Ông Vũ Khoan viết về cố Thứ trưởng Trần Quang Cơ
Thế là tiếng nói, giọng cười hào sảng ấy đã tắt! Tôi trộm nghĩ, mình không nhầm khi nói rằng, các anh chị em cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao, nhất là những người đã từng cộng sự trực tiếp đều dành cho Anh niềm tiếc thương vô hạn. Bởi, trong tâm trí mọi người, Anh là một nhà ngoại giao cực kỳ sắc sảo và kiên định, một con người hết sức khảng khái và tự trọng, một nhà lãnh đạo mẫu mực và công tâm.
Hình: Ông Trần Quang Cơ (thứ tư từ trái)
trong cuộc gặp bí mật đoàn Mỹ tại Paris.
Từng xông pha trận mạc khi đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam, lăn lộn trong hoạt động địch vận, anh Cơ đã về công tác trong ngành ngoại giao ngay sau khi tiếp quản Thủ đô năm 1954. Trong ngành, Anh đã kinh qua rất nhiều lĩnh vực trên các cương vị khác nhau: Khi thì làm Phó Chủ nhiệm khoa của trường Đại học Ngoại giao – Ngoại thương, khi lại phụ trách các đơn vị trọng điểm của Bộ Ngoại giao như Vụ châu Á, Vụ Bắc Mỹ, Vụ Tây Âu… Lúc thì công tác tại các cơ quan đại diện ngoại giao ở Sri Lanka rồi Indonesia và sau đó là Đại sứ ở Thái Lan.Đặc biệt, Anh là một trong số rất ít cán bộ ngoại giao đóng vai trò nòng cốt và có mặt trên tuyến đầu của cả ba “trận chiến” quan trọng nhất của ngành ngoại giao trong những năm 60 – 80 của thế kỷ trước: Đó là cuộc đấu trí, đấu lý ở Paris ròng rã sáu năm trời đưa tới Hiệp định năm 1973 chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Mỹ phải rút quân về nước; Đó là cuộc đấu tranh ngoại giao hết sức cam go, vô cùng phức tạp kéo dài hơn một thập kỷ nhằm đẩy lùi những hành động chống phá và bao vây, cô lập Việt Nam trong những năm 80; Đó là đợt hoạt động ngoại giao sôi động, đầy sáng tạo cuối những năm 80, đầu những năm 90 nhằm mở cửa ra thế giới bên ngoài sau khi nước ta bước vào thời kỳ đổi mới…
Trong thắng lợi ngoại giao vào những năm tháng đầy thử thách đó có phần đóng góp không nhỏ của Anh. Trong trận chiến đầu, anh Cơ là một trong những cán bộ lãnh đạo đơn vị chuyên trách nghiên cứu, tham mưu về giải pháp phục vụ cho cuộc hòa đàm Paris, sau đó trực tiếp tham gia Đoàn đàm phán cả công khai lẫn bí mật.
Trong trận chiến thứ hai, anh Cơ phụ trách đơn vị chuyên trách về giải pháp cho vấn đề Campuchia và trực tiếp tham gia đấu tranh ngoại giao để đi tới Hội nghị Paris về Campuchia năm 1991.
Còn trong trận chiến thứ ba, anh Cơ đã là ủy viên dự khuyết rồi ủy viên chính thức Trung ương Đảng, Thứ trưởng rồi Thứ trưởng thường trực tham gia chỉ đạo công việc của Bộ.
Cá nhân tôi có may mắn được làm việc trực tiếp với anh Cơ từ cuối những năm 80 với tư cách là Trợ lý Bộ trưởng rồi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Những năm tháng ấy đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc về trí tuệ và sự kiên định của Anh. Khi Bộ bàn thảo cục diện thế giới và đề xuất đối sách, anh Cơ luôn đưa ra những đánh giá và chủ trương rất sắc sảo và độc đáo nhờ kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm phong phú tích lũy được qua các cuộc chiến cam go trước đó.
Đặc biệt, Anh đã có nhiều đóng góp quý giá vào các đợt nghiên cứu chiến lược quốc tế và đề xuất đường lối, chủ trương đối ngoại vào cuối những năm 80, đầu những năm 90, tạo ra bước ngoặt mới trong lĩnh vực đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Như lệ thường, trong những tình huống phức tạp và bước ngoặt xoay chiều trong cục diện cũng như về chủ trương, đối sách hay nảy sinh ý kiến trái chiều nhau. Trong những trường hợp ấy, anh Cơ luôn kiên định ý kiến của mình dựa trên những đánh giá tỉnh táo, trăn trở sâu xa về lợi ích dân tộc, trước sau thấm nhuần tinh thần độc lập, tự chủ, cho dù bản thân gặp phải không ít phiền toái, khó khăn.
Khi đã trở thành Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, mỗi khi gặp vấn đề nan giải, tôi luôn tìm tới Anh, không chỉ với tư cách là Thứ trưởng thường trực mà còn như người anh dày dạn kinh nghiệm, luôn chân thành chia sẻ suy nghĩ thông tuệ của mình.
Bên cạnh sự cảm phục về tài trí của Anh, tôi và chắc là tất cả anh chị em cán bộ trong Bộ thời đó, đều đặc biệt vị nể và quý trọng anh Cơ về lòng tự trọng và sự khảng khái hiếm thấy của một cán bộ lãnh đạo, một Đảng viên chân chính. Sau Đại hội VII của Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nghỉ hưu và lúc đó đã có ý kiến đề cử anh Cơ lên thay, song anh nhất quyết khước từ, thậm chí đã đi nước ngoài lánh mặt. Sau này, nhân một lần tâm sự với Anh, tôi đã hỏi vì sao Anh đã hành xử như vậy thì Anh thản nhiên trả lời: “Đơn giản là tớ tự nhận thấy, với tính cách của mình, sẽ khó làm việc, vậy thôi!”.
Sau khi anh Nguyễn Mạnh Cầm được cử làm Bộ trưởng, anh Cơ đã hết lòng hợp tác, tâm đồng ý hợp với anh Cầm, góp phần làm cho không khí đoàn kết trong ngành thêm bền chặt và giúp Bộ có những đóng góp xứng đáng trên mặt trận ngoại giao.
Tới năm 1994, Anh đã tự xin thôi tham gia Ban chấp hành Trung ương vì lý do sức khỏe mặc dù chưa hết nhiệm kỳ. Sau khi nghỉ hưu, tuy bị bệnh hiểm nghèo, Anh vẫn thường xuyên theo dõi thời cuộc. Mỗi lần chúng tôi kéo đến thăm, Anh vẫn trăn trở, sẻ chia suy ngẫm của mình bằng cái giọng sang sảng và tiếng cười hồn nhiên quen thuộc.
Không dễ gì một cán bộ lãnh đạo khi ra đi được tất cả đồng sự hết lòng quý trọng, chân thành tiếc thương. Riêng anh Cơ đã giành được điều đó nhờ trí tuệ và nhân cách của mình. Tiếng cười sảng khoái của anh trên nhân gian không còn nhưng anh có thể mỉm cười nơi chín suối vì mình đã sống một cuộc đời xứng đáng là một CON NGƯỜI.
Vũ Khoan
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng,
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, viết riêng cho TG&VN
Nguồn: Thế giới và Việt Nam
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
Nguồn: Thế giới và Việt Nam
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
http://nghiencuuquocte.net/2015/07/25/vu-khoan-viet-ve-tran-quang-co/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét