Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

Tại sao nông sản Việt phải ‘mặc áo nhà người’?

Tại sao nông sản Việt phải ‘mặc áo nhà người’?
Nhà nước cần có một chính sách điều phối toàn diện, cởi trói cho các doanh nghiệp xuất khẩu khu vực tư nhân đứng ra làm thương hiệu chứ không giao cho hai công ty lớn làm việc không hiệu quả như Vinafood, cần phải học cách làm của Thái Lan, cũng cần có các chiến dịch thương mại để đưa gạo Việt Nam vào chuỗi cung ứng trên toàn cầu và nâng giá trị dần dần để định vị thương hiệu gạo Việt Nam.
Nông dân thu hoạch lúa ở làng Vĩnh Ngọc. (Ảnh tư liệu)
Tôi đi nhiều nước trên thế giới, cũng đọc và theo dõi nhiều thông tin về nông sản Việt Nam trong suốt nhiều năm qua, và thấy rằng quả thật nông dân Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi hơn cả. Còn nhớ giai đoạn những năm 40 của thế kỷ trước, quân Nhật chiếm Việt Nam từ tay Pháp, bắt dân ta nhổ lúa trồng đay, không có đất trồng cây lương thực nên đói khát đã đành. Nay đất đai bao la bát ngát, thậm chí được xem là cái vựa nông sản của khu vực nếu không muốn nói là của thế giới về nhiều mặt hàng như gạo, cà phê, vải.... Vậy mà nông dân vẫn cứ nghèo, cứ phải nhổ cây này trồng cây kia, cứ được mùa thì mất giá, được giá thì không có hàng mà bán, hàng sản xuất ra nhiều, dân ăn không hết cũng không xuất khẩu ra nước ngoài được vì không đủ chất lượng. Chuyện này bao nhiêu chuyên gia, báo chí đã mổ xẻ hoài, tôi chẳng cần bàn thêm nữa.

Gần đây lại có thêm hiện tượng, tuy không phải mới mẻ, nhưng khiến tôi thấy xót xa: nông sản Việt phải “mượn hồn” thương hiệu ngoại để bước ra thế giới. Tại một cuộc hội thảo về phát triển thị trường nông sản mới đây, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) công bố kết quả của một cuộc khảo sát khiến nhiều người phải ngậm ngùi: Có tới 90% lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài. Vậy thì đâu phải tất cả nông sản Việt Nam đều kém chất lượng. Tiếc thay, đi nhiều nước, ở nhiều nơi, khi tôi muốn tìm ăn gạo Việt Nam để ủng hộ bà con Việt Nam thì cũng không thấy. Trên kệ gạo ở các nước châu Âu, Nhật Bản hay thậm chí các nước hàng xóm châu Á cũng hiếm thấy gạo Việt Nam, trong khi gạo Thái Lan, gạo Nhật Bản, gạo Ấn Độ, gạo Campuchia thì rất phổ biến.

Nói một cách khách quan, theo dân sành ăn thì gạo xuất khẩu của Thái Lan rất ngon, nhưng ăn ở Việt Nam sẽ thấy của nước ta không phải là tệ, nếu không muốn nói là ngon không kém. Thế nhưng, gạo Việt Nam không thể bước ra khỏi biên giới một cách danh chính ngôn thuận. Một phần quan trọng là vì chỉ tiêu “gạo sạch” dường như vẫn còn là một thách thức đối với Việt Nam. Thời nay người ta đâu chỉ chuộng ngon, bổ mà quan trọng là phải sạch. Để xuất khẩu được, người trồng lúa có tuân theo những quy trình ngặt nghèo thì nông dân mới bán được giá cao, thu được lợi nhuận nhiều hơn.

Tiếc thay, trong khi nông dân còn loay hoay chưa biết phun bao nhiêu bình thuốc trừ sâu, bón bao nhiêu bao phân hóa học để bán được giá cao, thì doanh nghiệp Việt Nam dường như vẫn rất lười biếng. Trong khi doanh nghiệp nước ngoài chắt chiu thời cơ, lội xuống ruộng để bắt tay một số nông dân sản xuất gạo sạch rồi âm thầm đóng gói dưới các tên gọi “gạo Tây gạo Tàu” đầy sang trọng để xuất khẩu, hay thậm chí là dùng biện pháp “thuê ngoài”, tức sản xuất gạo trên đất Việt, nhập khẩu về nước họ rồi xuất đi với những cái tên gạo Thái Lan, gạo Hồng Kông, gạo Trung Quốc..., thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn dừng ở quy trình thu gom nhỏ lẻ thông qua hệ thống chân rết các đầu nậu, thương lái với đủ các loại gạo pha tạp. Họ mua lấy mua để rồi xuất khẩu sang thị trường dễ tính như Trung Quốc. Hậu quả là cứ Trung Quốc ngưng ăn hàng là gạo của nông dân ta bị chững lại và người trồng lúa chịu thiệt vì phải bán đổ bán tháo.

Một sự thật nữa về thất bại của gạo Việt Nam là quá trình làm thương hiệu kém. Thương hiệu là chiếc xe vận chuyển, xe càng nhỏ, càng yếu thì gạo Việt đi càng chậm, không thể đi xa. Thái Lan rất giỏi về tiếp thương hiệu của họ. Gạo Thái Lan có thể bán với giá 800 USD/tấn trong khi gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 400 USD/tấn. Trong khi đó với Việt Nam, hiện nay không có một doanh nghiệp xuất khẩu gạo nào ra thế giới được xem là có tiếng tăm. Có vài doanh nghiệp nhỏ cũng cố làm thương hiệu nhưng không đủ sức cạnh tranh. Hai cửa lớn nhất của Việt Nam là Tổng công ty lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) và Miền Nam (Vinafood 2) cũng chỉ dừng ở sản xuất gạo theo kiểu gạo trắng hạt dài, hạt ngắn... theo kiểu hàng thô mộc chứ không có những cái tên gọi là thương hiệu Việt. Thậm chí, dù kinh doanh trong ngành có lợi thế, được nhiều ưu đãi nhưng Tổng công ty lương thực Miền Nam (Vinafood 2) đang lỗ lũy kế gần 1.000 tỷ đồng, và hàng trăm tỷ đồng nợ khó đòi. Từ vị thế một trụ cột trong xuất khẩu nông sản, Vinafood 2 trở thành một cục nợ và bị đưa vào diện giám sát đặc biệt. Trước đây, nhiều đánh giá cho rằng việc ưu ái cho hai ông lớn Vinafood 1 và Vinafood 2 trong việc siết chặt các điều kiện để được xuất khẩu gạo đã vô tình giết chết các doanh nghiệp tư nhân nhỏ hơn chưa có cơ hội ăn nên làm ra. Thế nên việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam để xuất khẩu vẫn còn là một thử thách cả về mặt năng lực và cơ chế.

Mới đây, tin có nhiều doanh nghiệp ở Tiền Giang hợp tác với nông dân sản xuất gạo sạch để bán với giá cao hơn khiến người nghe cảm thấy phấn khởi. Thực tế ở các nước phát triển, gạo sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (loại Bio), có giá cao gấp rưỡi hay thậm chí gấp đôi gạo thông thường. Không chỉ với gạo, người ta còn sản xuất dạng Bio với rau củ, trái cây, sữa, thịt các loại,... và nhu cầu sử dụng không phải là thấp. Để làm như vậy, chỉ một vài doanh nghiệp nhỏ lẻ như cách làm ở Tiền Giang, dù đúng hướng, nhưng chắc chắn sẽ không đủ để đưa nông sản nói chung và gạo Việt Nam nói riêng ra quốc tế.

Nhà nước cần có một chính sách điều phối toàn diện, cởi trói cho các doanh nghiệp xuất khẩu khu vực tư nhân đứng ra làm thương hiệu chứ không giao cho hai công ty lớn làm việc không hiệu quả như Vinafood. Nói như ông Sergut Zorya, chuyên gia về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới (World Bank), thì Việt Nam cần phải học cách làm của Thái Lan, cũng cần có các chiến dịch thương mại để đưa gạo Việt Nam vào chuỗi cung ứng trên toàn cầu và nâng giá trị dần dần để định vị thương hiệu gạo Việt Nam.

VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét