Nghịch lý tăng trưởng
Tư Giang - Một dấu hiệu không đồng điệu với tăng trưởng kinh tế là trào lưu doanh nghiệp tư nhân phá sản. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, chỉ trong chín tháng năm 2015 số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể lên tới 54.566, tương đương cả năm 2011 và 2012. Mà xu hướng này vẫn chỉ là tiếp nối khi năm 2013 có khoảng 60.000, năm 2014 khoảng 67.800 doanh nghiệp đã phá sản, giải thể. Điều này cho thấy, kinh tế ngày càng phải dựa vào vốn FDI. Vì sao kinh tế tăng trưởng mà doanh nghiệp nội ngày càng ra rìa, teo tóp đi?
Trong khi chi đầu tư phát triển bị co lại, thì các dự án giao thông
theo hình thức BOT, BT... ngày càng nở rộ. Ảnh: Minh Khuê
(TBKTSG) - Lẽ ra, kinh tế tăng trưởng, thu ngân sách cao hơn thì nhiều chỉ số, lĩnh vực khác trong nền kinh tế - xã hội cũng phải tốt hơn, song tiếc thay, có hàng loạt vấn đề mâu thuẫn, tương phản lại xuất hiện.Bước vào kỳ họp thứ 10 của Quốc hội lần này, Chính phủ có hai thành tích nổi trội để báo cáo: tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong năm năm qua, và thu ngân sách nhà nước (NSNN) tăng 7% so với cùng kỳ.
Tốc độ tăng GDP chín tháng đầu năm đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ bốn năm trước. Chính phủ nhìn nhận, nền kinh tế phục hồi khá rõ nét và đạt tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn so với dự báo trước đây. Đó là một tín hiệu tốt sau một thời gian dài kinh tế trầm lắng.
Kinh tế tăng trưởng được thể hiện phần nào trong thu NSNN, bất chấp giá dầu thô sụt giảm. Báo cáo của Chính phủ cho biết, tổng thu NSNN thực hiện chín tháng ước đạt 683.000 tỉ đồng, bằng 75% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ. Đây là điều đáng mừng khi giá dầu thô hiện dao động trong khoảng 46 đô la Mỹ/thùng từ đầu quí 3 đến nay, giảm hơn một nửa so với ước tính.
Lẽ ra, kinh tế tăng trưởng, thu ngân sách cao hơn thì nhiều chỉ số, lĩnh vực khác trong nền kinh tế - xã hội cũng phải tốt hơn, song tiếc thay, có hàng loạt vấn đề mâu thuẫn, tương phản lại xuất hiện.
Đầu tiên là bội chi ngân sách. Thực hiện Nghị quyết số 78/2014/QH13 của Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch vay nợ với tổng khối lượng là 436.000 tỉ đồng, trong đó 226.000 tỉ để bù đắp bội chi; 85.000 tỉ cho đầu tư và 125.000 tỉ đồng để đảo nợ.
Bội chi cao thì lẽ ra phải tăng chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng và tăng chi cho ít nhất là hai loại dịch vụ công cơ bản là y tế và giáo dục. Nhưng thực tế không như vậy.
Trong chín tháng đầu năm, tổng khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) là 127.473 tỉ đồng, bằng 51% kế hoạch năm. Trong khi đó, khối lượng thanh toán gốc và lãi TPCP trong chín tháng đầu năm 2015 là 160.684 tỉ đồng. Như vậy, trong chín tháng đầu năm 2015, khối lượng vốn huy động mới từ phát hành TPCP thiếu hụt 33.211 tỉ đồng để thanh toán trả nợ khối lượng gốc và lãi TPCP đến hạn. Theo ước tính, nếu không được phát hành TPCP kỳ hạn ngắn (theo nhu cầu của thị trường) thì dự kiến cả năm 2015 chỉ huy động được khoảng 160.000 tỉ đồng, hụt 90.000 tỉ đồng so với kế hoạch.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt này, Chính phủ đang đề nghị Quốc hội cho phát hành TPCP kỳ hạn dưới năm năm.
Tình trạng bội chi NSNN là rất đáng quan ngại, nó không chỉ xuất hiện trong năm nay mà tích tụ từ nhiều năm qua, khi bội chi luôn bằng ít nhất 5% GDP. Mục tiêu bội chi giảm xuống còn 4,5% GDP, như Quốc hội đã yêu cầu, đã không thể đạt được, làm nợ công ngày càng tăng cao.
Quan trọng hơn, như nhiều nhà kinh tế nhận xét, tình trạng gia tăng bội chi, và nợ công ngày càng dày lên và không có điểm dừng. Ngay trong số liệu trên xuất hiện tình trạng sử dụng một phần bội chi cho chi thường xuyên và trả nợ, vi phạm ngay Luật NSNN vừa được thông qua chưa ráo mực. Quốc hội là cơ quan giám sát cao nhất phải có trách nhiệm trong việc này.
Bội chi cao thì lẽ ra phải tăng chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng và tăng chi cho ít nhất là hai loại dịch vụ công cơ bản là y tế và giáo dục. Đây là điều bất kỳ nhà nước nào - nhất là Nhà nước của dân, do dân và vì dân - đều phải làm vì lợi ích của người dân, những người đóng thuế. Đáng tiếc thay, không thấy Nhà nước tăng chi cho những lĩnh vực công cơ bản này, mà ngược lại, đang đưa ra nhiều loại phí, lệ phí để tận thu từ người dân.
Số liệu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, tổng chi đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2011-2015 bằng khoảng 18,1% so với tổng chi NSNN, giảm mạnh so với 25% trong tổng chi NSNN giai đoạn 2006-2010. Điều này cho thấy phần rất lớn còn lại dùng để chi thường xuyên, chi trả nợ để nuôi bộ máy nhà nước ngày càng phình to.
Trong khi chi đầu tư phát triển bị co lại, thì các dự án giao thông theo hình thức BOT, BT... ngày càng nở rộ. Theo Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải của Bộ Giao thông Vận tải, vốn huy động ngoài ngân sách tăng mạnh trong giai đoạn từ 2011 đến nay, từ mức 8.787 tỉ đồng năm 2011 tăng lên 41.300 tỉ đồng năm 2014 và 41.980 tỉ đồng năm 2015. Tốc độ tăng trưởng của vốn huy động ngoài ngân sách tăng tới gần 48% mỗi năm trong giai đoạn này, và “tăng cao nhất” so với các nguồn vốn khác.
Đây là một điều tốt, nhưng ngược lại, cũng có những tác dụng ngược. Điều này thể hiện ở chỗ, hàng chục trạm soát vé BOT “băm nát” quốc lộ 1A, hay đang “bao vây” khắp Hà Nội, TPHCM là các trung tâm kinh tế lớn. Các nhà đầu tư tư nhân đã bỏ ra 35.000 tỉ đồng để lập tới 17 trạm thu phí dọc quốc lộ 1A - con đường huyết mạch của nền kinh tế.
Số tiền 35.000 tỉ đồng không đáng là bao nếu so với tổng chi ngân sách. Vì sao tăng bội chi, tăng thu ngân sách mà Nhà nước lại thiếu hụt khoản tiền này để nay gánh nặng phí, lệ phí giao thông đang dồn sang người dân, doanh nghiệp? Vì sao Quốc hội, các vị đại biểu không làm tốt chức năng giám sát của mình trong bối cảnh này?
Thêm vào đó là tình trạng học phí, viện phí đang trong quá trình tăng rất nhanh ở mọi nơi, mọi cấp. Người ta có thể đặt câu hỏi, vì sao thu ngân sách tăng cao mà không tăng chi cho hai dịch vụ công là y tế, giáo dục vốn thuộc trách nhiệm của Nhà nước?
Một dấu hiệu không đồng điệu với tăng trưởng kinh tế là trào lưu doanh nghiệp tư nhân phá sản. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, chỉ trong chín tháng năm 2015 số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể lên tới 54.566, tương đương cả năm 2011 và 2012. Mà xu hướng này vẫn chỉ là tiếp nối khi năm 2013 có khoảng 60.000, năm 2014 khoảng 67.800 doanh nghiệp đã phá sản, giải thể. Điều này cho thấy, kinh tế ngày càng phải dựa vào vốn FDI. Vì sao kinh tế tăng trưởng mà doanh nghiệp nội ngày càng ra rìa, teo tóp đi?
http://www.thesaigontimes.vn/137324/Nghi%CC%A3ch-ly%CC%81-tang-truo%CC%89ng.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét