Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

THỰC CHẤT NỀN KINH TẾ VIỆT NAM

THỰC CHẤT NỀN KINH TẾ VIỆT NAM NHÌN TỪ GÓC ĐỘ QUẢN TRỊ KINH DOANH
Hoang Anh Dung, PhD. Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, Việt Nam hướng về sự phát triển đất nước với tiền đề là sự tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên có một thực tế là dù đã đạt được trên danh nghĩa một số thành tích khá ấn tượng về tốc độ tăng trưởng kéo dài liên tục trong gần 4 thập niên qua , nhưng trong giai đoạn hiện tại đã có những dấu hiệu cho thấy Việt Nam không có sự phát triển như mong đợi , mức sống và chất lượng sống của nhân dân còn thấp và đất nước có nguy cơ tụt hậu vĩnh viễn vì khoảng cách kinh tế của Việt Nam so với các nước khác, chỉ tính trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á, đã là quá lớn .
Thực trạng kinh tế Việt Nam có thể tóm tắt trong hai điểm :
1/ Có tăng trưởng nhưng không có phát triển
2/ GDP quá khiêm tốn so với tiềm năng .


Hai điểm này nhìn dưới góc độ kinh doanh là do bài toán THU – CHI có vấn đề .

Điểm thứ nhất liên quan đến việc không đưa tổng chi vào hạch toán kinh tế.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Việt nam đang vấp phải một nghịch lý phổ biến trên thế giới đó là Nghịch Lý Tăng Trưởng.

Điều này liên quan đến xu hướng đánh giá nền kinh tế qua công cụ GDP , thế nhưng nhìn dưới góc độ kinh doanh thì GDP chỉ là Tổng Thu, và nếu chỉ là tổng thu thì GDP không nói lên được điều gì, bởi chính hiệu số giữa Tổng Thu và Tổng Chi mới thể hiện được hiệu quả của nển kinh tế.

Điểm thứ hai liên quan đến khả năng sử dụng Vốn kém

Có rất nhiều nguyên nhân được đề cập tới , nhưng nhìn từ góc độ kinh doanh thì Tổng Thu ( GDP ) kém thì nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất bắt nguồn từ việc sử dụng Vốn không hiệu quả.

Trong một vài thập niên gần đây , nền kinh tế Việt Nam đã những bước tiến khá ấn tượng , từng được giới quan sát quốc tế kỳ vọng là thế lực mới của Châu Á , nhận định này hoàn toàn có cơ sở nếu chúng ta nhìn vào một vài số liệu thống kê dưới đây:

VN là một trong số rất ít các quốc gia có thể giữ mức tăng trưởngbình quân khá cao – gần 7% – và liên tục trong hơn 30 năm qua ( 1980-2010 ) , kể cả thời điểm khủng hoảng Kinh Tế toàn cầu năm 2008.

Tổng sản lượng quốc nội ( GDP ) của Việt Nam tăng trên gần 125 lần, nghĩa là từ chỗ chỉ khoảng 1,5 tỉ USD năm 1988 , hiện đã tăng lên khoảng 187 tỉ USD ( 2014 ).


GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng trên 20 lần , từ chỗ chỉ vào khoảng 100 USD hồi đầu thập niên 1990 , hiện đã vượt quá con số 2000USD ( 2014 ).

Tuy nhiên , những thành công đó chỉ là so sánh với chính Việt Nam trước đây , còn nếu so sánh với Thế Giới thì lại có một sự thực khác , rất đáng suy nghĩ :

* Về thu nhập bình quân đầu người – GDP per Capita :

Với con số trên dưới 2000 USD , GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn là rất khiêm tốn so với các nước ngay trong khu vực Đông Nam Á : Thái Lan- 4000USD , Malaysia -8000USD , Brunei -36000USD và Singapore- 38 000 USD . Mức thu nhập này của Việt Nam chỉ bằng khoảng 20% mức thu nhập bình quân của Thế Giới.

Theo Ngân Hàng Thế Giới ( WB ), hiện nay VN vẫn nằm trong nhóm thu nhập thấp nhất châu Á , mà để có thể bứt ra khỏi nhóm này Việt Nam cần ít nhất 50 năm .


Còn Báo Cáo Phát Triển năm 2009 , cũng của WB , cho rằng nền kinh tế VN tụt hậu 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thailand , và 158 năm so với Singapore.

Thế nhưng đây chưa phải là số liệu tồi tệ nhất , trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện năm 2006 , đại diện của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế ( IMF ) cho rằng khoảng cách kinh tế giữa VN- Singapore thực tế lên đến 197 năm ! Nghĩa là gần 2 thế kỷ !


* Về tổng thu nhập quốc nội GDP :

Với con số trên dưới 200 tỉ USD , GDP của Việt Nam, diện tích 330.000 km2 , dân số 90 triệu người, vẫn rất khiêm tốn so với các nước láng giềng :

Singapore, diện tích 660 km2 , dân số 5 triệu người , GDP – 270 tỉ USD ( 2012 ).

Hồng Kông, diện tích 1100 km 2 , dân số 7 triệu , GDP – 223 tỉ USD ( 2012 )

Đài Loan , diện tích 36,000km2 , dân số 23 triệu người , GDP- 360 tỉ USD ( 2012 )

Hàn Quốc , diện tích trên 100,000km2, dân số 48 triệu người , GDP – 1156 tỉ USD ( 2012 ).

Nhật Bản diện tích 377.000 km2, dân số 128 triệu người – GDP – 5980tỉ USD ( 2012 ).

Về mặt thực tế , Việt Nam cho thấy một hiện tại còn Nghèo , nhiều Giá Trị Văn Hóa – Xã Hội xuống cấp trầm trọng , và một viễn cảnh không mấy lạc quan do bị đe dọa bởi nguy cơ tụt hậu vĩnh viễn .

Vì sao điều kiện để tăng trưởng của Việt Nam là không thua kém hoặc vượt xa các nước đã dẫn ở trên nhưng GDP lại quá thấp ? Vì sao Việt Nam tăng trưởng trong một thời gian dài như thế nhưng đất nước lại không phát triển ? Vì sao các quốc gia nói trên lại có những bước tiến thần kỳ như thế ?

Nhiều người cho rằng đó là do hậu quả của cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây. Điều này không thuyết phục ,vì cuộc chiến đó đã thực sự đã lùi xa gần bốn thập niên (1975 – 2015). Một số nhà nghiên cứu cho rằng đó là do Việt Nam đang phải đối mặt với Nghịch Lý Tăng Trưởng , hay Tăng Trưởng Ảo : nền kinh tế đã hoạt động không có hiệu quả.

Nhìn từ góc độ quản trị kinh doanh, hiệu quả X của một nền kinh tế là hiệu số của GDP và phần Vốn :

X= GDP – VỐN *

* Những dạng vốn : Vốn Tài Chánh – Vốn Tài Nguyên Thiên Nhiên – Vốn Con Người : Sức Khỏe , Tri Thức – Vốn Xã Hội – Vốn Văn Hóa

Thế nhưng trong các nền Kinh Tế hiện đại , người ta có xu hướng đánh đồng X với GDP : X= GDP , nghĩa là mặc nhiên không tính tới lượng Vốn đã bỏ ra . Và trong một nước đang phát triển như Việt Nam , lượng Vốn có khi còn lớn hơn cả GDP cũng không phải là điều hiếm gặp . Do đó xu hướng dùng GDP để lượng giá nền kinh tế có rất nhiều khả năng dẫn đến hiện tượng Tăng Trưởng Ảo .

Thế còn vì sao GDP của Việt Nam lại quá thấp ? Nếu nhìn từ góc độ quản trị kinh doanh điều này cũng có thể giải thích được : đó là do khả năng Quản Lý và Sử Dụng Vốn của Việt Nam còn kém .Sự khác biệt giữa Việt Nam và các nền kinh tế thành công có thể xuất phát từ những điểm căn bản như vậy .

Vậy vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam là nhìn nhận lại mục tiêu GDP và các yếu tố Vốn . Tuy nhiên , điều đáng tiếc là không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả nước ngoài , các nghiên cứu về vấn đề này là không nhiều lắm .

Những nghiên cứu về những hạn chế của GDP trong việc đánh giá nền kinh tế đã xuất hiện từ lâu trên Thế Giới .

Năm 2007 , Quốc Hội Châu Âu với Bản Nghiên Cứu dày 95 trang ,có nhan đề : “ Những Chỉ Số Tiến Bộ thay thế cho GDP như là phương tiện hướng về sự Phát Triển Bền Vững ” ( Alternative progress indicators to Gross Dosmestic Product ( GDP ) as a means towards sustainable development ) , trong đó các tác giả Yanne Goossens , Arttu Makipaa , Philipp Schepelmann , Isabel van de Sand đã dành một phần dung lượng lớn của cuốn sách để nói về lịch sử của GDP , về ưu điểm cũng như các khiếm khuyết của nó , đồng thời giới thiệu 4 nhóm chỉ số mới :

- Nhóm ra đời từ sự “ hiệu chỉnh ” GDP ( Indicators “adjusting ” GDP : thí dụ chỉ số Đo Lường Phúc Lợi Xã Hội (Measure of Economic Welfare – MEW ) do Nordhaus và Tobin đề xuất ; Chỉ Số Phúc Lợi Kinh Tế Bền Vững ( Index of Sustainable Economic Welfare – ISEW ) và Chỉ Số Tiến Bộ Đích Thực ( Genuine Progress Indicator – GPI ) ; chỉ số GDP Xanh hay Hạch Toán Quốc Gia Xanh ( Green GDP , Green National Accouting ); chỉ số Tiết Kiệm Đích Thực ( Genuine Savings ) do Tổ Chức Ngân Hàng Thế Giới ( WB ) đề xuất .

- Nhóm thay thế GDP ( Indicators “ Replacing ” GDP ) : thí dụ , Chỉ Số Phát Triển Con Người ( Human Development Index – HDI) ;Chỉ Số Phát Triển Giới Liên Quan ( Gender – related Development Index – GDI ) ; Chỉ Số Dấu Chân Sinh Thái ( Ecological Footprint – EF ) ;Chỉ Số Hành Tinh Hạnh Phúc ( Happy Planet Index – HPI ) ; Chỉ Số Môi Trường Bền Vững ( Environmental Sustanability Index – ESI ) ; Chỉ Số Thực Hiện Môi Trường ( the pilot Environmental Performce Index – EPI ); Chỉ Số Phát Triển Chất Lượng Địa Phương ( Regional Quality of Development Index – QUARS )

- Nhóm “ bổ sung ” cho GDP dựa trên cơ sở những Hệ Thống Tài Khoản Quốc Gia – Xanh Hóa Tài Khoản Quốc Gia ( Greening the National Accounts ) : thí dụ , Hệ Thống Tài Khoản Kinh Tế Môi Trường ( System of Economic Environmetal Accounts – SEEA ) ; Hệ Thống Ma Trận Tài Khoản Quốc Gia bao gồm Tài Khoản Môi Trường ( National Accounting Matrix including Environmental Accounts – NAMEA ) ; Hệ Thống Tài Khoản Kinh Tế Môi Trường Đức ( German Environmental Economic Accounting – GEEA ) ; Hệ Thống Tài Khoản Xã Hội và Kinh Tế Ma Trận – Mở Rộng ( System of Economic and Social Accounting matrices and Extension – SESAME )


- Nhóm “ bổ sung ” cho GDP trên cơ sở đưa thông tin Môi Trường và Xã Hội vào GDP : thí dụ , Chỉ Số Phát Triển Bền Vững( Sustainable Development Index – SDI ) những Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ ( Millennium Development Goals – MDGs) .

Tháng 1 năm năm 2009 , trường Đại Học Boston trong Báo Cáo có nhan đề “ Vượt qua GDP : Nhu Cầu về những hệ Đo Lường Tiến Bộ Mới ” ( Beyond GDP : The needs for New Mesures of Progress ) do nhóm tác giả Robert Costanza , Maureen Hart , Stephen Posner , John Talberth chấp bút , nội dung kêu gọi về những chỉ số tốt hơn để phản ánh Phúc Lợi Con Người trên Thế Giới , các tác giả cũng phân tích để cho thấy chỉ số GDP là không còn phù hợp nữa , đồng thời cũng giới thiệu các chỉ số đo lường mới tương tự như tác phẩm đã nhắc đến ở trên của Quốc Hội Châu Âu .

Cũng trong năm 2009 , tờ Journal of Economic Psychology có đăng bài “ Nghịch Lý GDP ” ( The GDP Paradox ) trong đó tác giả C.J.M. van den Bergh đưa ra các tiểu mục phân tích đáng chú ý về GDP như : Khiếm Khuyết của chỉ số GDP , Ảnh Hưởng nghiêm trọng của những thông tin về GDP lên nền Kinh Tế , Đánh Giá những Chỉ Số Thay Thế GDP.

Cũng tác giả này , tháng 4 năm 2010 có bài đăng trên tờ Broker với nhan đề “ Ưu Điểm của việc bỏ qua GDP ” ( The Virtues of Ignoring GDP ) trong đó tác giả chỉ ra lý do tại sao GDP vẫn còn được áp dụng tại hầu hết các nền Kinh Tế , tác giả cho rằng từ bỏ GDP không có nghĩa là chống Tăng Trưởng ( Anti – Growth ) , tác giả cũng đặt câu hỏi ( và trả lời ) về lý do tại sao không nên ủng hộ sự tồn tại của GDP .

Tháng 1 năm 2010 trên trang Web Euroalter.com có đăng bài của Tommaso Rondinella nhan đề “ Đo lường Phúc Lợi ngoài GDP ” (Mesuring Well – Being beyond GDP ) , trong đó tác giả dẫn lời của Jose Manuel Barrso trong Hội Thảo “ Beyond GDP ” tổ chức tháng 10 năm 2007 như sau : “ Chúng ta không thể đối mặt với những thách thức của tương lai bằng những công cụ của quá khứ ” ( We cannot face the challenges of the future with tools from the past ). Tác giả cũng cho rằng những giới hạn của GDP đã được thừa nhận rộng rãi , tuy nhiên tìm kiếm những công cụ thay thế mới không phải là điều dễ dàng .

Tại Pháp , trong năm 2008 , Tổng Thống Pháp cùng 5 nhà Nobel Kinh Tế mở một hội thảo nhằm tìm kiếm những chỉ số thay thế cho GDP. Tại Buhtan , Quốc Vương xứ này đề nghị một chỉ số mới gọi là Tổng Hạnh Phúc Quốc Gia để thay thế cho GDP .

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết sau đây với các mục tiêu :

- Phân tích những bất ổn trong việc dùng GDP như một công cụ để lượng giá nền kinh tế.
- Phân tích hiệu quả của những dạng Vốn trong hoạt động kinh tế.
- Phân tích thực trạng GDP và những dạng Vốn trong nền kinh tế Việt Nam .

Đây là một nghiên cứu có phần thiên về tính lý giải . Các luận điểm được nêu ra và phân tích không phải là tư tưởng mới . Thực tế nghiên cứu nằm trong nỗ lực hệ thống hóa kho tư liệu tham khảo về nền kinh tế Việt Nam nói chung và vấn đề nghịch lý tăng trưởng nói riêng trong hơn ba thập niên qua dưới một hướng tiếp cận mới – nếu có thể gọi như vậy – ở góc độ Giá Trị nền kinh tế.

Người viết cũng muốn chỉ ra rằng nhiều chính sách kinh tế ở khắp nơi trên thế giới , những Bài Học và Kinh Nghiệm của Thất Bại hay Thành Công – thực tế không có gì xa lạ , phần đông chúng đã xảy ra rồi , nhưng có thể đã bị lãng quên hoặc cố tình lãng quên .

Bài Học về cái giá phải trả cho sự Tàn Phá Tài Nguyên Môi Trường chẳng hạn , ai cũng thấy , nước nào cũng thấy , cả thế giới điều thấy , nhưng có sửa chữa hay không lại là một chuyện khác !

Vấn đề bản chất của GDP đã được mỗ xẻ phân tích từ rất lâu , nhưng GDP vẫn cứ là công cụ đo lường quan trọng của nền kinh tế.

Vấn đề Tham Nhũng , ai cũng biết đây là một khắc tinh cho sự tăng trưởng kinh tế, là nguồn gốc của Đói Nghèo và Bất Bình Đẳng – thế nhưng cách khắc chế nó vẫn còn là một thách thức lớn nhất của thế giới.

Cũng do thiên về tính lý giải nên bài viết này chủ trương sử dụng các tư liệu mà không chú thích chi tiết – ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt
Bài viết cũng không cung cấp nhiều số liệu thống kê vì hai lẽ : nếu thực hiện đầy đủ các số liệu thì e rằng nghiên cứu sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ của một bài viết , và các số liệu này cũng sẽ nhanh chóng lạc hậu .

Đóng góp – nếu có thể nói như vậy – của bài viết này chính là việc tiếp cận nền kinh tế Việt Nam từ góc độ Quản Trị Kinh Doanh . Hướng tiếp cận này cho phép nhìn rõ nguyên nhân cơ bản của thực trạng yếu kém là do Bài Toán Thu ( GDP ) – Chi (Vốn) đã không được tuân thủ , từ đó đề xuất có những hiệu chỉnh mang tính chiến lược , nhằm hướng tới một phát triển thực chất và bền vững.

( Còn tiếp )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét