Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Người đàn bà đi bán chổi

Người đàn bà đi bán chổi 
Duy Thức/Người Việt - Chổi đót hay chổi chít làm bằng bông đót mọc nhiều ở miền núi Tây Nguyên. Mùa hái đót thường từ sau Tết trở đi. Người dân thường hái khi đót còn non, xanh và chưa nở hoa, sau đó phơi khô, dùng để làm chổi và một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

Người phụ nữa bán chổi rong qua các xóm ở Sài Gòn. 
(Hình: Duy Thức/Người Việt)
Thân cứng, đầu như chùm rơm vàng. Bông đót từ lúc đem về đến lúc thành cây chổi phải qua nhiều giai đoạn. Đầu tiên là vuốt gọn rồi phạt ngang cho bằng. Phụ nữ dọng bó đót xuống đất ngay đầu ngay đuôi rồi giao đàn ông khỏe tay cột chặt thành bó, quấn dây nhựa hay dây kẽm quanh thân thật chắc. Tỉa tót lại gọn gàng cho ra cây chổi trước khi xếp thành chục, thành trăm giao cho các mối bán sỉ hay bán lẻ.


Mỗi cây chổi giá bốn chục ngàn. Nếu ta trả giá ba mươi lăm ngàn họ cũng bán. Chổi đót mua về không dùng ngay được mà phải đập mạnh trên nền đất cho ra sạch hết phấn bông còn dính ở đầu thì mới dùng được.

Chổi đót ở Sài Gòn, thịnh thời của nó là xóm chổi ở phường 4 quận 6 ngày nay. Trước kia, chổi này bán rất chạy. Sau này vì có quá nhiều kiểu chổi mới ra nên nghề bó cọng đót trở nên bán khá chậm. Xóm chổi quận 6 hầu hết bỏ nghề đi làm nơi khác. Còn một số giữ nghề, phần nhiều là đàn bà con gái, vừa giữ con giữ cháu làm việc nội trợ, vừa làm chổi kiếm thêm đồng vô đồng ra ở tại nhà. Mỗi người cũng kiếm được khoảng năm, bảy chục một người.

Tôi gặp người đàn bà Quảng Nam ngoài sáu mươi tuổi, thỉnh thoảng dẫn chiếc xe đạp chất đầy chổi đủ màu sắc đi bán. Xưa kia toàn chổi đót, chổi xể... nhưng nay chổi đủ loại, đủ cỡ. Khi tôi gọi lại định mua một cây chổi quét nhà thì chị ta dông dài giới thiệu từng món.

- Trước đây tôi chỉ bán các loại chổi làm từ nguyên liệu thiên nhiên như chổi chà cán dài để quét đường, chổi nhỏ quét bàn thờ, tủ sách... chổi chà làm bằng nhánh dừa nước để quét sân chứ mặt sân, mặt đường nhám sạn đâu thể dùng chổi đót giống như chổi rơm quét vài lần rụng cọng hết.

Thanh hao nhiều cành nhánh nhỏ đâm tua tủa. Dân quê nhổ lên đem về bó làm chổi như loại chổi chà để quét rác quét lá trong vườn hay ngoài đường lớn cát sỏi cho dễ. Công nhân vệ sinh quét đường bằng chổi tre hoặc chổi thanh hao do công ty phát. Tôi không bán loại ấy vì cồng kềnh quá. Ngày xưa người ta còn dùng tàu cau, tàu dừa để làm chổi quét khá bền dù lắm người quét tánh tình cộc cằn quét vung mạnh cây chổi.

Nghe chị nói hơi lạ tai, tôi hỏi:

- Chị để ý gì về người cầm chổi quét không?

Chị ta trả lời:

- Lắm người cầm chổi quét dưới đất thì ít mà đánh đưa cây chổi lên không khí thì nhiều khiến cho bụi rác bay hất vung trong gió qua nhà người ta rất khó chịu.

Chị bán hàng rút cây chổi lông gà ra mời. Thứ này rẻ hơn. cán ngắn gọn để quét bụi, quét sạch bàn ghế ở các nhà phú hộ ngày xưa. Ở những nhà đó ngoài việc dùng khăn lau sạch, chà láng mấy bộ salon, người ta còn dùng chổi lông gà để quét bụi đồ đạc trong nhà: bàn ghế, giường tủ... vì đặc tính của nó là không bám bụi và không thấm nước. Chổi lông gà nối sào dài, mỗi cây dài khoảng ba mét để quét mạng nhện tường và trần nhà trên cao vào ngày Tết.

Ngày nay cũng hình dạng như thế nhưng người ta không dùng lông gà xâu chuỗi, dính vào khúc cán mây nữa mà thay thế bằng sợi nylon màu tước xơ. Nguyên liệu khác nhưng vẫn gọi là chổi lông gà. Mỗi cây chổi đó giá mười lăm ngàn.

Có loại chổi lau nhà bằng vải cuộn. Có loại bằng nhựa để quét nước đọng ngoài sân. Rửa nhà, quét nền nhà bằng chổi nhựa cán dài với mặt chổi dẹp có màu sắc tươi sáng. Cây chổi bình dị và đơn giản từ cây cỏ thiên nhiên bây giờ phần lớn cũng đã thay bằng các loại sợi nylon có vẻ tân kỳ hiện đại hơn.

Người ta mua để quét bụi bàn ghế và nếu cần thì đập bụi trên yên xe gắn máy cũng được. Giá nó là tám chục ngàn một cây. Các loại khác trung bình cỡ bốn mươi lăm ngàn. Chổi nhựa cũng có đủ loại, đủ kích cỡ dài ngắn rộng hẹp để quét mọi chỗ với đặc điểm là xốp xộp mềm mại, không ngấm nước và dùng lâu không bị rụng như chổi lá, cỏ.

Nói gì thì nói, cây chổi vẫn vô cùng hữu ích cho người ta làm sạch nhà cửa phố xá khi máy hút bụi chưa phổ biến hoàn toàn. Ngày nay các người phu quét đường thường gác những cây chổi thanh hao dài ngoằng, cán màu vàng trên vỉa hè. Ban đêm các người phu này cần mẫn quét, mỗi người một cây chổi, một khoảng đường được phân công.

Những ngày nắng khô, họ vung chổi ào ào. Quét đến đâu, nhất là buổi chạng vạng, bụi bay mù trời ngập cả đầu cổ của thực khách ngồi đầy hai bên vỉa hè. Dù vậy, dân nhậu vẫn cứ tự nhiên ăn uống trong lớp bụi bặm tung mù trời đó. Họ cóc cần phải lẩn tránh. Tuy nhiên người quen uống cà phê đêm thường tránh các buổi chạng vạng lúc công nhân vệ sinh quét đường. Khi quét xong dừng chổi, là lúc họ cũng dụm nhau lại uống cà phê, ăn nhậu như mọi người.

Trong khi nói chuyện, tôi mua một cây chổi nylon nhỏ để quét bàn ghế, cây tàu dừa quét trước hiên nhà và một cây chổi đót quét trong nhà. Tôi quên là mua cây chổi đót cầm khá nặng tay thay vì lựa cây chổi nhẹ hơn để cầm dễ quét.

Chị bán chổi Quảng Nam còn nói:

- Chổi tàu cau tàu dừa bằng cọng dừa này là ở nhà mấy đứa nhỏ bó lại cho tôi bán. Cứ bán được bao nhiêu thì gửi tiền về mua sắm sách vở quần áo cho chúng đi học. Tôi vào đây đã hơn một tháng rồi. Chắc ở nhà chúng đã bó được nhiều lắm.

Chị nói xong nét mặt như xúc động ngậm ngùi. Có lẽ chị ta đang nhớ về mấy đứa con nhỏ. Cứ ngồi ở quê thì đói lạnh. Mỗi cây chổi bó có mấy đồng nhất là loại chổi tàu cau.bó chai cả tay mà chỉ có bảy ngàn đồng một cây nên phần đông bà con miền Trung không ngồi nhà bó chổi ma đều vào Nam buôn bán. Có người đi bán ve chai, có người bán dép, có người đi bán vé số.

Mạnh ai nấy kiếm đường sống trong cái xã hôi xô bồ hỗn loạn va nóng như lửa. Cái nóng vì đời sống kiếm ăn khó khăn bực bội vây quanh trước biết bao nhiêu kẻ giàu có sống phủ phê dư dả.

Tôi hỏi chị:

- Thế ông xã chị có vào Sài Gòn không?

Chị ta như chồm lên sát mặt tôi, nói:

- Suốt ngày nhậu nhẹt, đánh mắng vợ con. Có chịu làm ăn gì đâu. Vì thế mà tôi muốn bỏ ổng từ lâu. Coi như tôi đã ly thân vậy.

Chị nói tiếp dù tôi không muốn nghe nữa. Chị bảo mấy đứa con chúng khuyên đừng ly dị với cha vì sợ người ta đàm tiếu. Bởi vậy đến giờ chị ta vẫn sống cù cưa với anh ta, buôn bán xa, đôi khi về quê với giáp mặt vài ba ngày.

Người đàn bà đi bán chổi gật đầu chào tôi và đẩy xe đi nhanh. Trời đang trưa nắng ráo chợt tối sầm lại như sắp đổ mưa. Sài Gòn mưa gió bất kỳ nhưng những con người kiếm ăn trên hè phố đã quen rồi. Chỉ khi nào bán ế mới buồn, còn cực khổ thì chẳng coi vào đâu cả.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=210857&zoneid=2#.VbbikaSqqko

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét