Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

Bộ trưởng Vinh: “Nền tảng sản xuất ngày càng mất đi”

BT Bùi Quang Vinh: “Nền tảng sản xuất ngày càng mất đi”
Tư Giang lược ghi - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: "Quốc hội, Chính phủ đã làm rất nhiều cho doanh nghiệp, ví dụ cải cách hành chính, Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rồi ban hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư,… và tôi đang đề nghị làm luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ." Ảnh: TLTBKTSG

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: "Làm sao phải giải phóng được tư tưởng, cho mua bán đất. Phải mạnh mẽ lên vì đây là lực cản của đất nước rồi. Cho tích tụ đất đai để doanh nghiệp đứng ra sản xuất." Ảnh: TH

(TBKTSG Online) - Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã dốc “gan ruột” nói về những điều ông trăn trở trong phát triển kinh tế đất nước tại buổi thảo luận ở tổ ngày 22-10 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016. TBKTSG Online lược ghi.

Kinh doanh chộp giật


Trong chuyến thăm châu Âu vừa rồi, một nhà báo của BBC Anh tại Luân Đôn, hỏi tôi, "với tư cách là bộ trưởng kinh tế tổng hợp, ngài có điều gì băn khoăn nhất?" Tôi trả lời, điểm băn khoăn nhất trong đáy lòng tôi là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Một đất nước muốn tự chủ kinh tế thì doanh nghiệp của nước đấy phải phát triển. Doanh nghiệp nội địa phát triển thì mới hỗ trợ cho khu vực FDI, và tiếp thu công nghệ của nước ngoài... Nhiều doanh nghiệp FDI, như Nhật Bản, muốn chuyển giao công nghệ, nhưng doanh nghiệp chúng ta không có nền tảng để nhận. Chúng ta kêu ca doanh nghiệp FDI không chuyển giao công nghệ là do có hai mảng. Thứ nhất họ không chuyển giao, và thứ hai, họ có chuyển giao thì chúng ta cũng không có đủ năng lực tiếp nhận.

Một nền kinh tế không có lực lượng doanh nghiệp mạnh thì không thể là nền kinh tế mạnh, càng không phải là nền kinh tế tự chủ, bị phụ thuộc rất nhiều. Cho nên đây là điều trăn trở bậc nhất. Chúng ta đã làm rất nhiều, nhưng thực tế là doanh nghiệp chúng ta còn rất yếu, quy mô nhỏ, đầu tư sản xuất ít, phần lớn làm dịch vụ. Đó là bức tranh doanh nghiệp Việt Nam. Mua bán, ăn xổi các kiểu, kinh doanh chộp giật. Còn những nền tảng sản xuất chính ở Việt Nam như công nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo chúng ta làm rất ít. Những nhà máy như Nhà máy ô tô 3-2, Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo trước đây, bây giờ vắng bóng, biến thành các đô thị hết. Thời bao cấp chúng ta còn có rất nhiều nhà máy cơ khí, làm nhiều việc lớn. Bây giờ tất cả các nơi đó biến thành khu đô thị. Sản xuất nền tảng của đất nước ngày càng mất đi. Đó là điều rất đáng lo lắng.

Không phải chúng ta phải bắt đầu từ công nghiệp cơ bản để đi lên đâu. Vấn đề là nước nào cũng cần nền tảng công nghiệp, nhất là cơ khí chế tạo, thì mới tạo ra máy cái để sản xuất. Đó là những điều rất lo lắng. Nhìn lại doanh nghiệp toàn kinh doanh buôn bán, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn. Đây toàn là doanh nghiệp nhỏ, không có doanh nghiệp lớn để làm ăn bài bản. Đây là vấn đề tôi trăn trở bậc nhất.

Vì thế, năm 2014, phát biểu trước Quốc hội tôi đề nghị năm 2015 là năm của doanh nghiệp. Quốc hội, Chính phủ đã làm rất nhiều cho doanh nghiệp, ví dụ cải cách hành chính, Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rồi ban hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư,… và tôi đang đề nghị làm luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thực chất doanh nghiệp vừa và nhỏ là doanh nghiệp tư nhân. Cho nên, doanh nghiệp tư nhân là cái trăn trở nhất,
và tôi nghĩ Chính phủ, Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2020 phải nhấn mạnh điều này. Tôi đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội có mục rõ về điều này để đưa ra mục tiêu phát triển doanh nghiệp tư nhân trong 5 năm tới. Đó là mục tiêu lớn nhất của nhiệm kỳ, và trăn trở nhất của tôi.

Con trâu đi trước, cái cày theo sau


Trăn trở thứ hai tôi trả lời nhà báo đó, là Việt Nam là một đất nước nông nghiệp. Tôi có thể nói về nông thôn cả ngày. Khí hậu, đất đai và tài nguyên cho nông nghiệp rất lớn, chúng ta có rất nhiều loại nông sản với sản lượng đứng đầu thế giới, nhưng giá trị gia tăng thì vô cùng thấp. Chúng ta có nền nông nghiệp hết sức thô sơ.
Nhìn lại bao nhiêu năm, nông nghiệp bây giờ vẫn còn tình trạng con trâu đi trước cái cày theo sau. Ruộng của chúng ta chia manh mún, bé tí, từ máy bay nhìn xuống, ruộng, kể cả ở đồng bằng sông Cửu Long, chia nát bét, ô ruộng bé tí bằng căn nhà này thôi. Ngày xưa ruộng thẳng cánh cò bay thì bây giờ nó đã phân đất cho hộ gia đình tự cứu lấy mình trong giai đoạn trước, bây giờ nó đang cản trở lại nền sản xuất lớn.
Tại sao Việt Nam phải nhập ngô, đậu tương mà anh Cự (Võ Kim Cự, đại biểu Hà Tĩnh) nêu ra, câu trả lời đơn giản thôi: kinh tế thị trường điều tiết. Một cân ngô và một cân đậu tương ở Việt Nam đắt gấp ba lần so với Mỹ sản xuất. Cánh đồng của họ thẳng cánh cò bay, một công lao động bằng máy móc bằng 1.000 người Việt Nam, nên giá thành ngô của họ chỉ bằng một phần ba giá thành ngô Việt Nam. Cho nên họ có sức cạnh tranh. Và doanh nghiệp chỉ mua của người bán rẻ.

Tôi nói điều đó để thấy khi chúng ta hội nhập sẽ phải đối diện với thách thức về cạnh tranh. Chúng ta mở cửa, không chuẩn bị kỹ, thì nông nghiệp là mảng bị tổn thương lớn nhất. Cái đó ai cũng biết. Nhưng làm sao để vực dậy nền nông nghiệp, khai thác nông nghiệp thành trụ đỡ nền kinh tế này là vấn đề cực kỳ quan trọng của đất nước. Tôi nghĩ Nghị quyết của Quốc hội, nếu chủ tịch Quốc hội có cho ra nghị quyết, cần nhấn mạnh đến hai lĩnh vực này.

Tư tưởng của tôi là phải nhấn mạnh hai lĩnh vực này trong 5 năm tới.
Phải tìm cách nào để ngành nông nghiệp đi vào chất lượng, canh tác quy mô lớn, không canh tác hộ gia đình, phải có chủ trương về tích tụ đất đai. Làm sao phải giải phóng được tư tưởng, cho mua bán đất. Phải mạnh mẽ lên vì đây là lực cản của đất nước rồi. Cho tích tụ đất đai để doanh nghiệp đứng ra sản xuất. Tôi đi Malaysia, ngồi từ máy bay nhìn xuống, đồn điền dầu cọ của họ hàng mấy trăm vạn hecta. Họ làm rất năng suất, còn chúng ta đất nông nghiệp cứ chia nhỏ ra.

http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/137410/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét