"Chả biết họ mua gỗ mỡ làm gì mà mua đắt thế?"
Người dân ở hai xã Tân Thịnh, Đại Lịch, huyện Văn Chấn (Yên Bái) vừa qua bán được mấy trăm cây mỡ với giá cao ngất ngưởng. Họ chả biết người ta mua để trồng cây cảnh hay làm gì mà đắt thế? Vừa rồi xem trên ti vi thấy nói rằng những cây mỡ đó mang về trồng ở đường phố Hà Nội nói là “vàng tâm”. Mỡ vàng tâm, có mà vàng mắt mới nhìn mỡ ra vàng tâm. Đúng là chuyện hài hước chưa từng nghe thấy bao giờ…
Ông Tạ Quang Đoàn (phải) và ông Hà Công Tắc (trái) trong đồi mỡ nhà anh Bằng vừa được tỉa bán..
|
Tôi đang lên huyện Trạm Tấu tìm hiểu trận cháy rừng mới xảy ra cách đây mấy ngày, vừa bảnh mắt đã nhận được điện thoại của Trần Cao, Trưởng ban Phóng viên – Biên tập Báo NNVN: “Anh ở trên đó kiểm tra thông tin các báo nói rằng cây trồng thay thế trên đường phố Hà Nội mua ở xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn có đúng không? Họ mua thế nào, giá cả ra sao, mua của người dân hay mua trong các vườn ươm nhé”.
Trước khi xuống, tôi điện cho Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Văn Chấn Vũ Đình Trường để kiểm tra thông tin, anh bảo tôi: “Đúng là vừa rồi có người tới Văn Chấn mua cây mỡ, bác tới xã Tân Thịnh tìm gặp Trạm trưởng Kiểm lâm khu vực Hoàng Văn Đức, anh ấy sẽ dẫn tới từng gia đình bán cây. Cây mỡ là cây vườn rừng chả cấm mua bán, họ tới mua thì tốt cho bà con quá…”.
Hoàng Văn Đức đợi tôi ở ngã ba Mỵ, gặp tôi anh dẫn đi ngay vào gia đình anh Lại Thế Vượng, thôn 13, xã Tân Thịnh. Nghe tôi hỏi chuyện mua bán cây mỡ về trồng ở Hà Nội, anh Vượng lo âu: “Ấy, bác đừng viết để em đi tù nhé”. Tôi bảo: “Ai dám bỏ tù chú! Cây trong vườn đồi của gia đình, người ta đến mua thấy có lời thì bán, chứ có phải chuyện mua bán quốc cấm gì…”. Nghe thế anh Vượng mới yên tâm hăm hở dẫn tôi lên đồi.
Đồi chè trồng xen mỡ gia đình anh Lại Văn Vượng vừa được đánh bán hơn 30 cây
|
Anh bảo: “Hôm 10/3/2015 có một người tên là Khương, chả biết anh ấy ở đâu vào đây đặt tiền mua mỡ, họ bảo là mỡ vàng tâm, với giá 300 ngàn đồng kể cả công đánh gốc, bốc lên xe. Đồi nhà em đây bác xem có rất nhiều mỡ không. Gia đình từ lâu cũng muốn tỉa thưa bán, bán cho các xưởng làm ván bóc cũng chỉ được 40-50 ngàn đồng một cây. Nay có người đến trả 300 ngàn thì sướng quá. Thế là em thuê người đánh gốc, mua gom của 3 nhà nữa được 50 cây vừa đủ một chuyến xe…”. Tôi hỏi Vượng: – Việc mua bán có hợp đồng, hóa đơn không?
Anh Vượng bên cây mỡ bị thải loại
|
Hố đào các gốc mỡ chi chít trong vườn rừng nhà anh Nguyễn Văn Bằng
|
Vượng cười cười: “Làm gì có hóa đơn, hợp đồng. Họ đặt tiền trước em mới đánh. Đánh ra họ không lấy thì có mà chết à? Nhà em có 30 cây còn em mua của các hộ khác mỗi cây 80 ngàn, thuê đánh hết 100 ngàn. Đánh cấp tập trong hai ngày, ngày 12/3 thì bốc lên xe cho họ, bị loại gần 30 cây cong, vẹo và quá to. Em chả biết họ mua mỡ về làm gì, trồng cây cảnh hay sao mà mua đắt thế. Hôm rồi xem ti vi mới biết họ mua về trồng trên đường phố. Em đang đợi họ tới mua đấy, mãi chưa thấy đến”.
Chúng tôi vào đồi mỡ gia đình Nguyễn Văn Bằng, những hố đánh gốc chi chít, đất đỏ loét. Ông Tắc chỉ vào mấy cây bị sâu ăn trụi lá, nom như cây khô chết đứng. Tôi rùng mình nhìn vào gốc cây bên cạnh, sâu cả mấy trăm con, kéo đàn kéo lũ bò từ ngọn cây xuống sau khi đã ăn trụi lá để bò sang cây khác.
Ông Tắc bảo: “Nhiều cây sâu ăn hết lá còn ăn cả vỏ cây, khiến cây chết khô…”. Theo ông Tạ Văn Đoàn: “Xã Đại Lịch có mấy người mua gom cây mỡ để bán cho người ta mang về Hà Nội, đến ngày 21/3 thì không thấy ai lên mua nữa”. Tôi hỏi Hoàng Văn Đức: “Có ai xác nhận chất lượng giống của những cây này?”. Đức lắc đầu: “Họ mua gom, có chuyến họ chả lấy xác nhận của xã, chở đi chui lủi thì có ai xác nhận?”.
|
- Nhà anh có bao nhiêu cây mà đòi bán? Tôi hỏi tiếp. Vượng cười tít mắt khoát tay chỉ lên mấy quả đồi phía bên kia cánh đồng: “Dân ở đây có hàng vạn cây, chưa kể lâm trường Ngòi Lao, có mà trồng 3 Hà Nội không hết…”. Nói rồi anh chỉ vào gốc cây mỡ non, sâu bò lổm ngổm: “Dưng mà sao họ lại mua mỡ để trồng ở đường phố nhỉ? Cây này sâu nhiều lắm nhá, một năm chúng ăn trụi lá mấy lần, nhìn cây bị sâu ăn nom khiếp lắm”.
Tôi theo Hoàng Văn Đức vượt đèo Bẳn vào xã Đại Lịch dưới trời mưa dầm dề. Đại Lịch là xã vùng sâu vùng xa của Văn Chấn, kể từ hôm 10/3 đến nay dân xôn xao chuyện có người đến đây mua cây mỡ 5-6 tuổi về trồng với giá 150 ngàn đồng một cây, công đánh gốc 150-200 ngàn đồng. Chuyện lạ chưa từng thấy, người dân ở đây chỉ trồng cây to bằng ngón tay cao độ 25-30 cm, nay có người đến hỏi mua cây cao 5-6 m, vanh gốc (chu vi) 40-50 cm, đánh bầu to gần bằng cái thúng để mang về trồng.
Ông Tạ Quang Đoàn, thôn 6, mỉm cười: “Tôi nguyên là cán bộ kiểm lâm về hưu cách nay hơn chục năm, thấy người ta vào đây mua cây mỡ vàng tâm. Các cụ ở đây cũng gọi là cây mỡ vàng tâm, vì lõi nó màu vàng, nhưng không phải là vàng tâm. Vàng tâm mọc trong rừng, sinh trưởng rất chậm, gỗ tốt hơn cây mỡ nhiều.
Thằng cháu họ tôi tên là Nguyễn Văn Bằng ở ngoài kia có một đồi mỡ. Người ta đến trả 150 ngàn đồng một cây, rồi thuê người ở đâu tới đánh bầu vận chuyển ra gần đường để bốc lên xe. Tôi hỏi thì họ bảo: Mua về để trồng trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Lạ quá, đường cao tốc trồng cây này làm gì nhỉ? Hôm rồi xem ti vi mới hay họ mang về trồng trên đường phố Hà Nội.
Thằng con trai tôi học lâm sinh và tôi xem xong cứ cười mãi, cây mỡ có tán đâu mà trồng cây bóng mát ở thành phố? Cây mỡ rễ cọc, nay bị chặt rễ cọc rồi mà cây lại cao, gỗ mềm chịu sao nổi gió bão? Ở đây cả rừng cây, cây nọ dựa vào cây kia có trận bão bị quật gãy đổ hàng loạt, nay mang về thành phố thì chịu sao nổi bão, gãy đổ như chơi…”.
Sâu mỡ nhìn mà thấy rùng mình trên thân một cây mỡ.
|
Nói rồi ông Đoàn cùng ông Hà Công Tắc là cán bộ địa chính, lâm nghiệp xã Đại Lịch dẫn tôi ra đồi mỡ nhà Nguyễn Văn Bằng, ông Đoàn bảo: “May quá, thằng Bằng đang định tỉa cây bán cho các cơ sở làm ván bóc, nay có người trả 150 ngàn đồng cây, nó bán luôn…”.
Ông Tắc cho biết: “Tôi đã ký giấy thẩm tra cho cháu Bằng và ông Trần Xuân Lượng về nguồn gốc để xã ký đóng dấu xác nhận cho chủ vườn rừng làm thủ tục vận chuyển được hai chuyến, tổng số 100 cây. Còn nghe bà con nói họ mua ở Đại Lịch chừng 150 cây rồi, một số cây không đạt tiêu chuẩn bà con cắt cây, bỏ lại gốc đầy ngoài đường kia”.
Yên Bái: Chúng tôi chưa ký hợp đồng bán cây cho Hà Nội
Ông Phạm Tuấn Anh – Chủ tịch xã Đại Lịch (huyện Văn Chấn) cho biết, trong những ngày gần đây có rất nhiều xe tải từ Hà Nội đến gom mua cây giống của bà con trong xã, số cây này được xác nhận là cây mỡ (hay còn gọi là cây vàng tâm) được trồng rất phổ biến trên địa bàn xã. Những cây được gom về Hà Nội có đường kính trung bình từ 10-12m (khoảng 3-4 năm tuổi), theo lời bà con giá bán 1 cây đánh gốc tại vườn và xếp lên tới xe là 300.000 đồng.
“Xe tải từ Hà Nội lên họ gom mỗi nhà 1-2 cây, thành ra cũng không thể nắm rõ được số lượng cây mỡ cụ thể họ đã thu mua tại xã”. – ông Tuấn Anh nói.
Ở xã Đại Lịch, cây mỡ đều do bà con tự ươm trồng tại đất nhà và phát triển rất tốt. Khi trưởng thành gỗ của cây mỡ chủ yếu được người dân sử dụng để làm nhà, đóng ván làm một số đồ gia dụng hoặc làm quan tài.
Tuy nhiên, theo xác nhận của Chủ tịch xã Đại Lịch thì "những ngày gần đây, không thấy xe Hà Nội lên đây lấy cây nữa rồi”.
Tiếp tục lãm rõ thông tin về những cây mỡ này, PV đã trao đổi với ông Vũ Quốc Đông - Chánh văn phòng huyện Văn Chấn và được biết, hiện tại văn phòng huyện chưa ký kết văn bản hay hợp đồng về việc mua cây với các đơn vị ở Hà Nội. "Có thể, các đơn vị mua qua các công ty tư nhân, còn huyện không nắm rõ về vấn đề này”, ông Đông nói.
Tương tự, kiểm lâm huyện Văn Chấn - hạt trưởng Lê Xuân Kết cũng cho biết, hạt kiểm lâm không có liên quan và không nắm được thông tin việc mua bán cây với các đơn vị ở Hà Nội.
(Theo ANTT)
|
(Theo Nông nghiệp VN)
http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/227541/-cha-biet-ho-mua-go-mo-lam-gi-ma-mua-dat-the--.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét