Ông Thiện, ông Ác
Trước đền chùa, độc đáo nhất là hai pho tượng mà hầu như đền miếu nào cũng có; một với vẻ mặt hoan hỉ tươi cười, ta gọi là ông Thiện (hiền lương vui vẻ); pho tượng kia cau có giận dữ, tay lăm lăm đao búa là ông Ác (hung bạo). Nôm na là thiện ác, đen trắng phân minh rõ ràng nhưng thật ra, đời sống chẳng mấy khi đen trắng tách bạch như thế. Trong ông Thiện vẫn có ông Ác, trong ông Ác vẫn có ông Thiện như Jackyll và Hyde của phim ảnh Âu Mỹ, đôi khi nhiều Thiện hơn Ác hoặc ngược lại và thường không cân phân.
TRẦN LÝ LÊ, OCTOBER 12, 2015
Hiện tượng Thiện/Ác lẫn lộn ấy là “chuyện thường ở huyện” qua cái nhìn từ phương Ðông, tứ thời bát tiết đất trời thay đổi nên [tâm tình] con người cũng thay đổi, tự nhiên như xuân hạ thu đông, có chăng là ta nhận ra cái xoay chuyển ấy hay không mà thôi? Và sự thay đổi kia ảnh hưởng đến người chung quanh ra sao, có chấp nhận được chăng?Hôm nọ Dế Mèn tẩn mẩn đọc hết cuốn sách về Steven Jobs qua lời mô tả của tác giả từ các chi tiết riêng tư độc đáo do nhân vật chính cung cấp; sách vở về Steven Jobs hiện diện khá nhiều, cuốn sách này có chút khác biệt. Từ lâu, phe ta dị ứng với con người tài hoa lẫy lừng kia qua cách hành xử của ông ấy lúc sinh thời, khắc nghiệt và tai ác với đồng nghiệp cũng như thân nhân, cả đứa con rơi mà nhiều năm sau mới được nhìn nhận, nuôi dưỡng. Phục Steven Jobs thì phục lắm lắm nhưng cảm giác bất toàn ấy theo đuổi Dế Mèn suốt nhiều năm nên cứ khăng khăng lắc đầu tìm hiểu đời sống riêng tư của nhân vật này. Thế rồi một buổi chiều quanh quẩn trong Barnes & Nobles, quảng cáo cho tiệm sách sắp sập tiệm này một chút may ra nó… sống thêm ít lâu nữa để phe ta có chỗ loanh quanh, tẩn mẩn thế nào mà tò mò cầm cuốn sách lên đọc; đọc ít trang rồi mua luôn mà rinh về.
Ðọc hết cuốn sách dày cui rồi thì lòng dạ băn khoăn áy náy lắm, bạn ạ! Băn khoăn vì nhiều nỗi khó chịu. Con người lẫy lừng nọ biện hộ cho mình hơi nhiều. Giải thích cái bạc ác không nhìn nhận đứa con đầu tiên ở tuổi 23,… tôi còn quá trẻ để nhìn nhận trách nhiệm của một người cha… Ngay cả khi Steve Jobs kiếm ra khá nhiều tiền và đã là triệu phú, ông ấy cũng không muốn cấp dưỡng cho đứa con gái. Ðể tránh trách nhiệm bằng cách phủ nhận phụ hệ, người cha này đã khai trước tòa rằng ông ấy không thể có con, và cô bé kia hẳn là con ai đó!? Tất nhiên là kết quả di tính rành rành, ông bố bạc bẽo kia đành móc túi trả tiền nuôi nấng đứa con. Và đứa con, cô bé Lisa, cũng bỏ qua. “Happy ending” hay ta phải chờ vài chục năm nữa khi cô gái trưởng thành, có gia đình con cái, lúc rảnh rỗi viết…hồi ký về người cha thì bá tánh [tò mò săm soi] mới thực sự rõ ngọn ngành? Như thế nào là một đứa con bị ruồng bỏ? Như chính Steve Jobs bị cha mẹ đem cho khi còn sơ sinh?
Steve Jobs và Bill Gates - NGUỒN EN.WIKIPEDIA.ORG
Cá tính khắc nghiệt của người đàn ông lừng lẫy thế giới có lẽ nổi bật qua cách hành xử với những người cộng tác, làm ăn chung và cả những người tiếp xúc sơ sài với ông ấy. Câu chuyện về Steven Jobs và một người dọn bàn tại khách sạn Four Seasons, San Francisco trong bữa ăn sáng với một người bạn vào năm 2010. Người bạn kể lại rằng Steve Jobs gọi một ly nước cam vắt (nước cam tươi), người dọn bàn mang ra một ly nước cam. Ông khách khó tính nhắp một ngụm rồi nghiêm khắc bảo người dọn bàn rằng đó không phải là nước cam tươi, rồi đòi nhà hàng dọn một ly khác!
Một ly nước cam vắt được đem ra thay thế. Lần thứ hai, ông khách khó tính nhắp một ngụm nước cam rồi cũng bực bội than phiền rằng ly nước cam có những mảnh cam nổi lềnh bềnh, rồi đòi một ly khác. Người bạn bèn lên tiếng bảo ông khách khó tính nọ … tại sao lại khó chịu như thế?... Steve Jobs trả lời … nếu người dọn bàn chọn việc hầu bàn thì bà ta phải là người dọn bàn giỏi (chiều khách) nhất!... Bỏ qua cung cách nghiệt ngã khó chịu của Steve Jobs, ta có thể phân tích cách hành xử kia qua một lăng kính khác? Ý ông ta muốn nói rằng làm nghề chi cũng đặng nhưng phải “nhất nghệ tinh” thì mới “nhất thân vinh”? Một hình thức thúc đẩy con người nỗ lực để đạt mức độ giỏi giang nhất trong nghề nghiệp của mình? Và người chung quanh có quyền đòi hỏi một sản phẩm/dịch vụ hoàn hảo nhất?!
Ðọc đến đó thì Dế Mèn thắc mắc lắm. Con người ta khi trải qua các kinh nghiệm đau thương hay khó khăn thường trưởng thành và khoan dung hơn. Ông Jobs nọ tất nhiên cũng có một thời gian khốn đốn. Như năm 1985 khi ban điều hành của Apple trả một món tiền lớn để đuổi ông ta ra khỏi công ty vì chẳng ai chịu nổi được tính khí ngang ngạnh. Tiền đầy túi, 150 triệu Mỹ kim, nhưng ông Jobs ở tuổi 30 học một kinh nghiệm để đời về sự xua đuổi!
Cho đến khi Apple thua lỗ, ban điều hành thay đổi thì Steve Jobs trở về sau khi thương lượng với [bạn] bè cộng sự cũ. Cả hai bên xem ra cùng có lợi, họ cần sự cộng tác của nhau nên đành chịu làm ăn chung. Rồi công ty Trái Táo Sứt trở lại thị trường, mỗi ngày một rầm rộ, cạnh tranh ngang ngửa với Microsoft!
Trái Táo Sứt thành công như thế nên Steve Jobs nổi tiếng lẫy lừng, đã có lần được nội các chính phủ Bush II định mời ra cộng tác làm công việc kinh bang tế thế nhưng không biết tại sao chuyện không thành? Trong bản tóm tắt sự nghiệp không được kê khai “ông…, Bộ Trưởng bộ Thương Mại”!
Cuốn sách kể chuyện Steven Jobs đi tìm cha mẹ ruột và tìm ra một cô em gái cùng cha mẹ nhưng không bị bỏ rơi. Ông bố [ruột] là một giáo sư đại học nhưng hình như họ tránh việc nhìn nhận nhau. Steve Jobs thân thiết với cô em, cũng là một nhà văn thành công nhưng vẫn chỉ nhìn nhận cha mẹ nuôi và cô em [nuôi] là thân nhân! Tóm lại là gia đình nọ không mấy hòa ái với nhau, họ là những mảnh gương vỡ, được thu góp hàn gắn phần nào những năm về sau.
Bị bỏ rơi nhưng vẫn được nuôi nấng ấp ủ bởi cha mẹ nuôi nên ông Jobs kia trở thành người cha khá tốt, gần gũi hòa thuận với gia đình thứ nhì. Lý do nào khiến Steve Jobs từ một kẻ khắc bạc bỏ rơi đứa con đầu lòng nhưng lại trở thành người cha gương mẫu về sau? Vì đã trải qua kinh nghiệm đau thương sau khi bị xua đuổi bởi Trái Táo Sứt trong thập niên 80?
Steve Jobs - NGUỒN INTERACTIVE.WXXI.ORG
Tinh thần làm việc hết mình, đòi hỏi sự toàn mỹ khiến Steve Jobs trở thành một ông sếp khó tính và khắc nghiệt với nhân viên. Không mấy người cộng tác nói lên lời tử tế về ông sếp của mình; phần lớn chịu đựng và làm việc vì mục đích riêng, say mê công việc và món lương bổng khá cao so với các công ty khác trong ngành kỹ nghệ nọ.
Khi Trái Táo Sứt và Microsoft tranh giành ngang ngửa nhau, tất nhiên bá tánh so sánh hai nhân vật đứng đầu, Steve Jobs và Bill Gates. Họ cùng tuổi nhưng kinh nghiệm thiếu thời khác nhau khá xa. Bill Gates con nhà giàu có, học tại Harvard nhưng bỏ học để theo đuổi nỗi đam mê của mình và thành công rực rỡ trong việc thành lập công ty khổng lồ Microsoft. Ngược lại, Steve Jobs con nhà trung lưu, chỉ đủ sống, theo học tại một trường đại học nhỏ, cũng bỏ học nhưng để lang thang qua Ấn Ðộ đi tìm triết lý sống. Nhưng về sau, cả hai cùng thành đạt, cùng nổi tiếng trên thế giới dù cuộc đời ông Gates xem ra xuôi chảy, bình yên hơn, không sóng gió ồn ào như đời ông Jobs.
Ông Gates không chịu búa rìu dư luận cho lắm dù cũng có những hành động nhắm đến việc tiêu diệt đối thủ [cạnh tranh bất chính]; nhất là được khen khá nhiều khi chủ trương dùng tiền bạc để giúp đỡ người nghèo qua các hoạt động từ thiện quy mô. Nôm na là ông Gates có hình ảnh của ông Thiện trong khi ông Jobs rầm rộ hơn, quyết liệt, hà khắc với nhân viên và người chung quanh nên họ ta thán, tiếng dữ đồn xa, và chẳng mấy ai nhắc đến ông ấy như một nhà hảo tâm? Ông Jobs xem ra là ông Ác?
Ấy là một số hình ảnh mà bá tánh “chụp” được qua các hoạt động ngoài đời của các nhân vật nổi tiếng, còn những lúc riêng tư thì sao? Họ có quyết liệt cạnh tranh và thủ đoạn như khi làm ăn buôn bán hay không? Hay trong những con người ấy cũng có lúc nóng lúc lạnh, khi Thiện khi Ác, thay đổi như thời tiết bốn mùa? Và khi thay đổi, chuyển dịch như thế thì Thiện hay Ác cũng chỉ là một thời điểm nào đó trong cuộc đời con người? Kết luận về Thiện, Ác do đó cũng chỉ là điều tương đối?
http://baotreonline.com/Chuyen-muc-tre/Tap-ghi/ong-thien-ong-ac.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét