Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Chúng ta có dám thừa nhận yếu kém?

Chúng ta có dám thừa nhận yếu kém?
Sòng phẳng với lịch sử, sòng phẳng với chính thực tiễn kinh tế để từ đó mới mong tìm ra đường hướng, giải pháp. Đó cũng chính là khẳng định chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật, vào những yếu kém, bất cập mới để khắc phục và đi tới.

Ảnh: Trần Chánh Nghĩa
30 năm đổi mới vừa qua không phải là dài so với lịch sử dân tộc nhưng không phải là quá ngắn để một quốc gia không chỉ đưa ra đường hướng phát triển, mà còn có thể gặt hái được nhiều thành tựu trong thực tiễn. Nhiều nước trong khu vực nếu so sánh cùng điều kiện điểm xuất phát như VN nhưng chỉ sau 30 năm họ đã có bước đi thần kỳ. Vậy VN ta phát triển ra sao trong vòng 30 năm qua, khi mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 cơ bản là nước công nghiệp hóa?

Về vấn đề này Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TƯ) dẫn lời cựu lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tính toán để minh chứng cho khả năng thành công và kết quả của mục tiêu công nghiệp hoá mà ta hoạch định. Theo vị cựu lãnh đạo này, nếu tăng trưởng công nghiệp đạt 11 – 20% thì đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người sẽ là 4.800 USD.

Ông Lê Đăng Doanh bình luận, nếu đúng vậy thì vẫn chưa đạt được mức 6.800 USD để được thế giới công nhận là nước công nghiệp. Còn nếu quy đổi con số 4.800 USD đó ra trung bình sức mua (PPP) để được con số cao hơn thì đó là việc tự mình dùng một cái thước đo khác với thế giới. Ông Lê Đăng Doanh còn nghi ngờ, thực tế thì làm sao có được con số tăng trưởng đó. Cho nên, kế hoạch năm năm lần này cũng như mục tiêu đến năm 2020, theo ông là sẽ khó thành công.

Dự thảo lần này lại vẫn tiếp tục đưa ra định hướng “Xây dựng nền tảng sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, vậy hướng hiện đại là gì? Cụ thể ra sao? Giải pháp dài hạn, trung hạn và ngắn hạn là gì? Nếu cứ đà này, thì kinh tế VN làm được hay không cũng vẫn thế. Khái niệm trong văn bản về hướng phát triển hiện đại 10 năm cũng đúng, hàng mấy chục năm cũng không sai.

Nếu xem xét kỹ, đáng tiếc, trong 30 năm qua bất cứ nghị quyết gì chúng ta cũng chỉ nhắc lại mục tiêu đó và khi không đạt được không thấy ai có khuyết điểm gì trong việc đề ra mục tiêu này. Và rồi cũng chẳng ai có khuyết điểm, hoặc trách nhiệm gì khi không thực hiện được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để rồi đến lần này, rất có thể do không thực hiện được mục tiêu đã định, văn kiện lại ghi rõ “Xây dựng nền tảng sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Nhưng nếu cứ theo cách làm này thì nghị quyết sẽ không có nhiều ý nghĩa trong chỉ đạo thực tiễn.

Một thực tế khách quan, trọng tâm để thực hiện mục tiêu đầy lý tưởng là công nghiệp hóa hiện đại hóa cũng chưa rõ ràng. Dựa vào đâu để có thể đi tới công nghiệp hóa? Dựa vào nội lực, hay vào sự đầu tư của nước ngoài thông qua các dự án ký kết?

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh từng dẫn ra những bất hợp lý khi Nhà nước đặt động lực phát triển công nghiệp vào hai trụ cột là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mặc dù được ưu đãi sử dụng nhiều nguồn lực, thậm chí ưu thế, tiềm lực hơn hẳn các khu vực khác, nhất là dân doanh, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm khoảng 20 – 25% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước, trong khi tỷ lệ này của khu vực dân doanh là 40% (nếu tính theo giá trị gia tăng thì chênh lệch còn lớn hơn). Theo ông Vũ Thành Tự Anh, doanh nghiệp nhà nước còn đang là nguyên nhân của các vấn đề kinh tế vĩ mô chứ không phải là giải pháp.

Một thời gian dài chúng ta đã đặt niềm tin vào các Tổng công ty 90, 91 coi đây là giải pháp và cũng là động lực để thúc đẩy công nghiệp hóa hiện đại hóa. Vinashin là một ví dụ về việc chúng ta muốn đẩy ngành công nghiệp đóng tàu ra biển lớn cạnh tranh với các nước có ngành đóng tàu tiên tiến. Rồi một loạt các tổng công ty khác được thành lập đảm nhận mũi nhọn then chốt nhưng tất cả đều không thành công bởi cách làm bước đi cách quản trị doanh nghiệp không hợp lý.

Đã đến lúc, Đảng và Nhà nước cần mạnh dạn mổ xẻ vấn đề tìm ra nguyên nhân, tìm ra giải pháp, đáp ứng yêu cầu thách thức, phát triển và hội nhập quốc tế. Sòng phẳng với lịch sử, sòng phẳng với chính thực tiễn kinh tế để từ đó mới mong tìm ra đường hướng, giải pháp. Đó cũng chính là khẳng định chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật, vào những yếu kém, bất cập mới để khắc phục và đi tới.

Ta có dám thừa nhận hay không? Cũng giống như ta đã dám nhận khuyết điểm non yếu trong đường lối phát triển nông nghiệp tập trung là hợp tác xã, để rồi từ đó mà quyết đoán chuyển sang khoán hộ, tạo bước phát triển mới.

Khi có định hướng phát triển đúng thì chắc chắn hành trình đi tới sẽ không thua kém các nước trong khu vực, và sẽ thành công. Đó cũng chính là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu của Đại hội Đảng sắp tới.

Nguyễn Đăng Tấn
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/265479/chung-ta-co-dam-thua-nhan-yeu-kem-.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét