Văn phòng Trung ương Đảng chi tiêu 100 triệu USD/năm vào việc gì?
Theo thông tin của Bộ Tài chính thì dự toán chi tiêu năm 2014 của Văn phòng Trung ương Đảng là 1.925 tỷ đồng (gần 100 triệu đô la). Có lẽ đây là mức chi tiêu cao kỷ lục, cao hơn rất nhiều lần các Văn phòng tương đương, như Văn phòng Chủ tịch nước 196 tỷ đồng, Văn phòng Chính phủ 1.290 tỷ đồng, Văn phòng Quốc hội là 1.200 tỷ. So với lĩnh vực giáo dục cũng cao hơn rất nhiều lần, dự toán chi năm 2014 của ĐH Quốc gia Hà Nội là 709 tỷ đồng, ĐH Quốc gia Tp.HCM là 833 tỷ đồng.(Ảnh: Đại Kỷ Nguyên VN)
Ban Dân vận Trung ương và Ban Tuyên giáo hơn 154 tỷ đồng
Chi phí cho 2 ban này là rất lớn, chủ yếu là chi lương thưởng 55,2 tỷ đồng, và chi phí chuyên môn nghiệp vụ (đào tạo ngành, đi lại, tuyên truyền) 52 tỷ đồng.
Chi phí cao khiến người ta phải đặt câu hỏi có cần thiết phải duy trì nhân lực nhiều đến thế không, nhiệm vụ hai Ban này là ‘tuyên truyền’ (từ được dùng trong văn hóa của Đảng) chính sách của Đảng và vận động người thực hiện theo chính sách đấy. Nhưng nếu chính sách của Đảng một khi thiết thực và có lợi cho người dân thì đương nhiên dân sẽ thực hiện theo mà không cần phải dùng đến ‘tuyên truyền’ và không cần tốn kém chi phí nhiều đến thế. Việc đưa các chính sách của Đảng đến người dân đã có các địa phương làm rồi.
Vậy thay vì tốn kém chi phí nhiều cho hai ban này thì Đảng cần ra được chính sách thiết thực có lợi cho dân, như vậy vừa có hiệu quả vừa tiết kiệm được chi phí “tuyên truyền” không cần thiết.
Ban Nội Chính và Ủy ban Kiểm tra Trung ương 116,4 tỷ đồng
Dự toán chi năm 2014 cho hai Ban này là 116,4 tỷ đồng, còn số này rất lớn, nhưng trong năm 2014 chưa thấy hiệu quả lớn từ hai Ban này.
Ban Nội chính mới thành lập với nhiệm vụ chính là chống tham nhũng. Nhưng tham nhũng của Việt Nam không thuyên giảm, và chưa thấy dấu ấn của Ban Nội chính trong việc chống tham nhũng.
Ủy Ban Kiểm tra Trung ương cũng chưa cho thấy được tiếng nói của mình, trong năm 2014 chỉ thấy nổi rõ là vụ kiểm tra và kỷ luật ông Trần Văn Truyền, khi mà vụ việc đã được nhiều người biết thông qua báo chí. Nhưng vụ ông Truyền chỉ là tảng băng nổi, trên mạng xã hội còn rò rỉ nhiều thông tin khác nữa nhưng chưa hề được xử lý.
Báo chí, Nhà xuất bản 151 tỷ đồng
Có 3 tờ báo và 1 nhà xuất bản, đó là Báo Nhân Dân, Tạp Chí Cộng Sản, Báo Điện Tử ĐCSVN, Nhà Xuất Bản. Dự toán chi phí 2014 là 151 tỷ. Đây cũng là con số khổng lồ.
Trong khi các trang báo chí và nhà xuất bản khác đều có thị trường và tạo được nguồn thu của mình, thì riêng các trang báo của Đảng hoạt động lâu năm nhất nhưng vẫn mãi nằm trong diện “bao cấp”.
Nguyên nhân là vì các tờ báo của Đảng đều đưa tin cho Đảng và vì Đảng chứ không phải vì người đọc, không quan tâm đến độc giả muốn xem những tin gì, vì thế mà không tạo được thị trường.
Để các tờ báo này có người đọc, đã có Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 28/12/1996 về việc các cơ quan Đảng và Nhà nước phải mua báo Báo Nhân Dân và Tạp Chí Cộng Sản, đây được xem là bắt buộc phải mua, vì thế các cơ quan khi mua cũng chẳng có ai xem cả.
Báo chí Đảng xuất bản không ai xem, nhưng vẫn cứ phải xuất bản; và các cơ quan dù không ai xem vẫn cứ phải đặt mua. Tốn kém ngân sách 151 tỷ/năm, số tiền này mất mà không thu được chút lợi ích nào.
Đã có rất nhiều lời kêu gọi từ Đảng hay Chính phủ như tiết kiệm, quản lý chi ngân sách, tinh giản biên chế. Để những lời kêu gọi này có hiệu quả thiết thực thì trước mắt cần phải áp dụng ngay từ cơ quan cao nhất là Văn phòng Trung ương Đảng.
Ngọn Hải Đăng
(Đại Kỷ Nguyên Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét