Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

Bộ Kế hoạch-Đầu Tư: DN Việt ngày càng lép vế

Bộ Kế hoạch-Đầu Tư chỉ rõ DN Việt ngày càng lép vế
(Doanh nghiệp) - “Tình hình DN trong nước vẫn khó khăn, tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu là DN nước ngoài, phần của DN trong nước thậm chí còn giảm”. Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Thu đã khẳng định điều này mặc dù số liệu tổng hợp ban đầu và báo cáo của các bộ ngành, địa phương cho thấy kinh tế vẫn trên đà phát triển tốt và có rất nhiều dấu hiệu tốt hơn cùng kỳ 2014.

Từ các ngành xây dựng, chăn nuôi đến thị trường bán lẻ 
đều được các nhà đầu tư ngoại quan tâm muốn thâu tóm
Theo đó, Thứ trưởng Thu nhận định: “Tóm lại là doanh nghiệp FDI vẫn tăng trưởng cao, doanh nghiệp trong nước vẫn khó khăn”. Cụ thể, báo cáo sơ bộ của Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân cho biết, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất hàng xuất khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu quí 1 ước đạt gần 35,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó xuất khẩu của doanh nghiệp FDI không kể dầu thô ước đạt 24,02 tỉ đô la Mỹ, tăng 16,2% và chiếm 67,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, còn kể cả dầu thô ước đạt 25,08 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,9%.

Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 10,6 tỉ đô la Mỹ, giảm 5,1%.

Nhận định dựa trên con số này, một nữ dại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói: doanh nghiệp FDI hiện nay đã chiếm tới gần 70% giá trị xuất khẩu, khu vực doanh nghiệp trong nước chiếm chưa tới 30% còn lại.

"Tham gia xuất khẩu chủ yếu là doanh nghiệp trong nước quy mô vừa. Điều này cho thấy doanh nghiệp trong nước rất khó khăn, không tiếp cận được thị trường xuất khẩu.

Trong khi đó, khi các hiệp định FTA, TPP dự kiến được ký kết và có hiệu lực, thì vẫn có tới 80% doanh nghiệp trong nước chưa chuẩn bị cho hội nhập.

Đây là điều lo ngại vô cùng. Tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm đến 97%, và tình hình sức khỏe nói chung của họ là yếu, nên dẫn đến hệ lụy là không tiếp cận được thị trường xuất khẩu. Như vậy, chỉ ngay hội nhập với Asean là chúng ta đã chết rồi”, bà nói.

Doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm và mở rộng

Có một thực tế thời gian qua các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm thị trường Việt ngày càng thể hiện rõ. Đơn cử như ngành thủy sản gần như các doanh nghiệp ngoại đang chiếm lĩnh thị trường.

Theo Hội Nghề cá Việt Nam, hiện thị trường thức ăn cho thủy sản có 80% thị phần đang nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó thức ăn cho tôm là sự “độc bá” gần như 100% của các DN Uni-President (Đài Loan), CP (Thái Lan), Tomboy (Pháp)…

Bên thức ăn cho cá tra thì có các DN: Cargill (Mỹ), Green Feed, Proconco (liên doanh với Pháp), Anova… chiếm thị phần cũng trên 60 – 70%.

Không những thế, các DN nước ngoài còn nắm luôn cả thị trường cung cấp con giống và thuốc thú y cho thủy sản. Hiện hàng năm, DN nước ngoài cung cấp hàng tỷ con tôm giống cho thị trường trong nước, trong đó con giống tôm thẻ chân trắng hầu như là độc quyền của Công ty CP.

Hiện các doanh nghiệp nước ngoài hiện có mở rộng đầu tư sản xuất, trong đó nhiều doanh nghiệp da giày, may mặc, lắp ráp điện tử, xây dựng... có xu hướng mở rộng quy mô về các tỉnh.

Theo Chủ tịch HĐTV TCty Công nghiệp Xi măng (Vicem) Lương Quang Khải, nhìn nhận từ kinh nghiệm các quốc gia đi trước cho thấy: Tham vọng của các Tập đoàn lớn xuyên quốc gia là thâu tóm, điều phối thị trường xi măng (XM).

Thực tế thời gian qua, một số nhà máy XM làm ăn thua lỗ như XM Cẩm Phả, XM Hạ Long, XM Đồng Bành… đã trở thành “đích ngắm” của nhiều DN nước ngoài.

Dù biết rằng trong câu chuyện thị trường “nơi biển lớn”, tình trạng “cá lớn” nuốt “cá bé” là bình thường, song giới chuyên môn e ngại sự lép vế của doanh nghiệp trong nước đang ngày càng khiến cho nền kinh tế trở nên khó khăn hơn.

Ngược lại khi nền kinh tế dần hồi phục thì các doanh nghiệp nội địa lại ít được hưởng từ phần hồi phục này thì cũng là một thiệt thòi.

Phương Nguyên (Tổng hợp)

http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/bo-ke-hoach-dau-tu-chi-ro-dn-viet-ngay-cang-lep-ve-3239609/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét