ĐH Đảng bộ: nơi các nhân tài đất Việt lên ngôi
Quỳnh Hương - ĐH Đảng bộ tỉnh thành đang diễn ra cả nước là nơi nhiều “nhân tài đất Việt”, nằm trong quy trình “truyền thống lãnh đạo” được lên ngôi. Dân cứ thế mà bức xúc, nhưng bức xúc mà Sở Nội vụ, Bộ Nội vụ và các quan tỉnh thành kết luận “đúng quy trình” thì dân lại càng bức xúc, bức xúc nhất là họ không có bất kỳ quyền gì trong kiểm tra, giám sát câu chuyện đề bạt, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ trẻ kiểu này.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2015-2020. Ảnh: Tấn Lộc
Nhân tài nở rộKhác với sự lùm xùm xoay quanh Giám đốc Sở 30 tuổi ở Quảng Nam khi ông này thiếu các tiêu chuẩn cụ thể của chức danh Giám đốc sở theo Quyết định số 82/QĐ-BNV ngày 17/11/2004 của Bộ Nội vụ bao gồm, ngạch chuyên viên chính; lý luận chính trị cao cấp; quản lý hành chính ngạch chuyên viên chính; 5 năm công tác ngành… Ông Huỳnh Thanh Phong, GĐ Sở Công thương Hậu Giang, con trai nguyên Bí thư Hậu Giang được bầu vào Ban chấp hành đảng bộ tỉnh khoá 13 đã bình lặng hơn với việc đạt 70,36% phiếu bầu.
Tiếp đó, vào sáng ngày 16/10, ông Nguyễn Minh Triết, 25 tuổi, là người trẻ tuổi nhất được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Triết khác với ông Phong ở chỗ là, người cha của mình ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn đương nhiệm.
Tại thành phố đáng số nhất nước – Đà Nẵng; Đại hội Đảng bộ thành phố cũng vừa kịp bầu ông Nguyễn Xuân Anh, Phó bí thư thường trực Thành ủy giữ chức Bí thư thay ông Trần Thọ. Sau khi giới thiệu về mặt lý lịch, trong đó nhấn mạnh ông Xuân Anh là vị Bí thư Thành ủy trẻ tuổi nhất nước. Thì các báo cũng không quên nhắc cho độc giả nhớ về “gia thế” của ông Anh, khi cho biết, ông là con trai của nguyên Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Đảng Nguyễn Văn Chi.
Bên cạnh đó, Nguyễn Bá Cảnh, con trai của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cũng được Đại hội bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 – 2020.
......
Tất cả là đúng quy trình!
Như dù Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cố gắng “tiếp sức” cho vụ thanh tra đúng quy trình của cơ quan mình khi cho biết, các vị lãnh đạo trẻ lần này phải được nhìn vào năng lực, phẩm chất và trình độ của cán bộ, không nên quan tâm nhiều đến “gốc gác”, xuất thân gia đình. Thì dân vẫn bán tín, bán nghi gốc gác trong cái xã hội mà “con quan lại được lại quan” – ảnh hưởng từ hào quang, địa vị chính trị của người cha, do đó, báo chí với nhiệm vụ “Diễn đàn của nhân dân” vẫn phải nhắc về mặt lý lịch, và mỗi lần nhắc.
Đất Việt “lên ngôi”?
Câu chuyện lãnh đạo xứ ta vẫn xoay quanh các chữ như: đào tạo nguồn; quy hoạch nguồn; bổ nhiệm nguồn… Cái “nguồn” nó quan trọng ở điểm, là nó là “nhân tài” theo diện “truyền thống gia đình; nó đảm bảo tiêu chuẩn thép trong lãnh đạo là “cơ yếu lý lịch”, và nó thể hiện đặc sắc quyền lực “quan” ở xứ ta không chỉ tại nhiệm và cả lúc về hưu – liên quan đến “lợi ích nhóm”.
Thế nên, báo chí cứ mỗi lần viết tin về chuyện thăng tiến của các “nhân tài đất Việt” trong chính trị, lại chỉ viết về gia thế, về “tiến nhanh trong quan lộ” thay vì năng lực thực sự của mỗi người trong thời kỳ đảm nhiệm vị trí, chức vụ.
Nhiều người đặt câu hỏi, về việc Bộ nội vụ có về kiểm tra các trường hợp nêu trên không? Nhưng sau đó, họ tự trả lời rằng, điều đó là không cần thiết, vì đúng quy trình, bởi các tỉnh đã rút được kinh nghiệm từ “bài học” Quảng Nam. Và cũng bởi, Quảng Nam dù sai sờ sờ ra đấy, nhưng vẫn được cho là “có quy trình”, trong khi các tỉnh thành còn lại biết cách “giữ kín” hơn thì không đúng quy trình sao được?
Có độc giả bức xúc mà cho rằng, ở đây dân không phải quan tâm con ai được bổ nhiệm, mà việc bổ nhiệm – thăng chức quá nhanh có phù hợp với năng lực bản thân “con cháu lãnh đạo” hay không? Hay chỉ đơn thuần là một sự “dựa hơi”, dần thành ra “cán bộ trẻ” đua nhau ra đời, mà đằng này thăng quan tiến chức không còn đi bằng đường quốc lộ 1A nữa, mà chuyển sang hẳn cao tốc, trong khi con cháu các tầng lớp khác như nông dân, công nhân thì phải chịu khó đi đường đồi núi trong chính trị. Đó là cách ưu ái cho nhân tài chính trị đất Việt chăng?
Dân cứ thế mà bức xúc, nhưng bức xúc mà Sở Nội vụ, Bộ Nội vụ và các quan tỉnh thành kết luận “đúng quy trình” thì dân lại càng bức xúc, bức xúc nhất là họ không có bất kỳ quyền gì trong kiểm tra, giám sát câu chuyện đề bạt, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ trẻ kiểu này.
Bởi quyền lực thuộc về tầng lớp quan lại trong cái thể chế “của dân, do dân, vì dân”, cũng giống như cái khẩu hiệu trêu ngươi trong ĐH Đảng bộ tỉnh thành, trung ương là “Đoàn kết – Dân chủ – Trí tuệ – Đổi mới – Phát triển” nhưng thực chất ra là “Đoàn kết trong đưa người của ta lên”; Dân chủ dành cho “con cháu quan Bí thư, Chủ tịch”; Trí tuệ là vạn sự sai đều được hóa giải “đúng quy trình”; Đổi mới tức là học tập kinh nghiệm để đảm bảo quy trình con cháu lên hợp lý hơn, và “Phát triển” là tạo điều kiện cho con cháu lão thành cách mạng, lãnh đạo các cấp chính quyền được tiếp tục nắm quyền.
Cái xứ sở không độc tài gia đình trị như Bắc Triều Tiên, nhưng nhìn vào ĐH Đảng bộ, hay ĐH Đảng với lớp nhân sự trẻ, nhân sự lãnh đạo sẽ thấy ở đó,”mỗi gia đình là 1 Bắc Triều Tiên”…
Dân thua, thôi đành khấn vận rằng: Được ơn mưa móc của Đảng, nên nhân tài chính trị Đất Việt như nấm sau mưa. Điềm lành đã điểm, khóa tới này dân khỏi lo phải chống tham nhũng, khỏi lo tai nạn giao thông, khỏi lo đường phố ngập nước, sẽ không còn khiếu kiện nữa …
https://giangnamlangtu.wordpress.com/2015/10/16/dh-dang-bo-noi-cac-nhan-tai-dat-viet-len-ngoi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét