Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

Lẩy Kiều và quan hệ Việt - Mỹ

Lẩy Kiều
Sau Tổng thống Bill Clinton tới Phó Tổng thống Joe Biden. Mới đây nhất cụ Tiên Điền có sống lại cũng không thể ngờ từ bên trời Tây, Phó Tổng thống của một siêu cường lại có thể lẩy Kiều hay và chuẩn xác như vậy: “Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời.” Đầu ngõ sương đã tan, mây cuối trời rồi sẽ được vén lên để lộ ra tương lại tươi sáng của mối tình Việt Mỹ.
truyenkieu-622.jpg
                                                          Hình minh họa Truyện Kiều.
Sáng tạo cho riêng mình
Trong văn hóa Việt Nam một hiện tượng độc đáo chưa từng xuất hiện ở các nước khác là bắt đầu từ một cuốn truyện đã làm từ người bình dân cho tới trí thức lại mê mẩn đến nỗi đem ra áp dụng từng chi tiết vào cuộc sống hàng ngày như một cách sáng tạo cho riêng mình.

Tác phẩm đó là Truyện Kiều của Nguyễn Du và cách mà người dân từ thành thị đến thôn quê dựa vào để sáng tạo cho riêng họ là một loạt cách: lẩy Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều hay tập Kiều, ngâm Kiều thậm chí nhại Kiều.

Nói về lẩy Kiều có lẽ cụ Tiên Điền đã có công rất lớn trong vai trò nối liền hai đất nước từng một thời bắn giết nhau không thương tiếc. Hai mươi lăm năm sau ngày thống nhất Tổng thống Bill Clinton đã được cụ báo mộng để có thể đứng giữa Hà Nội mà lẩy hai câu Kiều thật đắc địa:

“Sen tàn cúc lại nở hoa, sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”.

Có thể coi truyện Kiều là một tập đại thành của văn hóa Việt Nam. Nó do một nhà nho viết ra nhưng không những chỉ các nhà nho tán hưởng, yêu thích mà khắp chợ cùng quê, người dân quê Việt Nam không biết chữ không biết đọc, biết viết nhưng lại thuộc Kiều. -Phạm Xuân Nguyên

Hai câu tưởng là tả cảnh bình thường ai ngờ nó thâm thúy đến ngạc nhiên. Trong bối cảnh mới, hai câu thơ lại có một tâm trạng mới. Tổng thống Bill Clinton nhìn trời nhìn đất rồi nghĩ đến sự xoay vần của tạo hóa, sen tàn thì tới phiên cúc nở hoa hết chiến tranh thì lại hòa bình, hết đánh nhau lại làm bạn với nhau….mùa xuân sẽ tới đẩy lùi mùa đông vào dĩ vãng… chỉ hai câu thơ của Kiều mà Tổng thống Bill được người dân Việt cúi đầu ngưỡng mộ hết mức!

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói về hai câu thơ này:

“Câu Kiều trong bài diễn văn của Tổng thống Bill Clinton năm 2000 đọc ngay giữa thủ đô Hà Nội: “Sen tàn cúc lại nở hoa, sầu dài ngày ngắn trông đà sang xuân” nhấn mạnh chữ Xuân, hai câu này trong đoạn Thúc Sinh sau khi vui vầy với Thúy Kiều bỗng nhớ ra mình còn có vợ là Hoạn Thư, mình phải về nhà nên: “Ngày vui ngắn chẳng tày gang” nhưng dùng ở đây để nói quan hệ Việt Mỹ nó có những cái gì? Trải qua những Thu những Đông và có sắc Xuân và chính Tổng thống Bill Clinton là người tuyên bố bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ Việt Nam.”

Truyện Kiều là sách gối đầu giường của nho sinh sĩ tử đã đành nhưng người bình dân cũng xem nó là bạn đồng hành trong đời sống. Lẩy Kiều là một phương tiện giải trí tao nhã của họ bất cứ đâu bất cứ khoảng thời gian nào. Lẩy Kiều thông thường nhất là lấy hai câu 6-8 áp dụng vào hoàn cảnh xảy ra trước mắt hay lấy một câu sáu hoặc tám rồi thêm vào câu của chính mình tạo lý thú cho sự áp dụng vào hoàn cảnh mới. Cách làm này được cả xã hội hoan nghênh và người ta theo nhau áp dụng trong đời sống thường nhật.

“Có thể coi truyện Kiều là một tập đại thành của văn hóa Việt Nam. Nó do một nhà nho viết ra nhưng không những chỉ các nhà nho tán hưởng, yêu thích mà khắp chợ cùng quê, người dân quê Việt Nam không biết chữ không biết đọc, biết viết nhưng lại thuộc Kiều. Nó trở thành như một cuốn Thánh kinh của người Việt. Người ta thuộc Kiều, người ta đọc Kiều và từ đó nó sản sinh ra văn hóa Kiều.

Cựu Tổng thống Bill Clinton trong chuyến công du Việt Nam ngày 17-11-2000. AFP PHOTO
 Cựu Tổng thống Bill Clinton
trong chuyến công du Việt Nam ngày
17-11-2000. AFP PHOTO
Từ truyện Kiều của Nguyễn Du người ta dùng để bói Kiều, người ta tập Kiều người ta vịnh Kiều người ta lẩy Kiều. Cuốn truyện này vượt ra số phận của Thúy Kiều và những nhân vật chung quanh Thúy Kiều như Từ Hải như Kim Trọng thì ma lực của con chữ người ta thấy là mọi cảnh ngộ của đời sống, mọi cảnh ngộ của thân phận con người, mọi hạnh phúc khổ đau đều có thể lấy truyện Kiều ra ứng vận vào. Cho nên gọi truyện Kiều là thánh kinh là vậy.”

TS Hán nôm Nguyễn Xuân Diện cho biết cảm nghĩ của ông về cách mà người dân sáng tạo riêng cho Kiều:

“Ở Việt Nam, như mọi người đã biết, truyện Kiều là một tác phẩm văn học nhưng đã đi sâu rộng trong đời sống nhân dân khiến những người không biết chữ nhiều người cũng thuộc lòng cả chuyện Kiều; và có vịnh Kiều, có bói Kiều, có lẩy Kiều.....Thế thì lẩy Kiều nằm trong văn mạch truyền thống của người Việt Nam xưa và kể cả ngày nay nữa. Khi gặp một cảnh ngộ nào đó, một tình huống nào đó thì người ta đọc lên một câu Kiều để mà vận vào phong cảnh, vận vào tình huống đó. Hai câu “Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời.” mà được ông Biden đọc lên trong bữa tiệc quốc yến cho thấy là nước Mỹ là một nước tuy chỉ có 200 năm lịch sử nhưng người ta đã có những vị tổng thống, các nhà lãnh đạo am hiểu về các truyền thống văn học khác nhau. Đặc biệt, đứng trước một bữa tiệc để tiếp một vị quốc khách mà các nhà lãnh đạo của nước Mỹ đã thể hiện sự tôn trọng lớn đối với vị khách của mình. Có thể là ông đã đọc và cũng có thể ông ấy đã được một nhóm tư vấn nào đó khiến ông đọc câu thơ Kiều rất là hay.”

Đóng góp thêm cho một tác phẩm vĩ đại

Sau Tổng thống Bill Clinton tới Phó Tổng thống Joe Biden. Mới đây nhất cụ Tiên Điền có sống lại cũng không thể ngờ từ bên trời Tây, Phó Tổng thống của một siêu cường lại có thể lẩy Kiều hay và chuẩn xác như vậy:

“Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời.”

Đầu ngõ sương đã tan, mây cuối trời rồi sẽ được vén lên để lộ ra tương lại tươi sáng của mối tình Việt Mỹ.

Mối tình đó chắc chắn ban đầu sẽ khác hẳn mối tình với cô nàng phương Bắc còn tương lai có ra sao thì hạ hồi phân giải. Nguyễn Du cũng nào biết tương lai của Kiều ra sao khi 15 năm đoạn trường qua đi nhưng nàng vẫn cương quyết không cho Kim Trọng nắm tay mà chỉ cho đứng xa xa đánh cờ, uống trà cho đỡ tiếc.

Tôi cứ nghĩ rằng là giá như ông Lê Khả Phiêu hồi ấy và ông Nguyễn Phú Trọng hôm nay, trong những tình huống vui vẻ, đầm ấm của mối quan hệ đang được mở ra như thế mà cũng lẩy vài câu Kiều thì hay biết nhường nào. -TS Nguyễn Xuân Diện

Chúng tôi vô cùng thú vị khi được biết trong bữa tiệc quốc yến do nước Mỹ tổ chức chiêu đãi Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, ngài phó Tổng thống Mỹ khi kết thúc bài phát biểu trong bữa tiệc chiêu đãi có đọc hai câu Kiều:

“Trời còn để có hôm nay.
Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời.”

Điều đấy để lại sự thích thú, thú vị lắm trong những người dân quan tâm đến chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng cũng như trong báo chí.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên chia sẻ về việc người hâm mộ tác phẩm Kiều có những đóng góp thêm cho tác phẩm vĩ đại này

“Truyện Kiều được coi là kiệt tác của văn học Việt Nam của đại thi hào Nguyễn Du mà năm nay kỷ niệm 250 năm ngày sinh của ông. Thúy Kiều có một địa vị mà kể từ khi được Nguyễn Du sáng tác ra cách đây 200 năm thì được coi như cuốn thánh kinh của người Việt. Mặc dù truyện Kiều dựa trên một tác phẩm văn xuôi của tác giả người Trung Quốc nhưng khi Nguyễn Du chuyển nó sang tiếng Việt bằng chữ Nôm với thể thơ dân tộc là lục bát thì có thể nói nó là tác phẩm được lưu truyền hơn cả. Nó thỏa mãn được những người học thức, nhà nho cho đến những người dân quê không biết đọc không biết viết không biết chữ, nhưng vẫn thuộc Thúy Kiều. Từ tác phẩm cụ thể hơn 3000 câu thơ nó đã sản sinh ra văn hóa Kiều.

Bằng những câu chữ đó người ta thấy như ma lực để giám định tương lai của con người. Có thể nói giùm nói hộ mọi cảnh ngộ cảnh quan tâm trạng con người: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên lạy tiên Thúy Kiều” sau những lễ khấn ấy có thể cho con xin 4 chữ cho con xin 4 câu hay cho con xin 10 câu. Từ trên xuống, từ dưới lên. Từ bên phải hay từ bên trái về tình duyên về sức khỏe, về nhà cửa về công danh sự nghiệp.”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước bữa ăn với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 07 Tháng Bảy 2015 tại Washington, DC
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước bữa ăn với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 07 Tháng Bảy 2015 tại Washington, DC

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện gợi lại việc Tổng thống Bill Clinton và tỏ ý tiếc cho hai vị TBT không nhanh nhạy trong việc ứng đối với một người ngoại quốc trong việc lẩy Kiều:

“Cách đây 20 năm khi mà Tổng thống Bill Clinton là tổng thống Mỹ lần đầu tiên đến Việt Nam và mở ra một chương mới cho quan hệ Việt-Mỹ,  trong bữa tiệc chiêu đãi do ông Tổng bí thư Lê Khả Phiêu chiêu đãi, thì ông cũng có đọc câu thơ:“Sen tàn, cúc lại nở hoa, sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”. Ông đã dẫn một câu thơ của Nguyễn Du. Chúng tôi phải nói là những người nghiên cứu về văn hóa thấy những cử chỉ đó vô cùng đẹp đẽ. Tôi cứ nghĩ rằng là giá như ông Lê Khả Phiêu hồi ấy và ông Nguyễn Phú Trọng hôm nay, trong những tình huống vui vẻ, đầm ấm của mối quan hệ đang được mở ra như thế mà cũng lẩy vài câu Kiều thì hay biết nhường nào.”

Sự tiếc rẻ này của TS Nguyễn Xuân Diện cũng như nhiều người có khi hơi oan uổng cho hai ông. Không phải ai cũng xuất khẩu thành thơ được kể cả khi thuộc làu 3254 câu thơ của Truyện Kiều. Thuộc nhưng áp dụng sai một chút thì thật là đại họa. Cái điều quan trọng nhất làm cho cả hai ông TBT tuy thuộc làu Kiều nhưng khó áp dụng vì có câu nào của cụ có bốn từ Chủ nghĩa xã hội đâu?

“Khi đứng trước một tình huống thì từng người một có thể lẩy ra những câu Kiều khác nhau. Người dân và những người có quan tâm đến chuyến đi này cũng lẩy ra những câu Kiều theo cách hiểu của người ta. Cho dù là cách hiểu trong không khí chính trị lúc này có thuận lợi hay không thuận lợi thì điều đó cũng cho thấy rằng là người dân rất quan tâm đến chuyến đi này; Và người ta cũng có những đánh giá khác nhau về cuộc tiếp tân này cũng như là mối quan hệ Việt-Mỹ như thế này.

Điều đó cho thấy rằng là truyện Kiều là tác phẩm văn học của Đại thi hào Nguyễn Du rất là vĩ đại vì nó ứng  với các hoàn cảnh khác nhau qua các góc nhìn khác nhau của các con người nhau và lại càng chứng tỏ văn hóa truyện Kiều đã đi sâu vào văn hóa của giao tiếp của Việt Nam. Rất là vui là ngài phó Tổng thống Mỹ hôm nay cũng như là ngài cựu Tổng thống Bill Clinton cách đây 20 năm đã đem những câu Kiều ra vận vào các cuộc gặp làm cho không khí thi vị. Qua những việc đó cho thấy nước Mỹ người ta ứng xử thật là tuyệt vời và thể hiện là người ta rất là tôn trọng vị khách  trong bàn tiệc đó.”

Thật khó giải thích tại sao lẩy Kiều từ một khách ngoại quốc lại làm cho người Việt thích thú đến như thế? Phải chăng điều này chứng tỏ rằng trong tận cùng sâu thẳm của mỗi người Việt Nam đều có niềm tự hào thầm kín về tác phẩm này nhất là trong hoàn cảnh mọi giá trị văn hóa, đạo đức đang có nguy cơ đảo lộn?

“Chúng tôi nghĩ là qua câu lẩy Kiều của ông phó Tổng thống Mỹ trong cuộc tiếp đối với ông Nguyễn Phú Trọng mà được báo chí người ta rầm rộ, người ta ghi lại cũng là một cách hay. Biết đâu ông ấy lại nhắc cho văn hóa và giáo dục Việt Nam những người nào chưa biết hoặc những bạn trẻ nào chưa biết thì nay biết đến truyền thống của ta cũng nên.

Truyện Kiều nằm trong nguồn mạch của dân tộc rồi. Dù ít, dù nhiều thì mỗi người ViệtNam-Ở thôn quê cũng như ở thành phố người ta cũng có những quyển truyện Kiều. Đặc biệt, ở Việt Nam cũng mừng là cuốn Kiều được các nhà xuất bản in đi in lại rất là nhiều. Cũng đã có những cuốn sách người ta nói về cách tập Kiều, cách vịnh Kiều, các bói Kiều. Nếu mọi người có quan tâm đến văn hóa Việt Nam thì người ta sẽ tỉm đọc để cùng hiểu và cùng đem truyên Kiều vào đời sống này trong những cảnh huống khác nhau  thì cũng hy vọng thôi ạ.”

Dù sao trong không khí rộn rã của niềm hy vọng bâng quơ vào sự thay đổi của Việt Nam những câu Kiều được lẩy trong một bữa đại tiệc như thế sẽ đi vào lịch sử, nếu may mắn hơn, từ hai câu Kiều này mà lịch sử sang trang thì công đầu phải nói là của cụ Tiên Điền nhà mình.

Mặc Lâm
(RFA)
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/re-create-from-kieu-ml-07112015080353.html

1 nhận xét:

  1. Bác cả nhà ta cỏ vẻ hơi bị dốt Kiểu chứ nếu ở địa vị tôi, sau khi vị phó Tổng thống Mỹ Joe Biden lẩy kiều, thì tôi đáp ngay (lẩy kiểu nhưng đã có sửa đổi 2 chữ cuối của câu 6) như sau:
    Xưa này trong đạo... Ta bà
    Chữ Trinh kia cũng có ba bảy đường...
    xem nào!...
    Hẳn phía Mỹ họ còn mừng đến bủn rủn cả tay chân lên ấy cơ mà chứ lỵ. Có phỏng?...

    Trả lờiXóa