Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

Cụ Lý Quang Diệu vẫn sống

Cụ Lý Quang Diệu vẫn sống
Nguyễn Khắc Mai - Tôi có viết bài ai điếu đăng trên Thôn Minh Triết, về cái tang của cụ Lý Quang Diệu, rằng Cụ đẫ về trời. Tôi thật hãnh diện vì đã đến thăm một thôn nhỏ với ngôi miếu thờ của thôn. Người hướng dẫn của đoàn chúng tôi là một cô bé người Hoa, nhí nhãnh,vui tươi, có ngón nghề hướng dẫn du lịch khá điệu nghệ. Đoàn tôi ai cũng nhận xét như vậy. 
Trên đường trở về, cô đưa chúng tôi đến thăm ngôi miếu ấy và kể cho chúng tôi nghe, thôn này vốn là quê hương gốc của gia tộc Cụ Lý Quang Diệu,trước khi đến định cư ở Singapore. Ngôi miếu ấy nay ở cạnh một con đường của thành phố Bằng Tường.Tôi thầm nghĩ trong bụng, thế là đây, vùng đất xưa của Đại Việt, các triều Lý Trần vẫn từng cai quản. 

Có một nhà nghiên cứu mách cho tôi rằng, người ta đã đào được ở đây một chiếc ấn của Tri phủ Bằng Tường đời Trần. Nghe nói GS Hà Văn Tấn cũng đã nói đến trong một quyển sách bàn về thời ký đồ đồng. Vật đổi, sao dời, thương hải tang điền là vậy. Cho nên trong lời ai điếu tôi có nhắc đến nguồn gốc Bách Việt của Cụ và xưng tụng Cụ là một người Bách Việt hiện đại. Chẳng phải thấy sang bắt quàng làm họ, mà chỉ là chút ngẫm nghĩ cuộc đời. 

Nghe nói sinh thời Cụ từng ao ước giá như quê hương Singapore của Cụ lại lớn, lại đông dân, lại có con người thông minh… như Việt Nam, (Cụ mới thỏa chí dọc ngang chăng). Tuy thế, cuộc đời của Cụ, 30 năm lớn lên, học hành tử tế, 50 năm cống hiến Cụ là người sáng lập và xây dựng làng chài nhỏ Singapore thành ra một quốc gia-dân tộc, văn minh, giàu có, sang trọng. Phải nhấn mạnh chữ trọng, vì thật, họ vừa sang vừa đáng kính trọng. Trong thời hiện đại không phải quốc gia nào giàu mạnh cũng có thể được gọi là sang trọng. Một con người cũng như vậy.

Có người tên nghe sang trọng, mà nhân cách thì không đáng trọng cho lắm.

Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là một vấn đề xã hội học lịch sử,vấn đề tốc độ trong thời kỳ tin học. Nhà nước-dân tộc Singapore xuất hiện từ những năm 50 của thế kỹ trước.Vậy là chỉ trong vòng nửa thế kỹ, trong thời hiện đại đã có thể hình thành một nhà nước rất mới. Sáu triệu người Singapore, nhiều sắc tộc hài hòa trong một xã hội, một Nhà nước văn hóa (họ không chỉ văn minh mà còn văn hóa)Singapore trở nên một quốc gia mới và tuyên bố độc lập vào thập kỹ 60.Có thể nói nửa sau TK 20, nhân loại bước vào một nền văn minh mới mà tin học ngày càng phát triển và chi phối hành vi của con người. Trong nền văn minh này người ta bắt đầu nói đên trạng thái xã hội hậu hiện đại. 

Tôi nhớ vào đầu thập kỹ 70 ngài Thủ tướng Canada bấy giờ đã chủ trì một cuộc hội thảo kéo dài, mời học giả quốc tế đên trình bày. Chính trong cuộc hội thảo này học giả người Pháp Lyotard đã đọc báo cáo, rồi được xuất bản ở Pháp với tên Điều kiện hậu hiện đại (Pham Xuân Nguyên gần 30 năm sau mới dịch và xuất bản ở Việt Nam). Tôi cho rằng Cụ Lý Quang Diệu và giới tinh hoa Singapore đã có nhãn quan thời đại nên đã như nhiều quốc gia dân tộc dù nhỏ bé ở Châu Âu đã tạo ra một tình thế chưa từng có: nhũng nước nhỏ, độc lập (trong liên lập), tự cường,văn minh hóa, xây dựng xã hội nhân văn, hài hòa, thịnh vượng…

Trong khi đó giới lãnh đạo và cái gọi là tinh hoa của Việt Nam cho đến nay vẫn đang bị cầm tù trong nhũng tư duy lạc hậu thảm hại!

Theo tôi hiểu thì đặc điểm quan trọng nhất của “Hậu hiện đai” là vượt qua kiểu tư duy “đại tự sự”, nói và nghĩ về những chuyện lớn lao như kiểu “tiến lên chủ nghĩa cộng sản trên pham vi toàn thế giới”, “chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại”, “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội”… Nhưng chỉ nói leo lẻo mà không biết đằng mù nào để hiểu nó là gì, đừng nói đến thực hiện. Nhân loại đã bước khỏi mô hình tư duy “tất định luận” kiếm tìm phương thức “phức hợp”,“bất định”. Việt Nam vẫn giam hãm mình trong một thứ giáo điều phản động. Bài học lớn nhất của Cụ Lý Quang Diệu là bài học ứng xử trong thời đại của tốc độ!

Trong một thời đại của “phức hợp”, của “bất định”, của hậu hiện đại… thì cái độc nguyên trở thành cái phi lý, cái phản động, nên ban đầu dẫu Cụ Lý có cái độc quyền, nhưng không đi đến độc tài, và khi xã hội đã có điều kiện mới thì sẵn sàng mở để nó tự tiến tới dân chủ. Biết tôn trọng cái đa, nên biết tập họp nhân tài, tôn trọng và đề cao nhân tài. Nền dân chủ của Singapore đang cho ta bài học vừa tôn cái quyết định của đa số, nhưng cũng biết trọng cái riêng cái thiểu số. Vì thế tượng đài của Cụ Lý cao và đẹp nhờ được đặt trên một cái nền tinh hoa của xã hội Singapore. 

Nói về tinh hoa và nhân tài Việt, tôi có hai trãi nghiệm nhỏ. Một là tại Ban khoa giáo TƯ khi GS Nguyễn Đình Tứ làm trưởng ban, nhân hội thảo về chính sách trí thức, tôi thưa “Đảng nên biết bái trí vi sư”. Tôi nói, tôi học cách nói này của Phan Bội Châu. Cụ nói bái thạch vi huynh, tôi vận dụng là bái trí. Điều cay đắng, là anh Tứ khoát vai tôi khi giải lao và nói "anh nói đúng nhưng họ không thực hiện được đâu”. 

 Hai là có lần tôi được Hội đồng Lý luận TƯ mời dự Hội Thảo về xây dựng đảng. Tôi nói về vai trò của ban tổ chức, ban tuyên huấn và dân vận. Tổ chức đúng ra là nơi biết tìm nhân tài, bồi dưởng và sử dụng nhân tài, thì đây chỉ là nơi tạo ra cơ chế mua quan bán tước từ cấp phường đến TW. Tuyên huấn phải là nơi tạo ra sự thăng hoa của tư tưởng, lý luận mới, trái lại chỉ là nơi duy trì giáo điều, bảo thủ. Dân vận lẽ ra phải kiến tạo xã hội dân sự cho dân chủ phát triển, trái lai cả nghiên cứu xã hội dân sự cũng không dám. Bấy giờ anh Trần Đinh Hoan ủy viên bộ chính trị, cựu trưởng ban tổ chức có mặt, đã để hai tay trước ngực vỗ nhẹ tỏ ý đồng tình với nhận định của tôi. Có điều sau đó họ không mời tôi dự nữa. Biết đặt mình trong một tập thể tinh hoa và người tài, hút lấy năng lượng của họ để bồi đắp cho nhân cách và năng lực lãnh đạo là bài học sáng giá mà Cụ Lý muốn gởi gắm cho chúng ta.

Điều thứ hai là nhân cách của Cụ Lý. Cụ có cái Trí để nắm bắt được mạch đi của thời đại. Cụ có cái Tâm để biết thương yêu và đã hành xử khá đẹp cái minh triết Việt “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, ứng dụng vào quan hệ xã hội của Singapore, với khu vực và với quốc tế. Thật đáng xót xa khi chính chủ nhân của minh triết ấy lại vô minh vô cảm đến vậy! 

Cụ có cái Tầm nghĩ và làm của thời đại, vì thế có sức lan tỏa, Á, Âu, Mỹ, Phi, Úc đều thương tiếc, kính phục Cụ Khi Cụ về trời. (Cái để lại vô vàn tình thương yêu cho nước non của Việt thật thua xa Cụ). Tinh tế khôn ngoan trong dạy dỗ con cháu,trong đối nhân xử thế. Chỉ riêng cái di chúc “hãy phá ngôi nhà của tôi để cho người láng giềng có thể xây nhà cao to hơn, để trồng ở đó một vườn cây cho mọi người”. Cao thượng quá. Tôi hy vọng chính phủ Singapore sẽ làm theo cái minh triết này, để bài học đó trở thành tài sản tinh thần của nhân loại. Chớ bắt chước Việt Nam bỏ qua di chúc của cái người mình coi là thần tượng, rồi làm những điều ngược lại, xây lăng lớn, miếu đền thờ phụng khắp nơi, nhưng làm gì cho nhân cách con người đừng ti tiện nhỏ bé thì không biết.

Đầu thế kỹ 20 phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục từng đề xướng: “Chính Phủ chẳng qua chỉ là người dân nắm chính quyền”. Một tổng kết về dân chủ, dân quyền hiện đại của (cho) Việt Nam. Nhưng hơn một thế kỹ người Việt không thi hành nỗi. Trái lại Cụ Lý và người Singapore thì cảm nhận và họ đã để lại cho Việt Nam chúng ta một bài học thành công về thế nào là một chính quyền thân dân, của dân, do dân, vì dân. Tôn Trung Sơn có lý khi nói rằng nhận thức dễ hơn hành động!

Hôm nay là ngày người Singapore tiễn đưa Cụ Lý về trời. Tôi viết những giòng này để cứ nghĩ rằng Cụ vẫn còn sống trong những dạng năng lượng m
à Cụ để lại và đang lan tỏa trong chúng ta,năng lượng của một người Bách Việt hiện đại./.

Nguyễn Khắc Mai
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 26-3-15
(Viet-studies)
http://viet-studies.info/kinhte/NguyenKhacMai_LyQuangDieu.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét