Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Những chiêu trò kinh doanh “bẩn”

Những chiêu trò kinh doanh “bẩn”
Ngày nay đạo đức con người càng ngày càng tụt dốc, những người lớn tuổi thì than thở rằng “bao giờ cho đến ngày xưa”. Trong kinh doanh, khi đạo đức bị xói mòn, chỉ chạy theo lợi ích cá nhân, chỉ vì cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài và lợi ích cộng đồng thì hậu quả đưa đến thật là khủng khiếp.

Thương lái Trung Quốc (Ảnh: doanhnhansaigon.vn)
Vụ chặt hạ cây xanh ở Hà Nội: Tiết lộ gây sốc của dân buôn gỗ
Báo Người đưa tin cho rằng, trong khi đơn vị thi công đã chặt 2.000 cây thì dư luận thắc mắc và băn khoăn tại sao Sở Xây dựng không công khai thông tin về đơn vị mua số cây bị chặt hạ và giá bán là bao nhiêu để người dân được biết?

Cũng theo Người đưa tin, hiện nay trên thị trường giá gỗ xà cừ cổ thụ, chất lượng gỗ tốt giá đang được người tiêu dùng ưa thích. Đặc biệt thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu nhập các sản phẩm nội thất, thớt, ván gỗ sản xuất từ gỗ xã cừ. Khách hàng Trung Quốc rất thích những sản phẩm được sản xuất từ cây gỗ cổ thụ như Hà Nội vừa khai thác, nếu gỗ chất lượng họ có thể trả giá cao hơn để mua được gỗ tốt. Như vậy, qua tiết lộ của dân buôn gỗ, người dân lại thấy đâu đó có sự liên quan đến thương lái Trung quốc.

Những bài học từ thương lái Trung quốc


Mua móng trâu, rễ tiêu, lá khoai lang non… những kiểu mua bán lạ đời của thương lái Trung Quốc thời gian qua đang đẩy nhiều loài nông sản vào cảnh tận diệt.

Thả ốc bưu vàng 1992-1995: Với chiêu “mua giá cao” của thương lái Trung Quốc, nông dân đổ xô đi nuôi ốc bưu vàng tại các ao,hồ, đầm và bất cứ đâu có thể nuôi được. Chỉ sau một thời gian, ốc bưu vàng sinh trưởng nhanh, đẻ trứng và xâm hại khắp các cánh đồng của Việt Nam. Khi đó các thương lái Trung Quốc mua giá rẻ rồi ngừng mua khiến bao cánh đồng của Việt Nam chịu đại nạn ốc bưu vàng tàn phá mùa màng cho đến nay.

Mua móng trâu, bò: khoảng sau 1995, phong trào “giết trâu lấy móng” diễn ra rầm rộ ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam, vì lúc bấy giờ giá của bốn cái móng bằng giá… cả một con trâu khi bán cho thương lái Trung Quốc. Một số người dân và bọn “trâu tặc” tìm cách chặt móng trâu đem bán. Chỉ một thời gian rất ngắn, số lượng trâu, bò của ta giảm mạnh.

Thu mua mèo: năm 1997, thương lái Trung Quốc ráo riết thu mua mèo với giá cao. Người dân lùng sục khắp các thôn bản, ngõ ngách, nhà nào có mèo là mua về để bán sang Trung Quốc. Thậm chí, nhiều người còn trộm mèo đem bán, tình trạng bắt trộm mèo diễn ra khá phổ biến, đời sống của bà con xóm làng xáo trộn. Nguy hại nhất là đại dịch chuột diễn ra vào những năm 1997 – 1998, một phần do số lượng mèo đã cạn kiệt. Sau đó, nông dân lại phải mua thuốc diệt chuột giá cao của Trung quốc.

Thu mua cây, triệt phá rừng: các thương lái săn lùng mua cây máu chó, hoàng đằng, củ ba mươi, cây khúc khắc (thổ phục linh), cây cu li tươi với giá cao ở vùng núi miền trung. Ban đầu, người dân chỉ khai thác ở những bìa rừng, nhưng sau đó thì đào xới mọi nơi để bán, làm hại đến rừng, kể cả rừng lõi và rừng đặc dụng.

Cuối năm 2012, một số thương lái Trung Quốc cũng đến huyện Châu Thành (Hậu Giang) đặt vấn đề mua ngọn sắn, lá sắn non với giá 1.500 đồng/kg khiến người dân đổ xô trồng. Tuy nhiên, chỉ một năm sau giá lá sắn giảm mạnh, người mua “bặt vô âm tín”. Người trồng sắn đứng ngồi không yên, do thu hoạch lá non khiến sắn không ra củ được.

Mấy năm trước, thương lái Trung Quốc còn phao tin, sưa, một loại gỗ quý của Việt Nam, có thể chữa được nhiều bệnh tật và tận thu với giá cao. Thấy lãi, “sưa tặc” thi nhau chặt trộm gỗ sưa bán cho Trung Quốc, khiến lượng gỗ quý này hiện giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Năm 2013, trên địa bàn Tây Nguyên rộ lên việc thương lái Trung Quốc thu mua gốc, rễ cây hồ tiêu đang sống với giá 40.000 đồng/kg. Nhiều người nghèo ham lợi đã đào bới trộm rễ tiêu đem bán khiến hàng chục ha tiêu có nguy cơ bị hủy hoại.

Đầu năm 2014, rất nhiều đoàn thương lái người Trung Quốc đến các tỉnh miền Tây đặt hàng mua số lượng lớn lá khoai lang với giá 10.000 đồng/kg. Họ yêu cầu một hợp tác xã vận động nông dân cắt lá khoai lang đem đến nơi tập trung để đưa xe đến chở và chi tiền hoa hồng 1.000 đồng/kg. Theo các chuyên gia nông nghiệp, khoai lang bị vặt lá non thì năng suất sẽ giảm trên 50%, có thể không cho củ được.

Ngày 10/2/2014, thương lái Trung Quốc tung tin thu mua mầm thảo quả với giá gần 50.000 đồng/kg, trong khi giá bán cao nhất vào dịp giáp Tết chỉ từ 16.000 – 18.000 đồng/kg. Ở Hà Giang và nhiều địa phương biên giới phía bắc, thảo quả là cây xóa đói giảm nghèo vì có giá trị kinh tế cao. Nếu người dân chặt mầm ồ ạt thì thiệt hại kinh tế là rất lớn.

Những tháng đầu năm 2014, tại các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong (Nghệ An), thương lái Trung Quốc tiến hành thu gom dược liệu, chủ yếu là lá chua ke với giá 7.000-8.000 đồng/kg. Hàng trăm người đã đổ xô vào rừng, tận diệt loài cây quý này, khiến khu dự trữ sinh quyển có vành đai xanh lớn nhất Đông Nam Á (Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát) bị đe dọa nghiêm trọng.

Rồi rất nhiều các loại như ếch, ba ba, lươn, rắn, tắc kè…đã bị đẩy giá để thu mua, nhằm phá hoại. Hãy thử đến biên giới Lạng sơn, bạn sẽ chứng kiến cảnh buôn bán những mặt hàng nông sản, gỗ quí, các cây con đủ các loại đang hàng ngày ùn ùn đi qua biên giới theo kiểu tận diệt, hủy hoại môi trường của Việt Nam, phá hoại kinh tế từ tận gốc. Những chiêu trò này đã diễn ra quá lâu, vậy mà nông dân vì quá nghèo đói, vì mưu sinh cuộc sống nên vẫn bị mắc bẫy của chúng.

Thế còn việc chặt hạ cây sưa và các cây cổ thụ ở Hà Nội thì không phải là nông dân bị lừa, mà là người có học vẫn bị lừa, bị ma lực của đồng tiền dẫn dắt đến làm việc sai trái.

Họ không biết là thương lái đang muốn phá nốt môi trường sinh thái vốn đã không còn tốt của Hà Nội, để rồi mùa hè nơi đây chỉ còn sắt và bê tông, sẽ là một mùa hè rực lửa.

Thành Tâm
(Đại Kỷ Nguyên VN)

1 nhận xét:

  1. Nhà nước hôi của thì dân cũng hôi của, nên đất nước VN nát tan bành. Tiến thoái lương nan , tốt nhất là theo Hồi giáo cho dân bớt khổ.

    Trả lờiXóa