Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Chênh số liệu nhập hàng Việt Nam và Trung Quốc do đâu?

Chênh số liệu nhập hàng Việt Nam và Trung Quốc do đâu?
Ngành thống kê tiếp tục đổ lỗi rằng sự chênh lệch trong số liệu thống kê, đặc biệt là số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc là do khách quan. Chênh lệch số liệu thống kê, do đâu? Ngày 27/7, tại hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật thống kê sửa đổi, ngành thống kê tiếp tục đổ lỗi rằng sự chênh lệch trong số liệu thống kê, đặc biệt là số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc, là do… khách quan.

Giao thương hàng hóa qua lại giữa Trung Quốc 
và Việt Nam tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai
Trong khi đó, nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng ngành thống kê phải có trách nhiệm hơn với con số công bố và cần có giải pháp khắc phục việc chênh lệch số liệu, thay vì đổ lỗi cho khách quan.

Đừng để con số thống kê bị nghi ngờ

Trong bản giải trình về sự chênh lệch các số liệu xuất nhập khẩu của VN và Trung Quốc (TQ) được trình bày tại hội thảo, Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết số liệu xuất khẩu hàng hóa của VN sang TQ trong năm 2014 thấp hơn con số nhập khẩu từ VN do phía TQ công bố đến 5 tỉ USD (tương đương 33%) do có sự chênh lệch ở nhóm hàng điện tử, điện thoại mà VN gia công, lắp ráp.

“Hàng VN sau khi gia công được xuất sang nước thứ ba và TQ nhập hàng hóa (ghi xuất xứ từ VN) của nước thứ ba này, dẫn đến có sự chênh lệch con số giữa hai quốc gia” – báo cáo nêu.

Trong khi đó, với chênh lệch đến 20 tỉ USD (tương đương 46%) giữa con số thống kê nhập khẩu hàng TQ của VN và số liệu xuất khẩu hàng TQ sang VN do phía TQ công bố, TCTK cho rằng số liệu này tập trung vào nhóm hàng liên quan đến tiêu dùng, gia công, dệt may… đặc biệt là do buôn lậu và gian lận thương mại!

Không thỏa mãn với cách giải thích này, ông Trần Du Lịch (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) cho rằng báo cáo giải trình của TCTK mới nêu ra thực trạng và lý do mà không có giải pháp nào để khắc phục những vấn đề đó.

Ví dụ vấn đề gian lận thương mại và buôn lậu mà không kiểm soát được thì doanh nghiệp cạnh tranh không lại. Chưa kể TCTK cũng không đưa ra con số cụ thể về những mặt hàng tạm nhập tái xuất.

Ông Trương Văn Vở (đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) lại cho rằng cơ quan thống kê đưa ra số liệu chênh lệch về vấn đề xuất và nhập khẩu nhưng lại không nói rõ trách nhiệm của cơ quan này như thế nào đối với sự chênh lệch đó.

“Cần phải làm rõ trách nhiệm giải trình của cơ quan thống kê” – ông Vở nói. Một số đại biểu Quốc hội cũng đặt nghi vấn rằng liệu có phải buôn lậu, trốn thuế là vấn đề chính để số liệu xuất, nhập khẩu hai chiều giữa VN và TQ vênh nhau?

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Giàu, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng chuyện chênh lệch số liệu thống kê này nếu không giải quyết sẽ là vấn đề rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế, chưa kể nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của xã hội đối với ngành thống kê trong nước.

Số liệu thống kê có khách quan?

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến đã tranh luận sôi nổi về mô hình tổ chức đối với cơ quan thống kê. Bà Mai Ánh Tuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, cho rằng chức năng và nhiệm vụ của cơ quan thống kê là phải độc lập, chính xác và đảm bảo khách quan nhưng việc thực thi chính sách này còn rất xa.

Trong khi đó, ông Trương Văn Vở cho rằng 50 năm qua cơ quan thống kê trực thuộc Chính phủ nhưng không thấy đánh giá những cái được hay không được của việc trực thuộc này thế nào. Theo ông Vở, dự thảo Luật thống kê sửa đổi cần quy định cụ thể về địa vị pháp lý của cơ quan thống kê, bởi đây là cơ quan duy nhất cung cấp các dữ liệu toàn diện về mọi mặt phát triển của xã hội.

Trao đổi với PV, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng hầu hết mô hình thống kê trên thế giới đều là tổ chức độc lập, cung cấp số liệu khách quan.

Như vậy mới không có sự “vênh” nhau về các số liệu thống kê từ các ngành, giữa trung ương và địa phương, không có sự chỉ đạo, can thiệp từ cơ quan chủ quản. Thực tế, số liệu thống kê về nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không chỉ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu giữa VN và TQ.

“Để đảm bảo sự độc lập, khách quan của cơ quan thống kê, ít nhất không bị phụ thuộc cả về con người và kinh tế. Nếu còn tình trạng bổ nhiệm, cơ cấu và cấp ngân sách cho cơ quan thống kê từ Chính phủ, cơ quan thống kê khó mà có sự độc lập. Vấn đề là cơ quan thống kê có muốn độc lập không, có muốn trực thuộc Quốc hội không? Vì trực thuộc Quốc hội thì Quốc hội sẽ cấp ngân sách nhưng cơ quan này phải thực hiện nhiệm vụ giải trình đối với các vấn đề thống kê khác nhau” – ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Bích Lâm, tổng cục trưởng TCTK, cho rằng ngành thống kê trực thuộc cơ quan nào là trách nhiệm của Quốc hội, nhưng cá nhân ông thấy rằng trực thuộc Bộ Kế hoạch – đầu tư là phục vụ tốt nhất cho công tác quản lý và điều hành.

“Giả sử tách ra khỏi Chính phủ, TCTK có phải là cơ quan ngang bộ không?”. Ông Lâm đặt câu hỏi và cho rằng nếu đặt cơ quan thống kê trực thuộc Quốc hội thì trái với Luật tổ chức Chính phủ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng ngành thống kê cần có đánh giá về việc phù hợp với cơ quan nào để khẳng định địa vị pháp lý của mình. “Cử tri và nhân dân cả nước không quan tâm đến anh trực thuộc ai, mà quan tâm đến việc anh có độc lập và khách quan khi làm công tác thống kê hay không” – ông Giàu nói.

Độc lập hay không là do con người


Trao đổi với PV, ông Trần Du Lịch cho rằng việc có độc lập hay không là ở con người chứ không phải trực thuộc cơ quan nào. Thực tế, nhiều cơ quan cũng thích có “mũ” chứ không muốn độc lập.

Theo ông Lịch, cứ căn cứ vào dự thảo Luật thống kê cho thấy nếu ngành thống kê muốn độc lập cũng chẳng khó gì, chẳng ai có thể can thiệp.

“Cũng giống như ngành tòa án, độc lập đến thế là hết rồi, nhưng tòa cấp dưới trước khi xử một bản án đều chạy lên tòa cấp trên để xin ý kiến, nên dù có trao cho họ quyền độc lập, họ cũng chả làm” – ông Lịch nói.

Theo Báo Tuổi Trẻ
http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20150728/chenh-so-lieu-nhap-hang-viet-nam-va-trung-quoc-do-dau/784155.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét