Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Bầu cử kiểu … Úc

Bầu cử kiểu … Úc
tuan's Blog - Tôi thích xem các tờ rơi và quảng cáo trong các cuộc bầu cử ở Úc. Mỗi lần bầu cử là mỗi lần các đảng vận động tranh cử với những sáng tác rất hay. Tôi phải nói là “sáng tác”, bởi vì đó là những sản phẩm văn hoá đòi hỏi suy nghĩ của người tạo ra chúng. Họ dùng những sáng tác đó để tấn công đối thủ chính trị, và để thuyết phục cử tri rằng đảng của họ là xứng đáng cầm quyền. Nhưng mỗi quảng cáo chỉ có vài giây, và cái thách thức là làm sao nói cho được nội dung và thuyết phục cử tri trong vài giây đó.

Chẳng hạn như năm nay cuộc bầu cử bang New South Wales sắp diễn ra, với 2 đối thủ chính là đảng Lao Động và đảng Liberal. Đảng Liberal đang cầm quyền. Lãnh tụ của đảng Lao Động là ông Luke Foley. Ông này chưa từng làm bộ trưởng hay chức vụ gì quan trọng cả. Để tấn công điểm yếu này, phía đảng Liberal tung ra >>> cái video clip 15 giây trên các đài truyền hình sau đây!

Nếu các bạn xem cái video clip thì sẽ thấy chữ L được lấy làm điểm nhấn. Mẫu tự L là một phần của tên ông Foley. Nhưng L được viết trên nền màu vàng, còn có một ý nghĩa khác. Ở bang New South Wales, người đang học lái xe được cấp bảng L để treo trước và sau xe để cho người khác thấy người đang lái xe là đang tập lái. Cái biển L cũng là một cảnh báo cho người lái xe là phải cẩn thận với người đang tập lái. Do đó, nhấn mạnh chữ L có nghĩa là nhấn mạnh cái ý rằng ông Foley đang tập làm lãnh đạo! Trong khi chữ L được nhá nhá thì giọng đọc nữ nói rằng ông Foley chỉ là kẻ cơ hội chính trị, chưa bao giờ có kinh nghiệm lãnh đạo, vậy mà ông ấy đòi làm thủ hiến bang! Chữ “state” được kéo dài ra như là một cách mỉa mai và nghi ngờ. Mẫu quảng cáo được kết thúc bằng câu “Coi chừng hắn” (cũng giống như coi chừng mấy người mới có bằng lái xe hạng L).

Tôi thấy quảng cáo này rất hay, vì người sáng tác ra nó rõ ràng là biết sử dụng thông tin, cộng với yếu tố hình ảnh và âm thanh một cách rất hữu hiệu. Xem xong là người ta biết ngay Foley là kẻ không có kinh nghiệm và … nguy hiểm (mới có chữ “coi chừng hắn”). Dĩ nhiên, đó chỉ là một cách mua vui mang tính chính trị thôi, chứ ông Foley thì chắc thừa khả năng điều hành một bang lớn như New South Wales.

Sáng nay đến viện, tôi chợt chú ý đến một cái billboard dán trên cột điện có hình của một người trông thấy quen quen. Hoá ra đó là hình của ông Tony Abbott, đương kim thủ tướng. Phía dưới hình là chữ HOPLESS thật lớn. Dĩ nhiên, trong tiếng Anh, “hopeless” có nghĩa là “vô vọng” (hết hi vọng). Nghĩ lại đây là một sự chơi chữ rất hay. Tác giả cái billboard này dùng ý tưởng và mô-típ của cái billboard bên Mĩ với hình ông Obama và phía dưới là chữ HOPE (hi vọng). Abbott là vô vọng, còn Obama là hi vọng. Hay.

Mấy tuần nay, nhiều người Úc rất giận Chính phủ của ông Abbott về một vài vấn đề địa phương. Nhưng ông ấy đã được bầu thủ tướng, nên đâu làm gì được để truất phế ông ấy. Người dân chỉ còn cái quyền duy nhất và thiêng liêng là freedom of expression -- tự do diễn ngôn. Họ đem hình ông Abbott ra chế diễu và qua đó tạo ra tiếng nói. Còn sinh viên thì phát tờ rơi [có nghĩa Việt là] “Đá Abbott ra khỏi Chính phủ”. Tất cả đều được làm một cách công khai.

Nhìn cái tự do của người Úc, tôi chợt nghĩ đến Việt Nam. Không nói ra ai cũng biết chẳng ai ở VN có cái quyền “freedom of expression”. Không thích Chính phủ hay người nào đó trong Chính phủ thì người dân chỉ im lặng, chứ không dám nói công khai. Nếu ai dám nói ra thì lập tức sẽ bị làm phiền, thậm chí cho đi tù, và khi ra tù thì sự nghiệp coi như tiêu tan, con đường tương lai gần như bị triệt tiêu. Còn người Úc thì họ có quyền nói thoải mái. Họ lên tivi, họ viết báo, viết blog, họ sáng tác nghệ thuật để nói lên tiếng nói phản đối của họ. Chẳng ai làm khó gì họ. Ông Tony Abbott thừa biết người ta đang chửi và đang ghét ông, nhưng ông vẫn hành xử một cách quân tử và làm theo cái sứ mệnh mà ông ấy nghĩ là người dân bầu cho ông ấy. Ông ấy chẳng ra bắt bớ ai hay làm khó bất cứ ai phản đối ông ấy. Thật ra, ông Abbott không có quyền đó.

Tôi nghĩ cách hành xử và thái độ của chính quyền Úc thể hiện một sự tự tin của một Nhà nước trưởng thành. Một Nhà nước trưởng thành chấp nhận các quan điểm dị biệt. Chỉ biết hi vọng Nhà nước Việt Nam cũng đối xử với những người bất đồng chính kiến như Nhà nước Úc, và cho người dân cái quyền thiêng liêng “freedom of expression” mà ông cụ Hồ từng đấu tranh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét