hào của dân tộc…
Chúng ta có thể có rất nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng thậm chí có nhiều Thủ tướng và phó Thủ tướng, nhưng chúng ta chỉ có mỗi một Xuân Diệu, một Nguyễn Tuân, một Chế Lan Viên, một Văn Cao, một Trần Văn Cẩn, một Nguyễn Sáng, một Bùi Xuân Phái… Không ai có thể thay thế được. Chính xuất phát từ những suy nghĩ đó mà đối với giới văn nghệ sĩ tôi thường có sự khoan dung rộng rãi, tôn trọng nghề nghiệp của họ, không khe khắt xét nét họ về tác phong, cách sống và sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất để họ phát huy hết tài năng của mình, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước”.
Với riêng mình, tôi coi ông là ân nhân, là người anh có tình có nghĩa. Ông cứu Hà Nội trong mắt ai, mở đường cho Chuyện tử tế đến với người xem.
Như trên đã kể, khi xem xong Hà Nội trong mắt ai, ông Nguyễn Văn Linh bảo làm tập 2. Chính nó là Chuyện tử tế. Tất nhiên phim làm xong phải mời các ông Văn hóa tư tưởng xem trước. Ông Trần Độ dẫn bầu đoàn của Ban đến xem. Buổi chiếu diễn ra tại Xưởng phim Tài liệu. Xem xong lên gác uống trà và trao đổi. Mọi người có vẻ ưu tư, thật ra chẳng có cái không khí rộn ràng vui tươi phấn khởi gì cả. Ông Trần Độ cứ ngơ ngẩn thế nào đó.
Tôi mới hỏi:
- Anh Độ! Xem xong anh thấy thế nào?
Ngần ngừ giây lát ông bảo:
- Xem xong tớ thấy hoang mang quá. Các cậu cứ phát biểu trước đi.
Có thể ai đó không tin rằng ông đã nói hai chữ hoang mang. Nhưng đó là sự thật trăm phần trăm.
Những người khác có đôi ba ý kiến một cách dè dặt. Ông quay lại hỏi tôi:
- Cái đoạn về các bà sơ thế nào ấy nhỉ?
Tôi kể lại chi tiết về sự dấn thân, sống kham khổ của các nữ tu để chăm sóc những người phong cùi ở trại phong Quy Hòa mà chúng tôi tận mắt chứng kiến. Ông chăm chú nghe và thủng thẳng:
- Chuyện nó thế thì phải kể như thế chứ sao!
Từ trái qua: Nguyễn Văn Hạnh, Lưu Quang Vũ, Trần Văn Thủy, Nguyễn Văn Linh, ..., Trần Độ. |
“Lạ thật các đồng chí ạ, chẳng có một xứ nào mà chữ nhân dân được dùng nhiều như ở xứ ta, nghệ sĩ nhân dân, nhà báo nhân dân, quân đội nhân dân, tòa án nhân dân, ủy ban nhân dân nhưng nhân dân chả có quyền gì cả. Như mình đây, khi vào Trung ương thì mình thấy lập tức oai ra, thông thái ra, mọi người kính nể mình hơn”.
Tháng 3 năm 1989 tôi đi Pháp về, đến gặp ông Trần Độ báo cáo tình hình và kể chuyện, nhưng vì vừa mới về chân ướt chân ráo, không dám nói rằng vài tháng sau họ mời trở lại.
Gần đến ngày lên đường tôi mới nói chuyện đó và xin ông ký quyết định cho đi. Ông bảo:
- Sao không nói ngay từ lần trước?
- Sao phải nói ngay ạ?
- Tớ mất chức rồi!
- Nhưng cậu phải đi! Để tớ gọi Nghiêm Hà.
Anh Nghiêm Hà đến, ông bàn thảo thế nào không biết, ngày hôm sau tôi nhận được quyết định cho đi Pháp với chữ ký Trần Độ khi ông đã mất chức, tất nhiên, ngày ký thì được ghi ngày ông còn tại chức. Ông ấy thật tin người.
Đấy là Trần Độ.
Đạo diễn Trần Văn Thủy
(Theo Chuyện nghề của Thủy (tái bản lần 1), Lê Thanh Dũng - Trần Văn Thủy. Nxb Hội Nhà văn, 2013)
(*) Đầu đề của blog
(Blog Trần Độ Tác Phẩm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét