Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

Sao lấy tiền của dân để “sơn thử” Nhà hát Lớn?

Sao lấy tiền của dân để “sơn thử” Nhà hát Lớn?
 Để chặt 1 cây trong chiến dịch khai tử 6.700 cây xanh, riêng tiền đánh dấu X lên thân cây đã hết 670.000 đồng/cây, tổng chi phí vị chi lên tới 4,5 tỷ. Một dấu X như án tử hình lên thân cây thôi đã ngốn ngần ấy tiền, giờ Hà Nội đem cả Nhà hát Lớn ra sơn phết “thử nghiệm” thử hỏi con số ấy sẽ tăng lên gấp bao nhiêu lần? Tiền này ở đâu ra là câu hỏi của dư luận, và câu trả lời là tiền ngân sách.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – quyền Giám đốc Nhà hát lớn Hà Nội 
khẳng định: Nguồn kinh phí cho toàn bộ kế hoạch duy tu đợt này là tiền ngân sách
Sau cơn dông lốc chiều 13.6 đánh bật gốc vô số cây mới trồng ở Hà Nội, để lòi ra nhiều thứ con người muốn che giấu, khiến cho lòng tin của Nhân dân cả nước hướng về những người lãnh đạo Thủ đô gần như bị đốn ngã, Hà Nội một lần nữa “hứng bão”, diện mạo mới lòe loẹt của Nhà hát Lớn đang vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía dư luận.

GS Hoàng Đạo Kính (người chịu trách nhiệm lớn nhất trong cuộc trùng tu Nhà hát lớn giai đoạn 1994 – 1997) mỉa mai màu sơn mới như màu báo dịch tả. Đồng thời nhắn nhủ: “Hà Nội nên chọn màu sơn cũ thì hài hòa hơn và cần học hỏi tòa nhà Bưu điện TP HCM là người ta làm lại, mình càng nên làm lại”.

Mang chuyện “vàng đậm” hay “vàng nhạt” đi hỏi những người có trách nhiệm thì lại nhận được những ý kiến trái chiều, thậm chí đùn đẩy, đổ quanh giữa các bên liên quan. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – quyền Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội khẳng định: “Đợt sơn lại này nằm trong kế hoạch duy tu thường xuyên. Toàn bộ nguồn kinh phí là tiền ngân sách, nên trước khi làm, BQL Nhà hát Lớn đã xin ý kiến Bộ Văn hóa và Cục Di sản Văn hóa”. Thế nhưng ông Trương Minh Tiến- Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội lại “ngơ ngác” nói: “Việc sơn sửa lần này Sở chỉ biết khi nhận được phản ánh từ báo chí và dư luận, không có hồ sơ xin ý kiến nào gửi đến từ đơn vị thực hiện”. Còn đại diện Cục Di sản lại quanh co là “đã nắm được thông tin về, nhưng chỉ đang “thử nghiệm màu sơn”.

Rõ ràng, việc sửa chữa, tu bổ Nhà hát Lớn là một việc làm quan trọng, nó không chỉ liên quan đến ý nghĩa lịch sử, văn hóa, mà còn ảnh hưởng đến ngân sách, mà tiền ngân sách từ đâu ra thì ai cũng biết. Đó là tiền thuế của dân, tiền tài nguyên của đất nước. Để có được đồng tiền đó, những công nhân phải vắt kiệt sức mình trên các công trường, những ngư dân bám ngư trường phải đối mặt với hiểm nguy giữa biển cả, những nông phu quần quật trên đồng lúa, nương rẫy. Bất cứ đồng tiền nào của họ làm ra cũng là mồ hôi nước mắt, thậm chí cả máu. Và những đồng tiền đó đang đem trả lương cho không ít lãnh đạo ở Hà Nội vẫn quen thói “cha chung không ai khóc”, khi làm thì không thèm xin ý kiến, nhưng đến khi bị chỉ trích thì lại chối quanh, đổ vạ, rồi lại “huề cả làng”…



Hàng cây Mỡ được trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh mấy tháng trước thì nay cứ đếm tổng 10 cây có đến 5 cây đã chết và 3-4 cây gật gù không thấy ra lá. Không biết bao giờ người dân có được bóng mát theo chủ trương của các Quan trên đây?

Lá phổi của Thủ đô, Nhà hát Lớn cũng như rất nhiều công trình khác đang bị phá hoại bởi những người tự phong chi mình vai trò “tu bổ”. Những con đường rợp bóng cây nay chỉ còn là hàng cây mới trơ trụi gãy đổ; Nhà hát Lớn đành lặng câm khoác chiếc áo vàng chéo, lòe loẹt; Đồng tiền xương máu của dân đang được đem ra làm “thử nghiệm” và chảy vào túi của những người gắn mác “công bộc”…nhiều người chờ đợi quan chức nào đó đứng lên và nhận “trách nhiệm”, thế nhưng ngày ấy hẳn còn xa…

Văn Dân
http://truongtansang.net/ha-noi-lay-tien-dau-son-thu-nha-hat-lon.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét