Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Nhất hạng

Nhất hạng
Hồ Anh Thái - Năm 2008 tôi mới đến thăm Angkor ở Siem Riep. Một quần thể đền chùa đồ sộ, kiến trúc và điêu khắc rất ấn tượng. Một sự pha trộn các sự tích của đạo Hindu và đạo Phật. Trong đền thấy toàn tượng thần Sáng Tạo Brahma bốn mặt, ở Angkor gọi là Bayon, nhưng bản địa lại nhầm lẫn coi đấy là Shiva, thần Hủy diệt và Tái tạo. 

Minh họa của Kim Duẩn
Toàn là các hiện thân của thần Bảo Vệ Vishnu, rồi chim thần Garuda, rắn thần Naga, bò thần Kamdhenu (bò cái mới là thần, còn bò đực Nandi chỉ là phương tiện giao thông của Shiva), rồi các vũ nữ trên thiên đường Apsara, rồi biểu tượng sinh thực khí mang những cái tên đặc Ấn Độ là linga và yoni… Giữa không khí Bà La Môn giáo và Hindu giáo như vậy, thỉnh thoảng lại như lạc vào một pho tượng Phật hoặc đôi ba sự tích đời Phật. Điêu khắc trên sa thạch và đá xanh rắn chắc, ngay cả ở chỗ nó nứt vỡ sụp đổ thì vẫn gây cảm giác bền chắc. Linh hồn Ấn Độ trong một thể xác Campuchia, cũng có thể xem là linh hồn Campuchia trong một thể xác Ấn Độ.


Nhưng ấn tượng Angkor bị suy giảm đáng kể, bởi vì trước đó tôi đã đến Ấn Độ, không chỉ đến mà đã ngang dọc khắp Ấn Độ sáu năm trời. Có thể nói Ấn Độ có hàng chục quần thể đền đài tầm cỡ như Angkor, quy mô diện tích như thế hoặc hơn thế, đền đài lớn cao như thế hoặc hơn thế, mỹ thuật như thế hoặc hơn thế, điêu khắc không phải trên đá xanh đen mà trên cẩm thạch sa thạch. Đấy là quần thể đền Khajuraho tám mươi lăm ngôi đền trên mấy cây số vuông, xây từ thế kỷ X, nay còn lại hai mươi hai ngôi đền, nổi tiếng với điêu khắc hình trai gái giao hoan. Đấy là quần thể thành quách và đền đài ở thành Chittorgarh kéo dài uốn lượn trên những đỉnh núi. Đấy là đền Mặt trời Konarak xây từ thế kỷ XIII. Đấy là quần thể chùa Phật giáo trong những hang động ở Ajanta và Ellora với hàng chục ngôi chùa trong hang, hàng trăm bức bích họa trên tường hang kể sự tích Phật, được tạo tác từ thế kỷ thứ II.

Đấy là Belur và Halebid, thế kỷ XII, phù điêu và tượng được đục khắc trên đá, đá mà nét khắc mềm mại tinh xảo như thể nghệ nhân xưa đã nhào nặn bằng chất dẻo. Thần thánh Hindu trong đền chùa Ấn Độ mặt trái xoan, mũi cao, mắt búp sen, môi mọng, khi sang đến Angkor Campuchia hay tháp Chàm Việt Nam đã được điều chỉnh theo bản địa, thành ra mặt tròn mắt nhỏ mũi tẹt. Vẫn thần thánh ấy vũ nữ ấy, trong đền thờ Ấn người thon chân dài, sang đến Đông Á thành người bụ chân ngắn. Rồi sự pha trộn giữa thần thánh Hindu giáo và các nhân vật lịch sử của Phật giáo. Rồi thần thánh Hindu giáo mà lại xuất hiện trong các tháp Chàm Hồi giáo, trong khi Hồi giáo vốn cấm tư duy bằng hình ảnh, đền thờ Hồi giáo không bao giờ được có tranh tượng hình người hình thú. Đành rằng ta vẫn biết một nền văn hóa phái sinh có thể là tập hợp của những yếu tố bên ngoài và yếu tố bản địa, thậm chí nhiều tôn giáo khác nhau có thể hòa trộn thành một tín ngưỡng mới.

Biết đền chùa Ấn Độ rồi, biết Angkor và tháp Chàm rồi, tôi thực sự ngạc nhiên khi đọc những bài viết cảm thán rằng Angkor là khu đền vĩ đại nhất thế giới. Một nhà văn hóa còn cảm thán đại loại tháp Chàm có thể chịu ảnh hưởng của Ấn Độ nhưng hồn vía và tâm linh đã đậm nét hơn nền văn minh mà nó được khởi nguồn.

Sao lại có thể hấp tấp nhận định như vậy. Bạn mới đến Angkor thôi, bạn đâu đã biết hàng chục hàng trăm hàng nghìn đền đài Ấn Độ. Xa hơn nữa, bạn đâu đã biết gì về những đền đài ở Trung Đông, Nam Mỹ. Thế giới này rộng dài lắm mà chân người lại ngắn, nói năng gì cũng cần thận trọng. Bạn cũng đâu biết gì về tâm linh hồn vía trong kiến trúc và điêu khắc Ấn Độ mà dám so sánh rằng những thứ ấy ở tháp Chàm sâu đậm hơn.

Tâm lý gặp cái gì mình ngưỡng mộ cái gì mình thích thì reo lên rằng nó nhất. Một tâm lý tự thị tự đắc, cái gì mình biết mình mê thì không gì khác có thể sánh được. Tâm lý quẩn quanh ao nhà ếch ngồi đáy giếng. Nhìn lên miệng giếng thấy tròn như cái mâm thì cho rằng bầu trời bằng cái mâm và trời chẳng to hơn cái chỗ mình đang ngồi. Vừa lòng đắc ý với những gì trong tầm mắt tầm tay của mình mà không nghi ngờ không phản biện. Mà đấy toàn là các nhà báo hoặc các nhà văn hóa, những người lẽ ra phải có tư duy khoa học, phải biết tự phản biện và luôn luôn nghi ngờ, nghi ngờ cả những định kiến định luận tưởng như chân lý. Nghi ngờ cả phán xét của những ông Tây thực dân tưởng như rất có uy tín.

Sinh thời Đức Phật, có lần một đệ tử nói rằng Phật là người thầy vĩ đại nhất thế gian. Người bèn hỏi lại rằng đệ tử có biết hết các bậc thầy đang sống trên thế gian lúc này hay chưa. Tất nhiên là chưa. Đệ tử có biết hết các bậc thầy trước thời Phật và các vị sẽ sinh ra trong tương lai hay chưa. Tất nhiên là chưa. Phật kết luận, vậy thì chẳng có lý do gì mà đệ tử lại bảo Phật là người thầy vĩ đại nhất thế gian.

Người nói thêm, trên thế gian này có rất nhiều người thầy lớn, họ có cách của riêng mình để dẫn dắt chúng sinh. Hàm ý việc so sánh ai lớn hơn ai là vô nghĩa và vô ích.

Bài học của hai nghìn năm trăm năm trước chắc không đến được với tâm lý nhược tiểu, cố rướn mình cố kiễng chân, cố khẳng định cái gì mình có cái gì mình biết là to nhất lớn nhất tốt nhất đẹp nhất.

Một tình trạng lan tràn là sự thiếu cơ bản, thiếu chuyên nghiệp. Người có cơ bản ở lĩnh vực này khi động tay vào lĩnh vực khác lập tức lộ ngay ra cái thiếu cơ bản. Chuyên nghiệp ở lĩnh vực này khi quá đà nhảy sang lĩnh vực khác phô ngay ra cái không chuyên nghiệp. Làm một phóng viên đã là đủ, đâu nhất thiết phải tạt sang làm người định giá những công trình kiến trúc điêu khắc. Làm một nhà văn cho đúng nghĩa không dễ, đâu nhất thiết vội vàng thành nhà văn hóa, phán bừa phán ẩu về một nền văn minh mà mình không hiểu rõ. Rướn mình làm gì, tạt sang tay ngang làm gì, nóng vội làm gì, tận dụng cơ hội gây dựng danh tiếng làm gì. Làm một nhà khoa học đích thực chưa chắc đã thành, lại còn ngấp nghé trên các phương tiện thông tin đại chúng để làm một ông biết tuốt, không còn là nhà khoa học mà chỉ là nhà tuyên truyền khoa học.

Đó chính là tình trạng thiếu cơ bản tình trạng nghiệp dư đang phổ biến khắp nơi. Đáng sợ là các nhà đều tin vào điều mình nói mình viết, không một chút hoài nghi, không một giây phút lật lại vấn đề và tự phản bác.

Tính tự tôn tự đắc tự cao rất nhiều khi phô lộ ra ở chỗ được nhầm tưởng là cảm tính. Ông thích thịt chó thì bảo là bọn Tây không biết ăn thịt chó là chúng nó dại nhất hạng. Sao ông không nghĩ rằng có thể có bọn Tây bình phẩm với nhau rằng kẻ nào không biết ăn bơ không biết ăn pho mát là dại nhất hạng. Người Mông Cổ sẽ bảo rằng kẻ nào không biết uống sữa ngựa là dại nhất hạng. Người Ấn sẽ bảo kẻ nào không biết ăn cà ri là dại nhất hạng.

Lại cũng có ông bảo dùng đũa như người Á Đông mới là văn minh, còn dùng dao dĩa như Âu - Mỹ là rắc rối, dùng tay như người Nam Á là không vệ sinh. Người Nam Á phản bác: dùng đũa mới là thiếu văn minh, đôi đũa của nhiều người cùng khoắng vào một bát canh, một bát nước chấm, gắp miếng thịt lên rồi bỏ xuống cho người khác gắp lại.

Nói thế để thấy cái ta tin cái ta thích cái ta yêu bao giờ cũng có thể bị phản bác có thể lật ngược. Mọi sự khẳng định như đinh đóng cột đã bao hàm trong ấy sự phá sản, rồi có lúc cột mục cột lung lay cột gẫy. Mọi lời lập luận mạnh mẽ đã hàm chứa trong nó một hiệu ứng ngược. Một nhà phê bình phê phán tác phẩm của một nhà văn đã viết đại ý chỉ phường đĩ điếm mới chửi nhau chứ sao văn nhân lại chửi nhau. Ông ta coi bọn chửi nhau là phường đĩ điếm. Câu nói của ông ta đang là một câu chửi nhà văn. Và theo đúng lập luận của ông ta, kẻ nào chửi bới chính là kẻ thuộc về phường đĩ điếm. Lý sự của ông ta quay ngược lại, đập trúng vào chính người lý sự.

Chỉ cần có lúc ta biết nhìn vấn đề bằng mắt của người khác. Không phải để bị lệ thuộc vào quan điểm người khác rồi đánh mất mình, mà đơn giản là có thể nhìn nhận nhiều chiều. Người ta sẽ không thấy mình là nhất
. Thế gian này còn nhiều cái nhất, còn lắm điều hay, mà không biết mở rộng tầm nhìn, không biết mở rộng trí não mở rộng cảm xúc, thì chỉ mãi mãi quẩn quanh với những thứ bé nhỏ hẹp hòi của mình, và giống như trường hợp vừa kể, lập luận của mình có thể đi đến chỗ phản chính mình.

http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=80&NewsId=344058

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét