Nhiều quan chức xin nghỉ hưu sớm: Bất thường và bình thường
An Nhiên - Trước đây đã có hiện tượng lãnh đạo không đủ tuổi tái cử thì xin nghỉ hưu sớm nhưng không đồng bộ, giờ đây dường như đã có sự tuân thủ chung.Xin nghỉ hưu sớm một, hai năm để nghỉ ngơi thoải mái,
giành thời gian cho gia đình. Ảnh minh hoạ
Tín hiệu tốtXung quanh hiện tượng nhiều lãnh đạo quận, huyện của Hà Nội một số địa phương khác nộp đơn xin nghỉ hưu sớm, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, hiện tượng này bất thường so với trước đây nhưng không bất thường so với quy định.
“Theo quy định, người lần đầu tham gia cấp ủy khóa đầu tiên ít nhất phải đủ 5 năm công tác. Còn người tái cử phải đủ 30 tháng trở lên. Với những người ở vị trí cấp phó thì không có vấn đề gì, nhưng người ở cấp trưởng thì hơi khác so với ngày xưa. Ngày xưa, thường sẽ bố trí đến hết tuổi, còn bây giờ khi tới đại hội mà không đủ tuổi tái cử nữa thì người ta không giữ chức vụ đó nữa. Các lãnh đạo hết tuổi tái cử có thể được bố trí việc khác nhưng họ không thích thì xin nghỉ.
Cũng có người nói xin nghỉ trước để tạo điều kiện cho lớp cán bộ trẻ phát triển hơn. Thực ra, để tạo điều kiện cho người trẻ có nhiều yếu tố chứ không riêng gì chuyện này. Nó bao gồm một hệ thống đồng bộ trong việc tạo môi trường học tâp, làm việc cho người trẻ. Tuy nhiên, quan trọng là dù trẻ hay già cũng phải tuân theo quy định chung. Việc nhiều lãnh đạo xin nghỉ hưu sớm cho thấy có sự tuân thủ chung của mọi người: không đủ tuổi tái cử nữa thì các cấp trưởng đều nghỉ. Trước đây người ta vẫn làm thế nhưng không được đồng bộ, còn bây giờ đều công khai. Đấy là một tín hiệu tốt”, bà Bùi Thị An chỉ rõ.
Liên quan đến hiện tượng này, TS Ngô Thành Can, Phó trưởng khoa Tổ chức và quản lý nhân sự, Học viện Hành chính cho biết hiện đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Thứ nhất, có người lý giải, về tâm lý, một số lãnh đạo nghĩ rằng chỉ còn vài tháng nữa đại hội sẽ bầu người khác nên có cố ở lại cũng không hay, chi bằng nhường một bước để người sau lên có ấn tượng tốt.
Thứ hai, có người cho rằng, theo quy định của pháp luật Việt Nam, người về nghỉ hưu sớm sẽ được hưởng một số chế độ ưu đãi, đáp ứng được cả cái chung lẫn cái riêng. Nhưng tôi cho rằng điều này không thuyết phục vì các lãnh đạo không vì dăm ba triệu mà xin nghỉ sớm.
Thứ ba, một vấn đề vừa là chính sách vừa là tâm lý: đa số sau đại hội, những lãnh đạo không trúng cử, nếu ở cấp quận, huyện thì thường rút lên thành phố hay ban nào đó để tiếp tục làm việc. Nơi nào còn vị trí tương đương thì không sao, nhưng nếu không, từ lãnh đạo xuống làm chuyên viên thì không ai muốn nên mới xin nghỉ.
“Như vậy, có nhiều lý do khác nhau nhưng tôi cho rằng, những lãnh đạo xin nghỉ hưu sớm cảm thấy vừa thoả mãn ý muốn cá nhân, vừa đáp ứng được nguyện vọng để lớp cán bộ trẻ phát triển. Làm như vậy hợp tình hợp lý, đi kèm với đó cần giải quyết chính sách cho các lãnh đạo này để ai cũng vui vẻ, đó cũng là sự chia sẻ”.
Thay đổi chính sách để chuyện “lên-xuống” là bình thường
Theo ĐBQH Bùi Thị An, trong thực tế cuộc sống đúng là tồn tại tâm lý đã làm quan thì khó làm người thường, đang từ lãnh đạo xuống làm chuyên viên là điều không ai mong muốn nhưng điều đó không hoàn toàn đúng và cũng không nên giữ tâm lý đó.
“Có lãnh đạo xin nghỉ hưu sớm vì cho rằng họ đã cống hiến nhiều năm, còn một, hai năm nữa sẽ đến tuổi hưu chi bằng về sớm nghỉ ngơi cho thoải mái, giành thời gian cho gia đình. Nhưng cũng có người nghĩ rằng đã ở vị trí này thì khó xuống và ai cũng phải phục vụ mình. Nhưng ở mỗi thời điểm có sự thích ứng khác nhau, phải xác định rằng ai cũng là con người bình thường, quan hệ bình đẳng, có cho thì có nhận, không thể cứ nhận suốt đời. Sự bình thường đó giúp con người tồn tại và phát triển”.
Còn TS Ngô Thành Can cho rằng, việc sử dụng nguồn nhân lực chịu tác động mạnh mẽ của yếu tố văn hoá. Ở một số cộng đồng, người ta đã quen với tư duy “có lên có xuống”, đảm nhận chức vụ sau đó làm người bình thường. Tuy nhiên, một số nền văn hoá khác lại không chấp nhận điều đó. Người ta nghĩ rằng đã làm quan thì phải làm quan mãi, nếu ai đó không làm quan nữa chắc hẳn bị kỷ luật hay vì lý do nào đó. Chính cách nghĩ đó khiến một số lãnh đạo khi về nghỉ hưu tự thấy mình yếu kém đi.
Lý giải thêm về điều này, TS Can phân tích: Có những nền văn hoá coi người mới vào hay người làm việc lâu năm bình đẳng như nhau, người làm quan, làm sếp được quý vì giỏi hơn người khác chứ không phải vì to lớn, vĩ đại. Nhưng ở một số nền văn hoá khác, ví dụ khi lên dù chỉ là chức trưởng phòng, tự nhiên tất cả nhân viên cúi rạp, mọi người nhất nhất theo, người ta thấy đó là ghê gớm.
Tương tự, có nơi quan chức sẵn sàng đạp xe, tản bộ nhưng nơi khác nhất thiết phải có xe đưa xe đón, phải đi xe xịn… Những tư tưởng này hàng ngày đi sâu vào từng hoạt động nhỏ của nền công vụ nên ảnh hưởng, chi phối rất lớn.
Ở một số quốc gia, như Hàn Quốc, nếu có lỗi, lãnh đạo sẵn sàng xin lỗi trước công chúng, hàng năm thị trưởng mời tất cả nhân viên của văn phòng đến và cúi xuống lạy nhân viên cảm ơn về 1 năm phục vụ tốt. Nhưng có nơi lãnh đạo lại cho rằng nhân viên phải đến thăm thì mới ban bổng ban lộc. Như vậy, quan niệm bổng lộc, quan niệm xin cho đã tạo thành thói quen.
Nếu chính sách không có cơ chế xin – cho dần dà người ta sẽ mất quan niệm đó, văn hoá kia cũng mai một đi. Một số chính sách chưa thay đổi kịp thời sẽ là mảnh đất để một số tàn dư trỗi dậy và duy trì”.
Một yếu tố khác là chính sách về sử dụng con người. Thông thường, cán bộ hưởng các chế độ đi lại, nhà cửa… theo chức vụ chứ không phải bậc lương. Khi không còn giữ chức vụ ấy thì các chế độ đi kèm cũng không còn và nhiều người cảm thấy bị phân biệt đối xử.
Về tâm lý cá nhân, từ trước đến nay, người ta luôn muốn được coi trọng, được người khác phục vụ. Thế nhưng, khi vị thế thay đổi, không còn được đối xử như xưa nên người ta dễ tự ái.
“Chức vụ rất ảnh hưởng đến tâm lý con người, tới chuyện bầu bán, thay thế. Khi người ta định hình rằng chỉ mình mới giỏi, còn lứa sau kém thì rất khó”, TS Can cho biết.
Bởi vậy, theo TS Ngô Thành Can, trong quản trị nhân sự, trước hết phải thay đổi chính sách để người ta thấy nếu người trẻ lên là chuyện bình thường. Khi đã có chính sách chung, người đủ tài đủ đức đảm nhận vị trí thì người ta sẽ coi chức vụ đó là bình thường.
Một vấn đề nữa là sử dụng nhân lực phải thông qua hiệu quả công việc, phải xác định rõ ở vị trí này mới được hưởng những chế độ này. Ví dụ, nhà công vụ thứ trưởng ở khi còn công tác, lúc về thì trả lại. Ai cũng làm như thế thì dần dần người ta thấy đó là chuyện bình thường, hay lớp trẻ lên, lớp già rút là bình thường, như thế mới có một nền công vụ công bằng và chuẩn mực.
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nhieu-quan-chuc-xin-nghi-huu-som-bat-thuong-va-binh-thuong-3279620/?paged=2
KD: Thú thực, trước đây dư luận XH kêu gọi văn hóa từ chức. Nhưng giờ đây, khi hiện tượng từ chức đã không quá hiếm hoi, thì người ta cũng không khen các hiện tượng đó là… văn hóa. Bởi sao? Bởi sự nghỉ hưu trước tuổi đó, hóa ra là cả một sự tính toán vì lợi ích cá nhân. Từ nghỉ hưu lẻ tẻ đến hiện tượng nghỉ hưu của ông Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam mới đây, dù ông mới nhậm thức khoảng 05 tháng, cũng chẳng khiến dư luận XH “động lòng” trắc ẩn nữa :D
https://kimdunghn.wordpress.com/2015/07/30/nhieu-quan-chuc-xin-nghi-huu-som-bat-thuong-va-binh-thuong/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét