Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

TPP, gan ngỗng và chuột

TPP, gan ngỗng và chuột
TTCT - “Những nhượng bộ xấu xí”, đó là thừa nhận của ông Tim Groser, bộ trưởng thương mại New Zealand, về TPP. Tất cả các nước tham gia đều có những nhượng bộ không dễ dàng về mặt chính trị, dù đó là vấn đề nông sản, thị trường ôtô, doanh nghiệp nhà nước, công đoàn hay chi tiêu chính phủ. “Khi chúng ta nói xấu xí, chúng ta nói xấu đối với mọi bên - không thể là tôi phải ăn con chuột chết còn anh thì ăn gan ngỗng được. Mà là cả hai chúng ta phải chịu ăn vài con chuột chết trên ba, bốn vấn đề gì đó thì mới kết thúc được hiệp định” - ông Groser giải thích.
Cuối cùng, hiệp định thương mại tự do quan trọng bậc nhất của thế giới - Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã chính thức được hoàn tất với cuộc họp báo muộn của các bộ trưởng thương mại ở Atlanta (Mỹ) vào sáng 5-10 (tức buổi tối giờ VN). Ở Việt Nam, nông dân chăn nuôi nhỏ phạm vi làng hầu như sẽ chẳng bị ảnh hưởng bởi TPP, theo GS David Dapice của ĐH Harvard -Trần Mạnh

Trả lời TTCT từ Boston, giáo sư Peter Petri của ĐH Brandeis đánh giá đây là hiệp định thương mại quan trọng nhất kể từ sau vòng đàm phán Uruguay năm 1994 (dẫn tới sự hình thành WTO). “Đây là một ngày tốt lành với thương mại quốc tế” - ông viết qua email.

Trong suốt ba năm qua, kể từ khi TPP lỡ hẹn mốc cuối năm 2013 mà lãnh đạo 12 nước trong TPP đưa ra, lợi ích chằng chéo của 12 nền kinh tế chiếm 40% GDP toàn cầu (trong đó có hai nền kinh tế số 1 và số 3 thế giới là Mỹ và Nhật) khiến cuộc đàm phán không thể nào suôn sẻ.

TPP cần tới hơn 20 vòng đàm phán (so với các FTA thông thường chỉ cần khoảng 1/3 số này) và gần 10 năm trời (từ bốn nước ban đầu năm 2006). Áp lực của TPP là buộc phải xong trong năm nay trước khi chính trường Mỹ bước vào giai đoạn nước rút của cuộc đua vào Nhà Trắng 2016 - khó khăn có thể thấy khi một loạt ứng viên tổng thống đã lên tiếng chỉ trích hiệp định, đặc biệt là phe Dân chủ. Mỗi vòng đàm phán là một lần cơ hội thêm mỏng dần vì sức ép của thời gian.

Không ai được tất cả khi ký kết TPP. Khi các nước mở cửa và hạ thuế quan bằng 0 xuống cho hầu hết mặt hàng, từng nước cũng phải mở cửa cho các mặt hàng họ từng coi là “nhạy cảm” hay “bất khả xâm phạm” để đổi lại. Nhật Bản trong những ngày chót đã đồng ý mở cửa thị trường ôtô nội địa (cuộc tranh cãi mà Mỹ - Nhật đã đấu nhau suốt nhiều thập kỷ bất thành).

Trước đó họ cũng đã chấp nhận mở các mặt hàng từng được coi là thiêng liêng như gạo, thịt bò. Canada phải mở cửa thị trường bơ, sữa họ đã bảo hộ rất nhiều năm nay. Malaysia phải chấp nhận cải cách với doanh nghiệp nhà nước và chi tiêu chính phủ...

“Những nhượng bộ xấu xí”

Đó là thừa nhận của ông Tim Groser, bộ trưởng thương mại New Zealand, về TPP. Tất cả các nước tham gia đều có những nhượng bộ không dễ dàng về mặt chính trị, dù đó là vấn đề nông sản, thị trường ôtô, doanh nghiệp nhà nước, công đoàn hay chi tiêu chính phủ.

“Khi chúng ta nói xấu xí, chúng ta nói xấu đối với mọi bên - không thể là tôi phải ăn con chuột chết còn anh thì ăn gan ngỗng được. Mà là cả hai chúng ta phải chịu ăn vài con chuột chết trên ba, bốn vấn đề gì đó thì mới kết thúc được hiệp định” - ông Groser giải thích.

Do TPP là hiệp định đa phương, tất cả các nước tham gia đều chấp nhận cùng luật chơi nên cuộc đàm phán không hẳn là mang tính qua lại mà phức tạp, đa tầng hơn: một nước A đề xuất vấn đề có lợi cho nước B, đổi lại thì nước A lại đòi từ nước D và nước E một số lợi ích nào đó mà lòng vòng thì cuối cùng nước B sẽ nhượng bộ.

Điển hình của sự phức tạp đa tầng này là khi các bên tưởng đã vượt qua được rào cản cuối cùng về thỏa thuận sinh dược, thì một số nước lại không hài lòng với nhượng bộ nên đòi hỏi phải có thêm các nhượng bộ khác. New Zealand là nước đòi thêm thị trường vào Bắc Mỹ. Washington nói đồng ý nhượng bộ, nhưng đòi phải có thêm quyền tiếp cận vào Canada và Mexico. Chính vì những diễn biến này mà vòng đàm phán đã có lúc tưởng chừng có thể đổ bể.

Mọi nước đều cố gắng đạt được một lợi thế tổng thể (nhượng bộ không quá nhiều và được lại thì nhiều hơn) nên khiến đàm phán kéo dài tới vậy.

Việt Nam: dệt may hưởng lợi, chăn nuôi gặp khó

Làm sao biết mặt hàng nào có lợi và mặt hàng nào sẽ thách thức? Bất cứ mảng nào mà các nước phải hạ thuế xuống 0% thì sẽ là có lợi, và bất cứ mặt hàng nào trong nước phải hạ thuế thì có nghĩa lĩnh vực đó sẽ phải chịu thêm cạnh tranh mới và có nguy cơ có thể bị các mặt hàng nước ngoài thôn tính. Đây là tính toán cân bằng mà chúng ta sẽ chấp nhận thiệt thòi một số mảng nào đó để có những lợi ích to lớn hơn về tổng thể.

Như Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời trong họp báo kết thúc đàm phán, dệt may Việt Nam sẽ là ngành được hưởng lợi nhất và đây là ngành rất quan trọng đối với nền kinh tế về cả đóng góp cũng như tạo việc làm với hơn 1 triệu lao động.

Trả lời TTXVN, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thẳng thắn thừa nhận “chăn nuôi khó khăn nhất khi vào TPP”. Đối với các lĩnh vực khác, theo ông, cạnh tranh có thể xảy ra nhưng “mức độ không lớn bởi các nền kinh tế TPP hiện nay có cơ cấu mặt hàng xuất khẩu mang tính bổ sung hơn là mang tính cạnh tranh” với mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Trả lời TTCT, giáo sư David Dapice của ĐH Harvard cho rằng các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu như gạo, cá, cà phê, cao su, hạt điều... hầu như không đáng lo ngại về cạnh tranh. Nhưng các sản phẩm nhiệt đới như táo, thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm sẽ là đáng lo ngại.

Nhưng theo giáo sư Dapice, “rất nhiều sản phẩm này đã được nhập từ Trung Quốc rồi”. Theo ông, câu hỏi quan trọng cần đặt ra là “bao nhiêu cạnh tranh là từ Trung Quốc hay ASEAN? Liệu giá thành có giảm nếu nguồn thức ăn được giảm đi (nhờ TPP)? Người tiêu dùng sẽ được lợi bao nhiêu (nhờ giá thành giảm)?”.

Giáo sư Dapice cho rằng các nông dân chăn nuôi nhỏ ở phạm vi làng hầu như sẽ chẳng bị ảnh hưởng gì, nhưng các trang trại lớn hơn sẽ bị ảnh hưởng.

Chính phủ Canada ngay khi nhượng bộ sẽ mở cửa thị trường nông nghiệp và bơ sữa cho các nước TPP (rào cản cuối cùng của hiệp định), đã thông báo sẽ chi 4,3 tỉ đôla Canada để đền bù cho nông dân nuôi bò và các trang trại gà sẽ bị tổn hại từ việc mở rộng thị trường nông sản. Với thỏa thuận của TPP, Canada mở cửa khoảng 3,25% thị trường bơ sữa và 2,1% thị trường gia cầm nước này.

Trong nội bộ Canada có sự chia rẽ rất lớn khi các tỉnh phía tây nước này ủng hộ rất mạnh việc tham gia TPP vì hiệp định sẽ thúc đẩy xuất khẩu tới châu Á. Ngược lại, các tỉnh miền đông lên tiếng phản đối vì cho rằng hiệp định sẽ làm ảnh hưởng tới các ngành bơ sữa và ôtô ở Canada.

Khi đàm phán WTO đã bế tắc suốt gần 20 năm qua mà chưa có đột phá nào đáng kể, TPP là hiệp định lớn đầu tiên vượt qua những bế tắc này với mức cam kết cao hơn. Không chỉ dừng ở chuyện giảm thuế, quan trọng hơn là các quy định ràng buộc về doanh nghiệp nhà nước, lao động, chi tiêu chính phủ, bản quyền, môi trường...

Tất cả các nước tham gia TPP sẽ đều phải tiến hành sửa đổi luật lệ và quy định trong nước để thích ứng với các quy định mới của TPP. Hội nhập, toàn cầu hóa thực chất được đẩy lên nấc thang mới.

Tác động của TPP có thể thấy ngay khi ở châu Âu đã có kêu gọi EU nên bắt đầu đàm phán thương mại với các nước TPP để bắt kịp xu thế trở về châu Á. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh chỉ ra TPP mỗi năm có thể đóng góp thêm cho khu vực 1% GDP toàn cầu, tương đương 220 tỉ USD. Và với TPP kết thúc, TTIP (Hiệp định xuyên Đại Tây Dương) có thể sớm kết thúc để kết nối châu Á với châu Âu thông qua Bắc Mỹ.

Trên góc nhìn này, đại sứ Vinh gọi đây là “kỳ tích lịch sử”.

Thỏa thuận đạt được tại Atlanta là những thỏa thuận cơ bản, hiện các bên sẽ còn cần hoàn tất các chi tiết kỹ thuật còn lại để có thể tiến hành ký kết hiệp định chính thức.

Theo quy định, Chính phủ Mỹ cần thông báo cho quốc hội ít nhất 90 ngày trước khi ký hiệp định nên dự kiến hiệp định sẽ chỉ được ký vào đầu năm 2016. Sau khi ký, các nước phải tiến hành phê duyệt, sửa đổi luật lệ trong nước trước khi hiệp định chính thức có hiệu lực. Viện Cato của Mỹ nói quá trình này có thể kéo dài cả năm trời, trong khi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói quá trình này có thể kéo dài tới hơn 18 tháng.

THANH TUẤN
http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-de-su-kien/20151010/tpp-gan-ngong-va-chuot/982507.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét