Chuyện người Việt ăn cắp: Những lí giải không thuyết phục
Câu chuyện người Việt bị bắt phạt vì ăn cắp ở nước ngoài dấy lên một số phản ứng khá gay gắt. Tuy đa số đều cảm thấy bức xúc và tức giận, nhưng một số không nhỏ có những phản ứng có thể nói là rất thiếu thuyết phục, nếu không muốn nói là nực cười. Trước hết là lí giải kiểu "Ở Nhật cũng có người ăn cắp" theo tôi là vô duyên nhất. Người ta đang nói chuyện người Việt ăn cắp, tự dưng chuyển sang chuyện người Nhật! Đó là một kiểu nguỵ biện gọi là "đánh tráo vấn đề" hay distraction. Thật ra, kiểu nguỵ biện đó rất thô, bởi vì đó là cách nói "Họ ăn cắp, tôi cũng có quyền ăn cắp"! Logic này rõ ràng là nghe không được, vì nó lấy cái xấu biện minh cho cái xấu.
Thật ra, câu cho rằng người Nhật cũng ăn cắp là đáng nghi ngờ. Giáo sư Gregory Pflugfelder, một chuyên gia văn hoá Nhật Bản, nhận xét rằng “ăn cắp đơn giản là không xảy ra ở Nhật Bản. Tôi thậm chí còn không chắc rằng trong ngôn ngữ Nhật Bản có từ nào để mô tả chính xác hành động này.”
Nên nhớ rằng thói ăn cắp và qui mô ăn cắp của người Việt ở Nhật đã trở thành một vấn nạn. Tôi nói vấn nạn là không quá đáng, vì gần đây có thông tin từ cảnh sát Nhật cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2013 đã có 401 vụ liên quan tới người Việt, và con số này chiếm 40% tổng số vụ ăn cắp có dính dáng đến người nước ngoài (1). Con số 40% đó không thể xem là ngẫu nhiên, là cá biệt được. Bốn mươi phần trăm là một con số mang tính quần thể, liên quan đến một cộng đồng. Thật vậy, trong con mắt của nhiều người Nhật, có lẽ họ nghĩ người Việt là một cộng đồng ăn cắp, cũng giống như một cộng đồng [xin không nói tên] ở bên Âu châu nổi tiếng ăn cắp ở những ga xe điện. Mà, ăn cắp là một thói cực kì xấu đối với bất cứ nền văn hoá nào. Một cộng đồng mà nổi tiếng ăn cắp thì chỉ có thể nói là nhục nhã.
Kế đến là phản ứng cho rằng nói ra sự thật người Việt ăn cắp ở nước ngoài là bôi nhọ dân tộc, là không có ý xây dựng. Những người này thường hay đặt câu hỏi "sao không đề ra giải pháp" như là một phản bác thích thú của họ. Nhưng đó là cách phản bác kém thông minh. Phải khẳng định rằng nói ra sự thật về thói quen tật xấu của người Việt là một cách đóng góp gián tiếp vào việc xây dựng cộng đồng tốt hơn. Chính cách nói hết và nói tất cả đó là một giải pháp, và giải pháp nó chẳng đâu xa mà nằm ngay ở mỗi cá nhân. Chúng ta không có quyền thế để thay đổi xã hội một sớm một chiều, nhưng chúng ta có khả năng thay đổi chính mình theo chiều hướng tốt hơn. Và, khi tất cả thành viên trong xã hội thay đổi tích cực thì cộng đồng cũng sẽ thay đổi theo.
Nói đến đây tôi chợt nhớ đến một câu nói của bác Cung Đình Thanh, một học giả đáng kính và người bạn vong niên của tôi. Bác Thanh kể rằng có một học giả Úc chuyên về văn hoá Việt Nam, và ông thường được mời cho ý kiến, cố vấn cho các chính trị gia cao cấp sắp đi thăm Việt Nam. Ông học giả này chuyên chỉ ra những thói hư tật xấu của người Việt và các chính trị gia cộng sản. Một hôm, bác Thanh gặp ông trong hội thảo, và phàn nàn rằng sao ông chỉ nói cái dở, cái xấu của người Việt, mà không đề cập đến cái hay, cái đẹp về văn hoá Việt Nam và người Việt. Ông học giả Úc vỗ vai bác Thanh, rồi nhẹ nhàng nói rằng: Nhiệm vụ của tôi là nói ra sự thật về những thói hư tật xấu của đối tác để chính trị gia Úc chuẩn bị; còn nói ra những cái hay, cái đẹp của người Việt là việc của các bạn chứ không phải việc của tôi.
Thật ra, thói xấu, kể cả thói ăn cắp của người Việt chẳng phải là cái gì mới; nó đã được chính sử gia người Việt ghi lại. Trong "Việt Nam sử lược" (1919) của Trần Trọng Kim, phần viết về người Việt, tác giả viết:
“Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma quỉ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tin tôn giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác …”.
Thú vị là khi cuốn sách được tái bản vào năm 1999 thì đoạn trên bị cắt bỏ!
Còn Linh mục dòng Tên J. Baldinotti nhận xét về người Việt khi ông ghé qua miền Bắc như sau: "[...] đó là những người bệ vệ dễ giao thiệp, trung thành, vui vẻ; họ không có những tật xấu như người Trung Hoa và Nhật Bản [...] Dân thường thì hay trộm cắp, vì thế người ta phạt kẻ ăn trộm ăn cắp cũng như ngoại tình bằng án tử hình."
Léopold Pallu, một sĩ quan từng đi theo đoàn quân của Phó thủy sư đề đốc Charner đánh chiếm Nam Kì đầu tiên, đã viết trong cuốn Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kì năm 1861: "Những người An Nam ta thấy lúc nào cũng hối hả đem những gì họ kiếm ra để chơi cờ bạc và hình như họ không tìm thấy sự thích thú khi gom góp của cải để làm giàu; họ có những rung cảm cao độ về cảnh nghèo khó.”
Nói “không mới lạ” vì chuyện người Việt có thói quen ăn cắp vặt từ lâu đã “nổi tiếng” ở nước ngoài. Một độc giả báo Tuổi Trẻ (13/4/2014) viết qua lời kể của thầy ông rằng 50 năm trước ở Pháp, ngay trên một bãi biển có hàng chữ “Coi chừng người ăn cắp vặt Việt Nam” (Attention aux voleurs vietnamiens).
Do đó, không ngạc nhiên khi người Việt bị kì thị ở nước ngoài, và sự kì thị rõ ràng nhất thường là ở phi trường. Tôi có một kinh nghiệm chẳng hay ho gì về sự kì thị của hải quan Pháp đối với người Việt.
Năm đó, tôi bay sang Pháp từ Sài Gòn trong một chuyến bay của Vietnam Airlines. Chuyến bay tuy chẳng có gì xuất sắc, nhưng nói chung là ok. Chỉ khi đến phi trường mới có vấn đề. Tôi rất ngạc nhiên khi mới ra khỏi máy bay đã có 3-4 người cảnh sát đứng chờ ngay tại cửa đường ống! Họ đứng đó và đòi khách phải xuất trình hộ chiếu. Tôi chú ý thấy rõ ràng là tất cả những người mang hộ chiếu VN đều bị hỏi vớ vẩn vài ba câu và có khi hoạnh hoẹ (như trường hợp một chị có con nhỏ, giống như là du học sinh, đứng trước tôi).
Đến phiên tôi, vì mang hộ chiếu Úc, họ không thèm nhìn mà chỉ khoát tay cho tôi đi. Đến khi vào khu immigration (di trú) lại thấy thêm một sự kì thị như thế. Lần này thì tôi thấy cả người Việt và người da đen (chắc là từ Phi châu) đứng chờ khá lâu và họ nói gì đó tôi nghe không rõ. Đến phiên tôi, không có vấn đề gì cả, không đầy 1 phút tôi đã ra khỏi khi di trú. Cùng là người Việt Nam, cùng đi một chuyến bay từ Việt Nam, vậy mà nhân viên Pháp rõ ràng phân biệt người dựa vào hộ chiếu.
Cứ nhìn vào thứ hạng về hộ chiếu được chấp nhận trên thế giới (hạng 81 trên thế giới, sau cả Lào Và Campuchea) thì biết chúng ta đang ở đâu và được đánh giá như thế nào trên thế giới.
Kinh nghiệm của tôi cho thấy người Việt mình rõ ràng là không được xem trọng, nếu không muốn nói là bị khinh thường ở nước ngoài. Đừng nghe những tuyên truyền về "chiến công vang dội" trong quá khứ, cũng đừng nghe lời tuyên truyền hoa ngữ rằng người Việt là lương tri thời đại [gì gì đó] mà thất vọng lớn khi ra ngoài. Đừng tin những đồn thổi rằng những phát minh của người Việt làm thế giới ngả mũ, vì đó chỉ là huyền thoại chứ không có trong thực tế. Đừng bao giờ nghĩ rằng vài giải thưởng nào đó là làm cho thế giới kính nể, vì giới khoa học thế giới trưởng thành hơn nhiều chứ không phản ứng như trẻ con đâu. Trong thực tế, người Việt không được đánh giá cao, và chắc chắn chẳng có ai nể phục như nhiều người lầm tưởng. Không có ai “Mơ ước một buổi sáng thức dậy, thấy mình được trở thành một người Việt Nam” như báo chí đồn thổi.
Tôi nghĩ rằng mỗi chúng ta chọn cho mình một thái độ và cách ứng phó trước những tin tiêu cực về người Việt. Nếu mỗi cá nhân dám ghi nhận những thói xấu, và tìm cách tránh chúng thì xã hội dần dần sẽ tốt hơn. Tôi nghĩ chúng ta không nên quá tự hào, nhưng cũng không tự ti dân tộc. Ngẫm đi nghĩ lại câu "Sống tử tế với nhau" của ông Trịnh Công Sơn rất có lí. Riêng tôi thì sống theo tỉ số Thiền (Zen Ratio).
Nguyễn Văn Tuấn
Theo Fb Tuấn Nguyễn
Cứ nhìn vào thứ hạng về hộ chiếu được chấp nhận trên thế giới (hạng 81 trên thế giới, sau cả Lào Và Campuchea) thì biết chúng ta đang ở đâu và được đánh giá như thế nào trên thế giới.
Kinh nghiệm của tôi cho thấy người Việt mình rõ ràng là không được xem trọng, nếu không muốn nói là bị khinh thường ở nước ngoài. Đừng nghe những tuyên truyền về "chiến công vang dội" trong quá khứ, cũng đừng nghe lời tuyên truyền hoa ngữ rằng người Việt là lương tri thời đại [gì gì đó] mà thất vọng lớn khi ra ngoài. Đừng tin những đồn thổi rằng những phát minh của người Việt làm thế giới ngả mũ, vì đó chỉ là huyền thoại chứ không có trong thực tế. Đừng bao giờ nghĩ rằng vài giải thưởng nào đó là làm cho thế giới kính nể, vì giới khoa học thế giới trưởng thành hơn nhiều chứ không phản ứng như trẻ con đâu. Trong thực tế, người Việt không được đánh giá cao, và chắc chắn chẳng có ai nể phục như nhiều người lầm tưởng. Không có ai “Mơ ước một buổi sáng thức dậy, thấy mình được trở thành một người Việt Nam” như báo chí đồn thổi.
Tôi nghĩ rằng mỗi chúng ta chọn cho mình một thái độ và cách ứng phó trước những tin tiêu cực về người Việt. Nếu mỗi cá nhân dám ghi nhận những thói xấu, và tìm cách tránh chúng thì xã hội dần dần sẽ tốt hơn. Tôi nghĩ chúng ta không nên quá tự hào, nhưng cũng không tự ti dân tộc. Ngẫm đi nghĩ lại câu "Sống tử tế với nhau" của ông Trịnh Công Sơn rất có lí. Riêng tôi thì sống theo tỉ số Thiền (Zen Ratio).
Nguyễn Văn Tuấn
Theo Fb Tuấn Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét